Ngày 09/08/2024, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2319/QĐ-BHVTTDL công nhận lễ hội Xên đông (Cúng Rừng) của người Thái Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Một số hình ảnh tại lễ hội Xên đông
I. Tên gọi của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
1. Tên thường gọi: Lễ “Xên đông” (Cúng Rừng) của người Thái
Trong tiếng Thái “Xên” có nghĩa là cúng, “đông” có nghĩa là rừng. Lễ “ Xên đông” tức là lễ cúng rừng.
II. Loại hình
Lễ “Xên Đông” của người Thái được xếp vào loại hình “Tập quán xã hội và tín ngưỡng”.
III. Quyết định công bố Di sản văn hóa phi vật thể
Quyết định số 2319/QĐ-BHVTTDL ngày 09/08/2024 của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch công nhận lễ “Xên đông” của người Thái, xã Hạnh Sơn, Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
IV. Địa điểm phân bố Di sản
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ “Xên đông” của người Thái được phân bố trên cơ sở địa bàn cư trú của đồng bào Thái ở khu vực miền Tây – Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái
V. Chủ thể văn hóa
Cộng đồng người Thái ở xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
VI. Miêu tả về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
1. Quá trình ra đời và tồn tại của di sản
Rừng trong tâm thức của người Thái như trái tim của cộng đồng, thể hiện những quy ước, luật tục và những giá trị văn hóa truyền thống. Rừng được tôn thờ, sùng kính như ông bà, tổ tiên. Trải qua hàng ngàn năm chung sống hòa thuận với rừng, những của cải vật chất mà rừng đã đem lại cho con người, người dân nơi đây đã rất biết ơn và tôn trọng rừng, họ tự đặt ra những quy định về việc bảo vệ rừng, được cộng đồng đồng thuận và tự nguyện tuân theo.
Lễ "Xên đông" có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của tộc người Thái. Là cư dân nông nghiệp lúa nước, trong tâm thức của mỗi người, ai cũng nhận biết được tầm quan trọng của rừng đối với đời sống hằng ngày. Rừng chính là nơi bảo vệ cho bản mường luôn mát lành, đem lại cuộc sống ấm no, mùa màng tươi tốt, cung cấp nguồn nước sạch cho đồng bào, cung cấp cho con người bao sản vật quý, từ vật liệu làm nhà ở đến đồ dùng sinh hoạt hằng ngày đều do rừng cung cấp, rừng đã góp phần nuôi sống con người và đến khi theo quy luật của tạo hóa, mỗi người qua đời, rừng lại đón về ấp ủ yêu thương như người mẹ.
Theo cuốn sách “Quắm tố mương” (Truyện kể bản mường) của người Thái thì khoảng 1000 năm trước, tổ tiên người Thái di cư vào vùng Văn Chấn, Nghĩa Lộ - Mường Lò. Từ khi vào vùng thung lũng trước núi này sinh sống, với cộng đồng người Thái, giữ rừng đầu nguồn, rừng thiêng đã thành lệ của bản mường. Từ đời này sang đời khác, người Thái truyền nhau câu ca "Tai pá phăng, nhăng pá liệng" có nghĩa là "Sống rừng nuôi, chết rừng chôn", người già vẫn nhắc người trẻ rằng, phải giữ rừng để mó nước luôn tuôn trào, đời đời sinh sôi, nếu không có rừng, muôn loài sẽ bỏ đi. Ai nhớ được câu ấy thì mới thành người. Người Thái là cư dân nông nghiệp lúa nước điển hình ở vùng thung lũng trước núi nên đồng bào hiểu rất rõ vai trò của rừng đầu nguồn đối với cuộc sống và mùa màng. Rừng trở lên linh thiêng và trách nhiệm bảo vệ rừng được cộng đồng cụ thể hóa thành những câu nói dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hiểu như: “Cây cổ thụ phủ đầy rêu phong, như người già có râu, rừng xanh bát ngát là rừng đầu nguồn, rừng đầu mó nước, rừng ngút ngàn tít tắp, rừng cúng tế, rừng kiêng, rừng linh thiêng,… có rừng có cây, có hoa quả chín, chim muông, ong bướm, muôn loài sẽ đến. Nếu không, muôn loài ong bướm và chim muông sẽ bỏ đi, đó là lẽ thường tình tự nhiên”.
Vì vậy, việc bảo vệ rừng, đặc biệt là những khu rừng đầu nguồn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người, đến nay việc bảo vệ rừng đã trở thành lệ của bản mường. Người Thái nơi đây, từ thế hệ cha ông đến nay vẫn luôn nhắc nhau: "Giữ rừng cho muôn đời phát triển, để cho muôn mó nước tuôn trào", đồng bào quan niệm ai nhớ được câu ấy thì mới trở thành người biết giữ bản giữ làng.
Theo ông Lò Văn Phong, 81 tuổi là thầy mo có tiếng ở vùng Mường Lò, cư trú tại bản Cại, xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn cho biết: Ngày xưa, vùng đất Mường Lò còn hoang vu, núi rừng rậm rạp. Đời sống người dân cực khổ, làm quanh năm, ngày tháng mà vẫn không đủ ăn, họ chỉ biết trồng lúa ở ven bờ suối, nhưng toàn bị con sâu, con bọ ăn hết, hạn hán mất mùa quanh năm. Lên rừng thì không thể kiếm sống bởi đồng bào quan niệm rừng chỉ có cây cối rậm rạp, là nơi ẩn nấp của các loài thú giữ, ít ai dám lên đây. Bỗng dưng một ngày, xuất hiện đôi vợ chồng từ phía Bắc xuống khai thác tại các chân rừng để làm thành ruộng, thành nương. Lúc bấy giờ, nhiều người dân cũng lên làm ăn, sinh sống cùng họ. Sau một vài năm, cuộc sống của người dân khấm khá hơn trước, không bị đói, bị rét như xưa kia mà giờ họ đã có nhà để trú mưa, ruộng nương ngày càng tươi tốt. Sau khi đôi vợ chồng chết đi, đúng vào năm đó, ruộng nương dân làng bỗng nhiên bị sâu bọ ăn hết, cả làng đều mất mùa. Người dân quan niệm, người khai phá ra những mảnh ruộng, mảnh nương chết đi thì ruộng nương cũng chết theo, để cảm tạ công ơn người đã khai phá ra những mảnh ruộng, mảnh nương, nhân dân đã mang lễ vật, những của cải làm ra để đem cúng lễ cho đôi vợ chồng và dâng những lễ vật đó lên các thần thánh tại khu rừng mà vợ chồng ông đã khai ruộng dưới chân để cầu mong các thần phù hộ. Từ năm đó ruộng nương bỗng trở lại tươi tốt, đời sống người dân no đủ, trong tâm thức của người dân lúc này đã hiện lên các vị thần linh cứu giúp nhân dân. Cũng từ đây, cứ vào ngày giỗ của đôi vợ chồng nọ, họ lại tổ chức lễ cúng tại khu rừng thiêng để cảm tạ công ơn của đôi vợ chồng, cảm tạ thần rừng đã đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Tục này được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến nay đã trở thành lệ của bản mường, cứ đến ngày 12 tháng giêng âm lịch hằng năm là nhân dân trong vùng tổ chức lễ "Xên đông" để tưởng nhớ những vị tiên tổ đã đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đồng thời cầu mong các vị thần linh phù hộ cho bản làng một năm mới bình an ấm no, hạnh phúc.
Xét về quá trình lịch sử và đặc điểm cư trú của tộc người, có thể nhận thấy: người Thái là cư dân điển hình của cảnh quan thung lũng trước núi, quá trình di cư của cộng đồng cũng luôn chọn những vùng đất thấp, ven sông, suối, ngòi để tụ cư và canh tác lúa nước. Với truyền thống đó, nhu cầu về đất và nước vùng thung lũng là rất cao. Rừng là cánh cửa phía trên quyết định sự ít nhiều của nước, quyết định cuộc sống no đủ hay mất mùa, đói kém của cả cộng đồng. Bởi vậy, rừng có vai trò quyết định đối với đời sống cộng đồng. Cùng với quan niệm “vạn vật hữu linh”, người Thái cho rằng: ở trần gian, bất cứ nơi nào cũng có các “phi” (ma) cai quản. Muốn lập bản, lập mường khai phá ruộng, phát nương, đánh cá, săn thú, có cuộc sống yên ổn đều phải xin phép các ma như: ma ruộng, ma nương, ma rừng, ma suối… phù hộ, bảo vệ con người. Từ điều kiện cư trú và tư duy tín ngưỡng truyền thống cùng với những tiến bộ khoa học chưa phát triển đã khiến cho con người tìm đến niềm tin vào các bậc siêu nhiên. Muốn có cuộc sống bình yên, no đủ trước sự bất ổn của thiên nhiên, người ta tìm đến “niềm tin tín ngưỡng”, thờ cúng các thần mà họ cho rằng có quyền năng cai quản và quyết định cuộc sống bản mường để tìm sự che chở, giúp đỡ, trong đó có thần rừng. Lễ “Xên đông” có lẽ được ra đời trong những hoàn cảnh đó. Vì từ xưa, cộng đồng luôn ý thức được về vai trò vô cùng quan trọng của rừng trong đời sống nên mọi ứng xử với rừng đều được thể hiện trong các quy ước, luật tục rất rõ ràng. Những khu rừng cấm thường gắn với các truyền thuyết, giai thoại, không ai dám xâm phạm dù chỉ là hái một ngọn măng, chặt một cành cây, săn bắt một con chim, con thú. Thậm chí, trước kia, có khu rừng từ dân đến quan đi qua đều phải xuống xe xuống ngựa, cúi lạy rừng, phụ nữ thì hạ “piêu” (khăn) rồi lặng lẽ bước qua.
Người Thái có lệ cấm tuyệt đối không được khai thác rừng đầu nguồn nước. Những nơi rừng khai thác thì chặt một cây to phải trồng bù 5 đến 10 cây mới, cấm không được phát quang, đốt làm nương. Rừng còn là nơi chôn cất người quá cố, thân thương, gắn bó nhiều thế hệ cộng đồng. Những luật tục ấy cho thấy người Thái đã đạt đến trình độ văn minh, nhận thức được giá trị của rừng trong đời sống và sản xuất một cách khoa học. Bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sống, điều hòa nguồn nước và giữ cân bằng sinh thái.
Chính từ những nhận thức đúng đắn về vai trò của rừng đã đưa đến những cách thức ứng xử hài hòa với rừng của cộng đồng người Thái nhằm hướng tới mong muốn có được cuộc sống bình yên, no đủ đã quyết định sự ra đời và tồn tại gần như xuyên suốt của lễ “Xên Đông” (cúng rừng) trong lịch sử tộc người Thái ở vùng đất Mường Lò này. Tuy nhiên, do những tác động khách quan, lễ “Xên đông” cũng có khoảng thời gian không được tổ chức. Theo trí nhớ của các cụ cao niên trong vùng thì nghi lễ luôn tồn tại trong cộng đồng cho đến năm 1948 (đây là lần cuối cùng được tổ chức tại bản Viềng Công, xã Hạnh Sơn trước khi mai một). Đến năm 2004, lễ “Xên Đông” được khôi phục và tổ chức tại bản Đường, xã Hạnh Sơn (vì lúc này bản Viềng Công đã không còn cây cổ thụ). Từ đó đến nay, lễ được duy trì và tổ chức thường niên tại khu vực cây đa bản Đường vào ngày 12 tháng giêng hằng năm.Những năm gần đây, lễ “Xên đông” ngày càng thu hút đông đảo cộng đồng người Thái vùng Mường Lò tham gia cũng như du khách gần xa du xuân, chơi hội bởi sự độc đáo, hấp dẫn của nó.
2. Hình thức biểu hiện và quy trình thực hành
2.1. Hình thức biểu hiện: Đã thành lệ, cứ vào ngày 12 tháng giêng hằng năm, người Thái vùng Mường Lò lại rộn ràng tổ chức lễ “Xên đông” để cúng thần rừng với mong muốn một năm cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống sung túc, giống nòi sinh sôi, vạn vật nảy nở.
Lễ “Xên đông” là một tập quán xã hội và tín ngưỡng truyền thống, đã có từ lâu đời gắn với đời sống văn hóa tinh thần của người Thái vùng Mường Lò. Địa điểm tổ chức bao giờ cũng là trên rừng, dưới gốc một cây cổ thụ, có khuôn viên rộng. Đây là một hiện tượng văn hóa dân gian tổng hợp, được biểu hiện qua quá trình trực tiếp chuẩn bị và thực hành di sản, các nghi lễ cúng tế, các cử chỉ và ngôn ngữ đã được chuẩn bị từ trước và tự phát trong quá trình thực hành, trình độ nghệ thuật, tư duy thẩm mỹ và những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần được chắt lọc qua quá trình ra đời, tồn tại, phát triển của nghi lễ đã có từ hàng trăm năm để phù hợp với từng thời kỳ lịch sử của đất nước, của dân tộc và của địa phương, dưới dạng truyền khẩu từ đời trước sang đời sau nhằm truyền đạt suy nghĩ và cảm xúc.
Như vậy, hình thức biểu hiện của di sản này được thể hiện trên các sản phẩm vật chất, tinh thần đặc trưng và rất đa dạng, phong phú, kèm theo tính "mở" trong khuôn khổ truyền thống vốn có của di sản qua óc tư duy và sáng tạo của cộng đồng ở mỗi hoàn cảnh cụ thể, phản ánh thực tế cuộc sống lao động sản xuất, môi trường cư trú, cảnh quan thiên nhiên với hệ thống động, thực vật đa dạng cũng như tư duy tín ngưỡng và kèm theo đó là ước vọng, khát khao của cộng đồng về một cuộc sống tốt đẹp, bình yên, no đủ.
2.2. Quy trình thực hành:
* Thời gian và địa điểm tổ chức nghi lễ:
- Thời gian: Lễ “Xên đông” được tổ chức chính thức vào ngày 12 tháng giêng hằng năm. Năm 2024, nghi lễ diễn ra từ ngày 20/2/2024 đến ngày 21/2/2024 (tức từ ngày 11 đến ngày 12 tháng giêng năm Giáp Thìn). Lễ chính thức diễn ra vào ngày 21/2/2024 (tức ngày 12 tháng giêng).
- Địa điểm: Lễ cúng chính thức diễn ra tại gốc cây đa cổ thụ, thuộc bản Đường, xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
* Công tác chuẩn bị:
- Chuẩn bị về lễ vật: Lễ vật chuẩn bị cho lễ cúng chính trong lễ “Xên đông” gồm có:
+ 01 con trâu (để riêng các bộ phận: 01 đầu trâu, 3kg thịt trâu, 3kg lòng trâu, 04 chiếc chân trâu, 01 chiếc đuôi trâu, 03 dảnh xương sườn trâu, 01 cái gân trâu, 03 bát tiết trâu, 03kg da trâu); Bánh chưng ống: 8 cái; Xôi: 03 gói; Gạo: 03 bát con; Măng vầu: 03 kg; Rau xanh: 03 loại; Chén rượu: 27 chén; Chai rượu: 03 chai; Bát con: 27 cái; Đũa ăn: 27 đôi; Muối, ớt: 03 gói; Chuối tiêu: 01 nải; Quả cúng: 03 loại; Bánh kẹo: 5 gói; Nước trắng: 03 bát; Mía trắng: 02 cây; Mía đen (mía tím): 8 đoạn; Thuốc lào: 03 gói; Hương thắp, nến hoặc đèn dầu, tiền vàng giấy; Quần áo truyền thống nam, nữ người Thái: 4 bộ (02 bộ nam, 02 bộ nữ); Vải trắng của người Thái: 2 sải; Giấy màu: 20 tờ; 01 áo dài đen của chủ mường.
