Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Bảo tồn văn hóa phi vật thể cấp quốc gia >> Văn hóa - Xã hội

Tri thức học dân gian của người Dao quần chẹt, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

07/08/2017 10:33:36 Xem cỡ chữ Google
Mỗi khi nhắc đến người Dao, người ta không thể không nhắc đến nghề làm thuốc nam gia truyền từ lâu đời trong cộng đồng. Người Dao quần chẹt ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn cũng như thế; trải qua bao năm tháng, nhiều hộ gia đình vẫn giữ nghề, bốc thuốc, chữa bệnh cứu người.

I. Khái quát về người Dao ở huyện Văn Chấn

1. Khái quát chung về huyện Văn Chấn

1.1. Đặc điểm tự nhiên

Vị trí địa lý: Văn Chấn là huyện miền núi của tỉnh Yên Bái, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc. Huyện có tổng diện tích tự nhiên là 1.205,2 km2 miền núi, chiếm 17% diện tích toàn tỉnh. Huyện nằm ở phía Tây Nam, tỉnh Yên Bái, phía Bắc giáp huyện Mù Cang Chải, phía Đông giáp huyện Văn Yên và Trấn Yên, phía Tây giáp huyện Trạm Tấu, phía Nam giáp tỉnh Sơn La.

Đặc điểm địa hình: Văn Chấn nằm ở sườn phía Đông Bắc của dãy Hoàng Liên Sơn. Địa hình phức tạp, có nhiều rừng, núi, hang động, suối khe chằng chịt, thung lũng bằng phẳng. Độ cao trung bình so với mực nước biển là 400 mét. Tuy địa hình khá phức tạp nhưng chia thành ba tiểu vùng kinh tế, trong đó, vùng trong là vùng tương đối bằng phẳng, có cánh đồng Mường Lò. Vùng ngoài có lợi thế về phát triển vườn đồi, vườn rừng và trồng lúa nước. Vùng cao thượng huyện có độ cao trung bình 600 mét trở lên, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, chăn nuôi đại gia súc.

Khí hậu: Văn Chấn nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa, nhiệt độ trung bình 20 - 300C; mùa đông rét đậm, nhiệt độ xuống tới dưới 3oC. Tổng nhiệt độ cả năm đạt 7.500 - 8.100oC, lượng mưa được chia thành hai mùa rõ rệt. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1200 đến 1600mm, thích hợp phát triển các loại động thực vật á nhiệt đới, ôn đới và các loại cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, lâm nghiệp. Rừng của Văn Chấn có hàng trăm loại gỗ cùng tre, nứa, song, mây, trong đó, có các loại gỗ quý như lát, pơmu, vàng tâm, đinh, lim, sến, táu,… Bên cạnh các loại gỗ quý, còn có các loại dược liệu có giá trị như thiên niên kiện, sa nhân, hoài sơn; nhiều loại thực phẩm tự nhiên như măng, mộc nhĩ, nấm hương, mật ong và nhiều loại thú rừng.                      

Do điều kiện địa hình đồi núi dốc mạnh, lượng mưa lớn và tập trung nên tạo cho Văn Chấn một hệ thống ngòi suối khá dày đặc, có tốc độ dòng chảy lớn và lưu lượng nước thay đổi theo từng mùa.

1.2. Một số đặc điểm văn hóa, xã hội

Toàn huyện Văn Chấn có 3 thị trấn và 28 xã. Bao gồm thị trấn Nông trường Liên Sơn, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường Trần Phú; các xã: Sơn Thịnh, Suối Bu, Suối Giàng, Suối Quyền, Đồng Khê, Tân Thịnh, Chấn Thịnh, Thượng Bằng La, Minh An, Nghĩa Tâm, Bình Thuận, Đại Lịch, Phù Nham, Thanh Lương, Thạch Lương, Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Nghĩa Sơn, Sơn Lương, Nậm Lành, An Lương, Nậm Mười, Sùng Đô, Gia Hội, Nậm Búng, Tú Lệ, Cát Thịnh, Sơn A. Huyện lỵ đóng trên địa bàn xã Sơn Thịnh.

Tổng dân số của huyện Văn Chấn 145.711 người, bao gồm nhiều tộc người sinh sống như Kinh, Thái, Dao, Tày, Mường, H'Mông, Giáy, Khơ Mú,... chia thành ba vùng cư trú: vùng đồng bằng thung lũng, vùng rẻo giữa và rẻo cao. Mật độ dân số 121 người/km2. Sự đa dạng về dân tộc tạo nên cho huyện Văn Chấn có một nền văn hóa phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc, đó là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong toàn huyện.

Tổng số lao động trong độ tuổi là 88.554 người; số lao động trong độ tuổi hoạt động kinh tế là 70.866 người; số lao động trong độ tuổi không hoạt động kinh tế là 17.688 người. Lực lượng lao động đông đảo đó chính là nguồn lực, tiềm năng phát triển kinh tế của huyện.

Dân ca, dân vũ đặc sắc, độc đáo chiếm một phần đáng kể trong đời sống của nhân dân, tiêu biểu là múa xoè, múa sạp, hát khắp, hát Nôm của dân tộc Thái, Tày; múa chiêng, hát Picađô của người Khơ Mú; múa khèn của người Mông; hát đang của dân tộc Mường; tục hát “tháng Giêng” của người Giáy,... 

Lễ hội, trò chơi dân gian phong phú, hấp dẫn thường tổ chức vào các dịp ngày lễ tết cổ truyền. Người Thái có lễ hội “Xên đông”, “Xên mường”, “Lồng tồng”, trò chơi tó mắc lẹ, ném còn. Lễ hội “Rước mẹ lúa”, “Mùa măng mọc” của người Khơ Mú. Hội “Gầu tào”, “Nào sồng”, cưỡi ngựa bắn súng, đánh yến, ném pao dân tộc Mông,...

Tín ngưỡng vạn vật hữu linh, thờ cúng tổ tiên chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo khác nhau như đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão, Thiên Chúa giáo, tạo cho Văn Chấn một miền đất đa tôn giáo kết hợp với những tín ngưỡng bản địa đặc sắc càng làm cho đời sống văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo thêm đa dạng.   

Những hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian đã tạo cho Văn Chấn một nền văn hoá giàu sắc thái, đa dạng nhưng thống nhất, là sắc màu văn hoá dân gian độc đáo ở phía Tây của tỉnh và là trung tâm của vùng văn hoá Mường Lò - một trong ba vùng văn hoá của tỉnh Yên Bái. Đây là một lợi thế không nhỏ để Văn Chấn phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hoá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

2. Người Dao ở huyện Văn Chấn

Tính đến năm 2009, tổng số người Dao ở huyện Văn Chấn là 13.377 người, chiếm 11% dân số toàn huyện. Huyện Văn Chấn hiện có hai nhóm Dao chính là Dao đỏ (còn gọi là Dao sừng, Dao đại bản) và Dao quần chẹt (còn gọi là Dao Nga Hoàng, Dao sơn đầu). Phần lớn người Dao ở đây sống tập trung ở các xã Nậm Mười, Nậm Lành, Nậm Búng, Cát Thịnh, Suối Quyền, An Lương, Minh An, Sơn Thịnh,.... Họ cư trú thành các bản riêng biệt, khoảng cách thưa thớt. Họ có hai loại hình cư trú phân tán và tập trung tương ứng với nhóm du canh hoặc định canh sống xen kẽ với các dân tộc khác. Nguồn sống chính của họ là lúa nước và lúa nương, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây đặc sản. Nhìn chung, đời sống của người Dao còn nhiều khó khăn. Người Dao quần chẹt sống chủ yếu xã Cát Thịnh. Người Dao ở đây vẫn còn lưu giữ được nhiều nét bản sắc truyền thống như cấp sắc, đám cưới, tang ma,...

