Trong
thời gian qua, tình trạng săn bắt, buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực
vật hoang dã trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, đe dọa trực tiếp đến sự
đa dạng sinh học và phát triển bền vững của hệ sinh thái. Đã đến lúc các cơ
quan chức năng cần tăng cường các biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học, xử lý mạnh
tay hơn nữa với các vi phạm, đặc biệt vi phạm có tổ chức nhằm từng bước khôi
phục cân bằng sinh thái, góp phần phục vụ cho sức khoẻ con người.
Hiện
nay, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên toàn địa bàn tỉnh là 418.495 ha.
Trong đó, rừng tự nhiên chiếm 238.976 ha, rừng trồng chiếm 179.519 ha... Rừng
Yên Bái được Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI), Quỹ Bảo tồn thiên
nhiên Việt Nam (VCF) đánh giá có độ đa dạng sinh học phong phú, đa dạng về
chủng loại. Bên cạnh đó, hệ thực vật ở Yên Bái có khoảng 1.035 loài thực vật
bậc cao thuộc 161 họ, 561 chi, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: pơ mu, lim,
sến, táu, gù hương, lan kim tuyến, củ rắn cắn…
Về động
vật rừng, có khoảng 72 loài thú, 240 loài chim, 48 loài bò sát… Vẫn có sự xuất
hiện của nhiều loài thú có giá trị, được ghi trong sách Đỏ Việt Nam như: sơn
dương, gấu, vượn đen tuyền, gà lôi tím, voọc xám... Các loài này hiện đang tập
trung chủ yếu ở các khu rừng tự nhiên tại các huyện còn nhiều tài nguyên rừng
như: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Yên, Lục Yên, Trấn Yên.
Đặc
biệt, Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải và Khu Bảo tồn
thiên nhiên Nà Hẩu, huyện Văn Yên là hai địa điểm còn tồn tại rất nhiều loại
động, thực vật quý hiếm. Tuy nhiên, hệ sinh thái động thực vật đang bị đe dọa
nghiêm trọng bởi tác động của con người, tình trạng sử dụng động vật hoang dã
làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, trưng bày… đang có xu hướng gia tăng, kéo theo
đó là tình trạng săn bắt, buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp; việc chặt cây về
làm nhà, làm đồ mỹ nghệ, làm thuốc… vẫn còn là vấn đề khó giải quyết ở vùng
cao, vùng sâu.
Hơn
nữa, một vấn đề không thể không đề cập đến là trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án
thủy điện lớn nhỏ, ít nhiều gây mất cân bằng sinh thái, thậm chí thay đổi một
phần đặc điểm khí hậu ở các vùng lân cận.
Điều
này cũng dẫn đến việc đa dạng sinh học bị xáo trộn, sự tồn tại của các loài
động, thực vật bị ảnh hưởng. Đó là còn chưa kể đến tập quán đốt nương làm rẫy
của bà con dân tộc rất dễ gây cháy rừng, dẫn đến sự suy giảm loài, nguy cơ
tuyệt chủng những loài động, thực vật quý hiếm...
Theo
báo cáo của Công an tỉnh Yên Bái, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện,
điều tra, xử lý tổng số 32 vụ (33 đối tượng) vi phạm pháp luật về bảo vệ động
vật hoang dã. Trong đó, khởi tố hình sự 1 vụ (2 bị can), xử phạt vi phạm hành
chính 31 vụ (31 đối tượng) với tổng số tiền là 155 triệu đồng, tiến hành cứu hộ
và thả lại về rừng nhiều động vật hoang dã, quý hiếm...
Về thực
vật (lâm sản), đã xử lý 98 vụ với 61 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực lâm sản,
thu giữ 74,79 m3 gỗ pơ mu; 7,71 m3 gỗ đinh trắc; 52,44 m3 gỗ rừng khác; xử phạt
vi phạm hành chính 604 triệu đồng, tịch thu hàng có giá trị 1,289 tỷ đồng; khởi
tố hình sự, chuyển truy tố 2 vụ (2 bị can) về tội hủy hoại rừng gây thiệt hại
5,1 ha rừng phòng hộ và 4,55 ha rừng sản xuất...
Để nâng
cao hiệu quả trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học, thiết nghĩ, các cấp, các
ngành cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng, lợi ích của
rừng mang lại nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là người dân vùng
có rừng, các khu rừng đặc dụng.
Đại tá
Phạm Ngọc Thắng - Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Trong thời gian tới, lực
lượng công an sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng khác để kiểm
soát, phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý
rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Bằng thực tiễn và rà soát, lực lượng công
an sẽ có những tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung,
kiện toàn khung pháp lý và chính sách về quản lý và bảo vệ các loài động thực
vật hoang dã. Đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật đối với các vi
phạm.