- Mời các thầy cúng: Trong lễ “Xên đông” mời 03 thầy mo (01 thầy mo chính mặc áo đỏ, 02 thầy phụ mặc áo đen). Thầy mo chính cúng thỉnh lên "mương phi" (mường ma), thầy mo phụ thứ nhất cúng cho thế giới hiện tại, thầy mo phụ thứ hai lo việc chuẩn bị các lễ vật, số mâm, làm cỗ dâng cúng.
- Chuẩn bị khu vực diễn ra lễ cúng chính thức: Để chuẩn bị cho lễ cúng chính thức diễn ra vào ngày hôm sau, từ sáng ngày hôm trước (11 tháng giêng), các thầy cùng một số người giúp việc đã có mặt tại khu vực diễn ra nghi lễ chính thức để cúng xin phát dọn, vệ sinh, sửa sang, trang trí lán thờ.
Trước khi diễn ra lễ, việc phát dọn, vệ sinh khu vực diễn ra lễ chính thức, thầy mo và những người giúp việc thắp hương tại khu vực gốc cây đa và khấn báo cáo với các thần, xin dọn dẹp khu vực tổ chức lễ. Nội dung bài cúng như sau:
Báo cáo thần đất thổ công xin dọn dẹp khu vực làm lễ
Hằng năm, không quên phong tục tập quán của người Thái.
Lễ “Xên đông” vào ngày 12 tháng giêng.
Hôm nay, nhân dân người Thái ở Mường Lò chuẩn bị làm lễ “Xên đông”
Có trâu trắng sừng to, có trâu đen sừng nhọn báo cáo với thần đất, thần cây, thần rừng, chỗ đất lành chim đậu, cây tốt chim làm tổ.
Hôm nay, ngày 11 tháng giêng
Thầy mo tôi thay mặt nhân dân người Thái ở Mường Lò
Đến xin các thần cho sửa nhà, sửa cửa, tổng vệ sinh, quét dọn
Vì trong 1 năm qua nhà cửa không được tốt, lá cây không được thu
Hôm nay xin được thu dọn, tu sửa, trang trí
Để chuẩn bị cho ngày mai 12 tháng giêng đặt mâm cơm, mâm cỗ đầy
Về báo cáo với các thần trong lễ “Xên đông”.
Sau khi đã xin phép, dân bản cùng nhau dọn dẹp, phát cây quang đãng và làm một cái lán cúng nhỏ tại gốc cây đa ở bản Đường, trang trí giấy màu xung quanh với 03 màu chủ đạo là: màu đỏ, màu xanh, màu vàng, mỗi màu đều thể hiện những ước mong của cộng đồng. Màu đỏ tượng trưng cho sự sung túc, đủ đầy; màu xanh tượng trưng cho sự bình an, may mắn; màu vàng tượng trưng cho sự thành công, vui vẻ. Gần đây, cộng đồng có sử dụng thêm giấy màu trắng, màu tím để làm cho khu vực trang trí nổi bật hơn.
Sau khi trang trí, tổng vệ sinh xong, thầy mo khấn báo cáo với các thần, nội dung bài cúng như sau:
Hôm nay, ngày 11 tháng giêng, con cháu người Thái vùng Mường Lò đến đây để báo cáo với thần trời, thần đất, thần cây xin sửa sang khu vực cúng tế, đến giờ đã tổng vệ sinh, sửa sang nhà cửa xong, con cháu xin báo cáo để ngày mai 12 tháng giêng, toàn thể bà con trong vùng cùng đến chuẩn bị mới có mâm cơm cao, mâm cỗ đầy đặt cho thần trời, thần đất, thần cây. Những ai chưa biết thì báo nhau về dự đầy đủ nhé.
* Thành phần tham gia trong lễ “Xên đông”: Thầy mo chính, thầy mo phụ thứ nhất, thầy mo phụ thứ 2, Chủ Mường, lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể của Thị xã Nghĩa Lộ cùng toàn thể bà con nhân dân Thị xã Nghĩa Lộ, các xã, huyện bạn và du khách gần xa.
*Quy trình thực hành ghi lễ chính (ngày 12 tháng giêng)
- Phần lễ:
+ Lễ cúng tại nhà chủ mường: Khi công tác chuẩn bị tại khu vực diễn ra lễ cúng chính xong, con trâu tế được đưa về nhà tạo, chủ mường (là người có vị trí, chức sắc trong mường, bản, nay thường là chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ nơi diễn ra lễ “Xên đông”). Trâu được buộc vào cột cái, dưới gầm sàn. Đến giờ đã chọn, thầy mo đến nhà chủ mường thực hiện bài cúng dưới gầm sàn, xin mang trâu đi mổ, đồng thời mượn áo của chủ mường, vòng tay, vòng cổ bằng bạc của vợ ông chủ mường, vải trắng của nhà chủ mường ra khu rừng thiêng làm lễ. Nội dung bài cúng như sau:
Tìm được ngày lành tháng tốt, kiếm được trâu đen trâu tốt về buộc dưới gầm sàn nhà chủ mường, đã đến sáng ngày 12 tháng giêng, xin mang trâu đi cho nhân dân giết thịt và mang áo, mang vòng của nhà chủ mường đi làm lễ cúng thần rừng tại rừng thiêng bản Đường.
+ Lễ cúng tại rừng thiêng: Sau lễ cúng xin tại nhà chủ mường, con trâu được dắt ra bãi đất rộng ven bờ suối hoặc bên dưới chân rừng thiêng, gần nơi diễn ra nghi lễ chính để giết thịt. Trâu mổ xong, lấy 4 chân, đầu, đuôi, nội tạng, tiết để làm lễ cúng cho thế giới hiện tại. Trên ban thờ cao tại gốc cây đa đặt các loại quả, nước, tiền vàng, đèn, hương, bánh kẹo, … ban thờ được trang trí giấy năm màu, cắt hình hoa, hình người, hình áo, hình đồi núi, hai cây mía trắng được đặt hai bên. Tầng dưới của ban thờ tại gốc cây đa đặt đầu trâu, 03 chân trâu, đuôi trâu, da trâu, xương sườn, gan và một ít thịt trâu sống để cúng thần rừng.
Ngoài ra, các phần còn lại của con trâu tế được thầy mo phụ thứ hai cùng những người giúp việc chế biến ngay tại khu vực diễn ra nghi lễ để chuẩn bị 3 mâm cỗ cúng đặt phía dưới, gồm có thịt trâu và đầy đủ các bộ phận của con trâu (riêng mâm giữa có 01 chiếc chân trâu) cùng với xôi, bánh chưng, măng, rau xanh, rượu, gạo, muối trắng, nước, vàng hương, bánh kẹo, mía tím, áo chủ mường, vòng cổ, vòng tay của vợ chủ mường, ... để làm lễ cúng.
Mọi việc đã chuẩn bị xong, giờ lành đã đến. Tất cả mọi người đều hướng về khu rừng “pu loong” (đồi rồng) nơi có cây "co loong" (cây cổ thụ) để thực hiện nghi lễ cúng rừng. Theo quan niệm của người Thái, gốc cây cổ thụ là nơi các vị thần, thánh thường xuyên lui tới nên lễ “Xên đông” thường được tổ chức tại đây và nơi này được coi là khu rừng thiêng.
Lúc này trước ban thờ gồm có hai thầy mo, ngồi phía sau thầy mo là tạo bản, tạo mường cùng người già, người có uy tín trong cộng đồng và đông đảo nhân dân trong bản, trong mường. Thầy mo chính (mặc áo đỏ) thực hiện các nghi lễ theo cách thức truyền thống của tộc người, cúng mời các thần về dự lễ. Nội dung bài cúng chính như sau:
Không nói không biết mặt
Không kể không biết tên
Hằng năm, đến ngày 12 tháng giêng
Lâu năm, dài ngày, tay trái kiếm ra, tay phải kiếm được
Trâu đen, trâu tốt, trâu béo, trâu thịt
Trâu to đuôi chùm, trâu béo đuôi voi
Mang về cúng ở gốc cây to có ma, gốc cây tốt có chủ
Xin kính mời:
Ông trời dựng lên thành tên bản tên mường
Mường Lò to cả vùng, Mường Chà cũ thời xưa
Bản Đường cũ trước kia
Mời chưa đến đủ thì mọi người cùng rủ nhau đến, gọi nhau đến cho đủ
Mời đến ăn trâu đen, trâu tốt, trâu béo, trâu thịt
Trâu to đuôi chùm, trâu béo đuôi voi
Xin mời ăn cả đầu, cả đuôi, cả cằm, cả lưỡi
Tiết sống không nấu, tiết hồng không luộc
Ăn cả nước luộc có phổi đỏ, nước canh đỏ có phổi trôi
Ăn cả thịt xuyên lỗ mùi thơm, thịt nướng que mùi khói
Uống rượu trắng thông họng, uống rượu đun cho dễ
Rượu rót chén uống tốt, ăn cơm đồng, cơm ruộng
Cơm xôi có nàng na, cơm trắng có nàng nắm
Ăn vào bụng cho no, ăn vào thân cho đủ
Ăn xong rồi kính mong:
Ông trời có 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông
Thần đất có 4 phương: đông, tây, nam, bắc
Rừng thiêng có cây to, cây to có chủ
Phù hộ cho nhân dân trong vùng, bà con trong bản trong mường
Năm cũ đã qua, năm mới đã đến
Năm mới nhiều niềm vui, làm một thì được hai
Ước gì thì được đấy, điều tốt thì đến, điều xấu bỏ qua
Bản mường ngày càng phát triển
Nhân dân được no ấm
Tình làng nghĩa xóm được xum họp như anh em một nhà
Ma quỷ không xâm nhập bản nhập mường
Con cháu học rộng đỗ cao
Mùa màng tươi tốt
Rừng che phủ rộng khắp, phát triển nhanh chóng, không khí trong lành
Hằng năm không có lửa cháy rừng
Không có lũ ống, lũ quét
Không có dịch bệnh, thiên tai
Nhân dân bình an vô sự, tai qua nạn khỏi
Mọi điều tốt lành nhất mong sẽ đến với nhân dân cả bản cả mường
Ăn xong, rượu uống rồi
Ông mo chúng tôi xin được thay nhân dân bản mường:
Cảm ơn ông trời, thần đất, rừng thiêng cây to có chủ nhận lấy lễ cúng của nhân dân vùng Mường Lò, bà con trong bản ngoài mường để rồi cho toàn thể nhân dân bản mường mọi việc tốt đẹp, chúng tôi xin các vị thần linh phù hộ cho cả các con, cháu, ông, bà, cha, mẹ, những người có việc bận không đến tham dự được nữa nhé.
Sau khi thầy mo chính cúng xong, thầy mo phụ thứ nhất (mặc áo đen) cúng cho thế giới hiện tại bắt đầu phần cúng của mình. Nội dung bài cúng như sau:
Hôm nay ngày lành tháng tốt, dân bản làm mâm cỗ dâng tổ tiên, trời đất và các thánh thần để tỏ tấm lòng thành kính, tưởng nhớ tới công ơn khai mường mở bản, đào ruộng, cuốc nương, trồng lúa nuôi sống con người, cho nhân dân bản mường no đủ, bản làng yên vui. Mong các vị thánh thần về chứng giám và phù hộ cho tâm ước, nguyện vọng của nhân dân bản mường bước sang năm mới trồng lúa lúa tốt, trồng ngô sai bắp, trồng cây sai quả, chăn nuôi không bị dịch bệnh, mọi người khỏe mạnh, bản làng bình an, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Tiếp đến, thầy mo chính và thầy mo phụ thứ nhất thay nhau kính báo với các “phi” (ma) về cuộc sống hiện tại, những điều đã làm được, những điều chưa làm được, trong đó có những điều do ma dữ làm hại con người nên cầu mong các “phi” sẽ phù hộ, che chở cho cuộc sống của dân bản, trừ ác để nhân dân có cuộc sống an lành. Các thầy mo lần lượt hỏi ý kiến các “phi” về những việc cần làm và không nên làm, sau mỗi câu hỏi, thầy mo đều xin ý kiến của các “phi” bằng cách xin âm dương bằng đồng xu, nếu các “phi” đồng ý thì hai đồng xu sẽ có một mặt sấp và một mặt ngửa, nếu các “phi” không đồng ý thì hai đồng xu sẽ có mặt giống nhau. Nếu các “phi” cho rằng đó là điều sai phạm, không đồng ý sẽ rất tức giận, có khi hất tung cả đồng xu xuống nền, các thầy mo và cộng đồng chứng kiến phải xin và hỏi nguyên do, nói cách khắc phục, đến khi nào các “phi” đồng ý thì nghi lễ cúng tế tiếp theo mới được thực hiện. Phần cúng này trong lễ “Xên đông” giống như một cuộc trao đổi, trò chuyện giữa thầy mo và các “phi”, khi cúng, áo của tạo mường sẽ là cầu nối giữa thế giới hiện tại (trần gian) với “mương phi” (mường ma).
Sau khi đã hoàn tất các nghi thức cúng trong lễ “Xên đông”, các thần đã chứng giám, các thầy đã báo cáo và “trao đổi” công việc của bản mường với các thần, các vị tổ tiên là lúc kết thúc phần lễ tại khu vực rừng thiêng. Thầy mo chính đọc bài cúng tiễn các vị thần. Nội dung bài cúng như sau:
Hôm nay, dân bản mường mời các vị thần xuống đã dự lễ và ăn cỗ, ăn con trâu to, trâu béo, ăn xong ông mo có vải sải dài không cắt, vải cả cuộn không tách, có tiền có bạc về chuộc lấy hồn, lấy vía, phù hộ cho dân bản khỏe mạnh, làm ăn tốt. Ông mo tôi thay mặt dân bản tiễn các thần đi nhé, đi đường thuận lợi, hẹn năm mới nhé.
Khi các thầy mo cúng xong, mọi người tham dự đều thụ lộc bằng những chén rượu thiêng ngay tại khu vực diễn ra lễ cúng. Tất cả tiền giấy, vàng, hương, giấy cắt đặt ở các mâm (không dán trang trí trên lán thờ) dâng lên thần thánh trong lễ cúng đều được người giúp việc hóa ngay tại trước lán cúng, trong khu rừng thiêng.
Sau khi hóa vàng, những người giúp việc chia nhau đi cắm “taleo” mắt cáo ở 04 hướng vào bản, mường nhằm thông báo cho mọi người biết về việc bản mường đang có nghi lễ (trước kia là thông báo để người trong và ngoài mường biết không ra, vào mường trong 03 ngày diễn ra lễ, sau 03 ngày có người đi rút bỏ “taleo”, mọi sinh hoạt trở lại bình thường; ngày nay lượng du khách ra, vào mường nhiều nên “taleo” cắm ở 4 hướng với mục đích thông báo về nghi lễ trong bản mường chứ không có ý cấm người lạ vào mường và người trong mường ra ngoài nữa).