II. Khái quát về người Dao quần chẹt ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn

1. Khái quát về xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn

Xã Cát Thịnh nằm ở tọa độ địa lý là 21°27′54″B, 104°40′27″Đ. Phía Bắc giáp với xã Hồng Ca (Ca Vịnh của huyện Trấn Yên); phía Nam giáp với xã Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn) và xã Mường Cơi (huyện Phù Yên, Sơn La); phía Tây giáp xã Đồng Khê, phía Đông giáp xã Tân Thịnh và Nông trường Trần Phú (đều thuộc huyện Văn Chấn). Xã Cát Thịnh nằm trên các tuyến đường quan trọng: đường quốc lộ 32 nối liền Yên Bái với Nghĩa Lộ; quốc lộ 37 về xuôi qua địa phận Thượng Bằng La, Minh An đi Phú Thọ. Đây là điều kiện thuận lợi cho xã giao lưu, thông thương với các xã khác trong vùng.

Toàn xã có 26 thôn bản, bao gồm: Thị tứ Ngã Ba, Khe Ba, Vực Tuần 1, Vực Tuần 2, Ba Khe 1, Ba Khe 2, Ba Khe 3, Khe Kẹn, Khe Căng, Văn Hưng, Đá Gân, Đồng Mường, Đồng Hẻo, Làng Ca, Làng Lao, Pín Pé, Cao Phừng, Đồng Đắc, Đèo Ách, Khe Nước, Khe Rịa I, Khe Rịa II, Văn Hòa I, Văn Hòa II, Lâm Sinh, Khe Chất.

Theo số liệu thống kê năm 2003, xã Cát Thịnh có tổng diện tích tự nhiên là 16.680 hecta, trong đó, có 176 hecta ruộng nước, 264 hecta chè. Dân số của xã có 8.113 khẩu, với 1.698 hộ, gồm 10 dân tộc, cư trú tại 26 thôn bản: Kinh, Tày, Dao, Thái, Mường,... 

Địa hình xã Cát Thịnh không bằng phẳng mà có độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh bởi núi cao, khe suối, ngòi. Khí hậu chịu ảnh hưởng chung của đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa (gió Lào khô nóng và gió mùa Đông Bắc lạnh giá). Đất đai của Cát Thịnh được thiên nhiên ưu đãi, độ phì cao. Với những điều kiện địa hình, khí hậu, đất đai như vậy nên ở Cát Thịnh phù hợp cho phát triển các loại cây như lúa, ngô, chè, quế, mía, bưởi và các loại cây công nghiệp khác.            

2. Một số  đặc điểm kinh tế, văn hóa - xã hội của người Dao quần chẹt, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn

2.1. Lịch sử di cư của người Dao quần chẹt, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn

Theo khảo sát ở những địa phương có người Dao quần chẹt sinh sống thì người Dao có nguồn gốc xa xưa ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) họ bắt đầu di cư sang Việt Nam vào thời Lê (vào khoảng cuối thế kỷ XVII), với hai hướng chính là đường bộ và đường biển. Người Dao di cư vào Việt Nam theo nhiều đợt sớm nhất từ thế kỷ XIII, các nhóm Dao ở tỉnh Yên Bái chủ yếu di cư từ các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang và Cao Bằng sang. Người Dao quần chẹt ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn di cư từ xã Nga Hoàng, tỉnh Phú Thọ lên.

Xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn hiện có hai nhóm Dao sinh sống, nhưng chủ yếu là nhóm Dao quần chẹt. Họ thường sống thành bản riêng biệt, khoảng cách thưa thớt. Nguồn sống chính của người Dao quần chẹt ở xã Cát Thịnh là trồng lúa nước, lúa nương. Những năm gần đây, người Dao ở xã Cát Thịnh rất phát triển chăn nuôi bò, lợn, gà... Ngoài ra, họ còn trồng cây ăn quả, cây đặc sản như chè, quế, cam... Ở đây còn có các nghề thủ công như đan lát, rèn đúc, nghề dệt nhưng những nghề này chỉ chủ yếu đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp của các gia đình.

2.2. Một số đặc điểm về văn hóa vật chất của người Dao quần chẹt ở Cát Thịnh

Nhà ở của người Dao quần chẹt ở đây chủ yếu là nhà nửa sàn nửa đất. Đó là loại nhà lợi dụng phần sàn để nằm ngủ, phần nền đất để sinh hoạt và làm bếp. Nguyên vật liệu làm nhà thường kiếm ngay tại chỗ, chủ yếu là gỗ, tre, nứa, lá. Kỹ thuật lắp ráp khá đơn giản: buộc lạt, con sỏ, ngoãm hoặc mộng trơn. Phần nền đất: gian bên phải có chạn bát, bếp, kề với gian này có chuồng gà. Gian bên trái đặt bàn thờ nhìn ra cửa giữa; nhà thường có hai bếp (một bếp ở gian ngoài để sưởi ấm vào mùa đông dành cho đàn ông và khi có khách đến). Phần nền sàn, gian nhà bên phải là phòng ngủ, giường ngủ của con trai thường đặt sau giường của khách, còn phòng ngủ của con gái thường đặt phía trong gần bếp, kề với gian này là máng nước và cũng là buồng tắm. Gian bên trái phòng ngủ của khách và cũng là nơi tiếp khách, có vách ngăn với lối xuống nền. Nhà thường có ba cửa, hai cửa ra vào ở hai đầu hồi, một cửa thứ ba ở phần nền sân thông với gầm sàn bằng một cái thang nhỏ. Nhà nửa sàn nửa đất không phải là một bước phát triển của loại hình nhà đất mà là một biến dạng của loại hình nhà đất.

Trang phục của người Dao quần chẹt: Trang phục của người Dao quần chẹt cũng giống như các nhóm Dao khác với hai loại chính là trang phục nữ giới và trang phục nam giới. Bộ thường phục của nữ giới gồm có áo dài, yếm, quần, dây lưng, xà cạp, khăn đội đầu và đồ trang sức bằng bạc. Phụ nữ quần chẹt chỉ có áo dài, không có áo ngắn; hoa văn của áo chủ yếu là thêu bằng chỉ đỏ, trắng, vàng với những hoa văn chim và cây thông cách điệu, tua chỉ màu kéo dài xuống. Một nét đặc trưng riêng biệt của nhóm Dao này là ở chiếc quần; quần dài, có ống rất hẹp, gấu quần được trang trí một băng hoa văn. Trang phục của nam giới cũng không có gì đặc biệt, gồm một áo cánh ngắn để mặc ngoài và một chiếc quần dài, một cái khăn vấn đầu và tất cả đều màu chàm.

Văn hóa ẩm thực của người Dao đơn giản. Thức ăn chính của người Dao là lúa nước và lúa nương; thực phẩm hàng ngày chủ yếu là các loại rau hái trong rừng, măng, mộc nhĩ, các loại rau trồng trong vườn nhà và các loại thảo mộc khác. Cùng với đó là các thức ăn từ gia súc, gia cầm. Các món ăn chủ yếu của người Dao trong ngày thường được chế biến theo kiểu luộc và xào, thỉnh thoảng cũng nướng và lam. Người Dao rất thích ăn ớt, gừng, riềng, lá sả, hạt dổi, lá chanh, các thứ rau thơm và các thứ nước chua. Hàng ngày họ uống nước chè, nước vối, nước từ các loại cây thuốc... Người Dao cũng uống các loại rượu cất từ gạo, ngô, khoai, sắn và các loại cây có bột như bột báng, móc. Men rượu đều chế biến bằng các thứ lá và rễ cây rừng.

2.3. Một số đặc điểm về văn hóa tinh thần của người Dao quần chẹt ở xã Cát Thịnh

2.3.1. Tiếng nói - chữ viết: Tiếng Dao nói chung và Dao quần chẹt nói riêng thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao, nằm trong ngữ hệ Nam Á.

