Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Hội thảo thực trạng và giải pháp thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

27/10/2016 11:42:45 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT – Sáng 27/10, Liên minh hợp tác xã tỉnh tổ chức “Hội thảo về thực trạng và giải pháp thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn” nhằm tìm ra những giải pháp tiếp cận chính sách tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể.

Quang cảnh Hội thảo

Dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; Hội Nông dân tỉnh; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Yên Bái; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn, Thị xã Nghĩa Lộ; lãnh đạo UBND các xã Đào Thịnh, Nghĩa An, Tân Thịnh (Văn Chấn); lãnh đạo các hợp tác xã, tổ hợp tác.

Vốn là yếu tố hàng đầu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, thời gian qua, vấn đề về vốn gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu thống kê của Liên minh hợp tác xã tỉnh, vốn điều lệ bình quân của một hợp tác xã trên địa bàn tỉnh là trên 1,3 tỷ đồng, đối với hợp tác xã nông nghiệp chỉ trên 900 triệu đồng. Để bảo đảm đủ vốn hoạt động, hầu hết các hợp tác xã phải sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng. Hiện nay, hầu hết các hợp tác xã không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn tín dụng do: quy mô sản xuất nhỏ, năng lực cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế, phương án kinh doanh không khả thi, đầu ra cho sản phẩm không ổn định, tài sản, đất đai thế chấp không bảo đảm… Do đó, hiện nay các hợp tác xã chủ yếu sử dụng tài sản của các hộ thành viên để vay vốn. Năm 2010, Chính phủ có chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Nhờ có chính sách này, năm 2015, dư nợ cho vay thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đạt 4.809 tỷ đồng. Các khoản vay này đã giúp các hộ dân, các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã giải quyết được một phần khó khăn về vốn. Tuy nhiên, vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều bất cập cần tháo gỡ.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận những khó khăn về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: ngoài việc thiếu hụt vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, đầu ra thiếu ổn định thì việc quy định khắt khe về nhãn mác hàng hóa, thiết bị sản xuất, phục vụ nông nghiệp hay áp dụng các biện pháp đảm bảo tiền vay cũng gặp phải những trở ngại nhất định. Vì vậy khiến nhiều ngân hàng e ngại khi thẩm định, cho vay đối với các khoản vay của các hợp tác xã dẫn tới hợp tác xã khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Khi hợp tác xã, hộ vay vốn phát sinh nợ quá hạn thì việc xử lý tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để thu nợ khó thực hiện do nhà và đất ở nông thôn khó mua bán, chuyển nhượng; nhiều trường hợp chỉ có giấy chứng nhận tạm thời hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không đăng ký thế chấp được. Ngân hàng “ngại cho vay” tới hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã vì khách hàng chưa đủ uy tín, thiếu phương án kinh doanh khả thi, hợp tác xã “ngại đi vay” do cơ chế, thủ tục cho vay phức tạp…

Tại Hội thảo đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã hướng dẫn cụ thể về đối tượng, thủ tục cho vay đối với các hợp tác xã theo Nghị định 55; các cơ quan chức năng đã hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tháo gỡ khó khăn về tín dụng, giúp người dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã có thể hưởng lợi cao từ chính sách tín dụng này của Nhà nước.

Nhân dịp này, Liên minh hợp tác xã đã phát động đến các hợp tác xã, các doanh nghiệp thành viên Liên minh hợp tác xã tỉnh ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” năm 2016.

890 lượt xem
Thu Nga

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h