Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Bộ Y tế khuyến cáo tiêm phòng vaccine viêm não Nhật bản cho trẻ em

04/07/2017 07:19:06 Xem cỡ chữ Google
Để chủ động phòng chống bệnh viêm não virus, trong đó có viêm não Nhật Bản, Bộ Y tế khuyến cáo, các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm phòng vaccine đầy đủ và đúng lịch.

Muỗi truyền viêm não Nhật Bản ở Việt Nam chủ yếu là loài muỗi Culex Tritaeniorhynchus.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam là nước nhiệt đới, lưu hành nhiều bệnh truyền nhiễm do côn trùng truyền trong đó có bệnh viêm não virus; đặc biệt, mùa hè là mùa thích hợp cho các côn trùng truyền bệnh phát triển. Bệnh viêm não Nhật Bản chỉ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm não virus ở nước ta.

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 62 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Sơn La. Số ca mắc bệnh xuất hiện rải rác, chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền Bắc, miền Nam. Các tỉnh, thành phố có số mắc cao là Hưng Yên, Nghệ An, Hà Nội, Sơn La, Khánh Hòa, Kiên Giang và Kon Tum.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh viêm não virus là tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: Nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, dễ bị biến chứng và tử vong.

Nguyên nhân gây viêm não thường là các virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus Herpes, các virus đường ruột (như EV 71 gây bệnh tay chân miệng), sởi, quai bị và các virus khác mà ta chưa biết rõ... Do các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng virus nên việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua việc xét nghiệm xác định virus. Virus gây viêm não Nhật Bản tồn tại trên một số loài chim, lợn, chuột và trên muỗi. Muỗi vừa là ổ chứa, vừa là môi giới truyền virus sang người. Muỗi truyền viêm não Nhật Bản ở Việt Nam chủ yếu là loài muỗi Culex Tritaeniorhynchus.

Tại nước ta, viêm não virus xảy ra rải rác quanh năm. Trong mười năm trở lại đây, số ca mắc viêm não virus trung bình khoảng 1.000-1.200 trường hợp/năm và có khoảng 20-50 trường hợp tử vong; trong đó, bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận 200-300 trường hợp mắc, bệnh thường tăng cao vào các tháng mùa hè.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, ngay từ đầu mùa dịch, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống dịch mùa hè tại các địa phương; đồng thời, tổ chức các hội nghị phòng chống dịch bệnh mùa hè tại 4 khu vực để tăng cường các hoạt động phòng chống dịch. Cục Y tế dự phòng đã thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương.

Riêng đối với bệnh viêm não Nhật Bản, vaccine phòng bệnh đã được đưa vào tiêm chủng thường xuyên trong chương trình tiêm chủng mở rộng, được tiêm miễn phí cho trẻ 1-5 tuổi. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý đối tượng tiêm chủng, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao, đưa phần mềm quản lý tiêm chủng vào sử dụng trên phạm vi cả nước, hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ sót trẻ trong độ tuổi không được tiêm chủng. Trong năm 2017, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng viêm não Nhật Bản bổ sung cho đối tượng từ 6-15 tuổi tại 16 tỉnh, thành phố hiện đang lưu hành dịch bệnh viêm não Nhật Bản và có nguy cơ bùng phát dịch.

Bộ Y tế khuyến cáo: Để chủ động phòng chống bệnh viêm não virus, trong đó có viêm não Nhật Bản, các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm phòng vaccine đầy đủ và đúng lịch. Người dân và cộng đồng cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, chuồng gia súc phải xa nhà, diệt muỗi tại các chuồng trại gia súc, loại bỏ các ổ bọ gậy.

Mọi người nên nằm màn kể cả ban ngày và ban đêm, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc; thường xuyên rửa tay với xà phòng, bảo đảm an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi; hạn chế tiếp xúc và cần đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.

Nếu có các dấu hiệu sốt cao và kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương như co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê…, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

560 lượt xem
Theo Chinhphu.vn

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h