Chữ viết của người Dao còn trong một số tài liệu lưu giữ được là chữ Hán và chữ Nôm Dao.

2.3.2.  Một số nghi lễ truyền thống:

+ Lễ cấp sắc: Đây là một nghi lễ truyền thống độc đáo có tính lịch sử lâu đời trong đời sống sinh hoạt xã hội - gia đình của người Dao, nhằm công nhận sự trưởng thành cả về vật chất lẫn tinh thần của người đàn ông. Theo quan niệm của người Dao thì cấp sắc là để được thánh thần công nhận, được âm binh và có thể làm nghề cúng bái. Nghi lễ của lễ cấp sắc rất mở, có thể là một, hay nhiều cá nhân của một gia đình, dòng họ hay cả một tập thể của nhiều gia đình, nhiều dòng họ, nhiều bàn làng khác nhau tổ chức. Lễ cấp sắc có rất nhiều bậc, bậc đầu tiên họ được cấp ba đèn và ba mươi sáu binh mã, bậc hai được cấp bảy đèn và bảy mươi hai binh mã, bậc ba được cấp mười hai đèn và một trăm hai mươi binh mã. Lễ cấp sắc ba đèn và bảy đèn được tổ chức thường xuyên trong cộng đồng tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện của các gia đình, dòng họ. Riêng nghi lễ cấp sắc mười hai đèn có quy mô lớn hơn hai nghi lễ trên nên phải hai, ba mươi năm mới có một lần.  

Nội dung chính của lễ cấp sắc tiến hành theo trình tự sau: lễ lên đèn, lễ ban mũ thầy cúng, lễ trình diện Ngọc hoàng, lễ cấp tinh, lễ hạ đèn và giao quân, lễ qua cầu, lễ đặt tên. Các nghi thức trong lễ cấp sắc đều nhằm mục đích hướng thiện, giúp con người trưởng thành hơn, đạo đức hơn, sống tốt hơn và quan trọng là những lời giáo huấn này được thực hiện bằng những lời thề trước sự giám sát của tổ tiên và nhiều quan binh nên càng làm tăng tính giáo dục. Đây là một nghi lễ giao tiếp có tính kế thừa, kết nối các giá trị văn hóa giữa các thế hệ, chứa đựng nhiều thành tố quan trọng của bản sắc văn hóa Dao. Đồng thời, lễ cấp sắc cũng là dịp để cộng đồng cùng thưởng thức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhảy múa hết sức hấp dẫn. Các điệu múa trong lễ cấp sắc rất đặc sắc. Múa ở đây có sự đan xen hòa quyện giữa yếu tố lao động trần thế và tôn giáo thể hiện sự giao hòa giữa hai thế giới, trong đó, điệu múa đặc trưng, đặc sắc, vui nhộn nhất là múa rùa. Múa rùa diễn ra trong không khí vui tươi, những động tác múa nhịp nhàng, khỏe khoắn của các chàng trai miêu tả lại việc đuổi rùa, tìm rùa, bắt rùa, giết rùa. Múa rùa là một nét đẹp, thể hiện tính phồn thực và mối giao hòa trong cộng đồng dân tộc.

+ Tết nhảy: Đây là tết riêng của mỗi gia đình, cũng mang tính dòng họ. Tết này này nhằm mục đích luyện âm binh cho bộ tranh Đại đường để thờ phụng các thần linh, bảo vệ cuộc sống gia đình. Vì vậy, nó mang màu sắc tín ngưỡng, tôn giáo rất rõ rệt. Tết nhảy được tiến hành vào tháng Chạp, năm nào cũng tổ chức nghi lễ này cứ ba năm làm thành một chu kỳ. Chỉ có gia đình nào có bàn thờ tổ và đã sắm tranh Đại đường thì mới có tết nhảy. Tết nhảy đòi hỏi một quá trình chuẩn bị khá công phu; phải nấu rượu, nuôi lợn, thanh niên luyện tập các điệu múa, chuẩn bị dao, gươm bằng gỗ.

Quá trình của Tết nhảy trải qua các bước sau: lập đàn tẩy uế, làm lễ khấn các thần thánh. Nội dung chính của nghi lễ là nhảy múa và khấn tụng, được tổ chức liên tục trong suốt những ngày đêm làm tết. Mỗi người múa, trên tay đều cầm cờ, trống chiêng, sập sèng... múa theo điệu quay vòng. Rồi sau đó là nhiều điệu múa truyền thống được trình diễn như múa kiếm, múa dạo (lạp miên a dạo), múa nhảy rùa (Pẻo tộ)... Tất cả những động tác của các điệu múa này đều được thực hiện một cách liên tục với sự khéo léo và tinh tế của người trình diễn. Những điệu múa, lời hát trong Tết nhảy thường hướng đến những điều tốt lành, hạnh phúc. Lễ"nhìang chầm đao" chủ yếu phục vụ cho tôn giáo tín ngưỡng, nhưng ít nhiều có màu sắc văn nghệ, toát lên ý nghĩa văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Dao sống đoàn kết, thủy chung, tình nghĩa.

2.3.3. Một số lễ tết khác của tộc người trong năm

+ Tết Nguyên đán: Khác với dân miền xuôi, người miền núi lại có phong tục đón tết rất đặc trưng, mang đậm nét văn hóa dân của tộc mình. Với người Dao cũng vậy, họ cũng có cách đón năm mới rất riêng. Đồng bào Dao đón tết đơn giản nhưng lễ nghi lại cầu kỳ và độc đáo. Với người Dao, Tết Nguyên đán là mở đầu cho một năm mới nên họ đã bận rộn chuẩn bị từ 27, 28 tháng Chạp. Từ 27 tháng Chạp, nhân dân đã chuẩn bị mọi thứ cho việc đón tết như gạo, bột, lá gai, củi, rau, bò, lợn, trang trí nhà cửa và đặc biệt là sắp đặt quần áo.

Ngày 30 Tết nhà nào cũng phải nấu một nồi nước thơm thật to để ai cũng phải tắm. Theo quan niệm của người Dao thì tất cả mọi người phải tắm rửa sạch sẽ để rũ bỏ mọi xấu xa, bẩn thỉu của năm cũ, bước vào năm mới sạch sẽ, trong lành. Chiều 30 Tết, nhà nào cũng lập đàn cúng để mời gia tiên và các thần linh về ăn tết với con cháu. Bao giờ cũng vậy, tối 30 Tết, mọi người trong gia đình quây quần bên nồi bánh chưng để trò chuyện về năm đã qua. Các thứ bánh được người Dao cúng trong ngày tết, ngoài bánh chưng còn có các thứ bánh khác như bánh dày, bánh gai, bánh bột nếp... Cũng giống người Kinh, trên bàn thờ của mỗi gia đình người Dao có thêm cành đào, trong chén lúc nào cũng có rượu và nước, hương được đốt liên tục. Ngoài ra, người Dao còn quan niệm kiêng không mở hòm trong ba ngày tết nên phải lấy sẵn quần áo và đồ dùng trước giao thừa. Trong ba ngày tết cũng không được san sẻ hay cho ai bất cứ thứ gì. Đêm giao thừa, người Dao có tục thay nước đầu năm mới trên bàn thờ. Người Dao quần chẹt thường đem tiền ma ra giếng nước hay ra máng nước của nhà mua nước mới về thờ. Từ đêm giao thừa đến mùng một, họ kiêng không ăn rau mà chỉ ăn cơm, các loại bánh và thịt động vật. Sau khi cúng giao thừa xong, mọi người trong gia đình quây quần vui vẻ, ăn uống, ca hát và chúc tụng nhau những lời chúc tốt lành cho năm mới. Sáng mùng một, sau khi xong xuôi mọi thủ tục ở gia đình, mỗi nhà một người nam giới mặc trang phục truyền thống tạo thành một đoàn đi chúc tết tất cả các nhà. Tết cũng là dịp trai, gái trong bản rủ nhau đi chơi hội ngày xuân.

