Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên
Bái dự tại điểm cầu Yên Bái.
Báo cáo của Ban Bí thư trình bày tại hội nghị cho thấy
qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh
đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới” đã đạt được kết quả quan trọng. Cấp ủy, chính
quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo. Nhận thức của
cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn
xã hội được nâng lên. Công tác tuyên truyền được đổi mới và hướng mạnh về cơ sở. Đã
xây dựng được nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm.
Các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm tiếp tục được củng cố, kiện
toàn, đầu tư trang bị phương tiện kỹ thuật, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phòng,
chống tội phạm trong tình hình mới. Công tác phòng ngừa điều tra, xử lý các loại
tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm kinh tế tham nhũng, tội
phạm về ma túy, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao đã đạt được các chỉ
tiêu nhiệm vụ về phòng chống tội phạm đề ra góp phần đảm bảo an ninh quốc gia
và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp. Một
số loại tội phạm còn có xu hướng tăng, nhất là tại các thành phố lớn. Các vi phạm
pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, kinh doanh đa cấp, môi trường… đã ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng,
sức khỏe, đời sống của nhân dân và hủy hoại môi trường. Thành phần tội phạm đa
dạng, có xu hướng trẻ hóa, nguy hiểm và manh động hơn. Tệ nạn xã hội diễn biến
phức tạp đang là một trong những nguyên nhân chính phát sinh tội phạm.
Trong 6 tháng đầu năm mặc dù đã triển khai nhiều biện
pháp nhằm tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm nhưng tình hình, diễn biến
của các loại tội phạm vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Lực lượng công an đã điều
tra, khám phá hơn 21 nghìn vụ phạm pháp hình sự; phát hiện hơn 9 nghìn vụ với
hơn 8 nghìn đối tượng tội phạm về kinh tế.
Bắt giữ hơn 9 nghìn vụ với gần 15 nghìn đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ hơn 200 kg heroin, hơn 425 kg và 105 nghìn
viên ma túy tổng hợp...
Cũng trong 6 tháng đầu năm lực lượng công an, biên phòng
đã điều tra khám phá 153 vụ mua bán người, bắt giữ 202 đối tượng. Tiến hành
truy tố 72 vụ với 136 bị can. Tiến hành thụ lý 97 vụ, 182 bị cáo mua bán người
để xét xử theo trình tự quy định.
Tại hội nghị, các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương đã
có nhiều ý kiến tham luận tập trung vào việc phân tích diễn biến tình trạng tội
phạm trong thời gian qua, chỉ ra nguyên nhân của chiều hướng gia tăng các loại
tội phạm; Đề xuất các giải pháp trong đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội
phạm trong thời gian tới; Đấu tranh với tội phạm mua bán người tại các địa
phương; Hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng cơ quan, ban ngành trong
đấu tranh phòng, chống tội phạm; Việc đảm bảo an toàn an ninh thông tin và phòng
chống tội phạm công nghệ cao; Những kinh nghiệm, nguyên nhân và giải pháp đột
phá trong đấu tranh, trấn áp tội phạm tại các thành phố lớn; Việc ổn định địa
bàn, quản lý xã hội, đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm băng nhóm có
tính chất manh động tại nhiều địa phương trong cả nước; Việc đẩy mạnh các
chuyên án nhằm triệt phá tội phạm ma túy đi đôi với giáo dục, giải quyết việc
làm cho các đối tượng sau cai nghiện; Việc xử lý tội phạm về môi trường, chất cấm
trong chăn nuôi; Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác
tuyên truyền chính sách pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa
Bình ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà Ban Chỉ đạo phòng chống tội
phạm của Chính phủ và các địa phương đã đạt được trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới để khắc phục
hạn chế yếu kém, phát huy những kết quả đạt được Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể
chính trị xã hội các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48 của Ban Bí
thư Trung ương Đảng, đồng thời xác định công tác phòng chống tội phạm là nhiệm
vụ trọng tâm cùng với phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung chỉ đạo phát triển
kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phòng ngừa tội phạm. Tăng cường và đổi
mới công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm trong đó chú trọng các địa bàn trọng điểm, phức tạp, vùng sâu,
vùng xa, vùng biên giới…Chủ động phòng ngừa, tích cực tấn công trấn áp các loại
tội phạm; nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia. Nâng cao trách nhiệm người
đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc đảm bảo an ninh, trật tự tại địa
phương.
Củng cố, nâng cao trách nhiệm, tăng cường hiệu quả hoạt động
của các cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm. Các cấp, các ngành hiệp đồng,
phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, giải pháp phòng,
chống tội phạm. Khẩn trương hoàn thiện để triển khai thực hiện Bộ Luật Hình sự
(sửa đổi). Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi ), Luật Tổ chức cơ quan điều tra
hình sự. Nâng cao hiệu quả hợp tác
quốc tế về phòng, chống tội phạm.