BTV: Thưa
ông xe môtô điện, xe máy điện là loại phương tiện không tốn tiền mua xăng,
không cần Giấy phép lái xe, với mức giá dao động trên dưới 10 triệu đồng, người
tham gia giao thông có thể sở hữu một chiếc xe chạy tương đương với vận tốc của
chiếc xe máy. Chính vì vậy, vài năm trở lại đây hai loại này đã trở thành
phương tiện phổ biến của học sinh phổ thông và người lớn tuổi ở các thành phố.
Xin ông cho biết vì sao bây giờ xe môtô điện và xe máy điện cần phải đăng ký?
* Đại tá Nguyễn Hữu Biên - Phó Giám đốc Công an tỉnh:
-
Tại Khoản 18 Điều 3 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Xe mô tô điện,
xe máy điện là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Khoản 3 Điều 53 luật
này quy định xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền cấp.
-
Như vậy tất cả xe môtô điện, xe máy điện bắt buộc phải được đăng ký, cấp biển
số theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo việc quản lý nhà nước đối với
loại phương tiện này; đồng thời qua đó để người dân ý thức được rằng loại
phương tiện này cũng có tốc độ giống như xe môtô, xe máy thông thường nên cần
phải có ý thức chấp hành nghiêm luật giao thông. Việc quy định này đã được thực
hiện từ khi Luật giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực thi hành… chứ không
phải là bây giờ mới có quy định.
-
Tuy nhiên, do thời gian trước nhiều doanh nghiệp nhập loại phương tiện này
không có chứng từ nguồn gốc và không được cấp giấy chứng nhận ATKT&BVMT nên
việc đăng ký xe môtô điện, xe máy điện không thực hiện được. Do vậy ngày
22/10/2015 Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 54/2015/TT-BCA hướng dẫn việc
miễn các chứng từ nguồn gốc cho việc đăng ký xe môtô điện, xe máy điện đến hết
ngày 30/6/2016 để tạo điều kiện cho nhân dân đến làm thủ tục đăng ký, quản lý
theo quy định.
BTV: Thưa ông muốn đăng ký xe môtô, xe máy điện thì người
dân cần phải gặp ai? ở đâu? Thời gian là bao lâu?
* Đại tá Nguyễn Hữu Biên - Phó Giám đốc Công an tỉnh:
- Để đăng ký xe mô
tô điện, xe máy điện người dân (tùy hộ khẩu thường trú của mình) đến Phòng Cảnh
sát giao thông hoặc Công an cấp huyện được phân cấp công tác đăng ký xe để làm
thủ tục đăng ký theo quy định. Đối với địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay có 5 điểm
tiến hành đăng ký, quản lý phương tiện gồm:
+ Phòng Cảnh sát
giao thông 2 điểm, gồm: Điểm 1 (trụ trụ sở Phòng CSGT- CA tỉnh Yên Bái- Tổ 72,
P.Yên Ninh-TP Yên Bái) và điểm 2 (trụ sở Đội Phòng cháy, chữa cháy khu vực
Nghĩa Lộ thuộc thôn Ả Hạ, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ) đăng ký xe cho người
có hộ khẩu thường trú trong toàn tỉnh.
+ Công an cấp huyện
được phân cấp công tác đăng ký xe gồm huyện Văn Yên, Lục Yên, Mù Cang Chải đăng
ký xe cho người có hộ khẩu thường trú tại những địa phương đó.
+ Thời gian làm thủ
tục đăng ký: Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ sẽ được cấp ngay biển số và giấy hẹn
lấy Giấy chứng nhận đăng ký xe sau 02 ngày làm việc.
BTV: Xin hỏi ông Việc
đăng ký đối với xe mô tô điện, xe máy điện thực hiện như thế nào? Và xe đạp
điện, xe máy điện được hiểu như nào cho đúng?
