Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Văn hóa - Xã hội

Văn Yên lan tỏa văn hóa đọc

16/04/2018 15:47:38 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Thời gian qua, huyện Văn Yên đã chú trọng nhiều giải pháp nâng cao văn hóa đọc sách cho các đối tượng, nhất là thanh thiếu niên, học sinh. Không chỉ phát huy hiệu quả từ những ngày hội sách mà các nhà trường, thư viện, nhà văn hóa thôn bản tại huyện cũng đang thu hút đông đảo bạn đọc. Đây là dấu hiệu đáng mừng nhằm phát triển thói quen đọc sách, trở thành nhu cầu thường ngày của mỗi người để nâng đỡ tâm hồn, trau dồi kiến thức, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cuộc sống hiện đại hôm nay.

Đọc sách tại thư viện nhà trường đã trở thành thói quen và niềm đam mê của các em học sinh trường Tiểu học và THCS xã Đông Cuông

Trong những năm gần đây, “văn hóa đọc” đã bị lấn át bởi sự tiện ích của việc sử dụng internet và các phương tiện nghe nhìn hiện đại. Tuy vậy, tại huyện Văn Yên, phong trào đọc sách vẫn được duy trì và phát triển. Đến nay toàn huyện có 1 thư viện cấp huyện với gần 12.000 đầu sách, thư viện xã với 1.000 bản; 35 thư viện trường học, 25 tủ sách pháp luật ở UBND các xã, Bưu điện văn hóa xã, nhà văn hóa các thôn tại khu dân cư, 7 điểm phục vụ của xe lưu động thư viện tỉnh phục vụ tất cả các đối tượng bạn đọc cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên, cán bộ nghỉ hưu và các tầng lớp nhân dân đến đọc sách hàng ngày. Ngoài việc phục vụ các loại sách, thư viện huyện còn có phòng sử dụng máy tính và truy cập Internet. Từ đầu năm đến nay, thư viện đã đón gần 1.500 lượt người truy cập internet và đọc sách, là địa chỉ tin cậy của bạn đọc, nhất là bạn đọc là các em thiếu nhi và học sinh.

Để phục vụ tốt nhu cầu đọc, nghiên cứu sách của nhân dân trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo thư viện huyện, thư viện các trường học, bưu điện văn hoá xã, nhà văn hoá thôn bản tiến hành tổ chức các hoạt động phong phú và đa dạng như: Hướng dẫn kỹ năng đọc, chọn sách phù hợp cho từng đối tượng; tổ chức ngày hội đọc sách; giới thiệu, trưng bày gần 1.000 đầu sách, ảnh, các tài liệu về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương Văn Yên và tỉnh Yên Bái. Đồng thời phát động phong trào quyên góp sách, ủng hộ sách trẻ em nghèo, thiếu niên vùng khó khăn... Ngoài trung tâm thư viện huyện, 25 tủ sách cơ sở đặt tại các điểm bưu điện xã, nhà văn hóa thôn bản cũng phục vụ được hơn 6 nghìn lượt bạn đọc mỗi năm. Tính tư đầu năm 2018 đến nay, thư viện huyện đã luân chuyển 1.182 bản sách về các điểm bưu điện văn hóa xã, thu hút hơn 1.200 lượt người đến đọc sách.

Những năm qua, được sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục huyện Văn Yên đã quan tâm đến việc nâng cao văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh. Trong đó tập trung khai thác hiệu quả thư viện nhà trường. Hiện tại, trên địa bàn huyện Văn Yên có 35 trường phổ thông có thư viện trường, trong đó 8 trường phổ thông dân tộc bán trú có mô hình thư viện xanh với nguồn tài liệu đáp ứng khá đầy đủ nhu cầu của giáo viên và học sinh, về nội dung và số lượng đảm bảo theo yêu cầu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trung bình ở mỗi thư viện trường có khoảng 7.000 đầu sách bao gồm sách giáo khoa, sách tham khảo, tài liệu dành cho giáo viên và học sinh, truyện thiếu nhi...; có trên 70% số học sinh, 100% giáo viên sử dụng sách và đọc sách trong thư viện của các nhà trường.

