Thực hiện Quyết định số 992/QĐ-UBND
của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái theo
hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020,
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, tham mưu cho tỉnh ban hành
các chính sách hỗ trợ các cây trồng, vật nuôi có lợi thế.
Việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa được thực hiện trên cơ
sở tiến hành xây dựng các Đề án cho các lĩnh vực, cây trồng, vật nuôi cụ thể để
gắn thực hiện với Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó tập trung vào các cây,
con thế mạnh, có tiềm năng phát triển, có lợi thế và được cụ thể hóa trong 8 Đề
án gồm: (1) Đề án phát triển chăn nuôi; (2) Đề án phát triển nuôi trồng thủy
sản; (3) Đề án phát triển cây ăn quả có múi; (4) Đề án phát triển chè vùng cao;
(5) Đề án phát triển ngô Đông trên đất 2 vụ lúa; (6) Đề án phát triển cây Quế;
(7) Đề án phát triển cây măng tre Bát độ; (8) Đề án phát triển cây Sơn tra.
Sau một thời gian triển khai, Đề án
tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết
quả nhất định, góp phần tạo chuyển biến tích cực
trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Đối với Đề án phát triển chăn nuôi,
đã thực hiện thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò cái sinh sản đạt hơn 60% kế hoạch
đạt ra, thẩm định được 262/262 cơ sở chăn nuôi trâu bò, 128 cơ sở chăn nuôi lợn
(Vượt 38 cơ sở so với kế hoạch) và 34/34 cơ sở chăn nuôi gà.
Đề án phát triển nuôi trồng thuỷ
sản: Đã kiểm tra, hướng dẫn các hộ dân đăng ký thực hiện 193/193 cơ sở chăn
nuôi cá lồng, 45 cơ sở nuôi cá eo ngách (vượt 15 cơ sở so với kế hoạch), 20 ha
chuyển đổi đất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản (vượt 15 ha so với kế
hoạch).
Để thực hiện Đề án phát triển cây ăn
quả có múi, ngành nông nghiệp đã phối hợp với Viện Rau quả Hà Nội tổ chức cung
ứng giống cho các huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình trồng theo Đề án với diện
tích 429/594 ha theo kế hoạch.
Đề án phát triển cây quế: Các huyện
đã chủ động nguồn giống trồng 3.344 ha/2.642 ha theo kế hoạch trong vụ Xuân
2016.
Đề án phát triển cây măng tre Bát Độ:
Diện tích đã trồng trong vụ Xuân 2016 là 349,8/614 ha chủ yếu tập trung ở huyện
Trấn yên, Lục Yên và huyện Yên Bình.
Đề án phát triển cây Sơn Tra: Đã tổ
chức gieo ươm 1,417 triệu cây Sơn tra giống đảm bảo đủ số lượng cây giống trồng
cho 850 ha. Đến nay các huyện đã tổ chức trồng được 880 ha trong đó huyện Trạm
Tấu là 600 ha, huyện Mù Cang Chải 280 ha.
Đề án phát triển chè vùng cao, đã tổ
chức trồng được 60/80 ha chè Shan tại huyện Văn Chấn.
Đối với đề án canh tác ngô vụ Đông
trên đất trồng lúa 2 vụ, ngành Nông nghiệp đã triển khai, bố trí cơ cấu giống,
thời vụ triển khai trong vụ Đông 2016-2017. Đặc biệt là bố trí thời vụ lúa Mùa
sớm đạt trên 7 nghìn để gieo trồng cây vụ Đông.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
trong quá trình triển khai Đề án, một số chỉ tiêu thực hiện các chính sách hỗ
trợ chưa hoàn thành do liên quan đến thời vụ và các công đoạn kiểm tra, nghiệm
thu theo các bước. Do đó, để hoàn thành kế hoạch năm 2016, từ nay đến cuối năm,
ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy
mạnh triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với triển khai
thực hiện các chính sách, mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh, tiếp tục
triển khai các vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực nhằm góp phần chuyển đổi cơ
cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền
vững, xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững gắn
với xây dựng nông thôn mới.