* Đại tá Nguyễn Văn Chí - Trưởng phòng CSGT:
-
Tại quy chuẩn Việt Nam số 68:2013/BGTVT của Bộ giao thông vận tải, việc phân
loại xe đạp điện, xe môtô điện, xe máy điện được quy định theo các tiêu chí
sau:
+ Môtô điện: Là xe điện hai bánh có vận
tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50km/h; hoặc công xuất động cơ điện lớn hơn 4 Kw.
+ Xe máy điện: Là xe điện có vận tốc thiết
kế lớn nhất không lớn hơn 50km/h; và công suất động cơ điện không lớn hơn 4 Kw.
+ Xe đạp điện: Là xe có bàn đạp, có vận
tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h, có công suất động cơ điện không lớn
hơn 250W và có khối lượng bản thân không lớn hơn 40kg.
- Việc đăng ký xe
môtô điện, xe máy điện được thực hiện theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày
04/4/2014 của Bộ Công an (thủ tục để đăng ký như xe môtô, xe máy thông thường).
Người đến đăng ký phải có chứng minh nhân dân hoặc hộ khẩu thường trú; đầy đủ
các loại giấy tờ gồm các chứng từ nguồn gốc và hóa đơn giá trị gia tăng theo
quy định của Bộ tài chính; nộp lệ phí trước bạ theo quy định, đồng thời mang xe
đến để kiểm tra trước khi làm đăng ký.
BTV: Thưa ông thời gian
từ khi nộp tờ khai đến lúc nhận được giấy đăng ký và biển số là bao lâu?
* Đại tá Nguyễn Văn Chí - Trưởng phòng CSGT:
- Điều 4 Thông tư số 15/2014/TT-BCA quy định ngay sau khi
tiếp nhận hồ sơ hợp lệ và tiến hành bấm lấy số của biển số theo qui định người
dân sẽ được cấp ngay biển số đó; trường hợp phải chờ sản xuất biển thì thời
gian cấp biển là 7 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
- Trường hợp cấp
mới, đổi lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số nếu hồ sơ hợp lệ thì thời gian
hoàn thành không quá 2 ngày làm việc. Trường hợp cấp lại giấy chứng nhận đăng
ký xe bị mất thì thời gian xác minh và hoàn thành thủ tục 30 ngày, kể từ ngày
tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
BTV: Khi đăng ký xe xong, người dân có nhu cầu mua, bán thì
phải làm những thủ tục gì?
* Đại tá Nguyễn Văn Chí - Trưởng phòng CSGT:
- Thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an quy định việc
mua, bán xe máy điện làm thủ tục như môtô, xe máy thông thường. Người đến làm
thủ tục phải có giấy tờ mua bán hợp lệ và nộp thuế trước bạ theo quy định.
- Trong trường hợp bán xe sang tỉnh khác ngoài
những thủ tục trên cần phải cần phải rút hồ sơ di chuyển tại cơ quan đăng ký xe
của người bán, hoặc trường hợp mua xe từ tỉnh khác phải có hồ sơ di chuyển từ
tỉnh đó đến nơi đăng ký mới để làm thủ tục đăng ký.
BTV: Thưa đại tá Nguyễn Văn Chí, lâu nay khi mua xe máy
điện, chúng tôi có thể không quan tâm đến hóa đơn, chứng từ, phiếu kiểm tra
chất lượng trước khi xuất xưởng. Nếu thiếu một trong các giấy tờ này chúng tôi
có thể viết cam kết xe mua hợp pháp để được đăng ký xe không?
* Đại tá Nguyễn Văn Chí - Trưởng phòng CSGT: Kể từ ngày
01/7/2016 người dân đi đăng ký xe môtô điện, xe máy điện nếu thiếu 01 trong các
chứng từ theo qui định về giấy tờ của xe (hoá đơn GTGT, chứng từ ngồn gốc của
xe, chứng từ lệ phí trước bạ) thì hồ sơ sẽ không hợp lệ và không được đăng ký
cấp biển số theo qui định. (giấy cam kết xe mua hợp pháp không có giá trị thay
thế một trong các chứng từ nguồn gốc của xe theo qui định).
