Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc
trao đổi với đồng chí Đào Duy Niên - Phó cục trưởng Cục THADS tỉnh Yên Bái về
một số điểm mới Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014.
P.V: Thưa
đồng chí, theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS, người dân được
tạo điều kiện thuận lợi như thế nào trong việc xác minh điều kiện thi hành án
(THA)?
Đồng chí Đào Duy Niên: Có thể nói, THADS
là công việc hành chính mang tính chất đặc thù, trong đó thi hành các bản án, quyết
định của tòa án nhân dân (TAND) đã có hiệu lực thi hành có hai loại việc mà cơ
quan THADS phải tổ chức thi hành đó là: phải thi hành các khoản thu cho Nhà
nước như án phí, tiền phạt, tiền truy thu và thi hành theo đơn yêu cầu của công
dân, các tổ chức xã hội, đó là các khoản tiền bồi thường.
Luật THADS năm 2008 quy định trong đơn yêu
cầu THA phải có các nội dung chính: "Thông tin về tài sản hoặc điều kiện
THA của người phải THA", do đó đã gây rất nhiều khó khăn cho công dân và
các tổ chức khi làm đơn yêu cầu THA (Điểm d Điều 31 Luật THADS năm 2008). Luật
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014 đã cơ bản khắc phục được những
khó khăn, bất cập cho người dân trong việc xác minh điều kiện THA, đó là không
bắt buộc người phải THA xác minh điều kiện THA của người phải thi hành mà chỉ
quy định: "Thông tin về tài sản, điều kiện THA, nếu có".
Như vậy, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật THADS năm 2014 đã không bắt buộc người được THA phải thông tin về tài
sản hoặc điều kiện THA của người phải THA trước khi làm đơn yêu cầu THA, trách
nhiệm này thuộc về các chấp hành viên cơ quan THADS trong khi tổ chức THA sau
khi đã quyết định đưa vụ việc ra thi hành. Như vậy, đây là điều kiện rất thuận
lợi cho người dân khi làm đơn đề nghị THA không phải xác định tài sản, điều
kiện THA của người phải THA nữa.
Việc xác minh điều kiện thi hành là công
việc hết sức quan trọng của chấp hành viên cơ quan THA, đây chính là cơ sở để
chấp hành viên phân định rõ ngay từ ban đầu cho một việc THA (có điều kiện thi
hành hay không có điều kiện thi hành), từ đó áp dụng các biện pháp giáo dục, thuyết
phục hay cưỡng chế THA theo quy định của pháp luật nhằm giải quyết dứt điểm hồ
sơ THA.
P.V: Xin
đồng chí cho biết rõ hơn về việc áp dụng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật THADS, chấp hành viên sẽ có thêm những quyền hạn cụ thể gì?
Đồng chí Đào Duy Niên: Luật Sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật THADS năm 2014 là văn bản hợp nhất giữa Luật THADS
năm 2008 và Luật THADS sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014, trong đó có nhiều
điều khoản giữ nguyên hoặc bổ sung, sửa đổi. Như vậy, những điều khoản vẫn giữ
nguyên thì cơ quan THA vẫn áp dụng theo quy định của Luật 2008 còn những điều
luật có sửa đổi hoặc bổ sung thì cơ quan THADS phải áp dụng cả hai luật đó là:
Luật THADS năm 2008 và Luật Sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Về cơ bản, Luật Sửa đổi, bổ sung chủ yếu là
khắc phục những điểm bất cập trong thực tiễn hoạt động THA của chấp hành viên
và tạo điều kiện cho người dân trong quá trình THADS.
Chính vì vậy, chấp hành viên không có thêm
nhiều quyền hạn mà chỉ là mở rộng thêm những quyền hạn cho chấp hành viên để tổ
chức thi hành đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, có ảnh hưởng đến
tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương như việc áp
dụng các biện pháp bảo đảm THA gồm: biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở
nơi gửi giữ; tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự; tạm dừng việc đăng ký, chuyển
quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.
Về các biện pháp cưỡng chế THA; trong
đó, quy định cụ thể về cưỡng chế đối với tài sản sở hữu chung, giải quyết tranh
chấp liên quan đến tài sản THA, xử lý tài sản đã giao nhưng bị đương sự chiếm
đoạt... Kê biên, định giá, định giá lại, giảm giá, bán đấu giá tài sản để THA, trong
đó quy định cụ thể hơn nhằm bảo đảm quyền lợi của người mua được tài sản...
Miễn, giảm nghĩa vụ THA đối với các khoản thu nộp cho ngân sách Nhà nước trong
các trường hợp người phải THA lâm vào tình trạng khó khăn...
P.V: Cục
THADS tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện thế nào để Luật Sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật THADS thực thi hiệu quả trên địa bàn tỉnh, thưa đồng chí?
Đồng chí Đào Duy Niên: Sau khi Luật Sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015,
Cục THADS tỉnh đã triển khai nhiều hội nghị tập huấn cho cán bộ, công chức, đặc
biệt là hội nghị triển khai thi hành Luật cho cán bộ ngành tư pháp các huyện,
thị xã, thành phố diễn ra vào cuối năm 2015 vừa qua và trên phương tiện thông
tin đại chúng của địa phương.
Bên cạnh đó, Cục đã chỉ đạo các chi cục THADS
cấp huyện phối hợp với cơ quan tư pháp các huyện, thị xã, thành phố triển khai
hội nghị tập huấn về việc thực hiện các điểm mới của Luật THADS năm 2014 cho
các cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn nhằm tuyên truyền cho đông đảo nhân dân
hiểu biết và chấp hành pháp luật về THADS thông qua công tác tư pháp tại cơ sở.
Đặc biệt, công tác THADS, mỗi cán bộ, công
chức ngành THADS tỉnh Yên Bái phấn đấu là một tuyên truyền viên pháp luật về
THADS. Đến nay, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014 đã
được triển khai rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh và đang được thực hiện có hiệu
quả.
Chúng tôi tin tưởng rằng, Luật Sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật THADS năm 2014 sẽ khắc phục được những bất cập, hạn
chế trên thực tế của công tác THADS, giúp cho hệ thống các cơ quan THA nói
chung và THADS tỉnh Yên Bái nói riêng hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ
được giao năm 2016 và các năm tiếp theo.
P.V: Xin
cảm ơn đồng chí!
(Theo Báo Yên Bái)