Ngày 06 tháng 4 năm
2016, Quốc hội khoá 13 đã ban hành Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung Luật Thuế
giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế. Luật số 106 có hiệu
lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.
Trong đó, bổ sung thêm đối tượng
không chịu thuế giá trị gia tăng là dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết
tật; Sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có
tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng
chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thuộc đối tượng không chịu thuế giá
trị gia tăng.
Bổ sung các sản phẩm không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng nhưng
được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Cụ thể, doanh nghiệp, hợp
tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa
chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh
nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng
nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Ngoài ra, Luật số 106 còn sửa đổi, bổ sung quy định về hoàn thuế giá trị gia
tăng, như bỏ quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với
cơ sở sản xuất kinh doanh ở khâu nội địa, cụ thể: Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo
phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được
khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo
(thay cho quy định hiện nay là được hoàn thuế nếu doanh nghiệp có số thuế giá
trị gia tăng đầu vào luỹ kế 12 tháng hoặc 4 quý chưa được khấu trừ hết).
Đồng thời, Luật 106 bổ
sung một số trường hợp không được hoàn thuế đối với dự án đầu tư mà chuyển sang
khấu trừ kỳ tiếp theo đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số
vốn điều lệ như đã đăng ký; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều
kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư hoặc
không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động và dự
án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 01 tháng 7 năm
2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên,
khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự
án đầu tư.
Luật Thuế tiêu thụ
đặc biệt đã được sửa đổi có một số nội dung chính quy định Giá bán ra để tính thuế tiêu thụ đặc biệt không thấp hơn tỷ lệ %
do Chính phủ quy định. Cụ thể, trường hợp hàng hóa chịu thuế tiêu thụ
đặc biệt được bán cho cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có quan hệ công ty
mẹ, công ty con hoặc các công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất,
cơ sở nhập khẩu hoặc cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có mối quan hệ liên
kết thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt không được thấp hơn tỷ lệ phần trăm (%)
so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại mua trực tiếp của cơ
sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra theo quy định của Chính phủ. Hàng hoá
chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhập khẩu được khấu trừ số thuế tiêu
thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế tiêu thụ
đặc biệt phải nộp bán ra.
Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 quy định miễn thuế
đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp
hằng năm từ năm mươi nghìn đồng trở xuống. Và giảm mức tính tiền chậm nộp tiền
thuế từ 0,05%/ngày xuống 0,03%/ngày.
Ngày 19/02/2016, Chính phủ đã ban
hành Nghị định số 12/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác
khoáng sản. Ngày 29/4/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 66/2016/TT-BTC
hướng dẫn thực hiện Nghị định số 12/2016/NĐ-CP. Có thể nói, sự ra đời của hai
văn bản trên đánh dấu sự thay đổi cơ bản
về phương pháp tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản so với
những văn bản đã được ban hành trước đó.
Cụ thể Nghị định số 74/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 58/2011/TT-BTC của
Bộ Tài chính trước đó chưa quy định rõ ràng việc thu phí bảo vệ môi trường đối
với lượng đất đá bốc xúc thải ra trong quá trình khai thác quặng. Đến nay Nghị
định số 12/2016/NĐ-CP và Thông tư 66/TT-BTC đã quy định ngoài việc nộp phí bảo
vệ môi trường đối với sản lượng quặng khai thác, người nộp phí còn phải phải nộp
phí bảo vệ môi trường đối với đất đá bốc xúc thải ra trong quá trình khai thác
quặng với mức 200 đồng/m3.
Nghị định số 12/2016/NĐ-CP và Thông tư 66/2016/TT-BTC quy
định cụ thể việc tính phí phải nộp theo phương pháp khai thác khoáng sản, đó là
phương pháp "Khai thác lộ thiên" và "Khai thác hầm lò". Cụ
thể, khai thác lộ thiên hệ số tính phí là 1,05; còn khai thác hầm lò hệ số tính
phí là 1.
"Mức thu phí bảo vệ môi trường
đối với khai thác khoáng sản" có một số thay đổi về tên, nhóm khoáng
sản và khung mức thu phí. Cụ thể, trước đây Nghị định số Nghị định số
74/2011/NĐ-CP quy định mức thu đối với fenspat
thuộc nhóm "Quặng đá quý" mức thu tối thiểu là 50.000 đ/tấn, tối đa
là 70.000 đ/tấn. Nghị định số 12/2016/NĐ-CP đã sửa đổi quy định fenspat thuộc
nhóm "Cao lanh, fenspat", mức thu tối thiểu là 5.000 đ/m3, tối đa là
7.000 đ/m3.
Nghị định 12/2016/NĐ-CP có hiệu lực
thi hành từ ngày 01/5/2016, Thông tư 66/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày
13/6/2016 và áp dụng cho kỳ kê khai, nộp phí từ tháng 5 năm 2016.