BTV: Vậy trong trường
hợp chủ phương tiện chưa thực hiện đăng ký xe máy điện sẽ bị xử lý như nào,
thưa ông?
* Đại tá Nguyễn
Văn Chí - Trưởng phòng CSGT:
- Theo quy định của
Luật giao thông đường bộ xe mô tô điện, xe
máy điện là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nên xe những xe này không
có đăng ký xe sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 17 Nghị
định 46/CP, mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng (mức chung là
350.000 đồng.
-
Ngoài ra còn áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giữ phương tiện đến 7 ngày,
người vi phạm đến chấp hành quyết định xử phạt phải chứng minh được xe máy điện
đó là tài sản hợp pháp của mình thì cơ quan ra quyết định xử phạt mới có căn cứ
làm thủ tục trả phương tiện bị tạm giữ theo quy định.
BTV:
Xin được hỏi Đại tá Nguyễn Hữu Biên - ngành
Công an đã có phương án gì để tạo điều kiện cho người dân đến làm thủ tục đăng
ký xe môtô điện, xe máy điện?
* Đại tá Nguyễn Hữu Biên - Phó Giám đốc Công an tỉnh:
- Để tạo thuận lợi
cho người dân làm thủ đăng ký mô tô điện, xe máy điện Bộ Công an đã ban hành
thông tư 54/2015/TT-BCA ngày 22/10/2015 để giải quyết các trường hợp người dân
đang sử dụng xe mô tô điện, xe máy điện không có chứng từ nguồn gốc, hoá đơn
GTGT; được miễn nộp lệ phí trước bạ, lệ phí cấp đăng ký và biển số (thời gian
thực hiện từ ngày 06/12/2015 đến ngày 30/6/2016).
- Phòng Cảnh sát
giao thông Công an tỉnh Yên Bái đã có thông báo trên các phương tiện thông tin
đại chúng sau khi Thông tư số 54 có hiệu lực thi hành để nhân dân nắm được để
thực hiện việc đăng ký xe máy điện theo đúng quy định.
BTV: Thưa ông, vừa qua
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định này thay thế nghị
định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP. Xin ông cho biết những điểm
mới của Nghị định 46 là gì?
* Đại tá Nguyễn Hữu Biên - Phó Giám đốc Công
an tỉnh: Ngày 26/5/2016 Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy
định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt
và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2016. Tại nghị định này quy định những
điểm mới so với 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP như sau:
1. Về sửa đổi, bổ sung hành vi vi phạm
Thứ nhất:. Trên lĩnh vực đường bộ:
- Sửa đổi, mô tả
lại để làm rõ hơn đối với 105 hành vi và nhóm hành vi vi phạm bao gồm: ô tô, xe
máy chuyên dùng, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, kinh doanh vận
tải, chủ phương tiện, đào tạo lái xe.
- Bổ sung 45 hành
vi và nhóm hành vi chưa được quy định trong nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị
định số 107/2014/NĐ-CP (ôtô; môtô: vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng;
kinh doanh vận tải; chủ phương tiện; đào tạo lái xe; cản trở người thi hành
công vụ 1….).
Thứ 2: Trên lĩnh vực đường sắt:
- Sửa đổi, mô tả
lại để làm rõ hơn đối với 45 hành vi và nhóm hành vi vi phạm (vi phạm quy định
về tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt và bảo đảm TTATGT vận tải đường sắt;
quy định kết cấu hạ tầng đường sắt…).
- Bổ sung 45 hành
vi và nhóm hành vi vi phạm chưa được quy định trong Nghị định 171/2013/NĐ-CP và
Nghị định số 107/2014/NĐ-CP (vi phạm quy định về tín hiệu, quy tắc giao thông
đường sắt và bảo đảm TTATGT vận tải đường sắt; quy định về phương tiện giao
thông đường sắt; quy định đối với nhân viên đường sắt; quy định về kinh doanh
đường sắt…).
