Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hoạt động chỉ đạo điều hành >> Chính trị

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 4/2019

06/05/2019 16:29:03 Xem cỡ chữ Google
Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; giảm số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội 4,8%/năm;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 4/2019.

Ảnh minh họa

Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Tại Công điện 481/CĐ-TTg ban hành ngày 26/4/2019, của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo UBND các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng ứng trực 24/24 giờ; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa; điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng, xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm và trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng...

Đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Lễ 30/4 - 1/5

Ngày 10/4/2019, Thủ tướng Chính phủ có công điện 402/CĐ-TTg về việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5/2019.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực, bảo đảm an toàn và chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao trong dịp nghỉ Lễ, nhất là trên các tuyến kết nối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí và đầu mối giao thông lớn; yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn đường đèo dốc, đường ngang đường sắt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm về tốc độ, chở quá số người quy định, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy, tăng giá vé trái quy định; tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại các cảng hàng không, nhà ga, bến xe và các điểm du lịch, lễ hội lớn. Tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

Ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp

Ngày 22/4/2018, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý; nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát; khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp; rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian, đưa ra lộ trình giải quyết; sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định, không được yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 1 lần.

Công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử và tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, doanh nghiệp, nhất là về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà; công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm theo đúng quy định; thực hiện định kỳ báo cáo theo quy định về công tác phòng, chống tham nhũng.

Giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

Ngày 23/4/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư các dự án khu đô thị, các dự án phát triển nhà ở phải triển khai xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội, hệ thống phòng cháy chữa cháy trong dự án và kết nối với hạ tầng chung của khu vực trước khi bàn giao nhà ở cho người dân theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về nhà ở và pháp luật có liên quan; tiếp tục theo dõi, tổng hợp tình hình theo định kỳ hoặc đột xuất để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về diễn biến của thị trường bất động sản để kịp thời có biện pháp bình ổn thị trường khi có dấu hiệu không bình thường hoặc biến động lớn.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn; đánh giá, lập, điều chỉnh bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với “tín dụng đen”

Ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động đề xuất UBND cùng cấp chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thành lập các tổ công tác liên ngành do lực lượng Công an làm nòng cốt, tiến hành kiểm tra hành chính các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê nhằm phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật để xử lý nghiêm.

Siết chặt việc cấp Giấy chứng nhận và tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ; kiên quyết xử lý, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các cơ sở vi phạm.

 Quy định xử lý kỷ luật CBCCVC vi phạm Luật Tố cáo

Ngày 10/04/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, trong đó quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm Luật Tố cáo.

Cụ thể, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật và quy định tại Nghị định này hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Quy định mới về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công

Ngày 10/04/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sảm phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Theo đó, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện theo các phương thức: Giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.

Còn sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện theo các phương thức: Đặt hàng, đấu thầu (hoặc giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định).

Giảm số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã

Theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/04/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/1/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn: Cấp xã loại 1 tối đa 23 người (giảm 2 người so với quy định cũ); cấp xã loại 2 tối đa 21 người (giảm 2 người so với quy định cũ); cấp xã loại 3 đối đa 19 người (giảm 2 người so với quy định cũ).

Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn: Loại 1 tối đa 14 người (giảm 8 người so với quy định cũ); loại 2 tối đa 12 người (giảm 8 người so với quy định cũ); loại 3 tối đa 10 người (giảm 9 người so với quy định cũ).

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng

Theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/04/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với cá nhân là 500 triệu đồng. Tổ chức vi phạm áp dụng phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền với cá nhân có cùng hành vi và mức độ vi phạm; mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 1 tỷ đồng.

 Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội 4,8%/năm

Ngày 1/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 355/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Cụ thể, mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay dư nợ trong năm 2019 để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 4,8%/năm. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.

 Sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả

Ngày 03/04/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 nhằm mục tiêu sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử.

Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại. Sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.

Điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng

Ngày 19/04/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Theo quy định, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu khi đáp ứng tiêu chí tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm và được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về an toàn, thiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; trường hợp không có QCVN liên quan đến máy móc, thiết bị nhập khẩu, thì máy móc, thiết bị nhập khẩu phải được sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Đối với dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được phép nhập khẩu khi được sản xuất theo tiêu chuẩn, phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về an toàn, tiết kiệm năng lượng, và bảo vệ môi trường; công suất hoặc hiệu suất còn lại phải đạt từ 85% trở lên so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế; mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng không vượt quá 15% so với thiết kế; công nghệ của dây chuyền công nghệ không thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao; công nghệ của dây chuyền công nghệ phải đang được sử dụng tại ít nhất 03 cơ sở sản xuất trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch

Tại Quyết định 429/QĐ-TTg ngày 18/04/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2021, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2021, thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo phù hợp với nhu cầu của xã hội, của từng địa phương và Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đảm bảo tinh gọn, đồng bộ, thống nhất. Trong quá trình sắp xếp, giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập và giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết số 19-NQ/TW).

Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển KTXH

Tại Quyết định 414/QĐ-TTg ban hành ngày 12/4/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019-2025”. Mục tiêu đến năm 2023 thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin khoa học công nghệ; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và an ninh trật tự. Từng bước kết nối, chia sẻ thông tin với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tích hợp các chính sách hỗ trợ thông tin, tuyên truyền cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người

Ngày 25/04/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 467/QĐ-TTg về tích hợp các chính sách hỗ trợ thông tin, tuyên truyền cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo với mục tiêu tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị, nội dung thông tin thiết yếu và nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.

Danh mục đập, hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt

Theo Quyết định số 470/QĐ-TTg ban hành ngày 25/04/2019 của Thủ tướng Chính phủ, 18 đập, hồ chứa thủy điện thuộc loại đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt gồm: 1- Lai Châu, tỉnh Lai Châu; 2- Huội Quảng, tỉnh Lai Châu; 3- Bát Chát, tỉnh Lai Châu; 4- Sơn La, tỉnh Sơn La; 5- Nậm Chiến, tỉnh Sơn La; 6- Thác Bà, tỉnh Yên Bái; 7- Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang; 8- Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; 9- Bản Vẽ, tỉnh Nghệ An; 10- Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; 11- Sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam; 12- Sông Bung 4, tỉnh Quảng Nam; 13- Plei Krông, tỉnh Kon Tum; 14- Ialy, tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai; 15- Đồng Nai 3, tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông; 16- Đồng Nai 4, tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông; 17- Thác Mơ, tỉnh Bình Phước; 18- Trị An, tỉnh Đồng Nai.

Thủ tướng yêu cầu xử lý một số thông tin báo nêu

Trong tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xử lý một số thông tin báo nêu. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xử lý nội dung báo Lao động điện tử ngày 11/4/2019 nêu: "28 sinh viên Hòa Bình gian lận điểm thi bị trả về: Thí sinh Hà Giang xử lý sao?", báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh việc gian lận điểm thi thể hiện dấu hiệu hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ; UBND tỉnh Bình Phước kiểm tra nội dung báo chí phản ánh ý kiến của các doanh nghiệp Bình Phước cho rằng trạm thu phí quá dày khiến cho chi phí thành gánh nặng, khó cạnh tranh với các địa phương khác, nhất là nông sản; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu thông tin báo điện tử Thanh niên phản ánh liên quan đến đề xuất làm đảo nhân tạo chống sạt lở bờ biển Hội An; UBND thành phố Hà Nội kiểm tra phản ánh gần 2000 ha đất dự án đô thị bị bỏ hoang gây lãng phí nghiêm trọng tại huyện Mê Linh;…

Năm 2020, đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Ngày 18/04/2019, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 153/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 896).

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2020, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bí mật nhà nước, bí mật cá nhân; tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn 2021-2025.

 

1601 lượt xem
Theo Chinhphu.vn

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h