Cũng từ khi cắm “taleo”, mọi người dân không đặt chân lên rừng, không chặt cây, không chăn thả gia súc trên rừng, không khai thác bất cứ sản vật gì từ rừng, thậm chí kiêng sử dụng đồ dùng dụng cụ sinh hoạt có nguồn gốc từ rừng. Sau 3 ngày, dân bản mới được lên rừng chặt cây, lấy củi và sinh hoạt bình thường. Người Thái vùng Mường Lò quan niệm, thần rừng đã giúp dân bản, cả năm phù hộ, che chở, mang lại những gì tốt đẹp nhất cho nhân dân, đây chính là dịp để cho các vị thần nghỉ ngơi và hưởng thụ những công ơn báo đáp của con người. Đây cũng là dịp để đồng bào nghỉ ngơi, vui vẻ, chúc mừng nhau với những thành quả đã đạt được trong một năm miệt mài lao động vất vả vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong các lễ vật sau khi dâng cúng tại khu rừng thiêng, có đầu trâu, 01 chân trâu và mâm cúng đặt ở giữa được đưa về nhà chủ mường; 01 chân trâu, đầy đủ các bộ phận nội tạng và mâm cúng bên phải được đưa về nhà thầy mo chính; toàn bộ lễ vật dâng cúng còn lại và những món được chế biến đưa về nhà chủ mường để mọi người dân cùng đến đó ăn uống vui vẻ, cùng nhau xòe, khắp, mừng cho một năm mới nhiều may mắn, khỏe mạnh, bình an, no đủ (trước kia, mọi người cùng nhau ăn uống vui vẻ ngay tại khu vực rừng thiêng, nay do vị trí đất dốc, hẹp, số lượng người đông nên chuyển về nhà chủ mường).
* Cúng trả lễ tại nhà chủ mường: Cùng lúc mọi người chuyển các mâm cúng và đồ đã chế biến về nhà chủ mường thì những người giúp việc chuẩn bị mâm cúng để thầy mo làm lễ cọp sửa (trả lễ) tại nhà chủ mường. Mâm cúng trong lễ “cọp sửa” có: 01 bát gạo, 15 chén rượu, đèn, hương cùng với áo của chủ mường, vòng cổ, vòng tay bạc của vợ chủ mường, một sải vải trắng, đặt trên mặt sàn nhà, trước ban thờ nhà chủ mường và 01 mâm cúng tổ tiên nhà chủ mường có: 02 bát cơm, 02 bát canh, 01 đĩa thịt trâu nướng, 01 đĩa thịt trâu luộc; 01 đĩa lòng, nội tạng, 01 bát nước, 09 chén rượu trắng. Lễ vật chuẩn bị xong, thầy cúng đọc bài cúng trả lễ. Nội dung bài cúng như sau:
Không nói thì không biết danh, nói ra thì mới biết tên ông chủ mường là …. tìm được con trâu mập, trâu béo về giết mổ, đặt bày lên mâm mời các thần thánh về ăn xong rồi, thần rừng đã chứng giám, dân bản đã chứng kiến, mọi việc đã xong, dân bản có quà và mang áo mang vòng bạc về trả lại hồn vía cho ông chủ mạnh khỏe lâu dài, gia đình hãy nhận lễ và tổ tiên hãy chứng giám cho nhé.
Thầy mo và chủ mường tham gia cúng trong lễ “cọp sửa” xong là kết thúc phần lễ, mọi người cùng tham gia ăn uống vui vẻ tại nhà chủ mường và chuyển sang phần hội với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn.
* Phần Hội: Sau khi cộng đồng cùng nhau ăn uống vui vẻ là các tiết mục văn nghệ, mọi người có thể xòe, khắp ngay trên sàn nhà, ngay trong mâm rượu để cùng chúc nhau và chúc cho bản mường một năm may mắn, khỏe mạnh, bình an, no đủ. Một bộ phận không xòe, không khắp tại nhà chủ mường, có thể ra khu vực tổ chức hội, hòa mình vào các trò chơi dân gian tới tận tối muộn của ngày diễn ra lễ “Xên đông” mới tan.
Các trò chơi dân gian lần lượt được diễn ra như: ném còn, tó mắc lẹ, kéo co, đẩy gậy, leo cột mỡ, xòe, nhảy sạp, ...
- Ném còn: Một trò chơi dân gian không thể thiếu trong mỗi cuộc vui của người Thái vùng Mường Lò. Ném còn thể hiện khát khao của cộng đồng về một cuộc sống bình an, no đủ, một hạnh phúc trọn vẹn cho mỗi gia đình và cho cả bản mường. Bởi vậy, mọi người đều hướng lên vòng còn. Theo quan niệm của người Thái, cột còn càng cao, càng thẳng thì những mong ước về mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống sung túc, nòi giống sinh sôi của con cháu sẽ càng dễ, càng nhanh đến với tổ tiên, thần linh. Các cụ già xưa kia cho rằng, quả còn chính là sự mô phỏng rồng còn (luông còn) trong truyền thuyết. Trong tâm thức của họ, rồng chính là con vật đẹp nhất, biểu tượng của sự biến đổi, phát triển, thanh bình và hạnh phúc. Quả còn được khâu theo múi hoa văn nhiều màu sắc ghép nối, tượng trưng cho muôn màu của vũ trụ. Bên trong là hạt thóc, hạt ngô, hạt đỗ, hạt hoa,... thể hiện khát vọng tồn tại, sinh sôi, nảy nở của con người. Dây còn được se thành sợi, nhuộm tua xanh đỏ. Khi ném còn, tất cả mọi người đứng cách cây còn 20 đến 25m và chia thành hai bên, rồi lần lượt chuyền nhau, bên tung còn, bên bắt còn và tung lại. Cây còn cao, tâm còn mỏng, bé. Việc tung còn trúng tâm là không hề đơn giản, không phải ai cũng làm được. Các chàng trai, cô gái kiên trì tung, bắt, có khi đến cả buổi, cả ngày. Mọi người đi dự hội thay nhau ném, đến lúc quả còn xuyên tâm thì dừng lại. Ai ném trúng sẽ được thưởng quà và được coi là người may mắn nhất bản, nhất mường năm đó, đồng thời quả còn trúng tâm được xem là mở màn cho một năm mùa màng tươi tốt, thóc lúa đầy bồ, cuộc sống ấm no đến với bản mường. Người tung còn trúng tâm được cùng ông mo bước lên lạy trời đất và ma mường, ma bản. Ông mo khấn tạ trời đất, thần linh đã ban phúc lớn cho dân bản.
- Bên cạnh những nhóm người thanh niên ném còn là những người đã có gia đình và các cụ già chơi trò "tó mác lẹ" (chọi quả lẹ): Đây là một trò chơi dân gian độc đáo, được đồng báo Thái rất ưa thích. Luật chơi "tó mác lẹ" đơn giản song nó đòi hỏi sự tinh tế và hết sức trình tự của người chơi, trò chơi bao giờ cũng chia thành hai đội và có thể chơi theo nhiều hình thức, hạt “mác lẹ” được xác định là mốc, đặt cách vị trí xuất phát từ 15 đến 25m, họ đào đất, cắm hạt “mác lẹ” thành hàng. Người chơi quỳ xuống đất, đặt hạt “mác lẹ” lên đùi, dùng thanh tre bật hạt “mác lẹ” bắn đến đích, ai bắn trúng đích, làm hàng “mác lẹ” đổ xuống nhiều hơn thì người đó chiến thắng. Hoặc có thể chơi theo cách, người chơi dùng chân cặp hạt “mác lẹ”, chạy vượt chướng ngại vật, khi cách đích khoảng 40cm thì thả hạt “mác lẹ” sao cho trúng mục tiêu, làm hàng “mác lẹ” cắm làm mốc đổ nhiều hơn thì sẽ chiến thắng. Đây là trò chơi chỉ dành cho những người phụ nữ đã có gia đình.
- Kéo co: Đây là trò chơi dân gian phổ biến đối với cộng đồng người Thái vùng Mường Lò. Để thực hành trò chơi, người ta phải chuẩn bị dây kéo, thường là dây được kết từ song mây (gần đây có cả dây thừng), kẻ một vạch dưới đất ngăn cách hai đội. Ở giữa sợi dây kéo, ban tổ chức buộc một dải vải đỏ với ý nghĩa làm mốc đánh dấu khi thi đấu, ngoài ra dây vải đỏ còn mang ý nghĩa tượng trưng cho mọi việc được may mắn, thuận lợi, lúc nào cũng rực rỡ, thành công. Hai đội chơi chọn số lượng người gần như tương đương nhau về thể trọng, lần lượt nắm tay vào sợi dây, dùng sức kéo về phần của đội mình, hai đội cứ kéo giằng co, mọi người ở ngoài hò reo rộn rã trong tiếng trống, tiếng chiêng. Theo quan niệm của người Thái, tiếng trống được ví như tiếng sấm báo hiệu cho mưa thuận gió hòa, kéo co còn mang ý nghĩa kéo những gì may mắn về bản, về mường và đưa những gì không may mắn đi. Hai đội kéo cho đến khi nào một đội kéo được đội kia vượt qua vạch ngăn cách, sang sân của đội mình thì sẽ chiến thắng.
- Đẩy gậy: Đẩy gậy cũng là một trong những môn thể thao truyền thống, không thể thiếu trong những ngày hội của đồng bào Thái. Để tổ chức thi đấu môn đẩy gậy chỉ cần có gậy thi đấu làm bằng tre già thẳng hay những thanh gỗ tốt có chiều dài 2m, đường kính từ 4 - 5cm, được sơn 2 màu đỏ và trắng hoặc đỏ và xanh; đầu và thân gậy phải được bào nhẵn và có đường kính bằng nhau. Vẽ một vòng tròn có đường kính 5m trên một khoảng đất rộng. Sau khi các cặp đôi thi đấu đã chuẩn bị xong, một người được giao nhiệm vụ làm trọng tài phát lệnh cho trận đấu bắt đầu. Hai bên tay cầm ghì phần gậy của mình, dùng sức đẩy đối phương. Theo quy định, bên nào chân chạm vào vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc.
- Trò chơi leo cột mỡ: Trò chơi này sử dụng những chiếc cột bằng tre, vầu to, cứng, chắc chắn, cao khoảng 5 đến 6 m, được bôi mỡ trơn trượt. Trên đỉnh cột có hai vòng tròn ngang to, nhỏ khác nhau, trên đó có treo những túi màu đựng hạt giống, nay thêm những phần quà nhỏ và tiền. Từng người chơi nhảy bám vào thân cây leo lên, ai leo được tới đỉnh, mang được túi lộc xuống thì đó là người chiến thắng hoặc người chơi có thể chia thành từng đội, phải phối hợp ăn ý để bám vào nhau leo lên cao. Đội nào vượt qua thử thách, lên tới đỉnh, sẽ chiến thắng. Đây là trò chơi mang tính vận động thể chất khá cao, giúp người chơi rèn luyện được sự khéo léo, tính dẻo dai của cơ thể khi có sự phối hợp nhịp nhàng giữa tay và chân trong quá trình leo cột.
Các trò chơi cứ lần lượt diễn ra cho hết ngày. Để rồi cuối ngày, tất cả mọi người cùng hòa vào vòng xòe trong tiếng chiêng, trống rộn ràng của những ngày đầu xuân, của niềm vui cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ. Kết thúc các vòng xòe là lúc người ta chia tay nhau, về với gia đình, với bạn bè, làm những công việc thường ngày với niềm vui phấn khởi của một năm mới mong ước về những khởi đầu tốt đẹp và cam kết cùng nhau bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống, để rồi mùa sau gặp lại, lại cùng nắm tay nhau xòe trong chén rượu nồng, xòe trong niềm vui mở rộng, phát triển được rừng, tạo lập môi trường sống xanh và một năm lao động được mùa, may mắn.
3. Không gian văn hóa liên quan, các sản phẩm vật chất và tinh thần tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể
Lễ “Xên đông” được coi là một tập quán xã hội và tín ngưỡng tiêu biểu, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của người Thái vùng Mường Lò. Nghi lễ thể hiện rất rõ cách ứng xử điển hình của cư dân nông nghiệp lúa nước vùng thung lũng. Đây là dịp để cúng tạ thần rừng đã chở che, bảo vệ cộng đồng trong một năm. Có thể nói, di sản là điểm hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của tộc người, là nơi thực hành và trao truyền trực tiếp vốn văn hóa của cộng đồng.
Nghi lễ được thực hành rất chu đáo từ khâu chuẩn bị đến quy trình diễn ra. Liên quan đến tiến trình thực hành này, có rất nhiều sản phẩm vật chất, tinh thần được tạo ra và gắn với di sản, không gian văn hóa có liên quan đến di sản cũng khá rộng và đa dạng, thuộc môi trường sinh hoạt và cảnh quan tụ cư đặc trưng của đồng bào Thái, từ ngôi nhà truyền thống đến cánh rừng thiêng rồi đến không gian sinh hoạt văn hóa chung của bản làng, cộng đồng.
Gắn với nghi lễ, có rất nhiều sản phẩm vật chất và tinh thần được tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển của di sản. Những giá trị vật chất điển hình có thể kể đến chính là các sản phẩm được sử dụng để thực hành di sản và những sản phẩm được tạo ra trong quá trình thực hành di sản ấy như trang y phục của thầy cúng, của người giúp việc, của nam nữ, trẻ em tham gia lễ, áo lễ, vòng lễ; các sản vật điển hình được dâng cúng; các dấu ấn vật chất được thể hiện trên ngôi nhà sàn truyền thống; các sản phẩm vật chất đặc trưng được sử dụng trong các nội dung của phần hội, .... Những sản phẩm tinh thần gắn với di sản rất phong phú, đa dạng với nhiều loại hình, từ tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, các phong tục tập quán, tư duy tín ngưỡng đến các hình thức trình diễn nghệ thuật dân gian, các nghề thủ công truyền thống và hệ thống tri thức dân gian được thể hiện xuyên suốt quá trình chuẩn bị và thực hành nghi lễ. Những giá trị tinh thần được tạo ra từ nghi lễ còn đọng lại trong tâm thức mỗi chủ thể văn hóa (cả du khách hiện nay) sau khi nghi lễ đã kết thúc, nó không ngừng được tích tụ, bồi đắp, tự bảo vệ, tự trao truyền từ đời này qua đời khác với niềm tự hào về những giá trị mang tính bản sắc của cộng đồng.
Có thể nói, với vai trò là một nghi lễ quan trọng, có từ lâu đời, được tổ chức thường niên của tộc người Thái, lễ “Xên đông” là nơi thực hành và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của tộc người, nghi lễ có không gian văn hóa đa dạng, gắn với môi trường cảnh quan cư trú điển hình của cư dân nông nghiệp lúa nước ở vùng thung lũng trước núi, nhiều sản phẩm vật chất và tinh thần cũng được tạo ra trong quá trình thực hành di sản, gắn với di sản rất đặc trưng. Không gian văn hóa và những sản phẩm được tạo ra trong quá trình ra đời và tồn tại của di sản này là kết tinh phản ánh quá trình lịch sử tộc người, văn hóa tộc người, trình độ thẩm mĩ cũng như thế giới quan, nhân sinh quan tộc người rất rõ nét.