2. Về chế tài xử phạt
- Điều chỉnh mức xử
phạt (Phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ) đối với 115 hành vi
và nhóm hành vi vi phạm trên lĩnh vực đường bộ và 68 hành vi và nhóm hành vi vi
phạm trên lĩnh vực đường sắt, gồm:
+ Nhóm hành vi vi
phạm về nồng độ cồn.
+ Nhóm hành vi vi
phạm quy định về tốc độ.
+ Nhóm hành vi vi
phạm trên đường cao tốc.
+
Nhóm hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải cho phép chở của phương tiện.
+ Nhóm hành vi vi
phạm chở hàng quá tải trọng cho phép của cầu, đường.
+ Các hành vi vi
phạm liên quan đến kinh doanh vận tải đường bộ và một số hành vi vi phạm quy
tắc giao thông đường bộ.
+ Nhóm hành vi vi
phạm về tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt và bảo đảm TTATGT đường sắt.
+ Nhóm hành vi vi
phạm về kết cấu hạ tầng đường sắt.
+ Nhóm hành vi vi
phạm khác liên quan đến hoạt động đường sắt.
- Quy định thời hạn
tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động theo
khung thời gian (khoản 2, điều 77) khác với Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị
định số 107/2014/NĐ-CP. Cụ thể quy định 5 khung tước, đình chỉ gồm: 1 đến 3
tháng, 2 đến 4 tháng, 3 đến 5 tháng, 4 đến 6 tháng. Trường hợp đặc biệt tước 22
đến 24 tháng (đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma
túy).
3. Về thủ tục xử phạt
Bổ sung các quy
định về xử phạt chủ phương tiện; xử phạt tải
trọng; thủ tục tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe.
4. Lộ trình xử phạt đối với một số hành vi vi phạm
- Việc áp dụng xử
phạt đối với cá nhân, tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy không làm thủ tục đăng
ký sang tên xe; vi phạm trong trường hợp sử dụng xe taxi chở hành khách không
có thiết bị in hóa đơn theo quy định; vi phạm quy định về tải trọng trục xe
được thực hiện từ 01/01/2017.
- Việc áp dụng xử
phạt đối với người điều khiển xe ôtô vi phạm dùng tay sử dụng điện thoại di
động khi đang điều khiển xe chạy trên đường được thực hiện từ ngày 01/8/2016.
BTV:
Thưa ông, chúng tôi tiếp nhận
được nhiều câu hỏi của người dân nội dung
liên quan đến việc đỗ xe như thế nào cho đúng quy định, không bị xử phạt. Vì
hiện nay nhiều hộ gia đình không có chỗ để cất phương tiện xe, có gia đình đỗ
trên vỉa hè, hoặc trên đoạn đường cong gần cổng nhà, hay cạnh lòng đường… Qua
chương trình hôm nay, ông có thể thông tin cho người dân được rõ dừng xe, đỗ xe
như thế nào là đúng quy định để tránh khỏi vi phạm pháp luật về giao thông.
* Đại tá Nguyễn Văn Chí - Trưởng phòng CSGT:
- Việc dừng, đỗ xe
phải tuân thủ các quy định của Luật giao thông đường bộ và các văn bản có liên
quan. Người tham gia giao thông phải dừng, đỗ xe như sau mới đúng quy định của
pháp luật cụ thể:
+ Dừng xe sát mép
đường, hè phố bên phải của chiều lưu thông cách 0,25m trở lại tại những đoạn
đường không có biển cấm dừng, cấm đỗ và không vi phạm các quy định như dừng, đỗ
xe trên phần đường xe chạy;
+ Dừng, đỗ xe ngược
với chiều lưu thông; dừng, đỗ xe trên miệng cống thoát nước; dừng, đỗ xe trên
phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng, đỗ xe bên trái của đường một
chiều; dừng, đỗ xe trên đoạn đường cong, nơi đường giao nhau trong phạm vi 5m
tính từ mép đường giao nhau;
+ Dừng đỗ xe trước
cổng hoặc trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường
cho xe ôtô ra, vào; dừng đỗ xe nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho 1 làn xe
hoặc che khuất biển báo hiệu đường bộ; dừng, đỗ xe trên cầu đường bộ, trên
đường cao tốc...
