Đây là
giống lúa mới do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Hoan - Trưởng bộ môn Di truyền
chọn giống cây trồng thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam là tác giả. Giống lúa này do
Công ty cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng sản xuất và cung ứng. Được
biết, đây là giống lúa lai đầu tiên hoàn toàn do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu,
lai tạo và phát triển, được Bộ NN&PTNT công nhận là giống lúa quốc gia. So
với các loại giống lúa thuần ĐS1 và Nhị ưu 838 được gieo cấy cùng thời điểm,
giống lúa Việt Lai 20 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn 16 ngày, sức sinh
trưởng mạnh, đẻ nhánh khỏe tập trung, khả năng chống đổ tốt, chống chịu tốt với
thời tiết khắc nghiệt ở vùng cao, thích hợp với gieo cấy hai vụ lúa/năm.
Với ưu điểm cho phép giải phóng đất sớm để gieo trồng các
loại rau màu khác sau mỗi vụ canh tác, giống lúa này có thể gieo cấy trên đất
nghèo dinh dưỡng, đất chua mặn, khả năng thâm canh cao, phù hợp với thời vụ và
thổ nhưỡng vùng cao.
Sau nhiều năm xây dựng mô hình khảo nghiệm tại các xã Hát
Lừu, Bản Công, Trạm Tấu, Xà Hồ, Làng Nhì, Tà Xi Láng..., giống lúa Việt Lai 20
được bà con nông dân, chính quyền địa phương và các nhà chuyên môn đánh giá
cao. Vụ xuân năm 2016, huyện Trạm Tấu đã hỗ trợ giống để nhân dân gieo cấy trên
300 ha Việt Lai 20, năng suất dự ước 68,8 tạ/ha. Chất lượng gạo ngon, được thị
trường ưa chuộng, giá bán cao hơn 10% so với gạo thường.
Anh Lò Văn Phọng - người dân thôn Hát 2, xã Hát Lừu chia sẻ:
“Đây là giống lúa mới, ngắn ngày, cho năng suất cao, phù hợp để làm 2 vụ lúa,
dành đất để sản xuất cây vụ 3. Bà con chúng tôi rất phấn khởi khi được tham gia
vào mô hình này”.
Được biết, vụ hè thu năm 2016, huyện đã hỗ trợ nhân dân 9,8
tấn giống Việt Lai 20 để gieo cấy trên 330 ha trên địa bàn 8 xã. Với nhiều ưu
điểm vượt trội, phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào vùng cao và thực tế
cho thấy, nếu sản xuất hai vụ lúa bằng giống Việt Lai 20 thì người nông dân sẽ
có gần 40 ngày để trồng rau màu vụ đông, góp phần thâm canh tăng vụ, phát triển
nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập.
Đây chỉ là 1 trong 8 mô hình trình diễn mà Phòng NN&PTNT
huyện chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2016.
Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân như: trồng cây
chanh đào tại khu 4, thị trấn Trạm Tấu với diện tích 0,5 ha; trồng cây rau bò
khai tại khu 4, thị trấn Trạm Tấu với diện tích 0,5 ha; trồng thử nghiệm cây
nho tại khu 4, thị trấn Trạm Tấu với diện tích 0,2 ha; canh tác lúa theo phương
pháp cải tiến SRI quy mô 4 ha với 50 hộ tham gia tại 3 xã Trạm Tấu, Bản Công và
Hát Lừu.
Cùng đó là mô hình sản xuất thử nghiệm giống lúa S
9386 với tổng diện tích 1.000 m2 tại xã Hát Lừu; trồng thử nghiệm 6 giống ngô
mới gồm: AG 69, LVN 092, LVN 66, LVN 17, LVN 885, LVN 152 tại xã Trạm Tấu với
tổng diện tích 2,5 ha với 5 hộ dân tham gia... Cùng với đó, Phòng đã phối hợp
với các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho
3.276 lượt người tham gia.
Ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trạm
Tấu cho biết: “Thực hiện thành công các mô hình sản xuất sẽ giúp ngành nông
nghiệp huyện tìm ra bộ giống thích hợp, phù hợp với thổ nhưỡng để bổ sung vào
cơ cấu giống của huyện. Các hộ dân khi tham gia thực hiện mô hình sẽ biết áp
dụng các biện pháp thâm canh, góp phần tăng năng suất cây trồng. Thời gian tới,
huyện sẽ tiếp tục triển khai một số mô hình sản xuất nông nghiệp để chọn ra bộ
giống tốt nhất hỗ trợ cho người nông dân, các mô hình hiệu quả sẽ được nhân
rộng, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo tại địa phương”.
Theo Báo Yên Bái