Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Di tích lịch sử văn hóa đền Làng Vải, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái

17/06/2024 10:57:57 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT – Ngày 27/12/2017, UBND tỉnh Yên Bái ký Quyết định số 3467/QĐ-UBND công nhận di tích đền Làng Vải, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Đền Làng Vải, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái được xếp hạng di tích cấp tỉnh

1. Tên gọi di tích

Di tích lịch sử văn hóa đền Làng Vải, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

2. Loại hình di tích

Di tích lịch sử văn hóa đền Làng Vải, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái được xếp vào loại hình di tích lịch sử, văn hóa.

3. Quyết định công nhận di tích cấp tỉnh

Quyết định số 3467/QĐ-UBND ngày 27/12/2017 của UBND tỉnh Yên Bái về việc xếp hạng đền Làng Vải, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái thuộc di tích cấp tỉnh.

4. Địa điểm di tích

Di tích đền Làng Vải tọa lạc tại ngay trung tâm làng, thuộc xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Di tích cách UBND xã Mậu Đông 500m; cách trung tâm huyện Văn Yên 8km; cách trung tâm tỉnh Yên Bái 48km v phía Tây Nam của tỉnh Yên Bái; cách đường tỉnh lộ 151 (Mậu A-Khe Sang) 500m; cách sông Hồng (sông Thao) 300m. Di tích đền Làng Vải có diện tích khoanh vùng bảo vệ 453,0m2.

5. Đường đi đến di tích

Đến di tích đền Làng Vải, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên bằng đường bộ và đường sắt rất thuận lợi:

- Đi bằng đường bộ: Du khách đi từ thành phố Yên Bái (bến xe, ga), đi theo đường tỉnh lộ 151 (Yên Bái-Khe Sang), qua thị trấn Mậu Đông 8km, theo đường liên thôn vào di tích thôn Làng Vải.

- Đi bằng đường sắt: Du khách đi tàu hỏa Hà Nội-Lào Cai-Hà Nội đến ga Mậu A, đi tiếp lên xã Mậu Đông 8km vào Làng Vải là đến di tích.

- Nếu đi đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai-Hà Nội đến nút giao IC14, xã An Thịnh (Văn Yên), qua cầu Mậu A đi tiếp đường Yên Bái-Khe Sang đến xã Mậu Đông vào Làng Vải là tới di tích.

6. Sơ lược lịch sử di tích

Khoảng những năm đầu thế kỷ XX, một bộ phận người Kinh từ các tỉnh miền xuôi lên vùng đất Mậu A, tổng Đông Cuông, huyện Trấn Yên (nay thuộc xã Mậu Đông huyện Văn Yên) cùng với đồng bào Tày quần cư sinh sống, khai hoang ruộng trồng lúa nước, làm nương rẫy và lập nên Làng Vải (do nơi đây trồng nhiều cây vải lên người dân đặt tên là Làng Vải).

Dân tộc Kinh cũng như dân tộc Tày đều là cư dân nông nghiệp, cuộc sống dựa hoàn toàn vào nông nghiệp nên tín ngưỡng cũng có sự tương đồng, tin tưởng vào đấng siêu nhiên, thần thánh, họ tin thần thánh có thể che chở mang lại những điều tốt lành cho con người, vạn vật sinh sôi nảy nở.

Trong những ngày đầu lập làng, đường xá đi lại khó khăn, cuộc sống của người dân còn thiếu thốn, vất vả, dân làng không có điều kiện đi lễ đền Đông Cuông nên đã xây dựng đền “thờ vọng” Thánh Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn.

Các cụ già trong xã Mậu Đông cho biết: Đền Làng Vải xây dựng năm 1938, tọa lạc ngay sát bờ sông Hồng và lấy tên đền theo địa danh làng nên đền có tên “Đền Làng Vải”.

Năm 1954, đền Làng Vải di chuyển từ bờ sông vào làng, cách vị trí cũ 400m. Kiến trúc nhà gồ, 3 gian hình chữ Nhât [—], lợp cọ.

Năm 1971, đền Làng Vải bị lũ sông Hồng cuốn trôi, nhân dân không có điều kiện phục dựng.

Đền Làng Vải còn là địa danh in dấu lịch sử, là nơi tập kết bộ đội, du kích, làm trạm trung chuyển thương binh, liệt sỹ, hậu cần trong chiến dịch Lý Thường Kiệt (1951) và chiến dịch Tây Bắc (1952).

Năm 2007, nhân dân trong xã đã phục dựng lại đền. Kiến trúc nhà xây, hình chữ Đinh (T); 3 gian đại bái (diện tích khoảng 30m2); hậu cung (diện tích khoảng 9m2); lợp ngói; bên cạnh có nhà sắp lễ và ban quản lý đền, sau đền diện tích khoanh vùng khoảng 60m2; toàn bộ khuôn viên đền có tổng diện tích 40m2.