BTV: Hiện nay có rất
nhiều luồng ý kiến trái chiều liên quan đến việc xử phạt vi phạm khi vượt đèn
đỏ và đèn vàng? Nhiều ý kiến nói rằng hai đèn này có chức năng khác nhau nên
phạt vậy là không đúng tính chất, mức độ, thậm chí trái Luật Giao thông đường
bộ? ông nhận định về vấn đề này như thế nào?
* Đại tá Nguyễn Văn
Chí - Trưởng phòng CSGT:
- Theo Điều 24 Luật Giao thông đường bộ quy định khi đến
gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và
nhường đường theo quy định để đảm bảo an toàn.
- Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp vượt đèn vàng đều
có lỗi và bị xử phạt. Tại Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ quy định khi
gặp tín hiệu đèn vàng, người tham gia giao thông phải dừng trước vạch dừng, trừ
trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp.
- Nghĩa là nếu bạn đi chưa đến vạch dừng mà đèn đã chuyển
sang màu vàng nhưng bạn không dừng lại và cố tình đi tiếp thì mới bị phạt. Nếu
bạn đã đi quá vạch dừng, lúc đó đèn mới chuyển sang màu vàng bạn vẫn có quyền
đi tiếp mà không bị phạt. Vì vậy, việc xử lý hành vi vượt đèn vàng quy định tại
Nghị định này không trái với Luật giao thông đường bộ.
BTV: Thưa đại tá Nguyễn Hữu Biên, nhiều người dân có ý kiến cho rằng với mức
xử phạt cao thì rất dễ dẫn đến tình trạng tiêu cực trong lực lượng làm nhiệm
vụ. Ông nhận định điều này như thế nào?
* Đại tá Nguyễn Hữu Biên - Phó Giám đốc Công an tỉnh:
- Nghị định
46/2016/NĐ-CP trước khi được ban hành thay thế Nghị định 171 và Nghị định 107,
Chính phủ đã tổ chức họp, bàn thống nhất với các ngành chức năng có liên quan
và có sự tham gia ý kiến của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội và quần
chúng nhân dân.
- Việc tăng mức xử
phạt đối với một số hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn
giao thông là để nâng cao tính giáo dục, răn đe người vi phạm chấp hành nghiêm
pháp luật về TTATGT, góp phần kiềm chế làm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc
giao thông. Việc một số người dân có ý kiến như trên là có một cách nhìn thiếu khách
quan đối với lực lượng Cảnh sát giao thông. Trước khi triển khai Nghị định 46,
chúng tôi đã tuyên truyền cho toàn thể cán bộ chiến sỹ trong lực lượng cảnh sát
giao thông hiểu rõ về nội dung Nghị định này, không lợi dụng việc tăng mức phạt
để có hành vi tiêu cực.
- Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn quần chúng
nhân dân nói chung và người tham gia giao thông nói riêng có ý thức chấp hành
nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT đường bộ và tăng cường giám sát,
tạo điều kiện thuận lợi để cho lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trên
đường, nếu phát hiện cán bộ của chúng tôi có biểu hiện tiêu cực, sai phạm thì
kịp thời phản ánh qua số điện thoại đường dây nóng, chúng tôi sẽ xác minh, xử
lý theo mức độ, tính chất sai phạm.
- Đồng thời chúng
tôi thường xuyên tăng cường giáo dục CBCS chấp hành nghiêm quy trình, chế độ
công tác và điều lệnh CAND luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân
giao phó.
Xin cảm ơn các đồng
chí và các bạn.
Quý vị và các bạn xem video lãnh đạo Công an tỉnh trả lời nhân dân tại đây