+ Tết năm cùng: Đây là tết của gia đình, dòng họ. Dòng họ nào cũng tổ chức tết này vào tháng 12 âm lịch, nhưng tập trung nhất vào các ngày 15 đến 25 Tết. Các gia đình luân phiên nhau tổ chức tết, luân phiên mời nhau. Mục đích của tết này, trước là để lập đàn cúng tạ ơn gia tiên, các thần linh đã phù hộ cho gia đình, dòng tộc một năm may mắn thành công. Sau là ngày sum họp của anh em ruột thịt, họ tộc, bạn bè thân thiết để trò chuyện, thông báo cho nhau về một năm qua. Lễ vật chuẩn bị cho tết năm cùng khá đầy đủ với thịt lợn, gà, bánh dày. Bánh dày là một trong những lễ vật không thể thiếu được trong tết năm cùng.

+ Tết cơm mới: Đây là một trong những lễ cúng quan trọng của mỗi gia đình Dao được tổ chức tại nhà. Cúng cơm mới là để tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng tốt tươi, lúa ngô có thể thu hoạch được. Lễ cúng được tổ chức trong nhà. Khi lúa sắp được thu hoạch, người ta chọn ngày tốt, gặt lấy ít thóc đầu mùa đem phơi khô, lấy gạo nấu cơm cúng. Nếu lúa chưa chín, họ lấy gạo cũ về thổi cơm, ngắt lấy vài bông lúa mới, bỏ vào nồi cơm để có hương vị cơm mới và coi đó là cơm mới. Đàn cúng gồm năm bát cơm, năm chén rượu, một chén nước, một con gà luộc, một ít tiền ma, một bát hương. Chủ nhà đứng trang nghiêm trước bà thờ, kể công ơn của tổ tiên và cầu mong tổ tiên tiếp tục phù hộ mãi mãi về sau để công việc làm ăn ngày càng gặp nhiều may mắn. Sau lễ này, bà con chuẩn bị những dụng cụ cần thiết để thu hoạch lúa mới.

2.3.4. Các tập quán xã hội và tín ngưỡng

2.3.4.1. Các tập quán theo chu kỳ đời người

+ Sinh đẻ: Người Dao đẻ ngồi và đẻ ngay trong buồng ngủ, không được đẻ ở nơi khác; do mẹ chồng, mẹ đẻ hoặc chồng đỡ cho. Khi đứa trẻ lọt lòng mẹ, người ta chờ khi nào nó khóc mới bế lên, tắm rửa bằng nước nóng. Người ta cắt rốn cho đứa trẻ bằng dao nứa; nhau thai được người quần chẹt gói vào lá chuối hay tàu mùng (loại lá to, còn tươi), đem chôn ở nơi ẩm ướt ngay sau nhà để mong bé luôn ở bên mẹ và mau lớn. Ngay từ khi đẻ xong, sản phụ được ăn các thức ăn nấu với gừng và rượu. Trẻ sinh được ba ngày thì gia đình lập giàn cúng mụ gọi là làm lễ "nam khan". Sau khi đứa bé ra đời được khoảng từ ba đến bảy ngày, họ chọn ngày tốt để làm lễ đặt tên cho trẻ. Tên của bé cũng được chọn rất kỹ, không được trùng với tên của gia tiên, ông bà, chú bác, anh em nội ngoại gần xa. Đối với người Dao quần chẹt, sau lễ đặt tên, đứa trẻ trai thường được gọi bằng tên là Cu đen, đứa trẻ gái lại gọi là Mông tít. Đứa trẻ tròn một tháng tuổi thì người Dao quần chẹt tổ chức cúng mụ, đồng bào cũng rất coi trọng sinh nhật.

+ Cưới hỏi: Lễ cưới của người Dao quần chẹt có nhiều nét độc đáo và mang nhiều bản sắc riêng. Khi tìm hiểu nhau, chàng trai không ở lại nhà cô gái qua đêm và cô gái cũng giữ gìn hơn, nếu cô gái chưa chồng mà mang thai sẽ bị phạt rất nặng. Trong lễ vật nhà trai đem tới nhà gái có một buồng cau và một ít trầu. Trong lễ tơ hồng có một vật rất quan trọng đó là "chiếu kết duyên", chiếu này được thầy cúng trải ra cho cô dâu, chú rể làm lễ, sau đó được trải trên giường cướiKhi ăn cỗ, họ nhà trai ngồi riêng, nhà gái ngồi riêng. Người Dao còn có tục là, bất kỳ ai trong họ nhà trai cũng như nhà gái, khi đến dự đám cưới đều có phần thịt, bánh mang về.

+ Tang ma: Người Dao quần chẹt có tục làm "ma tươi và" "ma khô". Đám ma tươi là làm đầy đủ các thủ tục trong một ngày một đêm, ngay sau khi người chết tắt thở. Đám ma khô là ngay sau khi người chết tắt thở thì khâm liệm và chôn cất ngay trong ngày, đến khi nào con cháu có đầy đủ điều kiện thì mới tiến hành các nghi lễ đầy đủ như đám ma tươi. Người Dao quần chẹt không làm giỗ, chỉ cúng hồn người chết cùng vào các dịp rằm, mùng một, mùng ba tháng Ba, cúng cơm mới, Tết nhảy, đám chay, Tết cùng năm, Tết âm lịch.

+ Làm nhà mới: Việc làm nhà mới với người Dao quần chẹt là rất quan trọng, trong đó, việc chọn địa điểm làm nhà là quan trọng hơn cả. Đồng bào thường làm nhà ở nơi khuất gió, cao ráo, gần khe suối, gần ruộng nương, thuận tiện cho việc lấy củi, hái rau. Nghi lễ chọn đất cũng rất được coi trọng, họ quan niệm, nếu gặp được điềm lành khi chọn đất làm nhà thì sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn gặp nhiều thuận lợi. Sau khi dựng nhà xong, theo giờ tốt đã chọn, người Dao quần chẹt sẽ làm lễ vào nhà mới như sau: một cụ già cầm đuốc đi trước, theo sau là chủ nhà và những người trong gia đình đem theo bàn thờ tổ tiên và một số đồ vật tượng trưng. Sau đó họ làm cơm để kính báo và mời tổ tiên về nhà mới cùng con cháu.

2.3.4.2. Một số tín ngưỡng thờ cúng dân gian

+ Thờ cúng tổ tiên: Cũng như người Kinh, thờ cúng tổ tiên là một việc thờ cúng chủ yếu trong gia đình đồng bào Dao, nhằm giáo dục, nhắc nhở con cháu luôn hướng về tổ tiên, cội nguồn, giữ gìn truyền thống gia tộc, dòng họ. Theo quan niệm của người Dao, tổ tiên là loại ma lành phù hộ con cháu; tuy nhiên, nếu không thờ cúng cẩn thận, tổ tiên cũng có thể bắt tội làm con cháu ốm đau, bệnh tật. Thường thì người Dao thờ tổ tiên chín đời. Điều này thể hiện rõ trong các nghi lễ lớn như lễ cấp sắc, tảo mộ hoặc trong các dịp tết của gia đình.

