Từ xưa quế đã là một trong
4 vị thuốc quý, tứ bảo của đông y: sâm, nhung, quế, phụ. Ngày nay, quế và bột
quế càng được sử dụng nhiều hơn, không chỉ trong đông y mà còn là nguyên liệu
và gia vị không thể thiếu của nhiều món ăn hấp dẫn. Cây quế không chỉ giúp
người dân Văn Yên xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho cuộc sống gia đình, là biểu
tượng của cộng đồng người Dao mà còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc
và bảo vệ môi trường sinh thái.
Nằm ở phía Bắc của tỉnh Yên Bái, huyện Văn
Yên có tổng diện tích đất tự nhiên trên 139 nghìn ha, trong đó diện tích đất
lâm nghiệp chiếm 75%. Do có địa hình đồi núi cao, nằm trong vùng khí hậu phù
hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây Quế nên vùng Quế Văn Yên được hình
thành từ lâu đời nay và gắn liền với cuộc sống của người Dao. Người Dao văn Yên
cần cù, chịu khó, gắn bó với cây quế,
nghề quế từ lâu đời, do đó những kinh nghiệm trồng quế đặc trưng như kỹ thuật
chọn giống, trồng cây, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cũng mang đậm bản sắc văn
hóa dân tộc Dao.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ
huyện Văn Yên trong nhiều nhiệm kỳ luôn xác định cây quế là cây chủ lực trong
phát triển kinh tế lâm nghiệp và xoá đói giảm nghèo. Theo đó, Huyện ủy, HĐND,
UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã trên địa bàn có biện pháp duy
trì diện tích và sản lượng quế, khai thác phù hợp, bảo tồn nguồn gen quý giống
quế bản địa; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở thu mua
quế vỏ, chế biến tinh dầu quế tại các xã, thị trấn. Hàng năm huyện Văn
Yên trồng mới từ 1.500 đến 1.600 ha quế, nhờ đó
đến nay cây quế đã có mặt tại 27/27 xã, thị trấn của huyện với diện tích trên
40.000 ha. Với diện tích lớn như vậy, Văn Yên là vùng chuyên canh sản
xuất quế hàng hóa lớn nhất cả nước.
Cây quế ở Văn Yên đã mang lại thu nhập rất
lớn cho người trồng quế, bởi tất cả các bộ phận
của cây quế như: vỏ, thân gỗ, lá, gốc rễ đều có giá trị sử dụng trong một số
ngành sản xuất và đời sống nên đều có thể trở thành hàng hóa. Với giá trị như
vậy, cây quế ngày càng khẳng định được vị thế kinh tế chủ lực trên địa bàn
huyện. Mỗi năm, Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 9.000 tấn vỏ quế khô
các loại, sản lượng cành lá quế đạt khoảng 55.000 tấn/năm, sản lượng tinh dầu
đạt khoảng 290 tấn/năm, sản lượng gỗ quế đạt 62.000 m3/năm. Nhiều hộ
có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây Quế, hàng ngàn gia đình đã xóa
đói giảm nghèo, có cuộc sống ổn định và trở nên giàu có nhờ cây Quế. Nguồn thu từ cây quế mang lại cho người dân
Văn Yên mỗi năm khoảng trên 540 tỷ đồng, góp
phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp cho địa
phương thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn
mới trên địa bàn huyện.
Những năm qua, huyện Văn
Yên đã có nhiều giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu quế ổn định và bền
vững. Đi đôi với việc vận động nhân dân trồng quế theo vùng nguyên liệu tập
trung với các giống quế chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Huyện Văn Yên đặc biệt chú trọng xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu
quế bằng việc xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế, tập trung vào các
xã vùng cao nhằm bảo tồn nguồn gien có giống tốt. Thực hiện Đề án bảo tồn nguồn giống quế lá nhỏ, ngọn đỏ bản địa, huyện
Văn Yên đã lựa chọn được 90 cây quế khỏe mạnh, sạch bệnh, đường kính thân trên
30 cm, chiều cao 15m ở các xã Đại Sơn, Viễn Sơn, Xuân Tầm để bảo tồn nguồn
gien. Ngoài ra còn bảo tồn 14 ha quế tập trung ở các xã Mỏ Vàng, Đại Sơn, Viễn
Sơn, Nà Hẩu để làm nguồn giống cung ứng cho kế hoạch trồng quế hằng năm và làm
tiền đề phục vụ du lịch trên địa bàn huyện. Tháng 01 năm 2010, Cục Sở
hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có quyết định chứng nhận đăng ký chỉ
dẫn địa lý cho sản phẩm Quế Văn Yên. Như
vậy, Văn Yên sở hữu vùng quế lớn
nhất trong cả nước với giống quế được coi tốt nhất và là sản phẩm thứ 16 trên
toàn quốc được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ chỉ dẫn địa
lý cho sản phẩm.
