Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Yên Bái tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng

09/10/2017 07:15:24 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Qua 2 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với sự vào cuộc tích cực của các địa phương, nhiều vùng, nhiều mô hình sản xuất hàng hóa chất lượng, năng suất cao trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống.

Yên Bái đã hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung trên 2.500 ha.

Qua 2 năm triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh cho thấy nhiều kết quả khả quan. Trên lĩnh vực trồng trọt, diện tích đất trồng lúa cả năm toàn tỉnh năm 2017 tăng 1.570 ha so với năm 2015. Nhờ áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên diện tích, năng suất, sản lượng cây lượng thực có hạt không ngừng được tăng lên, cơ cấu giống tiếp tục có chuyển biến tích cực tập trung đầu tư vào vùng có điều kiện thâm canh cao. Năm 2017, sản lượng lương thực có hạt dự ước đạt trên 308 nghìn tấn, tăng gần 10 nghìn tấn so với năm 2015 và tăng 28 nghìn tấn so với mục tiêu Đề án. Bên cạnh đó, đã hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung trên 2.500 ha (tại cánh đồng Mường Lò 1.400 ha, cánh đồng Đại Phú An - Đông Cuông huyện Văn Yên 600 ha, cánh đồng Mường Lai - Vĩnh Lạc huyện Lục Yên 600 ha), vùng sản xuất ngô hàng hóa 15.000 ha.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được các vùng cây ăn quả, đặc biệt là vùng cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi) đạt trên 3.100 ha/tổng diện tích theo đề án 4.000 ha. Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ, phục tráng và phát triển cây ăn quả đặc sản theo vùng sinh thái như bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình, cam, quýt huyện Văn Chấn và Lục Yên. Hiện nay diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh khoảng 7.800 ha, dự kiến sản lượng các loại đạt trên 30.000 tấn/năm.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, triển khai tái cơ cấu, chăn nuôi đã từng bước chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung theo hướng trang trại, gia trại. Bên cạnh đó, chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi được chú trọng đẩy mạnh, tập trung vào giống con cho năng suất, sản lượng tăng. Năm 2017, tổng đàn gia súc chính ước đạt 685.000 con, đạt kế hoạch đề ra và tăng gần 41.500 con so với năm 2015. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc, gia cầm ước đạt 41.500 tấn, đạt kế hoạch và tăng 2.250 tấn so với năm 2015.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, qua 2 năm triển khai đề án, đã chuyển được cơ cấu giống cây trồng từ những cây có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng những cây đa tác dụng có hiệu quả kinh tế cao hơn, đã hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống cây lâm nghiệp theo hướng xã hội hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia, chất lượng cây giống ngày càng được nâng cao. Hết năm 2016, toàn tỉnh có trên 430.450 ha rừng, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 62,5%. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số vùng sản xuất lâm nghiệp hàng hóa tập trung, có hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trồng cây lâm nghiệp thông thường như vùng quế với 66.000 ha, vùng măng tre Bát Độ 3.700 ha, vùng trồng cây Sơn Tra 5.000 ha...

Lĩnh vực thủy sản được quan tâm, thông qua việc triển khai thực hiện các dự án, đề tài khoa học nghiên cứu các đối tượng giống mới như nuôi cá thương phẩm: cá Tầm, cá Trắm đen, cá Lăng đen, cá Trôi trắng Việt Nam, nuôi cá Bỗng sinh sản...qua đó nuôi trồng thủy sản có nhiều chuyển biến, từ chỗ nuôi quảng canh nay đã đầu tư nuôi thâm canh sử dụng thức ăn công nghiệp với quy mô 1-3 ha. Cùng với việc nuôi cá ao, cá ruộng, cá lồng cũng đã phát triển trên các sông suối lớn. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh trên 2.250 ha. Sản lượng thủy sản dự kiến năm 2017 đạt trên 8.500 tấn/năm, tăng trên 2.000 tấn so với năm 2015.

Nhìn chung, 2 năm triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành. Năm 2016, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) đạt 6.486.625 triệu đồng, tăng 3,2% so với năm 2015, chiếm 24% trong cơ cấu tổng sản phẩm năm 2016 của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 5,0% năm 2016, dự kiến năm 2017 đạt 4,45%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua hơn 2 năm thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp vẫn còn những hạn chế nhất định như sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn còn phân tán nên việc hỗ trợ sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh còn chậm và gặp nhiều khó khăn, các hình thức tổ chức sản xuất thiếu đa dạng, chậm đổi mới, chưa có nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, lĩnh vực trồng trọt có những kết quả tốt nhưng chưa thật sự đột phá, sản xuất chăn nuôi ảnh hưởng lớn bởi thị trường đầu ra...

Do đó, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người nông dân, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành với các giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó tập trung phát triển nền nông nghiệp bền vững trên cơ sở khai thác, tận dụng tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương và gắn với xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như sản xuất lúa hàng hóa, trồng cây ăn quả, vùng chè vùng cao, chăn nuôi trang trại tập trung, chăn nuôi bán công nghiệp và công nghiệp, phát triển kinh doanh rừng sản xuất theo hướng ứng dụng tiến bộ về giống để tăng sản lượng và giá trị nguyên liệu gỗ phục vụ cho chế biến và xuất khẩu...Bên cạnh đó đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển hình thức kinh tế tập thể, gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng.

1086 lượt xem
Hiền Trang

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h