Việc lập bàn thờ tổ phải tuân thủ theo quy định rất nghiêm ngặt. Bởi vậy, nó thể hiện bề dày truyền thống gia đình và cũng là niềm tự hào của truyền thống gia đình. Bàn thờ tổ luôn được đặt ở gian giữa, nơi tôn nghiêm nhất trong nhà. Đằng trước hay bên cạnh bàn thờ, người ta treo một cái trống bằng dây thừng hay da thú, dây này buộc lên thượng lương của nhà. Ngay trên vách cạnh bàn thờ, người ta treo hai ống nứa hoặc hai túi vải đựng hai bộ tranh "Tam thanh lớn" và "Tam thanh nhỏ". Vì bàn thờ tổ là nơi tôn nghiêm nên phụ nữ, nhất là các cô dâu ít được gần nhà thờ; đặc biệt là, họ không bao giờ được thắp hương hoặc bê lễ vật lên bàn thờ cúng. Ngay từ khi quét nhà, người ta cũng luôn luôn chú ý quay mặt về phía bàn thờ mà quét quay lui trở ra; nếu quay lưng về phía bàn thờ sẽ bị coi như là một thái độ thiếu tôn kính đối với tổ tiên. Việc thờ cúng tổ tiên thường là do chủ gia đình hoặc con trai trưởng chủ trì. Nếu nhà không có đàn ông thì đến ngày lễ tết, đốt hương ở phen thờ, cúng lễ cũng phải nhờ đàn ông khác trong họ đến cúng.

+ Thờ cúng Bàn Vương "Chẩu đàng": Thờ cúng Bàn Vương là một tục lệ khá điển hình trong sinh hoạt của người Dao. Bàn Vương được đồng bào coi là thủy tổ của dòng họ nên việc thờ cúng Bàn Vương được người Dao coi như một việc làm có liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ và của cả dân tộc. Thường ngày, Bàn Vương được thờ cúng chung với tổ tiên của từng gia đình, từng họ. Trong các nghi lễ lớn như lễ cấp sắc, Tết nhảy... đều phải cúng Bàn Vương. Ngoài việc cúng Bàn Vương, hàng ngày còn có những lễ cúng Bàn Vương riêng với các nghi lẽ chính sau: lễ khuất, lễ cúng Bàn Vương, lễ tiễn đưa. Việc thờ cúng Bàn Vương không phải chỉ là sự chung thủy "Uống nước nhớ nguồn", nhớ công ơn của tổ tiên, mà còn là yếu tố văn hóa quan trọng được lưu truyền qua nhiều thế hệ của người Dao.

2.3.5. Văn học dân gian

Dân tộc Dao vốn có một lịch sử và một nền văn hóa lâu đời; một nền văn học nghệ thuật và những tri thức dân gian rất phong phú, phản ánh lên cuộc đấu tranh dũng cảm và bền bỉ của người Dao. Trong các sáng tác dân gian của dân tộc Dao, văn học dân gian (truyện cổ, thơ ca, câu đố, hát, múa, tục ngữ, vẽ...) chiếm phần lớn. Dân tộc Dao không có văn tự riêng nhưng họ sử dụng chữ Hán đã Dao hóa. Cùng với các tác phẩm truyền miệng còn có các tác phẩm khuyết danh bằng chữ Nôm Dao. Các sáng tác truyền miệng được diễn đạt bằng ngôn ngữ bình dân nên phong phú và khá phổ biến. Nội dung của văn học dân gian chủ yếu đề cập đến nguồn gốc của dân tộc Dao, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu trai gái, đề cao lao động, kinh nghiệm cuộc sống.

2.3.6. Tri thức dân gian

+ Cách tính thời gian dân gian: Đối với người Dao, việc tính toán thời gian rất quan trọng và phải tiến hành thường xuyên để biết thời vụ sản xuất; biết ngày tốt, ngày xấu, ngày cho phép khởi điểm các công việc có tính chất đặt nền móng; biết được những ngày kiêng kỵ không đi làm nương. Song đồng bào không có hệ thống lịch riêng mà chỉ dựa hoàn toàn theo cách tính lịch của Trung Quốc. Cách tính tháng hoặc năm, người ta dựa vào chu kỳ mặt trăng như cách tính thời gian theo lịch âm của người Việt, cũng theo lục giáp (mười can, mười hai chi) và gọi tên theo tên 12 con vật.

+ Cách phán đoán thời tiết, khí hậu: Đồng bào Dao có một số kinh nghiệm phán đoán thời tiết, khí hậu để sản xuất cho kịp thời vụ. Những kinh nghiệm đó đã được đúc kết, tích lũy từ lâu đời trên cơ sở nhận xét sự thay đổi của các hiện tượng tự nhiên như: khi thấy "xâu kỉa piáo" (kiến dọn tổ) thì báo hiệu trời sắp mưa, nếu kiến ở bờ suối dọn tổ thì sắp có nước lũ. Hoa "xấu dòng phăng" (rau muống rừng) nở đỏ rực, báo hiệu không lo rét trở lại, cấy lúa sớm...

+ Y học dân gian: Dân tộc Dao đã tích lũy được nhiều vốn y học cổ truyền quý giá. Các vị thuốc chủ yếu hái lượm ở rừng, ít khi trồng sẵn. Có loại lấy rễ, có loại lấy lá hoặc vỏ, cũng có loại lấy quả hoặc hoa... Có vị thuốc sắc uống để chữa bệnh đường ruột, đau xương...; có vị giã nhỏ để rịt hoặc bó như chữa gẫy xương, vết thương nhỏ...; có vị đem đun lấy nước tắm gội, rửa như các bệnh ngứa, lở loét, phù thũng... Nhìn chung có thể chia làm ba loại thuốc chính: thuốc bổ, thuốc trị bệnh và thuốc độc giết hại thú rừng.

* Tri thức học dân gian của người Dao quần chẹt, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

I. Nguồn gốc của tri thức y học dân gian

Từ xưa, đồng bào Dao sống ở vùng sâu, nơi ít phát triển về y tế nên y học dân tộc luôn giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Phần lớn các gia đình người Dao đều tự lo chữa những bệnh thông thường cho người nhà theo truyền thống cha truyền con nối. Mỗi làng, mỗi bản dù to hay nhỏ đều có những thầy thuốc giỏi bốc thuốc chữa bệnh. Bởi thế, sống ở rừng và giỏi chữa bệnh bằng những loại cây cỏ ở rừng là một vốn kinh nghiệm quý lâu đời của đồng bào Dao nói chung cũng như nhóm Dao quần chẹt nói riêng.

Nhiều người trong vùng không biết nghề thuốc có từ bao giờ, nhưng có những cao niên năm nay đã gần 100 tuổi nhưng vẫn đi hái thuốc, bốc thuốc. Tuy nhiên, từ xưa, đây vẫn chỉ là nghề tay trái, nghề chính của bà con vẫn là làm ruộng, làm nương, trồng trọt.

Trải qua nhiều thế hệ với môi trường sống gần núi và núi cao, người Dao đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm y học cổ truyền vô cùng quý giá. Thuốc của đồng bào khá đa dạng và phong phú, gồm nhiều loại, lấy từ nhiều nguồn khác nhau. Các vị thuốc của đồng bào ít khi trồng sẵn. Có vị thuốc hái lượm trong rừng, có loại hái trên vách đá, có loại kiếm bên bờ suối,… Có loại lấy rễ, có loại lấy lá, củ hoặc vỏ, cũng có loại lấy quả hoặc hoa. Ngoài các vị thuốc thực vật, đồng bào Dao còn lấy một số bộ phận quý hiếm của các con vật săn bắt được, cũng có khi lấy ngay ở trong nhà, trong bếp; thậm chí, cả các chất thải của con người như nước tiểu, rốn của trẻ sơ sinh, sữa của các bà mẹ.

II. Một số đặc điểm của tri thức y học dân gian

Mỗi khi nhắc đến người Dao, người ta không thể không nhắc đến nghề làm thuốc nam gia truyền từ lâu đời trong cộng đồng. Người Dao quần chẹt ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn cũng như thế. Trải qua bao năm tháng, nhiều hộ gia đình vẫn giữ nghề, bốc thuốc, chữa bệnh cứu người.

