Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Chính sách khuyến khích đầu tư vào sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2015 - 2020

04/10/2016 10:08:47 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 24/2015/QĐ-UBND quy định chính sách khuyến khích đầu tư vào sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020. Để thông tin cụ thể về những nội dung các chính sách, trong Chuyên mục “Giải đáp chính sách” trên Cổng Thông tin điện tử, ông Đoàn Hữu Phung - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Yên Bái giải đáp các vấn đề xung quanh việc tổ chức thực hiện triển khai Quyết định này.

Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể tỉnh Yên Bái khuyến khích nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển toàn diện

BTV - UBND tỉnh đã ban hành Quyết định Quy định Chính sách khuyến khích đầu tư vào sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020. Xin ông cho biết những chính sách cụ thể của tỉnh để khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp?

Ông Đoàn Hữu Phung - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư :

Ngày 29/12/2015, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 24/2015/QĐ-UBND về quy định Chính sách khuyến khích đầu tư vào sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016- 2020 (gọi là Quyết định số 24). Quyết định số 24 đã quy định chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Yên Bái thực hiện ưu đãi về đơn giá thuê đất, thuê mặt nước như sau: Nhà đầu tư có dự án đầu tư khi thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước thì được áp dụng mức giá thấp nhất của loại đất tương ứng trong bảng giá đất, khung giá thuê mặt nước do cấp có thẩm quyền quy định. Nhà đầu tư có dự án đầu tư nếu được Nhà nước giao đất thì được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước theo các quy định hiện hành.

Về hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng, san tạo mặt bằng, Quyết định số 24 quy định các nhà đầu tư được hỗ trợ 50% kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và 50% kinh phí san tạo mặt bằng đối với dự án trong các Khu công nghiệp trên cơ sở hồ sơ thiết kế, dự toán được phê duyệt và khối lượng thực tế thi công được nghiệm thu, thanh quyết toán. Mức hỗ trợ không quá 3 tỷ đồng/01 dự án.

Đối với các dự án trong khu, cụm công nghiệp: Ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng về giao thông, điện nước đến hàng rào dự án.

Đối với các khu du lịch, các trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp quy mô lớn: Ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình kết cầu hạ tầng về giao thông, điện đến hàng rào dự án.

Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào quy mô, tính chất từng dự án cụ thể trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định mức hỗ trợ đối với các dự án đặc biệt có quy mô lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch nông nghiệp công nghệ cao, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội vùng trên địa bàn tỉnh.

Về hỗ trợ thủ tục hành chính, Quyết định số 24 nêu rõ: Trong 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ dự án, nhà đầu tư sẽ được cấp Quyết định chủ trương đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh sẽ tiến hành cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau 3 ngày đối với dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư và sau 5 ngày đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư.

BTV - Vậy nguyên tắc và cơ chế hỗ trợ như thế nào thưa ông?

Ông Đoàn Hữu Phung - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư :

Về nguyên tắc và cơ chế hỗ trợ: Quyết định số 24/2015/QĐ-UBND quy định các dự án đầu tư khai thác khoảng sản, chế biến khoáng sản; dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện; dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện đã được hưởng ưu đãi theo quy định của Chính phủ; dự án đầu tư sử dụng vốn tín dụng ưu đãi, vốn bảo lãnh tín dụng của Nhà nước thì không được áp dụng theo chính sách này.

Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án đầu tư của nhà đầu tư khi Nhà nước thu hồi đất để giao đất cho thuê đất được thực hiện theo quy định hiện hành. Trong trường hợp nhà đầu tư tự nguyện ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt thì được Ngân sách Nhà nước hoàn trả phần kinh phí được hỗ trợ theo quy định bằng hình thức trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp.

Trong cùng một thời gian, nếu doanh nghiệp có dự án đầu tư được hưởng nhiều mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư khác nhau thì doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có lợi nhất.

Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ sau đầu tư, khi hạng mục đầu tư, gói thầu của dự án hoàn thành được tạm ứng, thanh toán 70% mức hỗ trợ theo hạng mục, gói thầu; sau khi dự án hoàn thành đầu tư và được nghiệm thu thì được thanh toán 30% mức vốn còn lại. Trường hợp dự án chỉ có 01 hạng mục đầu tư được hỗ trợ, ngân sách Nhà nước sẽ thanh toán một lần khi dự án hoàn thành đầu tư.

BTV - Theo Quyết định số 24 của UBND tỉnh thì các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Vậy Nhà nước có cơ chế chính sách gì để hỗ trợ cho các nhà đầu tư? Thưa ông?

Ông Đoàn Hữu Phung - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư :

Nghị định số 210/2013/NĐ–CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành sẽ là động lực để phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Theo nội dung quy định cụ thể của Nghị định số 210/2013/NĐ–CP thì doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ngoài những ưu đãi như miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của nhà nước; hỗ trợ thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân; miễn, giảm tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất… doanh nghiệp còn được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học- công nghệ. Hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; Hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc; Hỗ trợ trồng cây dược liệu, cây mắc ca (macadamia); Hỗ trợ đầu tư cơ sở sấy lúa, ngô, khoai, sắn, sấy phụ phẩm thủy sản, chế biến cà phê       

Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể của Nghị định số 210/2013/NĐ-CP sẽ khuyến khích nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển toàn diện, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

BTV - Xin ông cho biết hiện nay số lượng các doanh nghiệp đang đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh là bao nhiêu và thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp này như thế nào?