VII. Giá trị của di sản văn hóa phi vật thể
1. Giá trị lịch sử: Lễ “Xên đông” là một nghi lễ truyền thống rất độc đáo, phản ánh một tập quán xã hội và tư duy tín ngưỡng có lịch sử lâu đời trong đời sống xã hội cộng đồng, phản ánh quá trình lịch sử tộc người, lịch sử kinh tế, lịch sử cư trú, lịch sử văn hóa, xã hội của tộc người rất rõ nét. Đây là một nghi lễ mang đậm dấu ấn tín ngưỡng văn minh nông nghiệp, tuy không kéo dài về thời gian, các lễ nghi ngắn gọn nhưng di sản hội tụ nhiều giá trị văn hóa truyền thống có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện lịch sử đời sống của tộc người Thái từ xưa đến nay cũng như lối tư duy và cách ứng xử của cộng đồng với môi trường sống. Về mặt lịch sử, việc tôn thờ thần rừng, có thể xem là biểu tượng tư duy phản ánh sự hình thành xã hội cư dân trên cơ sở gắn với vùng đất lưu vực sông suối.
Nghiên cứu quá trình ra đời và tồn tại của di sản, cách tư duy và ứng xử của cộng đồng trong nghi lễ cho ta thấy quá trình lịch sử của tộc người rất rõ nét, các đặc điểm về tự nhiên, môi trường cư trú và cách ứng xử sao cho phù hợp với môi trường đó để có được cuộc sống tốt đẹp nhất. Từ những biểu hiện của di sản, bằng những nhận định khoa học, đi ngược về quá khứ, các giá trị lịch sử đã dần hiện ra. Họ tụ cư ở vùng thung lũng trước núi, nép mình dưới những cánh rừng, bên bờ sông con suối, canh tác lúa nước trên những cánh đồng lòng chảo ấy. Ở vùng cảnh quan này, vào mùa mưa, sông suối trở nên dữ dội hơn, để hạn chế sức tàn phá chỉ có thảm rừng mới giúp sự sống trở nên hài hòa hơn, ổn định hơn. Rừng giữ gìn và điều hòa nguồn nước, rừng cung cấp nguồn lâm sản khổng lồ cho cuộc sống của cộng đồng. Bởi thế, rừng với cư dân thung lũng lòng chảo, rừng đã trở nên vô cùng quan trọng, rừng quyết định sự sống còn của cộng đồng, rừng trở nên linh thiêng. Vậy nên, họ bảo vệ rừng, tôn thờ, sùng bái thần rừng cũng là điều dễ hiểu để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cũng từ cách ứng xử của cộng đồng với rừng đã cho ta thấy lịch sử định cư gắn với cảnh quan thung lũng ấy quyết định hướng đi của lịch sử kinh tế tộc người, chuyển từ hái lượm sang trồng trọt và là cư dân sớm có nền văn hóa lúa nước trên các cánh đồng thung lũng lòng chảo, kết hợp với săn bắt, hái lượm các sản phẩm từ rừng và đánh bắt thủy sản bên những dòng suối ven bản mường. Lễ vật dâng cúng thần rừng (con trâu) trong lễ “Xên đông” đã khẳng định vai trò của kinh tế nông nghiệp trồng trọt trong lịch sử tộc người. Khi sinh sống, lao động để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống trong môi trường cảnh quan này, tộc người đã dần hình thành nên văn hóa ứng xử với tự nhiên, trong đó có văn hóa ứng xử với rừng. Lịch sử văn hóa cũng được hình thành và hoàn thiện trong quá trình lịch sử tộc người nói chung ấy.
2. Giá trị văn hóa: Văn hóa Thái từ xưa vẫn được biết đến là một “loại hình văn hóa thung lũng” điển hình. Lễ “Xên đông” thực hành và phản ánh những giá trị văn hóa tiêu biểu, gắn với loại hình này. Với sự sáng tạo phù hợp với môi trường cư trú, thung lũng lòng chảo không đơn thuần là cảnh quan tự nhiên nữa mà đã được cộng đồng đưa lên thành văn hóa, hình thành nên hệ sinh thái nhân văn vùng thung lũng. Nghi lễ đã phản ánh mối quan hệ giữa cộng đồng tộc người Thái với môi sinh thung lũng lòng chảo, thể hiện khả năng thích nghi với tự nhiên bằng văn hóa của mình. Qua chiều dài của thời gian đã làm cho những thích ứng ấy gần như trở thành “bản năng”. Thờ cúng thần rừng đã trở thành giải pháp tâm linh giải quyết vấn đề “nước” trong văn hóa đồng ruộng của người Thái. Họ ý thức rất rõ vai trò điều hòa nguồn nước của rừng trong môi trường cảnh quan thung lũng mà họ cư trú nên đã hình thành văn hóa ứng xử với rừng nhằm đảm bảo sự bình an, no đủ của cuộc sống.
Khái niệm rừng thiêng (đông căm) đã đi vào tâm thức của mỗi người dân Thái từ thủa ấu thơ. Đồng bào quy định cách ứng xử của cộng đồng với những địa điểm này trong luật tục của bản mường. Ở Mường Lò, rừng ở xã Hạnh Sơn từ xưa vẫn được coi là nơi trú ngụ của hồn thiêng bản mường, che chở cho cuộc sống của nhân dân bản mường, là linh hồn của bản mường, tượng trưng cho sự bền vững của bản mường. Từ ý niệm đó, đã quy định những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần khi ứng xử với rừng độc đáo, riêng có của tộc người. Lễ “Xên đông” đã hội tụ những giá trị văn hóa đặc trưng đó, di sản mang tính đại diện, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng tộc người. Qua đó, quan niệm của cộng đồng về thế giới tâm linh, đặc điểm tín ngưỡng, các giá trị văn hóa, nghệ thuật, tri thức dân gian, phong tục tập quán và nhiều giá trị vật chất có liên quan như ăn, mặc, ở của cộng đồng được khắc họa và trao truyền.
Lễ "Xên đông" được cộng đồng duy trì qua nhiều thế hệ, các nghi lễ, thủ tục cúng tế, các giá trị nghệ thuật độc đáo luôn được bảo tồn và phát huy, do đó nó có giá trị duy trì thuần phong mỹ tục của cộng đồng. Đây là nét văn hóa truyền thống, gắn với triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp Việt Nam nói chung, theo đó người dân luôn tin rằng có thần rừng cai quản, che chở, phù hộ cho người dân sống trong khu vực được mạnh khỏe, bình yên, làm ăn phát triển, no ấm, hòa thuận, hạnh phúc.
Ngoài những giá trị văn hóa, lễ cúng thần rừng còn là sợi dây cố kết cộng đồng xã hội bản mường, thể hiện giá trị nhân văn của cộng đồng. Bà con dân bản, trước sự chứng kiến của thần rừng cùng nhau bàn bạc, hiểu và thực hiện những quy ước (đã được thần linh chỉ ra thông qua cuộc trò chuyện, trao đổi giữa thầy mo và các vị thần) để bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống. Tham gia lễ cúng và các hoạt động hội trong nghi lễ giúp dân bản tăng cường tinh thần đoàn kết, bỏ qua mọi hiềm khích đời thường, cùng nhau xây dựng bản mường ấm no, hạnh phúc.
3. Giá trị khoa học: Nghiên cứu quy trình thực hành lễ cúng rừng của tộc người Thái ở vùng Mường Lò sẽ cung cấp nguồn tư liệu về khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kinh tế và kỹ thuật. Đây sẽ nguồn thông tin tư liệu giúp bổ sung và làm dày thêm vốn tri thức dân tộc học, nhân học tộc người trong quá trình nghiên cứu truyền thống lịch sử, các hoạt động kinh tế, văn hóa – xã hội, phong tục tập quán, đời sống tâm linh, đặc điểm tín ngưỡng, … của tộc người Thái cũng như bổ sung nguồn tư liệu trong cái tương quan, so sánh với các tộc người khác trong và ngoài vùng cảnh quan cư trú. Từ những nguồn tư liệu khoa học có giá trị này sẽ giúp các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào Thái nói riêng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung hiệu quả và bền vững hơn.
4. Giá trị giáo dục: Lễ "Xên đông" thể hiện rất rõ giá trị giáo dục của mình đối với cộng đồng người Thái nói riêng và các tộc người khác nói chung cùng chung sống trong môi trường cảnh quan vùng thung lũng lòng chảo, mở rộng hơn nữa là cộng đồng khu vực, cộng đồng quốc gia, dân tộc và trên toàn thế giới. Nghi lễ giáo dục con người nói chung về tình yêu thiên nhiên, ý thức giữ gìn, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống, tình yêu bản làng, quê hương với vai trò đặc biệt quan trọng của rừng trong địa bàn cư trú truyền thống của tộc người. Đây là dịp bà con thôn bản cầu nguyện, mong muốn về cuộc sống ấm no, đồng thời quy ước bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh, thể hiện ý thức tôn trọng, chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ mẹ thiên nhiên.
Rừng bao quanh cả một vùng lòng chảo nơi tụ cư của cộng đồng, dựng bản lập mường từ hàng ngàn năm nay, nếu không có ý thức bảo vệ và gìn giữ rừng thì ắt hẳn môi trường sống của cộng đồng bị ảnh hưởng. Giữ rừng là giữ gìn sự sống cho chính mình, là giữ gìn môi trường trong lành và cúng rừng hằng năm là để giáo dục cho con cháu muôn đời cái ý thức tốt đẹp đó. Nghi lễ chỉ là của một cộng đồng tộc người nhưng ý nghĩa và sức lan tỏa của nó đã và đang là mục tiêu mà cư dân toàn cầu đang hướng tới vì một môi trường xanh, sạch, đẹp; vì một cuộc sống hài hòa với thiên nhiên; vì những thông điệp mà toàn thế giới đang theo đuổi: hãy bảo vệ rừng để bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta, bởi rừng là “lá phổi” của toàn nhân loại.
5. Vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng: Rừng trong đời sống của chúng ta nói chung, đặc biệt rừng trong đời sống của cộng đồng cư dân có truyền thống cư trú ở vùng thung lũng lòng chảo trước núi có vai trò đặc biệt quan trọng. Rừng ở nơi đó là lá chắn bảo vệ cả cộng đồng, là nơi điều hòa và cung cấp nguồn nước cho những cánh đồng lương thực vùng thung lũng, giúp hạn chế sự tàn phá của những trận lũ dữ nơi sườn dốc, khe sâu, đồng thời là nơi cung cấp cho con người biết bao của cải vật chất, các sản vật quý để duy trì cuộc sống và sản xuất ra những vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày từ bao đời nay. Bởi thế, việc bảo vệ rừng với người Thái ở Mường Lò là vô cùng quan trọng, bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính cộng đồng. Rừng thiêng trong tâm thức của mỗi người con vùng Mường Lò đã trở thành một thành tố văn hóa, gắn với những sinh hoạt tâm linh, những giá trị văn hóa không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng. Bảo vệ rừng cũng là bảo vệ và phát huy những di sản văn hóa truyền thống của tộc người gắn với rừng.
Lễ "Xên đông" (cúng rừng) là một di sản văn hóa phi vật thể điển hình thể hiện cách ứng xử của cộng đồng tộc người Thái vùng Mường Lò với rừng, thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Lễ được tổ chức vào ngày 12 tháng giêng hằng năm, nhằm cảm tạ thần rừng và những người đã có công khai phá, giúp đời sống nhân dân bản mường có cuộc sống no đủ, hạnh phúc, đồng thời đây cũng là dịp để cộng đồng cùng nhau nhìn lại những tác động một năm qua của con người với môi trường rừng, những việc làm được thì phát huy, những việc chưa làm được thì khắc phục, những việc chưa phù hợp thì điều chỉnh sao cho hài hòa với rừng hơn nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trong tâm thức của người Thái, đây là một nghi lễ tâm linh rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt xã hội của tộc người. Tham dự nghi lễ này giúp mỗi cá nhân trong cộng đồng hướng tới việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, ra tăng sức cố kết cộng đồng, cùng nhau bảo vệ môi trường sống, đồng thời giúp con người có một tinh thần thoải mái, tự tin bắt tay vào những công việc đồng áng, chăn nuôi và phấn đấu những việc mà họ chưa đạt được trong cuộc sống vì một tương lai tươi sáng hơn.
Di sản còn là nơi hội tụ, thể hiện và phản ánh chân thực nhất những giá trị văn hóa truyền thống mang tính bản sắc của tộc người Thái. Di sản đã tồn tại và có sức sống mãnh liệt nhiều đời nay trong cộng đồng, là không gian lưu giữ, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa bản sắc của tộc người một cách thiết thực và hữu hiệu nhất. Kèm theo quá trình thực hành di sản là hàng loạt các hình thái văn hóa vật chất và tinh thần được cộng đồng thể hiện. Bởi thế, di sản không chỉ có vai trò với cộng đồng chủ thể mà còn có vai trò với lịch sử, vai trò với đời sống đương đại và tương lai sau này của quốc gia, khu vực và thế giới.
Xét về tổng thể, có thể nhận thấy, lễ "Xên đông" (cúng rừng) của cộng đồng tộc người Thái là một di sản có tính kế thừa, kết nối các giá trị văn hóa giữa các thế hệ, do vậy nó tích hợp và chứa đựng nhiều thành tố quan trọng của bản sắc văn hoá Thái. Bởi thế, bảo tồn lễ "Xên đông" sẽ góp phần tích cực vào việc giữ gìn và phát huy các đặc trưng văn hoá truyền thống của tộc người cũng như tính đa dạng của nó trong bức tranh văn hoá cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
VIII. Hiện trạng di sản văn hóa phi vật thể
Hệ thống di sản văn hóa truyền thống của người Thái ở tỉnh Yên Bái nói chung và quy trình thực hành lễ “Xên đông” (cúng rừng) nói riêng được cộng đồng tộc người tự nguyện bảo lưu, giữ gìn khá tốt trong quá trình lịch sử cũng như trong đời sống hiện nay. Tuy di sản có khoảng thời gian hơn 50 năm bị mai một (từ năm 1949 đến năm 2003) do một số yếu tố khách quan, nghi lễ không được thực hành nhưng vẫn được lưu lại trong một số cuốn sách cổ của cộng đồng và lời kể qua trí nhớ của các bậc cao niên. Năm 2004, di sản được khôi phục trên cơ sở tìm lại tư liệu và ý kiến của các cụ cao niên trong vùng. Di sản được phục hồi với sự đồng thuận cao từ các chủ thể văn hóa. Từ đó, di sản được truyền nhau thực hành hằng năm cho đến ngày nay.
Lễ “Xên đông” là một lễ nghi quan trọng và có quy mô cộng đồng điển hình, gắn với đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng người Thái vùng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Di sản luôn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống cộng đồng tộc người ở địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với các cộng đồng lân cận. Niềm tin và nhu cầu về tâm linh, văn hóa tinh thần của mỗi cá nhân, của cả cộng đồng được thỏa mãn cũng là một nhân tố quan trọng góp phần bảo vệ và duy trì nghi lễ. Hơn thế nữa, lễ “Xên đông” còn là không gian di sản bảo lưu được những nét đặc trưng về lịch sử - văn hóa của tộc người Thái ở tỉnh Yên Bái nói riêng cũng như Việt Nam và thế giới nói chung, được thể hiện qua các nghi lễ, các trò chơi và nhiều nghệ thuật diễn xướng dân gian khác.
(Bài viết sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái cung cấp)
69 lượt xem
Ban Biên tập
Ngày 09/08/2024, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2319/QĐ-BHVTTDL công nhận lễ hội Xên đông (Cúng Rừng) của người Thái Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.I. Tên gọi của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
1. Tên thường gọi: Lễ “Xên đông” (Cúng Rừng) của người Thái
Trong tiếng Thái “Xên” có nghĩa là cúng, “đông” có nghĩa là rừng. Lễ “ Xên đông” tức là lễ cúng rừng.