Cách chữa bệnh của đồng bào Dao không phức tạp lắm. Trước tiên, đồng bào phán đoán bệnh dựa vào thực trạng của bệnh, sức khỏe, tuổi tác của bệnh nhân mà cắt thuốc để chữa.

Tùy theo từng loại bệnh mà cách chữa cũng khác nhau. Nếu bị các bệnh liên quan đến nội tạng như sỏi thận, đau tim, hô hấp, nhức xương, viêm gan,… thì chữa bằng cách đun nước uống nhiều ngày hoặc cho các vị thuốc vào nấu với thức ăn để ăn dần.

Trường hợp bị các bệnh ngoài da như ngứa, lở loét, mụn nhọt,… thì đem các vị thuốc đun sôi, chắt lấy nước để rửa, tắm gội hoặc ngâm chỗ vết thương nhiều lần.

Gặp các vết thương ở trên cơ thể hoặc gãy xương thì giã nát thuốc, đem ủ trong bếp cho ấm mới đắp và bó vào vết thương. Để giữ độ ẩm cho thuốc, trước khi ủ hoặc sấy nóng, thuốc được tưới bằng nước vo gạo hoặc rượu nhạt.

Các bệnh đau lưng, đau đầu và mệt mỏi toàn thân thì phải kết hợp vừa uống thuốc vừa trải thuốc giã nhỏ đã hun nóng xuống dưới chiếu hoặc dưới vải để người bệnh nằm lên trên.

Tuy nhiên, thầy thuốc không chỉ đơn giản là cho bệnh nhân uống, đắp hoặc xông bằng nước thuốc mà còn sử dụng các phương pháp tác động trực tiếp vào người bệnh như hỏa châm, đánh gió, xoa bóp, bấm huyệt. Trong tình trạng bệnh nhân cảm sốt nặng còn được rạch ở ngoài da để nặn bỏ bớt máu đen độc.

Nếu bị nặng các bệnh ngoài da như bị dao, búa chém, gãy xương, bỏng, loét thì không chỉ đắp thuốc mà còn kết hợp uống thuốc giảm đau, an thần, hạ sốt, thuốc tăng sức đề kháng của cơ thể.

Đồng bào thường chữa bệnh theo kinh nghiệm hiểu biết của mình để dùng từ những bài ít vị đến các bài nhiều vị, sao cho bệnh nhân khỏi. Nếu trên người không có thương tích gì, người ta sẽ nghi có ma và tiến hành bói toán. Nếu bói ra ma thì phải mời thầy cúng. Tùy theo mức độ nặng hay nhẹ của người bệnh mà lễ vật ít hay nhiều, có thể chỉ là một quả trứng gà, một con vịt hoặc một con gà nhỏ, cũng có thể phải cúng đến một con lợn hoặc một con dê.

Qua tìm hiểu cho thấy, phần lớn những cây thuốc quý hiếm của đồng bào thường không có tên. Người ta thường gọi tên các cây đó theo công dụng của nó như “cây thuốc đau bụng”, “cây thuốc bong gân”,… Khi muốn truyền lại cho nhau, người ta phải chỉ cho nhau tận cây vài lần mới nhớ được, cũng có khi người ta phải nói rõ đặc điểm và nơi mọc của cây thuốc. Vì thế, việc nghiên cứu và liệt kê các loại thuốc của người Dao là một việc làm rất khó khăn. Một số bài thuốc, cây thuốc mà chúng tôi nêu ra ở đây cũng không thể nêu được tên.

Một đặc điểm trong việc cắt thuốc của đồng bào Dao quần chẹt ở đây là đồng bào chỉ tiến hành hái thuốc vào những ngày lẻ trong tháng và chỉ hái vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn; kiêng hái thuốc vào buổi trưa, một số loại kiêng hái khi có ánh sáng mặt trời. Người ta cho rằng hái thuốc vào giờ đó sẽ mất tác dụng của thuốc. Đối với những gia đình có truyền thống cắt thuốc chữa bệnh lâu đời, trước khi vào rừng lấy thuốc, người ta còn thắp hương cầu xin tổ tiên phù hộ cho lấy được loại thuốc tốt.

III. Các loại hình y học dân gian

Có loại thuốc sắc uống, có loại thuốc giã nhỏ để rịt hoặc bó như chữa gãy xương, chữa các vết thương, có loại thuốc đem trải dưới chiếu, dưới gầm giường để chữa các bệnh như đau lưng, mệt mỏi, có vị lại đem đun lấy nước tắm, gội, rửa để chữa các bệnh như ngứa, lở loét, phù thũng. Thuốc của người Dao quần chẹt rất nhiều, song ta có thể chia làm ba loại để tiện xem xét: thuốc bổ, thuốc trị bệnh và thuốc độc.

1. Thuốc bổ (tìu đia): Thuốc bổ có khá nhiều loại, tùy theo nhu cầu và thể tạng của từng người mà sử dụng. Đối với sản phụ thì ăn rau ngải cứu rừng, cũng có thể lấy rễ và lá non của cây về. Trường hợp sản phụ sức yếu còn được tắm, gội bằng nước đun sôi với ba vị thuốc theo tiếng Dao là cây tung vườn, cây chàng đỉa, cây chai gai thiết msay.

Thuốc bổ thường dùng để phục hồi sức khoẻ cho người mới ốm dậy, suy nhược cơ thể, cho phụ nữ sau khi sinh đẻ. Vì công dụng chính của thuốc là kích thích tiêu hoá, làm cho người ta ăn ngon, ngủ say; trên cơ sở đó tăng sức đề kháng cho cơ thể, chống lại các loại bệnh tật. Thuốc bổ có nhiều loại, tùy theo nhu cầu của người dùng mà tìm đến. Người ta thường hái thuốc về ngâm rượu uống dần hoặc nấu với thịt ăn. Đó là một dạng đặc trưng về cách sử dụng cây cỏ làm thuốc để chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh đã có từ rất xa xưa, một nét đẹp văn hoá trong y học dân gian của tộc người.

Nếu là sản phụ thì cho ăn rau ngải cứu rừng (còn gọi là ngải sản),  tiếng Dao gọi là “lài ngỏi kiềm”, hầm với thịt gà. Người ta lấy lá và rễ non của cây gần giống cây chàm, khi bẻ thân non hay cuống lá thì thấy chảy nhựa màu trắng và có mùi thơm, tiếng Dao gọi cây này là “tồm đia nòm” hầm cho sản phụ ăn dần. Cây này thường được trồng ở quanh nhà. Các sản phụ khi sinh xong rất đuối sức nên không chỉ ăn và uống nhiều vị thuốc bổ mà còn phải kết hợp tắm và gội bằng nước thuốc. Nước thuốc này thường có nhiều vị, phổ biến nhất là ba vị mà tên tiếng Dao gọi là “chàng đia”, “chai gai thiết mây”, “tung vườn”. Việc cho các sản phụ ăn, uống và tắm gội các loại thuốc bổ này không chỉ có tác dụng hồi sức, kích thích ăn ngon, bổ máu cho người mẹ mà còn thông qua sữa mẹ, giúp phòng chống nhiều bệnh tật cho trẻ sơ sinh.

Thuốc bổ máu và chống sài đẹn ở trẻ sơ sinh. Ngay sau khi đẻ, người ta lấy một loại rễ cây màu hồng, thân và lá gần như cây chàm, về nấu với thịt hoặc cháo cho sản phụ ăn. Thuốc có vị ngọt, nấu xong nổi váng vàng như mỡ gà thiến, thơm ngậy, dễ ăn. Thuốc này có tác dụng bổ máu cho người mẹ và qua sữa mẹ, chống được sài đẹn cho con.

Để tăng cường sức khoẻ cho người bình thường, đồng bào uống rượu ngâm với nhiều vị thuốc bổ. Vị thuốc bổ tốt thường được nhắc đến là rượu ngâm với tiết con tê tê (lải díam), rượu ngâm với tiết con sơn dương (hìa dùng díam), nhung hươu, đặc biệt là cao “huyết lình”. Đây là những vị thuốc bổ rất quý đối với đồng bào Dao.

