Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Lịch sử Yên Bái >> Chính trị

Phục vụ chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ

09/12/2019 20:52:44 Xem cỡ chữ Google
Sau các thất bại nặng nề ở Tây Bắc (12/1952), Thượng Lào (4/1953) và các mặt trận khác trên chiến trường Đông Dương, tháng 7 năm 1953, thực dân Pháp thực hiện “kế hoạch Na-va” hòng giành lại thế chủ động chiến lược trên chiến trường chính, chuyển bại thành thắng. Chúng dự kiến đến năm 1954 tổ chức 7 sư đoàn cơ động chiến lược với 27 binh đoàn, gấp 3 lần số binh đoàn hiện có.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh (bên trái Chủ tịch), Phạm Văn Đồng (bên phải Chủ tịch),Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 (ảnh tư liệu)

“Kế hoạch Na- va” gồm hai bước: bước 1, thu đông năm 1953 và xuân năm 1954 giữ vững thế phòng ngự chiến lược ở Bắc vĩ tuyến 18, tránh đương đầu với quân chủ lực ta, xây dựng quân chủ lực của chúng, đồng thời tiến công ở Nam vĩ tuyến 18 để bình định miền Nam, miền Trung Đông Dương, xóa bỏ vùng tự do liên khu V của ta; bước 2, mùa thu năm 1954 chuyển toàn bộ lực lượng ra Bắc, mở cuộc tiến công chiến lược, giành thắng lợi quân sự quyết định, gây áp lực buộc ta đàm phán theo những điều kiện do chúng đề ra, nếu không chúng sẽ tiếp tục tiến công tiêu diệt ta.

Thực hiện “kế hoạch Na- va”, tháng 7/1953, Pháp cho quân tập kích vào thị xã Lạng Sơn nhằm phá kho tàng, công xưởng và gây thanh thế. Tháng 8, địch rút toàn bộ lực lượng ở cứ điểm Nà Sản (Sơn La) về tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ; tiến hành càn quét mạnh đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên và Nam Bộ.

Để phá tan “kế hoạch Na- va” của địch, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi quyết định, tháng 9 năm 1953, Bộ chính trị Trung ương Đảng đã họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông - Xuân 1953-1954. Dựa trên phương hướng chiến lược của Hội nghị Trung ương lần thứ tư (1/1953), Bộ  Chính trị đã chủ trương đưa bộ đội lên Tây Bắc hoạt động, buộc địch phân tán lực lượng, tạo ra thời cơ tiêu diệt sinh lực của chúng, đồng thời đẩy mạnh hoạt động ở các chiến trường khác, chuẩn bị điều kiện tiến tới giải phóng đồng bằng Bắc Bộ.

Bộ Chính trị chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954 bằng ba đòn tấn công lớn: tấn công Lai Châu, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc, phối hợp với quân giải phóng Lào, giải phóng Phông Sa Lỳ, Trung Lào và Hạ Lào; phối hợp với quân giải phóng Cămpuchia giải phóng Đông Bắc Cămpuchia; đánh thông đường chiến lược Bắc Nam Đông Dương, giành lấy địa bàn chiến lược Tây Nguyên, phá âm mưu bình định miền Nam của địch.

Cuối tháng 11 năm 1953, bộ đội chủ lực ta tiến lên Tây Bắc. Để bảo vệ Lai Châu và che chở cho Thượng Lào, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ (20/11/1953). Tháng 12 quân ta giải phóng thị xã Lai Châu. Tiếp đó phối hợp với quân giải phóng Lào, Cămpuchia giải phóng nhiều vùng rộng lớn của hai nước này; giải phóng Bắc Tây Nguyên. Thắng lợi to lớn của ta trên khắp các chiến trường đã phá vỡ khối cơ động chiến lược của Pháp, buộc Pháp phải phân tán lực lượng, “kế hoạch Na-va” bước đầu bị phá sản.

Sau khi chiếm Điện Biên Phủ, Pháp đã xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng thấy ở Đông Dương, thách thức và chấp nhận trận quyết chiến chiến lược với ta ở đây.

Ngày 6 tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm đánh bại cố gắng quân sự cao nhất và cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Quyết tâm chiến lược của Đảng bắt đầu được thực hiện bằng quyết tâm hoàn thành chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch. Đảng đã huy động sức mạnh, tiềm lực của quân dân cả nước hỗ trợ và cung cấp bảo đảm cho chiến dịch Điện Biên Phủ giành được thắng lợi.

Trải qua 8 năm kháng chiến, tình hình mọi mặt Yên Bái đã có những thay đổi to lớn. Bộ đội địa phương và dân quân du kích được xây dựng, qua chiến đấu gian khổ, ác liệt đã trưởng thành, khả năng chiến đấu ngày càng cao. Hậu phương đang tiếp tục được xây dựng, củng cố lớn mạnh, qua phát động quần chúng giảm tô, giảm tức và đấu tranh tiễu phỉ, phong trào cách mạng quần chúng phát triển với khí thế mới. Chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quần chúng được củng cố thêm một bước. Đảng bộ ngày càng trưởng thành, có thêm kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng, nhất là các kinh nghiệm tổ chức, vận động quần chúng. Đó là những thuận lợi to lớn để chúng ta huy động sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chưa bao giờ quân dân Yên Bái được giao nhiệm vụ nặng nề như lúc này nhưng Đảng bộ đã phát động được phong trào quần chúng sôi nổi, hào hùng phục vụ và cung cấp cho tiền tuyến.