II. Loại hình
Lễ “Xên Đông” của người Thái được xếp vào loại hình “Tập quán xã hội và tín ngưỡng”.
III. Quyết định công bố Di sản văn hóa phi vật thể
Quyết định số 2319/QĐ-BHVTTDL ngày 09/08/2024 của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch công nhận lễ “Xên đông” của người Thái, xã Hạnh Sơn, Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
IV. Địa điểm phân bố Di sản
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ “Xên đông” của người Thái được phân bố trên cơ sở địa bàn cư trú của đồng bào Thái ở khu vực miền Tây – Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái
V. Chủ thể văn hóa
Cộng đồng người Thái ở xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
VI. Miêu tả về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
1. Quá trình ra đời và tồn tại của di sản
Rừng trong tâm thức của người Thái như trái tim của cộng đồng, thể hiện những quy ước, luật tục và những giá trị văn hóa truyền thống. Rừng được tôn thờ, sùng kính như ông bà, tổ tiên. Trải qua hàng ngàn năm chung sống hòa thuận với rừng, những của cải vật chất mà rừng đã đem lại cho con người, người dân nơi đây đã rất biết ơn và tôn trọng rừng, họ tự đặt ra những quy định về việc bảo vệ rừng, được cộng đồng đồng thuận và tự nguyện tuân theo.
Lễ "Xên đông" có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của tộc người Thái. Là cư dân nông nghiệp lúa nước, trong tâm thức của mỗi người, ai cũng nhận biết được tầm quan trọng của rừng đối với đời sống hằng ngày. Rừng chính là nơi bảo vệ cho bản mường luôn mát lành, đem lại cuộc sống ấm no, mùa màng tươi tốt, cung cấp nguồn nước sạch cho đồng bào, cung cấp cho con người bao sản vật quý, từ vật liệu làm nhà ở đến đồ dùng sinh hoạt hằng ngày đều do rừng cung cấp, rừng đã góp phần nuôi sống con người và đến khi theo quy luật của tạo hóa, mỗi người qua đời, rừng lại đón về ấp ủ yêu thương như người mẹ.
Theo cuốn sách “Quắm tố mương” (Truyện kể bản mường) của người Thái thì khoảng 1000 năm trước, tổ tiên người Thái di cư vào vùng Văn Chấn, Nghĩa Lộ - Mường Lò. Từ khi vào vùng thung lũng trước núi này sinh sống, với cộng đồng người Thái, giữ rừng đầu nguồn, rừng thiêng đã thành lệ của bản mường. Từ đời này sang đời khác, người Thái truyền nhau câu ca "Tai pá phăng, nhăng pá liệng" có nghĩa là "Sống rừng nuôi, chết rừng chôn", người già vẫn nhắc người trẻ rằng, phải giữ rừng để mó nước luôn tuôn trào, đời đời sinh sôi, nếu không có rừng, muôn loài sẽ bỏ đi. Ai nhớ được câu ấy thì mới thành người. Người Thái là cư dân nông nghiệp lúa nước điển hình ở vùng thung lũng trước núi nên đồng bào hiểu rất rõ vai trò của rừng đầu nguồn đối với cuộc sống và mùa màng. Rừng trở lên linh thiêng và trách nhiệm bảo vệ rừng được cộng đồng cụ thể hóa thành những câu nói dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hiểu như: “Cây cổ thụ phủ đầy rêu phong, như người già có râu, rừng xanh bát ngát là rừng đầu nguồn, rừng đầu mó nước, rừng ngút ngàn tít tắp, rừng cúng tế, rừng kiêng, rừng linh thiêng,… có rừng có cây, có hoa quả chín, chim muông, ong bướm, muôn loài sẽ đến. Nếu không, muôn loài ong bướm và chim muông sẽ bỏ đi, đó là lẽ thường tình tự nhiên”.
Vì vậy, việc bảo vệ rừng, đặc biệt là những khu rừng đầu nguồn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người, đến nay việc bảo vệ rừng đã trở thành lệ của bản mường. Người Thái nơi đây, từ thế hệ cha ông đến nay vẫn luôn nhắc nhau: "Giữ rừng cho muôn đời phát triển, để cho muôn mó nước tuôn trào", đồng bào quan niệm ai nhớ được câu ấy thì mới trở thành người biết giữ bản giữ làng.
Theo ông Lò Văn Phong, 81 tuổi là thầy mo có tiếng ở vùng Mường Lò, cư trú tại bản Cại, xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn cho biết: Ngày xưa, vùng đất Mường Lò còn hoang vu, núi rừng rậm rạp. Đời sống người dân cực khổ, làm quanh năm, ngày tháng mà vẫn không đủ ăn, họ chỉ biết trồng lúa ở ven bờ suối, nhưng toàn bị con sâu, con bọ ăn hết, hạn hán mất mùa quanh năm. Lên rừng thì không thể kiếm sống bởi đồng bào quan niệm rừng chỉ có cây cối rậm rạp, là nơi ẩn nấp của các loài thú giữ, ít ai dám lên đây. Bỗng dưng một ngày, xuất hiện đôi vợ chồng từ phía Bắc xuống khai thác tại các chân rừng để làm thành ruộng, thành nương. Lúc bấy giờ, nhiều người dân cũng lên làm ăn, sinh sống cùng họ. Sau một vài năm, cuộc sống của người dân khấm khá hơn trước, không bị đói, bị rét như xưa kia mà giờ họ đã có nhà để trú mưa, ruộng nương ngày càng tươi tốt. Sau khi đôi vợ chồng chết đi, đúng vào năm đó, ruộng nương dân làng bỗng nhiên bị sâu bọ ăn hết, cả làng đều mất mùa. Người dân quan niệm, người khai phá ra những mảnh ruộng, mảnh nương chết đi thì ruộng nương cũng chết theo, để cảm tạ công ơn người đã khai phá ra những mảnh ruộng, mảnh nương, nhân dân đã mang lễ vật, những của cải làm ra để đem cúng lễ cho đôi vợ chồng và dâng những lễ vật đó lên các thần thánh tại khu rừng mà vợ chồng ông đã khai ruộng dưới chân để cầu mong các thần phù hộ. Từ năm đó ruộng nương bỗng trở lại tươi tốt, đời sống người dân no đủ, trong tâm thức của người dân lúc này đã hiện lên các vị thần linh cứu giúp nhân dân. Cũng từ đây, cứ vào ngày giỗ của đôi vợ chồng nọ, họ lại tổ chức lễ cúng tại khu rừng thiêng để cảm tạ công ơn của đôi vợ chồng, cảm tạ thần rừng đã đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Tục này được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến nay đã trở thành lệ của bản mường, cứ đến ngày 12 tháng giêng âm lịch hằng năm là nhân dân trong vùng tổ chức lễ "Xên đông" để tưởng nhớ những vị tiên tổ đã đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đồng thời cầu mong các vị thần linh phù hộ cho bản làng một năm mới bình an ấm no, hạnh phúc.
Xét về quá trình lịch sử và đặc điểm cư trú của tộc người, có thể nhận thấy: người Thái là cư dân điển hình của cảnh quan thung lũng trước núi, quá trình di cư của cộng đồng cũng luôn chọn những vùng đất thấp, ven sông, suối, ngòi để tụ cư và canh tác lúa nước. Với truyền thống đó, nhu cầu về đất và nước vùng thung lũng là rất cao. Rừng là cánh cửa phía trên quyết định sự ít nhiều của nước, quyết định cuộc sống no đủ hay mất mùa, đói kém của cả cộng đồng. Bởi vậy, rừng có vai trò quyết định đối với đời sống cộng đồng. Cùng với quan niệm “vạn vật hữu linh”, người Thái cho rằng: ở trần gian, bất cứ nơi nào cũng có các “phi” (ma) cai quản. Muốn lập bản, lập mường khai phá ruộng, phát nương, đánh cá, săn thú, có cuộc sống yên ổn đều phải xin phép các ma như: ma ruộng, ma nương, ma rừng, ma suối… phù hộ, bảo vệ con người. Từ điều kiện cư trú và tư duy tín ngưỡng truyền thống cùng với những tiến bộ khoa học chưa phát triển đã khiến cho con người tìm đến niềm tin vào các bậc siêu nhiên. Muốn có cuộc sống bình yên, no đủ trước sự bất ổn của thiên nhiên, người ta tìm đến “niềm tin tín ngưỡng”, thờ cúng các thần mà họ cho rằng có quyền năng cai quản và quyết định cuộc sống bản mường để tìm sự che chở, giúp đỡ, trong đó có thần rừng. Lễ “Xên đông” có lẽ được ra đời trong những hoàn cảnh đó. Vì từ xưa, cộng đồng luôn ý thức được về vai trò vô cùng quan trọng của rừng trong đời sống nên mọi ứng xử với rừng đều được thể hiện trong các quy ước, luật tục rất rõ ràng. Những khu rừng cấm thường gắn với các truyền thuyết, giai thoại, không ai dám xâm phạm dù chỉ là hái một ngọn măng, chặt một cành cây, săn bắt một con chim, con thú. Thậm chí, trước kia, có khu rừng từ dân đến quan đi qua đều phải xuống xe xuống ngựa, cúi lạy rừng, phụ nữ thì hạ “piêu” (khăn) rồi lặng lẽ bước qua.
Người Thái có lệ cấm tuyệt đối không được khai thác rừng đầu nguồn nước. Những nơi rừng khai thác thì chặt một cây to phải trồng bù 5 đến 10 cây mới, cấm không được phát quang, đốt làm nương. Rừng còn là nơi chôn cất người quá cố, thân thương, gắn bó nhiều thế hệ cộng đồng. Những luật tục ấy cho thấy người Thái đã đạt đến trình độ văn minh, nhận thức được giá trị của rừng trong đời sống và sản xuất một cách khoa học. Bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sống, điều hòa nguồn nước và giữ cân bằng sinh thái.
Chính từ những nhận thức đúng đắn về vai trò của rừng đã đưa đến những cách thức ứng xử hài hòa với rừng của cộng đồng người Thái nhằm hướng tới mong muốn có được cuộc sống bình yên, no đủ đã quyết định sự ra đời và tồn tại gần như xuyên suốt của lễ “Xên Đông” (cúng rừng) trong lịch sử tộc người Thái ở vùng đất Mường Lò này. Tuy nhiên, do những tác động khách quan, lễ “Xên đông” cũng có khoảng thời gian không được tổ chức. Theo trí nhớ của các cụ cao niên trong vùng thì nghi lễ luôn tồn tại trong cộng đồng cho đến năm 1948 (đây là lần cuối cùng được tổ chức tại bản Viềng Công, xã Hạnh Sơn trước khi mai một). Đến năm 2004, lễ “Xên Đông” được khôi phục và tổ chức tại bản Đường, xã Hạnh Sơn (vì lúc này bản Viềng Công đã không còn cây cổ thụ). Từ đó đến nay, lễ được duy trì và tổ chức thường niên tại khu vực cây đa bản Đường vào ngày 12 tháng giêng hằng năm.Những năm gần đây, lễ “Xên đông” ngày càng thu hút đông đảo cộng đồng người Thái vùng Mường Lò tham gia cũng như du khách gần xa du xuân, chơi hội bởi sự độc đáo, hấp dẫn của nó.
2. Hình thức biểu hiện và quy trình thực hành
2.1. Hình thức biểu hiện: Đã thành lệ, cứ vào ngày 12 tháng giêng hằng năm, người Thái vùng Mường Lò lại rộn ràng tổ chức lễ “Xên đông” để cúng thần rừng với mong muốn một năm cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống sung túc, giống nòi sinh sôi, vạn vật nảy nở.
Lễ “Xên đông” là một tập quán xã hội và tín ngưỡng truyền thống, đã có từ lâu đời gắn với đời sống văn hóa tinh thần của người Thái vùng Mường Lò. Địa điểm tổ chức bao giờ cũng là trên rừng, dưới gốc một cây cổ thụ, có khuôn viên rộng. Đây là một hiện tượng văn hóa dân gian tổng hợp, được biểu hiện qua quá trình trực tiếp chuẩn bị và thực hành di sản, các nghi lễ cúng tế, các cử chỉ và ngôn ngữ đã được chuẩn bị từ trước và tự phát trong quá trình thực hành, trình độ nghệ thuật, tư duy thẩm mỹ và những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần được chắt lọc qua quá trình ra đời, tồn tại, phát triển của nghi lễ đã có từ hàng trăm năm để phù hợp với từng thời kỳ lịch sử của đất nước, của dân tộc và của địa phương, dưới dạng truyền khẩu từ đời trước sang đời sau nhằm truyền đạt suy nghĩ và cảm xúc.
Như vậy, hình thức biểu hiện của di sản này được thể hiện trên các sản phẩm vật chất, tinh thần đặc trưng và rất đa dạng, phong phú, kèm theo tính "mở" trong khuôn khổ truyền thống vốn có của di sản qua óc tư duy và sáng tạo của cộng đồng ở mỗi hoàn cảnh cụ thể, phản ánh thực tế cuộc sống lao động sản xuất, môi trường cư trú, cảnh quan thiên nhiên với hệ thống động, thực vật đa dạng cũng như tư duy tín ngưỡng và kèm theo đó là ước vọng, khát khao của cộng đồng về một cuộc sống tốt đẹp, bình yên, no đủ.
2.2. Quy trình thực hành:
* Thời gian và địa điểm tổ chức nghi lễ:
- Thời gian: Lễ “Xên đông” được tổ chức chính thức vào ngày 12 tháng giêng hằng năm. Năm 2024, nghi lễ diễn ra từ ngày 20/2/2024 đến ngày 21/2/2024 (tức từ ngày 11 đến ngày 12 tháng giêng năm Giáp Thìn). Lễ chính thức diễn ra vào ngày 21/2/2024 (tức ngày 12 tháng giêng).
- Địa điểm: Lễ cúng chính thức diễn ra tại gốc cây đa cổ thụ, thuộc bản Đường, xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
* Công tác chuẩn bị:
- Chuẩn bị về lễ vật: Lễ vật chuẩn bị cho lễ cúng chính trong lễ “Xên đông” gồm có:
+ 01 con trâu (để riêng các bộ phận: 01 đầu trâu, 3kg thịt trâu, 3kg lòng trâu, 04 chiếc chân trâu, 01 chiếc đuôi trâu, 03 dảnh xương sườn trâu, 01 cái gân trâu, 03 bát tiết trâu, 03kg da trâu); Bánh chưng ống: 8 cái; Xôi: 03 gói; Gạo: 03 bát con; Măng vầu: 03 kg; Rau xanh: 03 loại; Chén rượu: 27 chén; Chai rượu: 03 chai; Bát con: 27 cái; Đũa ăn: 27 đôi; Muối, ớt: 03 gói; Chuối tiêu: 01 nải; Quả cúng: 03 loại; Bánh kẹo: 5 gói; Nước trắng: 03 bát; Mía trắng: 02 cây; Mía đen (mía tím): 8 đoạn; Thuốc lào: 03 gói; Hương thắp, nến hoặc đèn dầu, tiền vàng giấy; Quần áo truyền thống nam, nữ người Thái: 4 bộ (02 bộ nam, 02 bộ nữ); Vải trắng của người Thái: 2 sải; Giấy màu: 20 tờ; 01 áo dài đen của chủ mường.