Bên trong đền gian hậu cung có ban thờ Thánh Mẫu Thượng Thiên (Mẫu Liễu Hạnh), Thánh Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, Thánh Mẫu Thoải.

Kế tiếp là ban thờ Ngũ Vị Tôn ông. Bên phải (nhìn từ ngoài vào) có ban thờ Đức Thánh Trần. Bên trái (nhìn từ ngoài vào) có ban thờ Sơn Trang.

Di tích đền Làng Vải có quy mô, kiến trúc đơn giản, nhà xây cấp 4, lợp ngói, bài trí ban thờ và hệ thống tượng thờ không cầu kỳ. Đền tọa lạc gần sông Hồng, phía trước là đồng ruộng, bãi mầu nên cảnh quan đẹp, thoáng. Tuy đền nằm trong khu dân cư nhưng vẫn giữ được không khí tĩnh mịch trong lành, vừa sâu lắng, vừa linh thiêng.

7. Các nhân vật được thờ tự

Đền Làng Vải thờ:

- Thờ vọng Thánh Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn đền Đông Cuông

- Thờ Thần Vệ quốc (các vị thần người bản địa có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông).

- Thờ Mẫu Thượng Thiên (Mẫu Liễu Hạnh) là “Bà Mẹ trên Trời” được dân gian sùng bái, tâm linh hóa gọi là Cửu Thiên Huyền Nữ, người đã xuống trần gian hóa thân là bà lão để dạy cho Lộ Bàn, Lọ Bọc chặt cây làm nhà để ở, làm thuyền để di chuyển trên sông nước biển cả.

- Thờ Mẫu Thoải là “Bà Mẹ Nước”vị thần trị vì sông nước, xuất thân từ dòng dõi Long Vương, liên quan trực tiếp với thủy tổ dân tộc Việt buổi đầu dựng nước.

- Thờ Ngũ vị Tôn Ông (gọi theo thứ tự từ đệ nhất đến đệ ngũ); Đức Thánh Trần; Sơn Trang, Quan Ngũ Hổ và thờ Thần Vệ quốc.

8. Đặc điểm của di tích đền Làng Vải

- Dấu ấn cội nguồn: Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng thuần Việt có từ thuở xa xưa, là hệ thống tín ngưỡng dân gian và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Di tích đền Làng Vải là sự kế thừa, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tri ân, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân đã có công với cộng động, đất nước, hướng về cội nguồn dân tộc.

- Dấu ấn lịch sử: Di tích đền Làng Vải là sự kết nối dòng chảy lịch sử văn hóa truyền thống Việt có từ hàng ngàn năm từ đời trước sang đời sau, là tiến trình phát triển lịch sử văn hóa Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Di tích đền Làng Vải gắn với quá trình xây dựng và phát triển vùng đất Mậu Đông từ xa xưa, chứng kiến bao đổi thay của vùng quê nơi đây từ hàng trăm năm qua.

- Dấu ấn lối sống và dấu ấn tôn giáo, tín ngưỡng: Di tích đền Làng Vải là điểm hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của người dân trong và ngoài xã Mậu Đông xưa và nay. Tín ngưỡng thờ Mẫu tiếp thu những ảnh hưởng của tục thờ cúng tổ tiên, một tín ngưỡng có vai trò quan trọng hàng đầu trong tín ngưỡng Việt Nam. Đạo Mẫu lấy tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm đấng bảo trì cho vũ trụ, con người, cầu mong cuộc sống với những điều tốt lành.

9. Phong tục lễ hội

Xuân thu nhị kỳ, đền Làng Vải diễn ra nhiều lễ hội, tuy nhiên lễ hội ngày 21 tháng Giêng, Rằm tháng Bảy và 25 tháng Chạp có quy mô, phạm vi lớn nhất và có sức lan tỏa rộng khắp trong vùng. Một số lễ hội đền Làng Vải

*Lễ hội đầu năm mới: Thời gian tổ chức lễ hội vào ngày 21 tháng Giêng (Tháng 1 âm lịch).

- Lễ vật: Dân làng mổ lợn, mổ gà, cá, làm xôi nếp, bánh trưng, bánh dày...

- Nghi lễ: Sau khi chuẩn bị xong lễ vật, dân làng xếp thành mâm cỗ bày lên ban thờ cúng tế Thánh Mẫu, Thổ Công. Ông Thủ nhang (thủ từ) của đền thay mặt dân làng tạ ơn Thánh Mẫu, Thần linh, Thổ Địa đã che chở và cho họ một mùa vụ bội thu; thỉnh cầu một năm mới trăm họ an lành, vạn vật sinh sôi nảy nở, quốc thái dân an.