Xây dựng thư viện trường học tiên tiến là một trong những mục tiêu phấn đấu của trường Tiểu học THCS Đông Cuông trong năm học 2017-2018. Để phục vụ nhu cầu đọc sách cho trên 50 cán bộ, giáo viên và trên 1 nghìn học sinh, Ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện, Thư viện tỉnh Yên Bái để mượn các ấn phẩm sách, truyện, tạp chí …phục vụ cho việc học tập và giảng dạy của nhà trường, làm cho vốn tài liệu của Thư viện tr nên phong phú hơn. Hiện tại tổng số sách hiện có trong thư viện là 4.371 cuốn, Sách điện tử có 16. 617 cuốn. Thư viện được đặt ở vị trí thuận lợi, sắp xếp khoa học, có không gian đẹp, rộng rãi, thoáng mát, hấp dẫn, thu hút giáo viên, học sinh đến đọc sách tại thư viện. Thầy giáo Nguyễn Tiến Ước, hiệu trưởng trường Tiểu học & THCS Đông Cuông cho biết: “Phát triển “văn hóa đọc” cho giáo viên và học sinh trong trường học là một việc làm rất quan trọng, có tác động tích cực trong đổi mới phương pháp dạy và học, giúp giáo viên và học sinh đến với sách, hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội học tập. Do vậy bên cạnh việc xây dựng thư viện đạt chuẩn với nhiều đầu sách phong phú, trường chúng tôi cũng đã thường xuyên tổ chức hoạt động giới thiệu sách đối với học sinh. Hoạt động này đã lồng ghép vào giờ chào cờ hàng tuần, tổ chức các buổi đọc sách theo chủ đề các ngày lễ lớn trong năm, hưởng ứng các hoạt động nhân ngày sách Việt Nam”.

Tất cả các loại sách trong thư viện trường Tiểu học và THCS Đông Cuông được vào sổ tổng quát và được phân loại vào sổ đăng ký cá biệt, sổ đăng ký sách giáo khoa và đã được mô tả dưới dạng mục lục phích. Các tủ sách đều đảm bảo được tính an toàn, thẩm mỹ và thuận tiện, có danh mục sách để học sinh dễ lựa chọn, được sắp xếp theo mã mầu, theo lớp theo giá đựng, dễ thấy, dễ lấy, dễ kiểm kê. Hiệu quả của hoạt động thư viện ở Trường tiểu học & THCS Đông Cuông không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học mà còn đẩy mạnh phong trào học sinh tích cực, xây dựng trường học thân thiện, tăng cường khả năng tự học của học sinh. Những trang sách hay mở ra cho các em những thế giới muôn màu, hướng các em biết yêu cái đẹp, biết cảm thụ cái đẹp. Em Nguyễn Trần Lâm Anh, học sinh lớp 6B, trưởng Tiểu học & THCS Đông Cuông chia sẻ: “Vào các giờ ra chơi hoặc khi đến trường sớm, em và các bạn rất thích đọc sách hoặc truyện thiếu nhi ở thư viện nhà trường. Những cuốn sách được xếp theo các chủ đề nên rất dễ tìm và dễ đọc. Khi cùng nhau đọc sách, chúng em còn trao đổi với nhau về những cuốn sách, bài báo hay, nhất là những gương về các bạn đội viên học giỏi, hát hay để học tập, noi theo”

Để tạo cho học sinh có được thói quen tiếp xúc hàng ngày với tri thức mới qua những trang sách, Trường THPT Chu Văn An Yên đã có những phương pháp tổ chức thiết thực để khơi dậy văn hóa đọc trong HS, trong đó đặc biệt được chú trọng là việc phát triển và đổi mới thư viện học đường. Thư viện nhà trường được đầu tư trang thiết bị chuyên dụng tương đối đầy đủ như: tủ mục lục để tra cứu sách, máy vi tính, máy quét mã vạch, bàn ghế đọc sách của học sinh và giáo viên, có đủ giá để xếp sách với tổng số gần 24 nghìn cuốn sách. Nhà trường chỉ đạo giáo viên bộ môn trong quá trình giảng dạy chú trọng việc hướng dẫn học sinh đọc thêm ở sách giáo khoa, tài liệu tham khảo để nâng cao kiến thức;  Khuyến khích học sinh tham gia tìm tài liệu ở thư viện, trên mạng internet, từ đó đã có tác động tích cực trong đổi mới phương pháp dạy và học, giúp giáo viên và học sinh đến với sách, hình thành thói quen đọc sách. Em Nguyễn Thùy Dương, học sinh lớp 11A5 trường THPT Chu Văn An cho biết: Những cuốn sách hay đã mang đến cho chúng em những kỹ năng sống cùng những kiến thức liên môn hết sức đa dạng và phong phú. Những câu chuyện thiết thực, sinh động và ý nghĩa về sách, thói quen và đam mê đọc sách đã giúp em hiểu hơn về giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội nói chung và trong học tập nói riêng, giúp chúng em học tập tốt hơn”.

Với những hoạt động bổ ích đang triển khai, văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân vùng đất quế Văn Yên đã và đang được tan toả, khơi dậy niềm đam mê đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, xây dựng xã hội học tập, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

1298 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h