- Mời các thầy cúng: Trong lễ “Xên đông” mời 03 thầy mo (01 thầy mo chính mặc áo đỏ, 02 thầy phụ mặc áo đen). Thầy mo chính cúng thỉnh lên "mương phi" (mường ma), thầy mo phụ thứ nhất cúng cho thế giới hiện tại, thầy mo phụ thứ hai lo việc chuẩn bị các lễ vật, số mâm, làm cỗ dâng cúng.
- Chuẩn bị khu vực diễn ra lễ cúng chính thức: Để chuẩn bị cho lễ cúng chính thức diễn ra vào ngày hôm sau, từ sáng ngày hôm trước (11 tháng giêng), các thầy cùng một số người giúp việc đã có mặt tại khu vực diễn ra nghi lễ chính thức để cúng xin phát dọn, vệ sinh, sửa sang, trang trí lán thờ.
Trước khi diễn ra lễ, việc phát dọn, vệ sinh khu vực diễn ra lễ chính thức, thầy mo và những người giúp việc thắp hương tại khu vực gốc cây đa và khấn báo cáo với các thần, xin dọn dẹp khu vực tổ chức lễ. Nội dung bài cúng như sau:
Báo cáo thần đất thổ công xin dọn dẹp khu vực làm lễ
Hằng năm, không quên phong tục tập quán của người Thái.
Lễ “Xên đông” vào ngày 12 tháng giêng.
Hôm nay, nhân dân người Thái ở Mường Lò chuẩn bị làm lễ “Xên đông”
Có trâu trắng sừng to, có trâu đen sừng nhọn báo cáo với thần đất, thần cây, thần rừng, chỗ đất lành chim đậu, cây tốt chim làm tổ.
Hôm nay, ngày 11 tháng giêng
Thầy mo tôi thay mặt nhân dân người Thái ở Mường Lò
Đến xin các thần cho sửa nhà, sửa cửa, tổng vệ sinh, quét dọn
Vì trong 1 năm qua nhà cửa không được tốt, lá cây không được thu
Hôm nay xin được thu dọn, tu sửa, trang trí
Để chuẩn bị cho ngày mai 12 tháng giêng đặt mâm cơm, mâm cỗ đầy
Về báo cáo với các thần trong lễ “Xên đông”.
Sau khi đã xin phép, dân bản cùng nhau dọn dẹp, phát cây quang đãng và làm một cái lán cúng nhỏ tại gốc cây đa ở bản Đường, trang trí giấy màu xung quanh với 03 màu chủ đạo là: màu đỏ, màu xanh, màu vàng, mỗi màu đều thể hiện những ước mong của cộng đồng. Màu đỏ tượng trưng cho sự sung túc, đủ đầy; màu xanh tượng trưng cho sự bình an, may mắn; màu vàng tượng trưng cho sự thành công, vui vẻ. Gần đây, cộng đồng có sử dụng thêm giấy màu trắng, màu tím để làm cho khu vực trang trí nổi bật hơn.
Sau khi trang trí, tổng vệ sinh xong, thầy mo khấn báo cáo với các thần, nội dung bài cúng như sau:
Hôm nay, ngày 11 tháng giêng, con cháu người Thái vùng Mường Lò đến đây để báo cáo với thần trời, thần đất, thần cây xin sửa sang khu vực cúng tế, đến giờ đã tổng vệ sinh, sửa sang nhà cửa xong, con cháu xin báo cáo để ngày mai 12 tháng giêng, toàn thể bà con trong vùng cùng đến chuẩn bị mới có mâm cơm cao, mâm cỗ đầy đặt cho thần trời, thần đất, thần cây. Những ai chưa biết thì báo nhau về dự đầy đủ nhé.
* Thành phần tham gia trong lễ “Xên đông”: Thầy mo chính, thầy mo phụ thứ nhất, thầy mo phụ thứ 2, Chủ Mường, lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể của Thị xã Nghĩa Lộ cùng toàn thể bà con nhân dân Thị xã Nghĩa Lộ, các xã, huyện bạn và du khách gần xa.
*Quy trình thực hành ghi lễ chính (ngày 12 tháng giêng)
- Phần lễ:
+ Lễ cúng tại nhà chủ mường: Khi công tác chuẩn bị tại khu vực diễn ra lễ cúng chính xong, con trâu tế được đưa về nhà tạo, chủ mường (là người có vị trí, chức sắc trong mường, bản, nay thường là chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ nơi diễn ra lễ “Xên đông”). Trâu được buộc vào cột cái, dưới gầm sàn. Đến giờ đã chọn, thầy mo đến nhà chủ mường thực hiện bài cúng dưới gầm sàn, xin mang trâu đi mổ, đồng thời mượn áo của chủ mường, vòng tay, vòng cổ bằng bạc của vợ ông chủ mường, vải trắng của nhà chủ mường ra khu rừng thiêng làm lễ. Nội dung bài cúng như sau:
Tìm được ngày lành tháng tốt, kiếm được trâu đen trâu tốt về buộc dưới gầm sàn nhà chủ mường, đã đến sáng ngày 12 tháng giêng, xin mang trâu đi cho nhân dân giết thịt và mang áo, mang vòng của nhà chủ mường đi làm lễ cúng thần rừng tại rừng thiêng bản Đường.
+ Lễ cúng tại rừng thiêng: Sau lễ cúng xin tại nhà chủ mường, con trâu được dắt ra bãi đất rộng ven bờ suối hoặc bên dưới chân rừng thiêng, gần nơi diễn ra nghi lễ chính để giết thịt. Trâu mổ xong, lấy 4 chân, đầu, đuôi, nội tạng, tiết để làm lễ cúng cho thế giới hiện tại. Trên ban thờ cao tại gốc cây đa đặt các loại quả, nước, tiền vàng, đèn, hương, bánh kẹo, … ban thờ được trang trí giấy năm màu, cắt hình hoa, hình người, hình áo, hình đồi núi, hai cây mía trắng được đặt hai bên. Tầng dưới của ban thờ tại gốc cây đa đặt đầu trâu, 03 chân trâu, đuôi trâu, da trâu, xương sườn, gan và một ít thịt trâu sống để cúng thần rừng.
Ngoài ra, các phần còn lại của con trâu tế được thầy mo phụ thứ hai cùng những người giúp việc chế biến ngay tại khu vực diễn ra nghi lễ để chuẩn bị 3 mâm cỗ cúng đặt phía dưới, gồm có thịt trâu và đầy đủ các bộ phận của con trâu (riêng mâm giữa có 01 chiếc chân trâu) cùng với xôi, bánh chưng, măng, rau xanh, rượu, gạo, muối trắng, nước, vàng hương, bánh kẹo, mía tím, áo chủ mường, vòng cổ, vòng tay của vợ chủ mường, ... để làm lễ cúng.
Mọi việc đã chuẩn bị xong, giờ lành đã đến. Tất cả mọi người đều hướng về khu rừng “pu loong” (đồi rồng) nơi có cây "co loong" (cây cổ thụ) để thực hiện nghi lễ cúng rừng. Theo quan niệm của người Thái, gốc cây cổ thụ là nơi các vị thần, thánh thường xuyên lui tới nên lễ “Xên đông” thường được tổ chức tại đây và nơi này được coi là khu rừng thiêng.
Lúc này trước ban thờ gồm có hai thầy mo, ngồi phía sau thầy mo là tạo bản, tạo mường cùng người già, người có uy tín trong cộng đồng và đông đảo nhân dân trong bản, trong mường. Thầy mo chính (mặc áo đỏ) thực hiện các nghi lễ theo cách thức truyền thống của tộc người, cúng mời các thần về dự lễ. Nội dung bài cúng chính như sau:
Không nói không biết mặt
Không kể không biết tên
Hằng năm, đến ngày 12 tháng giêng
Lâu năm, dài ngày, tay trái kiếm ra, tay phải kiếm được
Trâu đen, trâu tốt, trâu béo, trâu thịt
Trâu to đuôi chùm, trâu béo đuôi voi
Mang về cúng ở gốc cây to có ma, gốc cây tốt có chủ
Xin kính mời:
Ông trời dựng lên thành tên bản tên mường
Mường Lò to cả vùng, Mường Chà cũ thời xưa
Bản Đường cũ trước kia
Mời chưa đến đủ thì mọi người cùng rủ nhau đến, gọi nhau đến cho đủ
Mời đến ăn trâu đen, trâu tốt, trâu béo, trâu thịt
Trâu to đuôi chùm, trâu béo đuôi voi
Xin mời ăn cả đầu, cả đuôi, cả cằm, cả lưỡi
Tiết sống không nấu, tiết hồng không luộc
Ăn cả nước luộc có phổi đỏ, nước canh đỏ có phổi trôi
Ăn cả thịt xuyên lỗ mùi thơm, thịt nướng que mùi khói
Uống rượu trắng thông họng, uống rượu đun cho dễ
Rượu rót chén uống tốt, ăn cơm đồng, cơm ruộng
Cơm xôi có nàng na, cơm trắng có nàng nắm
Ăn vào bụng cho no, ăn vào thân cho đủ
Ăn xong rồi kính mong:
Ông trời có 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông
Thần đất có 4 phương: đông, tây, nam, bắc
Rừng thiêng có cây to, cây to có chủ
Phù hộ cho nhân dân trong vùng, bà con trong bản trong mường
Năm cũ đã qua, năm mới đã đến
Năm mới nhiều niềm vui, làm một thì được hai
Ước gì thì được đấy, điều tốt thì đến, điều xấu bỏ qua
Bản mường ngày càng phát triển
Nhân dân được no ấm
Tình làng nghĩa xóm được xum họp như anh em một nhà
Ma quỷ không xâm nhập bản nhập mường
Con cháu học rộng đỗ cao
Mùa màng tươi tốt
Rừng che phủ rộng khắp, phát triển nhanh chóng, không khí trong lành
Hằng năm không có lửa cháy rừng
Không có lũ ống, lũ quét
Không có dịch bệnh, thiên tai
Nhân dân bình an vô sự, tai qua nạn khỏi
Mọi điều tốt lành nhất mong sẽ đến với nhân dân cả bản cả mường
Ăn xong, rượu uống rồi
Ông mo chúng tôi xin được thay nhân dân bản mường:
Cảm ơn ông trời, thần đất, rừng thiêng cây to có chủ nhận lấy lễ cúng của nhân dân vùng Mường Lò, bà con trong bản ngoài mường để rồi cho toàn thể nhân dân bản mường mọi việc tốt đẹp, chúng tôi xin các vị thần linh phù hộ cho cả các con, cháu, ông, bà, cha, mẹ, những người có việc bận không đến tham dự được nữa nhé.
Sau khi thầy mo chính cúng xong, thầy mo phụ thứ nhất (mặc áo đen) cúng cho thế giới hiện tại bắt đầu phần cúng của mình. Nội dung bài cúng như sau:
Hôm nay ngày lành tháng tốt, dân bản làm mâm cỗ dâng tổ tiên, trời đất và các thánh thần để tỏ tấm lòng thành kính, tưởng nhớ tới công ơn khai mường mở bản, đào ruộng, cuốc nương, trồng lúa nuôi sống con người, cho nhân dân bản mường no đủ, bản làng yên vui. Mong các vị thánh thần về chứng giám và phù hộ cho tâm ước, nguyện vọng của nhân dân bản mường bước sang năm mới trồng lúa lúa tốt, trồng ngô sai bắp, trồng cây sai quả, chăn nuôi không bị dịch bệnh, mọi người khỏe mạnh, bản làng bình an, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Tiếp đến, thầy mo chính và thầy mo phụ thứ nhất thay nhau kính báo với các “phi” (ma) về cuộc sống hiện tại, những điều đã làm được, những điều chưa làm được, trong đó có những điều do ma dữ làm hại con người nên cầu mong các “phi” sẽ phù hộ, che chở cho cuộc sống của dân bản, trừ ác để nhân dân có cuộc sống an lành. Các thầy mo lần lượt hỏi ý kiến các “phi” về những việc cần làm và không nên làm, sau mỗi câu hỏi, thầy mo đều xin ý kiến của các “phi” bằng cách xin âm dương bằng đồng xu, nếu các “phi” đồng ý thì hai đồng xu sẽ có một mặt sấp và một mặt ngửa, nếu các “phi” không đồng ý thì hai đồng xu sẽ có mặt giống nhau. Nếu các “phi” cho rằng đó là điều sai phạm, không đồng ý sẽ rất tức giận, có khi hất tung cả đồng xu xuống nền, các thầy mo và cộng đồng chứng kiến phải xin và hỏi nguyên do, nói cách khắc phục, đến khi nào các “phi” đồng ý thì nghi lễ cúng tế tiếp theo mới được thực hiện. Phần cúng này trong lễ “Xên đông” giống như một cuộc trao đổi, trò chuyện giữa thầy mo và các “phi”, khi cúng, áo của tạo mường sẽ là cầu nối giữa thế giới hiện tại (trần gian) với “mương phi” (mường ma).
Sau khi đã hoàn tất các nghi thức cúng trong lễ “Xên đông”, các thần đã chứng giám, các thầy đã báo cáo và “trao đổi” công việc của bản mường với các thần, các vị tổ tiên là lúc kết thúc phần lễ tại khu vực rừng thiêng. Thầy mo chính đọc bài cúng tiễn các vị thần. Nội dung bài cúng như sau:
Hôm nay, dân bản mường mời các vị thần xuống đã dự lễ và ăn cỗ, ăn con trâu to, trâu béo, ăn xong ông mo có vải sải dài không cắt, vải cả cuộn không tách, có tiền có bạc về chuộc lấy hồn, lấy vía, phù hộ cho dân bản khỏe mạnh, làm ăn tốt. Ông mo tôi thay mặt dân bản tiễn các thần đi nhé, đi đường thuận lợi, hẹn năm mới nhé.
Khi các thầy mo cúng xong, mọi người tham dự đều thụ lộc bằng những chén rượu thiêng ngay tại khu vực diễn ra lễ cúng. Tất cả tiền giấy, vàng, hương, giấy cắt đặt ở các mâm (không dán trang trí trên lán thờ) dâng lên thần thánh trong lễ cúng đều được người giúp việc hóa ngay tại trước lán cúng, trong khu rừng thiêng.
Sau khi hóa vàng, những người giúp việc chia nhau đi cắm “taleo” mắt cáo ở 04 hướng vào bản, mường nhằm thông báo cho mọi người biết về việc bản mường đang có nghi lễ (trước kia là thông báo để người trong và ngoài mường biết không ra, vào mường trong 03 ngày diễn ra lễ, sau 03 ngày có người đi rút bỏ “taleo”, mọi sinh hoạt trở lại bình thường; ngày nay lượng du khách ra, vào mường nhiều nên “taleo” cắm ở 4 hướng với mục đích thông báo về nghi lễ trong bản mường chứ không có ý cấm người lạ vào mường và người trong mường ra ngoài nữa).