Từ cuối năm 1952, Đảng và Chính phủ đã giao cho Đảng bộ, quân dân Yên Bái mở đường từ Hiên (Tuyên Quang) đi Ba Khe đến đường số 41 (Sơn La). Trong vòng 3 tháng (8 - 11/1953) hàng chục nghìn dân công của tỉnh đã làm 1.638.000 công sửa và làm mới 188 km đường, bảo đảm xe ô tô có thể chạy được giữa căn cứ địa Việt Bắc và Tây Bắc.     

Từ tháng 11 năm 1953 đến tháng 5 năm 1954 (thời gian ta chuẩn bị và mở chiến dịch Điện Biên Phủ), địch tập trung đánh phá ác liệt tuyến đường này (còn gọi là đường 13A). Thống kê cho thấy đoạn đường chạy qua Yên Bái đến giáp Sơn La, địch đã ném tới 11.778 quả bom các loại, trong đó có 508 quả nổ chậm. Các nơi máy bay giặc đánh phá ác liệt nhất là bến phà Âu Lâu, đèo Lũng Lô. Hơn hai trăm ngày đêm tuyến đường này không lúc nào im tiếng bom đạn nổ.

Tỉnh ủy tổ chức động viên, huy động được 31.652 dân công làm 1.650.740 công, 2700 công thuyền máy, 650 công xe đạp thồ phục vụ tiền tuyến. Tỉnh Yên Bái (cả huyện Yên Bình) đã cung cấp cho mặt trận Điện Biên Phủ 1.840 tấn gạo, 372 con trâu, 489 con lợn và hàng chục tấn rau xanh.

Dân công, bộ đội địa phương Yên Bái đã khắc phục mọi khó khăn gian khổ, hy sinh vượt qua đèo cao, suối sâu, mưa, rét vượt qua các khu vực máy bay đánh phá và bom nổ chậm chuyển được hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí ra mặt trận. Hàng nghìn thanh niên xung phong phối hợp với các đơn vị công binh anh dũng mở đường, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, sửa chữa cầu phà. Trong 7 tháng bảo đảm giao thông, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, bến phà Âu Lâu và đèo Lũng Lô chỉ bị tắc 8 ngày đêm. Bến phà Âu Lâu bình thường chỉ có 30-40 xe qua/ đêm, mỗi chuyến mất 30 phút, có đêm đã đưa được 93 xe qua sông, mỗi chuyến phà chỉ hết 15 phút.

Do làm tốt công tác bảo đảm giao thông (chống địch phá hoại, chống lầy lún, mưa lũ, bảo đảm vượt sông, chống biệt kích do thám) đường Yên Bái đi Ba Khe - Sơn La an toàn, thông suốt, thật sự trở thành con đường huyết mạch không ngừng chở lương thực, vũ khí từ căn cứ địa Việt Bắc phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ.

Trong 9 năm cùng cả nước dốc sức cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xuất phát từ tình hình đặc điểm của địa phương, nắm bắt được mưu đồ của kẻ thù, ngay từ những ngày đầu kháng chiến Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã khẩn trương tập trung lãnh đạo mọi lực lượng chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến đấu lâu dài giành độc lập, tự do cho quê hương. Từ tháng 10 năm 1947, khi thực dân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược lên Tây Bắc, quán triệt đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh là chính, Đảng bộ  đã phát huy truyền thống bất khuất chống ngoại xâm, khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân các dân tộc Yên Bái, phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực tiến hành giải phóng hoàn toàn quê hương (10/1952). Sau khi tỉnh nhà được giải phóng, trước âm mưu gây phỉ của thực dân Pháp, nhằm chống lại cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo sâu sát của Trung ương, Đảng bộ đã tiến hành xây dựng, củng cố hậu phương vững mạnh về mọi mặt, kiên quyết đánh bại mưu đồ của các lực lượng phản động, bảo vệ thành quả kháng chiến trên quê hương và góp phần đáng kể trong sự chi viện, phục vụ sức người, sức của cho chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ.   

Từ quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ Yên Bái đã rút ra được một số kinh nghiệm quý: nắm vững đường lối của Đảng, căn cứ vào thực tiễn địa phương đề ra các chủ trương, giải pháp thích hợp; đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ cán bộ từ nhiều nguồn; quán triệt và thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng “đoàn kết, bình đẳng, tương trợ”; phải chăm lo xây dựng chính quyền vững mạnh, đặc biệt là cơ sở, xây dựng lực lượng vũ trang đủ mạnh đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp, công tác vận động quần chúng đối với vùng cao, dân tộc cần chú ý vận động tầng lớp trên, già làng, trưởng bản.

Sức mạnh của Đảng bộ là sự trung thành tuyệt đối với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng; vững vàng, kiên định trong khó khăn, thử thách; sáng tạo, quyết đoán trong thời điểm bước ngoặt; gắn bó máu thịt với nhân dân, đề ra được các hình thức, biện pháp vận động, tổ chức quần chúng đúng đắn, tập hợp được quanh mình tất cả các lực lượng yêu nước, cô lập cao độ kẻ thù.

Đảng bộ lãnh đạo thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh vừa tổ chức cuộc đấu tranh trong vùng địch tạm chiếm vừa xây dựng, củng cố hậu phương, góp phần đắc lực cùng bộ đội chủ lực mở các chiến dịch lớn như chiến dịch Tây Bắc, giải phóng toàn tỉnh (1952), chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), đánh bại cố gắng quân sự cao nhất và cuối cùng của thực dân Pháp, buộc chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh xâm lược Đông Dương, tạo điều kiện giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Thắng lợi vĩ đại ấy, đã mở ra một giai đoạn mới cho dân tộc Việt Nam, giai đoạn Yên Bái cùng miền Bắc bước vào  thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, ra sức chi viện cho cách mạng miền Nam, thực hiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.  

(Bài viết sử dụng tài liệu trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái)

222552 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h