Ngoài ra, những loại thuốc thường hay ngâm rượu uống là rễ cây sâm rừng, chuối hột sao khô, ong đất, rễ cây quế rừng hoặc rễ của loại cây thuốc có lá giống như lá rau đay, mặt dưới trắng, hoa như bông kê, rửa sạch, chặt nhỏ, phơi khô, vò ra, thơm mùi cơm nếp. Người ta dùng phần rễ và gốc cây đã chặt nhỏ, phơi khô hoặc có thể để tươi rồi ngâm rượu. Rượu này để càng lâu càng tốt, uống dần vào mùa lao động mệt nhọc. Khách tới nhà thường được mời dùng loại rượu thuốc này. Những người ít uống rượu thì lấy củ tam thất (phàm thiết đòi) nghiền nhỏ, nấu với thịt hoặc hấp mềm để ăn.

Khi uống các loại thuốc bổ, người ta thường kiêng ăn các loại thức ăn có vị chua vì theo quan niệm dân gian, những đồ ăn này sẽ phá công dụng của thuốc.

2. Thuốc trị bệnh: Có thể nói, ở Việt Nam, có bao nhiêu dân tộc thì có bấy nhiêu nền y học, từ mức sơ khai đến bậc cao. Nếu trong một bài thuốc bắc phải có đầy đủ bốn yếu tố thành phần quân - thần - tá - sứ (chủ bài thuốc, thuốc trợ thủ, thuốc phụ, thuốc dẫn) thì với bài thuốc nam của người Dao, cũng có bốn bước: trị bệnh, khỏi bệnh, chống tái phát và tiệt nọc bệnh.

Nhiều loài cây mà các chuyên gia chưa thể nhận diện, định tên nhưng lại được biết bao thế hệ người Dao quần chẹt ở Cát Thịnh sử dụng để chữa bệnh, cứu người.

Thuốc trị bệnh là những bài thuốc đa dạng và được truyền cho nhau rộng rãi. Hầu hết các loại cây cỏ có vị đắng, chát, ngọt,… và các bộ phận hiếm của động vật như mật gấu, dạ dày nhím, mật trăn, mỡ trăn, đuôi cá, giun đất,… đều được người Dao nơi đây dùng làm thuốc chữa bệnh.

Bệnh trĩ: Lấy vỏ cây vông (điàng tòng) kết hợp với lá hay quả của cây dứa dại tím (gầu xí nòm), đun nước uống hàng ngày. Lá hẹ với lòng trắng trứng gà chữa vết bỏng. Trứng gà kết hợp với một số vị thuốc khác dùng chữa bệnh hen. Bệnh sởi: Tắm bằng nước cây giun đất (nàng dung mía) đun lên. Hoa chuối dại kết hợp với một số vị thuốc khác dùng chữa bệnh đau tim. Lá ổi đun sôi, uống nước để chữa đau bụng đi ngoài. Gãy xương: Dùng lá loại dây như dây củ nâu nhưng dây này không có củ, trộn với cơm nguội hay hạt bông, giã nhỏ, hơ nóng, đem bó vào chỗ gãy chân. Lở loét: Dùng loại cây mà tiếng Dao gọi là “nhái”, cây này màu nâu, thuộc họ dương xỉ. Đem cây vò nát ngâm với nước vo gạo nếp rồi chấm vào vết thương. Tiểu tiện buốt: Lấy rễ cây đậu ván để nấu nước hoặc ngâm rượu uống. Bị cảm, nôn mửa, choáng váng: Dùng búp non của cây giống như cỏ rác nhưng màu xanh đậm, mềm hơn, vò nát lấy nước uống. Cai thuốc phiện: Lấy dây bí đao tươi, băm nhỏ, ngâm rượu uống.

Phòng bệnh hủi: Lấy cây tiếng Dao gọi là “tdao đẻng” và cây gỗ nhỏ vẫn dùng để tăm răng. Hai loại này đều chặt thành miếng, phơi khô, đi đâu thì bỏ vào túi mang theo. Trẻ con bị ngứa, mẩn thành nốt: Lấy cây xương xông rừng, vò nát, vắt lấy nước, hoà vào nước đun sôi để nguội, tắm cho trẻ. Phụ nữ khi đẻ bị sót rau: Hái lá rau ngót, vò ra, lấy nước uống. Đi ngoài, kiết lỵ: Lấy vỏ cây vải (càng lâu năm càng tốt), rửa sạch, đun sôi hoặc ngâm hãm rồi uống.

Bệnh viêm gan siêu vi trùng, dạng vàng da, vàng mắt, nước tiểu đỏ thì sau khi đã đốt đèn kiểu hoả châm tám đốt ở những huyệt quy định mới cho bệnh nhân uống nước đun của các loại cây: Nhân trần, rễ hoặc lá cây Atixô, dây của cây “pác phán luồng” và rễ của loại cây thường mọc ở sườn đồi, có bông màu vàng như bông lau nhưng rất nhỏ. Bệnh đau bụng khan thì dùng bài thuốc: Rễ của ba loại cây mà tiếng Dao gọi là “phing hoá” (mọc ở trên đồi), “càm trinh huây” (chỉ mọc trong rừng sâu), “chấu chỉa phông” đem rửa sạch, đun nước uống. Riêng cây “càm trinh huây” có thể ngâm rượu để uống dần.

Bệnh đau dạ dày: Sử dụng kết hợp dạ dày nhím, màng của mề gà, nghệ vàng loại đốt ngắn theo một tỷ lệ nhất định, đem phơi khô, tán nhỏ trộn với mật ong để ăn vào lúc đói. Khi sử dụng, các loại thuốc thường được chế biến qua nhiều khâu như sấy hoặc phơi khô, băm nhỏ, đun nấu nhưng nhất thiết phải biết kết hợp nhiều cây theo một tỷ lệ nhất định thì mới trở thành một bài thuốc chữa bệnh có hiệu quả. Cũng chính bởi thế mà không phải chỉ biết tên các loại thuốc là có thể bốc thuốc chữa khỏi bệnh.

Lưu ý: Các loại thuốc nấu uống chỉ cho vào ống nứa để đun, không dùng các loại nồi kim khí để nấu. Đồng bào quan niệm, nấu như vậy sẽ làm mất tác dụng của thuốc. Đồng thời, trong thời gian uống thuốc, người ta kiêng không cho người bệnh ăn, uống những chất tanh, cay, chua. Họ cho rằng ăn những thứ này sẽ làm dã thuốc.

3. Thuốc độc: Các phương thuốc này, chủ yếu dùng để diệt trừ chim thú, sâu bọ hoặc các loài cá, các loại thú rừng. Người ta dùng các loại cây có vị cay (biặt), chát (sốp), đắng (im), chua (sui), mặn như cây sui, cây xương rồng, ớt, nước tiểu, nước tro bếp,… và một số cây tiếng Dao gọi là “ừ tảo piếu”, “lụa dùng”, “ừ trểu đốp”,… Có loại lấy nhựa, có loại lấy lá hoặc rễ, có loại ngâm vỏ cây cho thối rồi lọc lấy nước,… Đối với loại thuốc này, thuốc tốt người ta thường ghép bảy loại hoặc chín loại trộn với nhau.  

Người ta thử thuốc bằng cách lấy đầu mũi tên rạch cho trầy da con nhái, ếch, chuột,…; khi thả ra, nếu các con này uống nước rồi chết thì thuốc đạt yêu cầu. Khi đi săn, cần cố gắng bắn sao cho tên bắn sâu một chút vào con thú là được. Kinh nghiệm cho biết, nếu bắn được vào tai con thú thì thuốc ngấm nhanh hơn, thú chóng chết hơn. Thú bị tên độc, rất khát, sau khi uống nước sẽ bị chết. Vì thế, khi đã bắn trúng thú rồi, người đi săn không cần đuổi theo thú mà người ta chỉ cần đi lần theo các khe suối gần đó để mang thú về.