Song song với đó, huyện Văn Yên đã
xây dựng các chính sách hỗ trợ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ rừng trồng sản xuất;
tổ chức nhiều đợt tập huấn cho người dân cách thức trồng, chăm sóc, khai thác
và bảo vệ quế đúng quy trình kỹ thuật, thành lập
hiệp hội chế biến quế. Đồng thời huyện đã tạo điều kiện khuyến khích doanh
nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến, thu mua và tiêu thụ sản phẩm từ vỏ,
gỗ và cành, lá quế. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn huyện có 12 nhà
máy sản xuất, chế biến tinh dầu quế; 16 doanh nghiệp, hợp tác xã gia công sơ
chế, kinh doanh quế vỏ, 9 hợp tác xã chế biến gỗ quế. Ngoài ra còn có hàng ngàn
hộ cá thể thu mua, gia công, sơ chế, kinh doanh các sản phẩm quế.
Vượt qua những thăng trầm,
biến động của cơ chế thị trường, cây quế
Văn Yên vững vàng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu
quả kinh tế, cải thiện môi trường sinh thái. Quế đã trở thành cây kinh tế chủ
lực của riêng Văn Yên và là một trong số những cây kinh tế chính tham gia vào
thị trường nông - lâm sản xuất khẩu của tỉnh Yên Bái. Đặc biệt từ khi Văn Yên
được nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cây quế, uy tín trên thị trường
trong và ngoài nước của cây quế đã được nâng cao, góp phần tăng hiệu quả kinh
tế, tạo thương hiệu bền vững cho sản phẩm quế Văn Yên đủ sức cạnh tranh trên
thị trường trong nước và ngoài nước như thị trường Mỹ, Hà Lan, Anh Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn
Độ và các nước Đông Âu.
Với những ưu thế vượt trội, cây quế tiếp
tục được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của Văn Yên trong
nhiều năm tới. Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV (nhiệm kỳ
2015-2020), huyện Văn Yên đã quy hoạch diện tích nhằm ổn định vùng quế chất
lượng cao ở 10 xã vùng cao và ở 8 xã nằm dọc hai bên đường cao tốc Nội Bài -
Lào Cai. Đồng thời chỉ đạo phát triển sản xuất quế theo hướng sản xuất hàng
hoá, tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ đáp ứng thị trường trong và ngoài
nước; gắn sản xuất quế với công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cây quế, tiếp
tục mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào chế biến sản phẩm
nông lâm nghiệp, trong đó có sản phẩm quế; Quy hoạch các cơ sở chế biến vỏ quế,
gỗ quế và tinh dầu quế theo hướng bền vững, hướng tới việc áp dụng các công
nghệ chế biến và quy trình quản lý chất lượng cao cho sản phẩm quế, nhằm nâng
cao chất lượng và giá trị sản phẩm khi xuất ra thị trường. Đồng thời quan tâm
phát triển đường giao thông nông thôn để tạo
điều kiện thuận lợi cho nhân dân sản xuất, chế biến và vận chuyển, tiêu thụ sản
phẩm quế. Cùng đó, huyện Văn Yên đã và đang tiếp tục cải cách các thủ
tục hành chính phù hợp để tạo môi trường lành mạnh cho các hoạt động đầu tư,
hoạt động thương mại, hoạt động du lịch qua đó liên kết phát triển thị trường
Quế trong và ngoài nước cũng như liên kết phát triển du lịch trên địa bàn huyện
được thuận lợi.
Năm 2015, huyện Văn Yên đã tổ chức lễ hội quế huyện Văn Yên lần thứ nhất
rất thành công, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng
của đông đảo các tổ chức, cá nhân, khách du lịch trong nước và quốc tế. Hiệu
ứng của Lễ hội Quế đã góp phần quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị
cây chè và sản phẩm quế, tác động tích cực đến
quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Văn Yên. Qua sự thành
công của lễ hội Quế huyện Văn Yên lần thứ nhất, UBND tỉnh Yên Bái đã quyết định
đưa Lễ hội quế Văn Yên vào tổ chức định kỳ thường niên hàng năm. Năm 2016, với
tinh thần kế thừa cách thức, kinh nghiệm của lễ hội Quế năm 2015, cấp ủy, chính
quyền huyện Văn Yên mong muốn và kỳ vọng sẽ nâng Lễ hội Quế của huyện lần thứ
II năm 2016 lên một tầm cao mới. Nhằm tạo nên một hoạt động văn hóa truyền
thống, thường niên, mang sắc thái riêng của huyện, gắn kết phát triển sản xuất,
tiêu thụ và quảng bá thương hiệu các sản phẩm Quế Văn Yên trên thị trường, đồng
thời giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của người Văn Yên gắn với
cây quế.
Tin tưởng rằng thành công của Lễ hội Quế sẽ
là cơ hội để Văn Yên mở rộng thị trường, tăng giá trị xuất khẩu góp phần chuyển
dịch cơ cấu kinh tế của từng xã trồng Quế trong huyện theo hướng công nghiệp
hóa, hiện đại hóa. Qua đó thúc đẩy ngành Quế phát triển bền vững, từng bước cải
thiện nâng cao đời sống của người trồng Quế, giải quyết tốt công ăn việc làm
cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện và
tăng thu ngân sách cho nhà nước; đồng thời, nâng cao giá trị thương hiệu Quế Văn
Yên trên thị trường trong nước và quốc tế, đây cũng là cơ hội để quảng bá tiềm
năng du lịch của huyện Văn Yên đến với du khách thập phương.
Trần Huy Tuấn
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh,
Bí thư
Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Văn Yên