- Phần hội: Kết thúc phần nghi lễ nhà đền tổ chức các hoạt động vui chơi như hát chèo, đẩy gậy, kéo co, đấu vật, đua thuyền trên sông hồng...

* Lễ Rằm tháng Bảy (Tết Trung nguyên): Thời gian tổ chức lễ hội vào ngày 15 tháng bảy âm lịch

- Lễ vật: Gồm cỗ mặn và cỗ chay; cỗ mặn gồm thịt lợn, thịt gà, cá... cỗ chay gồm bánh bỏng, chè lam, cháo...

- Nghi lễ: Cúng tế tạ ơn công đức Thánh Mẫu, Thổ Công và tưởng nhớ đến những người đã mất trong gia đình và cho các linh hồn vãng lai.

- Phần hội: Kết thúc nghi lễ cúng tế trong đền dân làng thụ lộc ngay tại sân đền và tổ chức các hoạt động vui chơi.

* Lễ Mừng Cơm mới: Thời gian tổ chức lễ hội vào Rằm tháng 9

- Lễ vật: cơm mới, cốm, chè lam, thịt gà, thịt vịt, cá...

- Nghi lễ: Dân làng gặt lúa non về giã cốm để cúng tạ ơn Trời-Đất, Thánh Mẫu, Thần linh, Thổ Địa (nghi lễ giống với đền Đông Cuông).

* Lễ Tất niên cuối năm: Thời gian tổ chức 25 tháng Chạp.

- Lễ vật: Thịt gà, thịt lợn, bánh, hoa quả

- Mục đích, ý nghĩa: Nhằm kết thúc một năm cũ, chuẩn bị đón năm mới; tạ ơn Trời-Đất, Thánh Mẫu đã che chở cho dân làng, vạn vật sinh sôi nảy nở, đồng thời đóng cửa rừng, không ai được vào rừng chặt cây. Ngoài ra, tại đền Làng Vải còn các lễ hội như lễ giỗ Mẫu (8/3 âm lịch); giỗ Đức Thánh Trần (20/8 âm lịch).

Di tích đền Làng Vải là nơi “thờ vọng” Thánh Mẫu đền Đông Cuông gắn với lịch sử hình thành làng xã Mậu A xưa (nay xã Mậu Đông), là kết quả tiến trình lịch sử văn hóa và là một quá trình phát triển lâu dài, mang đậm bản sắc tín ngưỡng thờ Mẫu ở vùng miền núi, gắn với nền văn hóa Sơn Vi và văn minh sông Hồng có từ hàng ngàn năm, tạo nên khu vực này dàỵ đặc những di tích, kiến trúc, tín ngưỡng dân gian, kiến trúc tôn giáo... sách Kiến văn tiểu lục Lê Quý Đôn nhận xét: “Một giải sông Thao, dân tục thuần hậu, biết lễ phép văn tự” và ông gọi vùng đất này là “Linh Tích ” (dấu vết linh thiêng).

Thông qua truyền thuyết, thần tích, các hoạt động văn hóa, lễ hội, nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu mang đậm giá trị về nhận thức thế giới quan, nhân sinh quan, giúp cho con người hòa đồng với tự nhiên, cảm nhận tự nhiên, lắng nghe tự nhiên, mà cuối cùng bảo vệ tự nhiên một cách hữu hiệu hơn. Hầu đồng, hát chầu văn đều ẩn chứa những giá trị văn hoá nghệ thuật rất phong phú, tạo nên một không gian tâm linh hàm chứa sự uy nghi, sang trọng, tràn ngập niềm vui và nét đẹp của một hình thức sân khấu tâm linh, một bảo tàng sống của văn hóa truyền thống Việt Nam. Đồng thời hướng niềm tin của con người vào cuộc sống trần thế, gắn bó với dân tộc, là thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa, làm cho mỗi người luôn có ý thức “hướng về cội nguồn dân tộc”, “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh những người có công với dân với nước.

Đền Làng Vải còn là nơi sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, nơi thể hiện mong ước của mỗi người dân luôn khát vọng vươn tới Chân-Thiện-Mỹ, nơi bảo tồn, lưu giữ các báu vật về tinh thần và vật chất, lưu truyền những giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc từ đời trước sang đời sau, nơi giáo dục đạo đức, tư tưởng con người hướng tới tâm thiện, loại bỏ cái ác. Các báu vật cội nguồn ấy chính là sức mạnh vô cùng to lớn để cộng đồng các dân tộc Mậu Đông cùng với nhân dân huyện Văn Yên xây dựng quê hương phát triển vững mạnh.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái cung cấp)

510 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h