Ông Đoàn Hữu Phung - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư :

Tính tới thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 1.500 DN trong đó có khoảng trên 20%  DN hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp, nông thôn. Đây là một con số còn hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Yên Bái về lĩnh vực này.

Với lợi thế về đất đai, cùng với khí hậu ôn hòa, phù hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, Yên Bái đã quy hoạch và phát triển vùng chè công nghiệp trên 11.000 ha, măng tre Bát độ 3.000 ha, quế trên 30.000 ha, cây ăn quả 8.500 ha, vùng lúa hàng hóa 5.000 ha, gần 200.000 ha rừng kinh tế và khoảng trên 2.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản... Bên cạnh đó, còn có những loại cây đặc sản như hồng không hạt, cam sành (Lục Yên), nếp Tan Tú Lệ, chè đặc sản Suối Giàng (Văn Chấn), gạo Bạch Hà, bưởi Đại Minh (Yên Bình)...

Mặc dù vậy, các Doanh nghiệp hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ, sản xuất còn nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao; khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp, chưa có sự gắn kết bền chặt giữa sản xuất với tiêu thụ khiến cho thu nhập của người nông dân còn thấp, chưa ổn định.

Mặc dù thực trạng tình hình hoạt động của các Doanh nghiệp về lĩnh vực Nông nghiệp còn có nhiều khó khăn, hạn chế. Nhưng trong năm 2015 và 5 tháng đầu năm 2016 đã có nhiều khởi sắc với 7 dự án đầu tư  vào lĩnh vực nông nghiệp với số vốn đăng ký trên 2 ngàn tỷ đồng. Tiêu biểu là dự án đầu tư chăn nuôi, chế biến thỏ công nghệ cao tại Văn Chấn với công suất 25 ngàn con thỏ/ngày, sản phẩm đầu ra 2.500 con/ngày với tổng vốn đầu tư trên 1.700 tỷ đồng của Công ty Nippon Zoki Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng về thu hút đầu tư vào tỉnh, đồng thời cho thấy sự hiệu quả của Nghị định 210 của chính phủ và Chính sách ưu đãi đầu tư số 24 của tỉnh Yên Bái.

BTV - Có thể thấy là số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Vậy theo ông đâu là những trở ngại trong quá trình thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn? Vậy tỉnh đã có giải pháp gì để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh?

Ông Đoàn Hữu Phung - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư :

Những trở ngại trong quá trình thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn:

Thứ nhất là nông nghiệp, nông thôn vốn được xem là lĩnh vực đầu tư có tính rủi ro cao, hiệu quả thấp, thời gian thu hồi vốn chậm và khả năng tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế. Do đó, các doanh nghiệp “ngại” đầu tư vào lĩnh vực này.

Thứ hai là, nền sản xuất nông nghiệp của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng hiện vẫn còn tình trạng phổ biến nhỏ lẻ phân tán, chủ yếu dựa vào kinh tế hộ, nguồn nhân lực lao động nông nghiệp được đào tạo quá thấp, trên 90% lao động vẫn là giản đơn và truyền thống, chưa qua đào tạo.

Thứ ba là vướng mắc về cơ chế chính sách trong nông nghiệp, nông thôn, trong đó vướng mắc lớn nhất là vấn đề đất đai, tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực này.

Thứ tư là ở nông thôn dự án đầu tư có hiệu quả phải là dự án dài hạn có tính toán cẩn thận. Có dự án, có tính hiệu quả, có lập trình tự, nhưng ở nông thôn trình tự lập còn ở mức độ. Vì vậy doanh nghiệp nước ngoài ít đầu tư, còn doanh nghiệp trong nước thì chỉ có một số là tìm đến, còn nhìn chung là doanh nghiệp chưa chú trọng đến lĩnh vực này.

Từ những trở ngại trên mà tỉnh Yên Bái đã đưa ra những giải pháp để khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, cụ thể như:

Tháng 8/2015, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động "Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI)" tỉnh Yên Bái giai đoạn 2015-2020, với mục tiêu cải thiện nâng cao chất lương điều hành của bộ máy chính quyền, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, giàu sức cạnh tranh, một nền hành chính tinh gọn, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Đến tháng 12/2015 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 27/2015/QĐ-UBND ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020. Cũng theo Quyết định, đối với đề án, đối với vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ theo các mức khác nhau.

Cũng trong tháng 12/2015 UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 24/2015/QĐ-UBND về việc ban hành quy định chính sách khuyến khích đầu tư vào sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020. Với những cơ chế khuyến khích đầu tư thông thoáng bằng ưu đãi về đơn giá thuê đất, thuê mặt nước, hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ đào tạo nghề; tạo điều kiện vay vốn của các tổ chức tín dụng; thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật nhất là giao thông để phục vụ sản xuất...

Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái còn tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường việc phân cấp đến các địa phương, giải quyết nhanh việc cấp phép, giải quyết khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua những chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện 02 Nghị quyết 19-2016 và Nghị quyết 35 của Chính phủ. Đồng thời khuyến khích sự liên kết chặt chẽ và hỗ trợ nhau giữa người sản xuất, nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp. Đó chính là mô hình “ Liên kết bốn nhà” gồm: Nhà nông - nhà nước - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp.

Từ những quyết tâm của tỉnh, những lợi thế của vùng, tôi tin rằng số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn sẽ tăng lên, không những chỉ có nhà đầu tư trong nước mà còn có cả nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình như Dự án đầu tư chăn nuôi, chế biến thỏ công nghệ cao tại Văn Chấn của Nhà đầu tư Nhật Bản.

BTV - Xin cảm ơn ông.

774 lượt xem
Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h