Cũng từ khi cắm “taleo”, mọi người dân không đặt chân lên rừng, không chặt cây, không chăn thả gia súc trên rừng, không khai thác bất cứ sản vật gì từ rừng, thậm chí kiêng sử dụng đồ dùng dụng cụ sinh hoạt có nguồn gốc từ rừng. Sau 3 ngày, dân bản mới được lên rừng chặt cây, lấy củi và sinh hoạt bình thường. Người Thái vùng Mường Lò quan niệm, thần rừng đã giúp dân bản, cả năm phù hộ, che chở, mang lại những gì tốt đẹp nhất cho nhân dân, đây chính là dịp để cho các vị thần nghỉ ngơi và hưởng thụ những công ơn báo đáp của con người. Đây cũng là dịp để đồng bào nghỉ ngơi, vui vẻ, chúc mừng nhau với những thành quả đã đạt được trong một năm miệt mài lao động vất vả vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong các lễ vật sau khi dâng cúng tại khu rừng thiêng, có đầu trâu, 01 chân trâu và mâm cúng đặt ở giữa được đưa về nhà chủ mường; 01 chân trâu, đầy đủ các bộ phận nội tạng và mâm cúng bên phải được đưa về nhà thầy mo chính; toàn bộ lễ vật dâng cúng còn lại và những món được chế biến đưa về nhà chủ mường để mọi người dân cùng đến đó ăn uống vui vẻ, cùng nhau xòe, khắp, mừng cho một năm mới nhiều may mắn, khỏe mạnh, bình an, no đủ (trước kia, mọi người cùng nhau ăn uống vui vẻ ngay tại khu vực rừng thiêng, nay do vị trí đất dốc, hẹp, số lượng người đông nên chuyển về nhà chủ mường).
* Cúng trả lễ tại nhà chủ mường: Cùng lúc mọi người chuyển các mâm cúng và đồ đã chế biến về nhà chủ mường thì những người giúp việc chuẩn bị mâm cúng để thầy mo làm lễ cọp sửa (trả lễ) tại nhà chủ mường. Mâm cúng trong lễ “cọp sửa” có: 01 bát gạo, 15 chén rượu, đèn, hương cùng với áo của chủ mường, vòng cổ, vòng tay bạc của vợ chủ mường, một sải vải trắng, đặt trên mặt sàn nhà, trước ban thờ nhà chủ mường và 01 mâm cúng tổ tiên nhà chủ mường có: 02 bát cơm, 02 bát canh, 01 đĩa thịt trâu nướng, 01 đĩa thịt trâu luộc; 01 đĩa lòng, nội tạng, 01 bát nước, 09 chén rượu trắng. Lễ vật chuẩn bị xong, thầy cúng đọc bài cúng trả lễ. Nội dung bài cúng như sau:
Không nói thì không biết danh, nói ra thì mới biết tên ông chủ mường là …. tìm được con trâu mập, trâu béo về giết mổ, đặt bày lên mâm mời các thần thánh về ăn xong rồi, thần rừng đã chứng giám, dân bản đã chứng kiến, mọi việc đã xong, dân bản có quà và mang áo mang vòng bạc về trả lại hồn vía cho ông chủ mạnh khỏe lâu dài, gia đình hãy nhận lễ và tổ tiên hãy chứng giám cho nhé.
Thầy mo và chủ mường tham gia cúng trong lễ “cọp sửa” xong là kết thúc phần lễ, mọi người cùng tham gia ăn uống vui vẻ tại nhà chủ mường và chuyển sang phần hội với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn.
* Phần Hội: Sau khi cộng đồng cùng nhau ăn uống vui vẻ là các tiết mục văn nghệ, mọi người có thể xòe, khắp ngay trên sàn nhà, ngay trong mâm rượu để cùng chúc nhau và chúc cho bản mường một năm may mắn, khỏe mạnh, bình an, no đủ. Một bộ phận không xòe, không khắp tại nhà chủ mường, có thể ra khu vực tổ chức hội, hòa mình vào các trò chơi dân gian tới tận tối muộn của ngày diễn ra lễ “Xên đông” mới tan.
Các trò chơi dân gian lần lượt được diễn ra như: ném còn, tó mắc lẹ, kéo co, đẩy gậy, leo cột mỡ, xòe, nhảy sạp, ...
- Ném còn: Một trò chơi dân gian không thể thiếu trong mỗi cuộc vui của người Thái vùng Mường Lò. Ném còn thể hiện khát khao của cộng đồng về một cuộc sống bình an, no đủ, một hạnh phúc trọn vẹn cho mỗi gia đình và cho cả bản mường. Bởi vậy, mọi người đều hướng lên vòng còn. Theo quan niệm của người Thái, cột còn càng cao, càng thẳng thì những mong ước về mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống sung túc, nòi giống sinh sôi của con cháu sẽ càng dễ, càng nhanh đến với tổ tiên, thần linh. Các cụ già xưa kia cho rằng, quả còn chính là sự mô phỏng rồng còn (luông còn) trong truyền thuyết. Trong tâm thức của họ, rồng chính là con vật đẹp nhất, biểu tượng của sự biến đổi, phát triển, thanh bình và hạnh phúc. Quả còn được khâu theo múi hoa văn nhiều màu sắc ghép nối, tượng trưng cho muôn màu của vũ trụ. Bên trong là hạt thóc, hạt ngô, hạt đỗ, hạt hoa,... thể hiện khát vọng tồn tại, sinh sôi, nảy nở của con người. Dây còn được se thành sợi, nhuộm tua xanh đỏ. Khi ném còn, tất cả mọi người đứng cách cây còn 20 đến 25m và chia thành hai bên, rồi lần lượt chuyền nhau, bên tung còn, bên bắt còn và tung lại. Cây còn cao, tâm còn mỏng, bé. Việc tung còn trúng tâm là không hề đơn giản, không phải ai cũng làm được. Các chàng trai, cô gái kiên trì tung, bắt, có khi đến cả buổi, cả ngày. Mọi người đi dự hội thay nhau ném, đến lúc quả còn xuyên tâm thì dừng lại. Ai ném trúng sẽ được thưởng quà và được coi là người may mắn nhất bản, nhất mường năm đó, đồng thời quả còn trúng tâm được xem là mở màn cho một năm mùa màng tươi tốt, thóc lúa đầy bồ, cuộc sống ấm no đến với bản mường. Người tung còn trúng tâm được cùng ông mo bước lên lạy trời đất và ma mường, ma bản. Ông mo khấn tạ trời đất, thần linh đã ban phúc lớn cho dân bản.
- Bên cạnh những nhóm người thanh niên ném còn là những người đã có gia đình và các cụ già chơi trò "tó mác lẹ" (chọi quả lẹ): Đây là một trò chơi dân gian độc đáo, được đồng báo Thái rất ưa thích. Luật chơi "tó mác lẹ" đơn giản song nó đòi hỏi sự tinh tế và hết sức trình tự của người chơi, trò chơi bao giờ cũng chia thành hai đội và có thể chơi theo nhiều hình thức, hạt “mác lẹ” được xác định là mốc, đặt cách vị trí xuất phát từ 15 đến 25m, họ đào đất, cắm hạt “mác lẹ” thành hàng. Người chơi quỳ xuống đất, đặt hạt “mác lẹ” lên đùi, dùng thanh tre bật hạt “mác lẹ” bắn đến đích, ai bắn trúng đích, làm hàng “mác lẹ” đổ xuống nhiều hơn thì người đó chiến thắng. Hoặc có thể chơi theo cách, người chơi dùng chân cặp hạt “mác lẹ”, chạy vượt chướng ngại vật, khi cách đích khoảng 40cm thì thả hạt “mác lẹ” sao cho trúng mục tiêu, làm hàng “mác lẹ” cắm làm mốc đổ nhiều hơn thì sẽ chiến thắng. Đây là trò chơi chỉ dành cho những người phụ nữ đã có gia đình.
- Kéo co: Đây là trò chơi dân gian phổ biến đối với cộng đồng người Thái vùng Mường Lò. Để thực hành trò chơi, người ta phải chuẩn bị dây kéo, thường là dây được kết từ song mây (gần đây có cả dây thừng), kẻ một vạch dưới đất ngăn cách hai đội. Ở giữa sợi dây kéo, ban tổ chức buộc một dải vải đỏ với ý nghĩa làm mốc đánh dấu khi thi đấu, ngoài ra dây vải đỏ còn mang ý nghĩa tượng trưng cho mọi việc được may mắn, thuận lợi, lúc nào cũng rực rỡ, thành công. Hai đội chơi chọn số lượng người gần như tương đương nhau về thể trọng, lần lượt nắm tay vào sợi dây, dùng sức kéo về phần của đội mình, hai đội cứ kéo giằng co, mọi người ở ngoài hò reo rộn rã trong tiếng trống, tiếng chiêng. Theo quan niệm của người Thái, tiếng trống được ví như tiếng sấm báo hiệu cho mưa thuận gió hòa, kéo co còn mang ý nghĩa kéo những gì may mắn về bản, về mường và đưa những gì không may mắn đi. Hai đội kéo cho đến khi nào một đội kéo được đội kia vượt qua vạch ngăn cách, sang sân của đội mình thì sẽ chiến thắng.
- Đẩy gậy: Đẩy gậy cũng là một trong những môn thể thao truyền thống, không thể thiếu trong những ngày hội của đồng bào Thái. Để tổ chức thi đấu môn đẩy gậy chỉ cần có gậy thi đấu làm bằng tre già thẳng hay những thanh gỗ tốt có chiều dài 2m, đường kính từ 4 - 5cm, được sơn 2 màu đỏ và trắng hoặc đỏ và xanh; đầu và thân gậy phải được bào nhẵn và có đường kính bằng nhau. Vẽ một vòng tròn có đường kính 5m trên một khoảng đất rộng. Sau khi các cặp đôi thi đấu đã chuẩn bị xong, một người được giao nhiệm vụ làm trọng tài phát lệnh cho trận đấu bắt đầu. Hai bên tay cầm ghì phần gậy của mình, dùng sức đẩy đối phương. Theo quy định, bên nào chân chạm vào vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc.
- Trò chơi leo cột mỡ: Trò chơi này sử dụng những chiếc cột bằng tre, vầu to, cứng, chắc chắn, cao khoảng 5 đến 6 m, được bôi mỡ trơn trượt. Trên đỉnh cột có hai vòng tròn ngang to, nhỏ khác nhau, trên đó có treo những túi màu đựng hạt giống, nay thêm những phần quà nhỏ và tiền. Từng người chơi nhảy bám vào thân cây leo lên, ai leo được tới đỉnh, mang được túi lộc xuống thì đó là người chiến thắng hoặc người chơi có thể chia thành từng đội, phải phối hợp ăn ý để bám vào nhau leo lên cao. Đội nào vượt qua thử thách, lên tới đỉnh, sẽ chiến thắng. Đây là trò chơi mang tính vận động thể chất khá cao, giúp người chơi rèn luyện được sự khéo léo, tính dẻo dai của cơ thể khi có sự phối hợp nhịp nhàng giữa tay và chân trong quá trình leo cột.
Các trò chơi cứ lần lượt diễn ra cho hết ngày. Để rồi cuối ngày, tất cả mọi người cùng hòa vào vòng xòe trong tiếng chiêng, trống rộn ràng của những ngày đầu xuân, của niềm vui cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ. Kết thúc các vòng xòe là lúc người ta chia tay nhau, về với gia đình, với bạn bè, làm những công việc thường ngày với niềm vui phấn khởi của một năm mới mong ước về những khởi đầu tốt đẹp và cam kết cùng nhau bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống, để rồi mùa sau gặp lại, lại cùng nắm tay nhau xòe trong chén rượu nồng, xòe trong niềm vui mở rộng, phát triển được rừng, tạo lập môi trường sống xanh và một năm lao động được mùa, may mắn.
3. Không gian văn hóa liên quan, các sản phẩm vật chất và tinh thần tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể
Lễ “Xên đông” được coi là một tập quán xã hội và tín ngưỡng tiêu biểu, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của người Thái vùng Mường Lò. Nghi lễ thể hiện rất rõ cách ứng xử điển hình của cư dân nông nghiệp lúa nước vùng thung lũng. Đây là dịp để cúng tạ thần rừng đã chở che, bảo vệ cộng đồng trong một năm. Có thể nói, di sản là điểm hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của tộc người, là nơi thực hành và trao truyền trực tiếp vốn văn hóa của cộng đồng.
Nghi lễ được thực hành rất chu đáo từ khâu chuẩn bị đến quy trình diễn ra. Liên quan đến tiến trình thực hành này, có rất nhiều sản phẩm vật chất, tinh thần được tạo ra và gắn với di sản, không gian văn hóa có liên quan đến di sản cũng khá rộng và đa dạng, thuộc môi trường sinh hoạt và cảnh quan tụ cư đặc trưng của đồng bào Thái, từ ngôi nhà truyền thống đến cánh rừng thiêng rồi đến không gian sinh hoạt văn hóa chung của bản làng, cộng đồng.
Gắn với nghi lễ, có rất nhiều sản phẩm vật chất và tinh thần được tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển của di sản. Những giá trị vật chất điển hình có thể kể đến chính là các sản phẩm được sử dụng để thực hành di sản và những sản phẩm được tạo ra trong quá trình thực hành di sản ấy như trang y phục của thầy cúng, của người giúp việc, của nam nữ, trẻ em tham gia lễ, áo lễ, vòng lễ; các sản vật điển hình được dâng cúng; các dấu ấn vật chất được thể hiện trên ngôi nhà sàn truyền thống; các sản phẩm vật chất đặc trưng được sử dụng trong các nội dung của phần hội, .... Những sản phẩm tinh thần gắn với di sản rất phong phú, đa dạng với nhiều loại hình, từ tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, các phong tục tập quán, tư duy tín ngưỡng đến các hình thức trình diễn nghệ thuật dân gian, các nghề thủ công truyền thống và hệ thống tri thức dân gian được thể hiện xuyên suốt quá trình chuẩn bị và thực hành nghi lễ. Những giá trị tinh thần được tạo ra từ nghi lễ còn đọng lại trong tâm thức mỗi chủ thể văn hóa (cả du khách hiện nay) sau khi nghi lễ đã kết thúc, nó không ngừng được tích tụ, bồi đắp, tự bảo vệ, tự trao truyền từ đời này qua đời khác với niềm tự hào về những giá trị mang tính bản sắc của cộng đồng.
Có thể nói, với vai trò là một nghi lễ quan trọng, có từ lâu đời, được tổ chức thường niên của tộc người Thái, lễ “Xên đông” là nơi thực hành và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của tộc người, nghi lễ có không gian văn hóa đa dạng, gắn với môi trường cảnh quan cư trú điển hình của cư dân nông nghiệp lúa nước ở vùng thung lũng trước núi, nhiều sản phẩm vật chất và tinh thần cũng được tạo ra trong quá trình thực hành di sản, gắn với di sản rất đặc trưng. Không gian văn hóa và những sản phẩm được tạo ra trong quá trình ra đời và tồn tại của di sản này là kết tinh phản ánh quá trình lịch sử tộc người, văn hóa tộc người, trình độ thẩm mĩ cũng như thế giới quan, nhân sinh quan tộc người rất rõ nét.
VII. Giá trị của di sản văn hóa phi vật thể
1. Giá trị lịch sử: Lễ “Xên đông” là một nghi lễ truyền thống rất độc đáo, phản ánh một tập quán xã hội và tư duy tín ngưỡng có lịch sử lâu đời trong đời sống xã hội cộng đồng, phản ánh quá trình lịch sử tộc người, lịch sử kinh tế, lịch sử cư trú, lịch sử văn hóa, xã hội của tộc người rất rõ nét. Đây là một nghi lễ mang đậm dấu ấn tín ngưỡng văn minh nông nghiệp, tuy không kéo dài về thời gian, các lễ nghi ngắn gọn nhưng di sản hội tụ nhiều giá trị văn hóa truyền thống có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện lịch sử đời sống của tộc người Thái từ xưa đến nay cũng như lối tư duy và cách ứng xử của cộng đồng với môi trường sống. Về mặt lịch sử, việc tôn thờ thần rừng, có thể xem là biểu tượng tư duy phản ánh sự hình thành xã hội cư dân trên cơ sở gắn với vùng đất lưu vực sông suối.
Nghiên cứu quá trình ra đời và tồn tại của di sản, cách tư duy và ứng xử của cộng đồng trong nghi lễ cho ta thấy quá trình lịch sử của tộc người rất rõ nét, các đặc điểm về tự nhiên, môi trường cư trú và cách ứng xử sao cho phù hợp với môi trường đó để có được cuộc sống tốt đẹp nhất. Từ những biểu hiện của di sản, bằng những nhận định khoa học, đi ngược về quá khứ, các giá trị lịch sử đã dần hiện ra. Họ tụ cư ở vùng thung lũng trước núi, nép mình dưới những cánh rừng, bên bờ sông con suối, canh tác lúa nước trên những cánh đồng lòng chảo ấy. Ở vùng cảnh quan này, vào mùa mưa, sông suối trở nên dữ dội hơn, để hạn chế sức tàn phá chỉ có thảm rừng mới giúp sự sống trở nên hài hòa hơn, ổn định hơn. Rừng giữ gìn và điều hòa nguồn nước, rừng cung cấp nguồn lâm sản khổng lồ cho cuộc sống của cộng đồng. Bởi thế, rừng với cư dân thung lũng lòng chảo, rừng đã trở nên vô cùng quan trọng, rừng quyết định sự sống còn của cộng đồng, rừng trở nên linh thiêng. Vậy nên, họ bảo vệ rừng, tôn thờ, sùng bái thần rừng cũng là điều dễ hiểu để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cũng từ cách ứng xử của cộng đồng với rừng đã cho ta thấy lịch sử định cư gắn với cảnh quan thung lũng ấy quyết định hướng đi của lịch sử kinh tế tộc người, chuyển từ hái lượm sang trồng trọt và là cư dân sớm có nền văn hóa lúa nước trên các cánh đồng thung lũng lòng chảo, kết hợp với săn bắt, hái lượm các sản phẩm từ rừng và đánh bắt thủy sản bên những dòng suối ven bản mường. Lễ vật dâng cúng thần rừng (con trâu) trong lễ “Xên đông” đã khẳng định vai trò của kinh tế nông nghiệp trồng trọt trong lịch sử tộc người. Khi sinh sống, lao động để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống trong môi trường cảnh quan này, tộc người đã dần hình thành nên văn hóa ứng xử với tự nhiên, trong đó có văn hóa ứng xử với rừng. Lịch sử văn hóa cũng được hình thành và hoàn thiện trong quá trình lịch sử tộc người nói chung ấy.
2. Giá trị văn hóa: Văn hóa Thái từ xưa vẫn được biết đến là một “loại hình văn hóa thung lũng” điển hình. Lễ “Xên đông” thực hành và phản ánh những giá trị văn hóa tiêu biểu, gắn với loại hình này. Với sự sáng tạo phù hợp với môi trường cư trú, thung lũng lòng chảo không đơn thuần là cảnh quan tự nhiên nữa mà đã được cộng đồng đưa lên thành văn hóa, hình thành nên hệ sinh thái nhân văn vùng thung lũng. Nghi lễ đã phản ánh mối quan hệ giữa cộng đồng tộc người Thái với môi sinh thung lũng lòng chảo, thể hiện khả năng thích nghi với tự nhiên bằng văn hóa của mình. Qua chiều dài của thời gian đã làm cho những thích ứng ấy gần như trở thành “bản năng”. Thờ cúng thần rừng đã trở thành giải pháp tâm linh giải quyết vấn đề “nước” trong văn hóa đồng ruộng của người Thái. Họ ý thức rất rõ vai trò điều hòa nguồn nước của rừng trong môi trường cảnh quan thung lũng mà họ cư trú nên đã hình thành văn hóa ứng xử với rừng nhằm đảm bảo sự bình an, no đủ của cuộc sống.
Khái niệm rừng thiêng (đông căm) đã đi vào tâm thức của mỗi người dân Thái từ thủa ấu thơ. Đồng bào quy định cách ứng xử của cộng đồng với những địa điểm này trong luật tục của bản mường. Ở Mường Lò, rừng ở xã Hạnh Sơn từ xưa vẫn được coi là nơi trú ngụ của hồn thiêng bản mường, che chở cho cuộc sống của nhân dân bản mường, là linh hồn của bản mường, tượng trưng cho sự bền vững của bản mường. Từ ý niệm đó, đã quy định những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần khi ứng xử với rừng độc đáo, riêng có của tộc người. Lễ “Xên đông” đã hội tụ những giá trị văn hóa đặc trưng đó, di sản mang tính đại diện, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng tộc người. Qua đó, quan niệm của cộng đồng về thế giới tâm linh, đặc điểm tín ngưỡng, các giá trị văn hóa, nghệ thuật, tri thức dân gian, phong tục tập quán và nhiều giá trị vật chất có liên quan như ăn, mặc, ở của cộng đồng được khắc họa và trao truyền.
Lễ "Xên đông" được cộng đồng duy trì qua nhiều thế hệ, các nghi lễ, thủ tục cúng tế, các giá trị nghệ thuật độc đáo luôn được bảo tồn và phát huy, do đó nó có giá trị duy trì thuần phong mỹ tục của cộng đồng. Đây là nét văn hóa truyền thống, gắn với triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp Việt Nam nói chung, theo đó người dân luôn tin rằng có thần rừng cai quản, che chở, phù hộ cho người dân sống trong khu vực được mạnh khỏe, bình yên, làm ăn phát triển, no ấm, hòa thuận, hạnh phúc.
Ngoài những giá trị văn hóa, lễ cúng thần rừng còn là sợi dây cố kết cộng đồng xã hội bản mường, thể hiện giá trị nhân văn của cộng đồng. Bà con dân bản, trước sự chứng kiến của thần rừng cùng nhau bàn bạc, hiểu và thực hiện những quy ước (đã được thần linh chỉ ra thông qua cuộc trò chuyện, trao đổi giữa thầy mo và các vị thần) để bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống. Tham gia lễ cúng và các hoạt động hội trong nghi lễ giúp dân bản tăng cường tinh thần đoàn kết, bỏ qua mọi hiềm khích đời thường, cùng nhau xây dựng bản mường ấm no, hạnh phúc.
3. Giá trị khoa học: Nghiên cứu quy trình thực hành lễ cúng rừng của tộc người Thái ở vùng Mường Lò sẽ cung cấp nguồn tư liệu về khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kinh tế và kỹ thuật. Đây sẽ nguồn thông tin tư liệu giúp bổ sung và làm dày thêm vốn tri thức dân tộc học, nhân học tộc người trong quá trình nghiên cứu truyền thống lịch sử, các hoạt động kinh tế, văn hóa – xã hội, phong tục tập quán, đời sống tâm linh, đặc điểm tín ngưỡng, … của tộc người Thái cũng như bổ sung nguồn tư liệu trong cái tương quan, so sánh với các tộc người khác trong và ngoài vùng cảnh quan cư trú. Từ những nguồn tư liệu khoa học có giá trị này sẽ giúp các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào Thái nói riêng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung hiệu quả và bền vững hơn.
4. Giá trị giáo dục: Lễ "Xên đông" thể hiện rất rõ giá trị giáo dục của mình đối với cộng đồng người Thái nói riêng và các tộc người khác nói chung cùng chung sống trong môi trường cảnh quan vùng thung lũng lòng chảo, mở rộng hơn nữa là cộng đồng khu vực, cộng đồng quốc gia, dân tộc và trên toàn thế giới. Nghi lễ giáo dục con người nói chung về tình yêu thiên nhiên, ý thức giữ gìn, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống, tình yêu bản làng, quê hương với vai trò đặc biệt quan trọng của rừng trong địa bàn cư trú truyền thống của tộc người. Đây là dịp bà con thôn bản cầu nguyện, mong muốn về cuộc sống ấm no, đồng thời quy ước bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh, thể hiện ý thức tôn trọng, chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ mẹ thiên nhiên.
Rừng bao quanh cả một vùng lòng chảo nơi tụ cư của cộng đồng, dựng bản lập mường từ hàng ngàn năm nay, nếu không có ý thức bảo vệ và gìn giữ rừng thì ắt hẳn môi trường sống của cộng đồng bị ảnh hưởng. Giữ rừng là giữ gìn sự sống cho chính mình, là giữ gìn môi trường trong lành và cúng rừng hằng năm là để giáo dục cho con cháu muôn đời cái ý thức tốt đẹp đó. Nghi lễ chỉ là của một cộng đồng tộc người nhưng ý nghĩa và sức lan tỏa của nó đã và đang là mục tiêu mà cư dân toàn cầu đang hướng tới vì một môi trường xanh, sạch, đẹp; vì một cuộc sống hài hòa với thiên nhiên; vì những thông điệp mà toàn thế giới đang theo đuổi: hãy bảo vệ rừng để bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta, bởi rừng là “lá phổi” của toàn nhân loại.
5. Vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng: Rừng trong đời sống của chúng ta nói chung, đặc biệt rừng trong đời sống của cộng đồng cư dân có truyền thống cư trú ở vùng thung lũng lòng chảo trước núi có vai trò đặc biệt quan trọng. Rừng ở nơi đó là lá chắn bảo vệ cả cộng đồng, là nơi điều hòa và cung cấp nguồn nước cho những cánh đồng lương thực vùng thung lũng, giúp hạn chế sự tàn phá của những trận lũ dữ nơi sườn dốc, khe sâu, đồng thời là nơi cung cấp cho con người biết bao của cải vật chất, các sản vật quý để duy trì cuộc sống và sản xuất ra những vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày từ bao đời nay. Bởi thế, việc bảo vệ rừng với người Thái ở Mường Lò là vô cùng quan trọng, bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính cộng đồng. Rừng thiêng trong tâm thức của mỗi người con vùng Mường Lò đã trở thành một thành tố văn hóa, gắn với những sinh hoạt tâm linh, những giá trị văn hóa không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng. Bảo vệ rừng cũng là bảo vệ và phát huy những di sản văn hóa truyền thống của tộc người gắn với rừng.
Lễ "Xên đông" (cúng rừng) là một di sản văn hóa phi vật thể điển hình thể hiện cách ứng xử của cộng đồng tộc người Thái vùng Mường Lò với rừng, thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Lễ được tổ chức vào ngày 12 tháng giêng hằng năm, nhằm cảm tạ thần rừng và những người đã có công khai phá, giúp đời sống nhân dân bản mường có cuộc sống no đủ, hạnh phúc, đồng thời đây cũng là dịp để cộng đồng cùng nhau nhìn lại những tác động một năm qua của con người với môi trường rừng, những việc làm được thì phát huy, những việc chưa làm được thì khắc phục, những việc chưa phù hợp thì điều chỉnh sao cho hài hòa với rừng hơn nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trong tâm thức của người Thái, đây là một nghi lễ tâm linh rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt xã hội của tộc người. Tham dự nghi lễ này giúp mỗi cá nhân trong cộng đồng hướng tới việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, ra tăng sức cố kết cộng đồng, cùng nhau bảo vệ môi trường sống, đồng thời giúp con người có một tinh thần thoải mái, tự tin bắt tay vào những công việc đồng áng, chăn nuôi và phấn đấu những việc mà họ chưa đạt được trong cuộc sống vì một tương lai tươi sáng hơn.
Di sản còn là nơi hội tụ, thể hiện và phản ánh chân thực nhất những giá trị văn hóa truyền thống mang tính bản sắc của tộc người Thái. Di sản đã tồn tại và có sức sống mãnh liệt nhiều đời nay trong cộng đồng, là không gian lưu giữ, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa bản sắc của tộc người một cách thiết thực và hữu hiệu nhất. Kèm theo quá trình thực hành di sản là hàng loạt các hình thái văn hóa vật chất và tinh thần được cộng đồng thể hiện. Bởi thế, di sản không chỉ có vai trò với cộng đồng chủ thể mà còn có vai trò với lịch sử, vai trò với đời sống đương đại và tương lai sau này của quốc gia, khu vực và thế giới.
Xét về tổng thể, có thể nhận thấy, lễ "Xên đông" (cúng rừng) của cộng đồng tộc người Thái là một di sản có tính kế thừa, kết nối các giá trị văn hóa giữa các thế hệ, do vậy nó tích hợp và chứa đựng nhiều thành tố quan trọng của bản sắc văn hoá Thái. Bởi thế, bảo tồn lễ "Xên đông" sẽ góp phần tích cực vào việc giữ gìn và phát huy các đặc trưng văn hoá truyền thống của tộc người cũng như tính đa dạng của nó trong bức tranh văn hoá cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
VIII. Hiện trạng di sản văn hóa phi vật thể
Hệ thống di sản văn hóa truyền thống của người Thái ở tỉnh Yên Bái nói chung và quy trình thực hành lễ “Xên đông” (cúng rừng) nói riêng được cộng đồng tộc người tự nguyện bảo lưu, giữ gìn khá tốt trong quá trình lịch sử cũng như trong đời sống hiện nay. Tuy di sản có khoảng thời gian hơn 50 năm bị mai một (từ năm 1949 đến năm 2003) do một số yếu tố khách quan, nghi lễ không được thực hành nhưng vẫn được lưu lại trong một số cuốn sách cổ của cộng đồng và lời kể qua trí nhớ của các bậc cao niên. Năm 2004, di sản được khôi phục trên cơ sở tìm lại tư liệu và ý kiến của các cụ cao niên trong vùng. Di sản được phục hồi với sự đồng thuận cao từ các chủ thể văn hóa. Từ đó, di sản được truyền nhau thực hành hằng năm cho đến ngày nay.
Lễ “Xên đông” là một lễ nghi quan trọng và có quy mô cộng đồng điển hình, gắn với đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng người Thái vùng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Di sản luôn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống cộng đồng tộc người ở địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với các cộng đồng lân cận. Niềm tin và nhu cầu về tâm linh, văn hóa tinh thần của mỗi cá nhân, của cả cộng đồng được thỏa mãn cũng là một nhân tố quan trọng góp phần bảo vệ và duy trì nghi lễ. Hơn thế nữa, lễ “Xên đông” còn là không gian di sản bảo lưu được những nét đặc trưng về lịch sử - văn hóa của tộc người Thái ở tỉnh Yên Bái nói riêng cũng như Việt Nam và thế giới nói chung, được thể hiện qua các nghi lễ, các trò chơi và nhiều nghệ thuật diễn xướng dân gian khác.
(Bài viết sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái cung cấp)
Các bài khác
- Lễ hội “Gầu Tào” của người Mông - huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái (26/08/2024)
- Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông – huyện Mù Cang Chải – huyện Trạm Tấu – huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái (22/02/2024)
- Lễ mừng cơm mới của người Mông tỉnh Yên Bái (30/11/2023)
- Nghệ thuật khèn của người Mông tỉnh Yên Bái (22/11/2023)
- Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái (01/02/2023)
- Lễ cấp sắc của người Dao, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái (20/02/2020)
- Nghệ thuật xòe Thái ở Mường Lò - Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái (21/06/2019)
- “Hạn khuống” của người Thái, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái (21/06/2019)
Xem thêm »