Thuốc độc thường được pha chế tương đối công phu do sự kết hợp khá nhiều vị thuốc với nhau. Tuỳ theo nhu cầu sử dụng mà cách pha chế thuốc độc cũng khác nhau. Nếu là bả cá ở nước suối nhỏ thì chỉ lấy lá, rễ hoặc củ, quả của vài vị thuốc trên sao cho đủ liều, bỏ xuống suối chỗ nước nông, lấy chày giã hoặc đập cho nước thuốc tan chảy từ từ theo dòng nước suối đến khi thấy có cá bơi vào bờ bị chết là được. Nếu là bả cá ở suối to hoặc sông nhỏ có lượng nước khá lớn thì thuốc phải được chế biến trước, dưới dạng nghiền hoặc giã nhỏ và cho vào các sọt đan, đặt xuống nước suối rồi lấy que khuấy đều để thuốc tan, ngấm từ từ theo dòng nước chảy. Nếu là thuốc để diệt sâu bọ thì phải chế biến dưới dạng nước hoặc bột để rắc hay phun bằng ống phun nước tưới cây làm bằng tre gọi là “hào đồng phét”. Còn thuốc độc dùng trong săn bắn thì được pha chế dưới dạng nước để nhúng mũi tên vào rồi phơi khô, nhúng đi nhúng lại nhiều lần, rồi ngâm các đầu tên nỏ vào thuốc.

Thuốc này cũng có khả năng sát hại người; vì vậy, người ta thường cho tên tẩm thuốc độc vào ống cẩn thận. Đối với đồng bào Dao, thuốc độc chủ yếu dùng để kiếm thức ăn như chim, cá, thú rừng nên những cây cỏ dùng để pha chế thuốc phải đảm bảo khi người ăn không bị trúng độc.

Các loại thuốc độc này người ta ít truyền lại cho nhau nên hiện nay cũng rất ít người biết chế biến do ít sử dụng đến. Phần vì do giữ bí mật gia truyền, phần vì mê tín, nên những bài thuốc dân gian không được phổ biến rộng rãi, nhất là những bài thuốc quý. Đồng bào quan niệm rằng, nếu nhiều người biết thì thuốc sẽ nhàm, không công hiệu. Cho nên, trước khi trao thuốc cho bệnh nhân, người ta thường phơi khô, cạo sạch vỏ ngoài, giã nát ra để người bệnh không nhận ra cây thuốc. Cũng có khi, trước khi đưa thuốc cho người bệnh, người hái thuốc làm vài động tác có tính chất phù phép, ma thuật để cho người bệnh tin rằng “thuốc nào chủ nấy”, không thể phổ biến rộng rãi.

Đồng bào luôn quan niệm, có “ma tổ sư” của các loại thuốc nên mỗi khi chữa khỏi bệnh thì bệnh nhân phải tạ lễ cho người hái thuốc. Nếu không trả lễ, người ta sợ “ma tổ sư” phật ý sẽ làm cho thuốc mất tác dụng hoặc có thể gây hại lại cho bệnh nhân.

Một số bài thuốc kể trên là một phần rất nhỏ trong kho tàng y học dân gian phong phú của đồng bào. Ngày nay, vốn y học dân gian ấy đang dần được khai thác, phát huy theo các phương pháp khoa học để phục vụ việc chữa bệnh không chỉ ở miền núi mà cả ở miền xuôi, không chỉ ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số mà ở cả vùng đồng bào người Kinh, không chỉ tỉnh Yên Bái mà trên địa bàn cả nước.

Nghề cắt thuốc và chữa bệnh của người Dao quần chẹt ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn chưa trở thành dịch vụ để vận hành trong nền kinh tế thị trường, do đó, không đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các gia đình. Người Dao xưa có phong tục rất đẹp là chỉ cứu người không lấy tiền, ai khỏi bệnh thì đến nhà thầy lang cúng lễ, tạ ơn tổ tiên. Các thầy thuốc thường chữa bệnh tùy tâm, phụ thuộc vào khả năng và kinh nghiệm cứu chữa, không mặc cả về tiền công. Người làm nghề cắt thuốc chữa bệnh chỉ nhận được rất ít số lễ vật mà bệnh nhân mang đến tạ sau khi đã khỏi bệnh. Mặc dù tốn rất nhiều công sức và thời gian nhưng khi không chữa khỏi bệnh hoặc không đỡ bệnh thì thầy thuốc không nhận được lễ tạ cũng như tiền của gia đình mà chỉ là lời cảm ơn của người nhà bệnh nhân. Đối với những bệnh nhân ở xa đến cắt thuốc, thầy còn phải lo ăn uống cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Trong vùng đồng bào Dao, người làm nghề cắt thuốc và chữa bệnh chuyên nghiệp là rất hiếm. Thường thì người ta chỉ chữa bệnh cho người nhà và anh em làng xóm. Nếu người bệnh bị nặng, thầy không thể chữa được thì sẽ giới thiệu đến người có kinh nghiệm hơn.

IV. Một số bài thuốc tiêu biểu

1. Cao lá bách thảo: Theo ông Phùng Chiều Tơ, bản Đá Gân, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn thì nghề nấu cao lá có từ rất lâu đời; trong đó nhiều phương thuốc gia truyền tốt, có khả năng chữa, bổ trợ và điều trị các bệnh như thấp khớp, kém ăn, mất ngủ, dạ dày, đại tràng,... Nhưng đặc biệt hơn cả vẫn là bài thuốc cổ truyền được nấu bằng 365 loại thảo dược, có tên gọi là cao lá bách thảo. Trước đây, người Dao chỉ biết dùng cây thuốc dưới dạng tươi hoặc khô, khi vận chuyển đường dài gặp nhiều khó khăn. Người ta bắt đầu nghĩ ra cách chế biến thuốc gọn nhẹ hơn mà vẫn giữ được công dụng của thuốc, từ đó cao lá ra đời.

Theo bà Chính ở bản Đá Gân, xã Cát Thịnh, cho biết: “Gia đình bà có bảy người con, năm trai và hai gái; hai cô con gái đi lấy chồng xa, còn có năm anh con trai thì từ khi còn bé đã theo bố mẹ đi học nghề, ban đầu chỉ đi lấy thuốc “làm nhiều thành quen” đến quy trình nấu cao lá, các con bà đều thành thạo. Giờ bà tuổi đã cao, mắt kém không còn sức tìm và chăm sóc thuốc vườn nhưng đã có các con thay bà kế nghiệp tổ tiên, chữa bệnh cứu người”.

Thật khó nói hết được nỗi gian truân của việc đi tìm dược liệu. Vì phải lặn lội trong rừng sâu núi thẳm, tìm đủ 365 thứ: thân, lá, vỏ cây, củ, rễ cây… theo một tỷ lệ nghiêm ngặt. Đặc biệt, có thứ lá chỉ được hái vào một giờ, một ngày trong một tháng nhất định. Để ra đời sản phẩm cao lá hoàn chỉnh là phải tuân thủ theo trình tự các bước lần lượt sau: giai đoạn chuẩn bị từ khâu đầu tiên lấy thuốc mang về rồi chặt, băm thành từng miếng nhỏ, rửa sạch. Nếu mang từ nhà đi, phải phơi khô để thảo dược không bị mốc và có thể để lâu ngày.

 Khi đã đủ số dược liệu cần thiết cho một mẻ cao thì tiến hành cho thuốc và lượng nước vừa đủ (thảo dược cho vào đầy đến miệng nồi, cho nước ngập qua thuốc) vào nồi đun khoảng 6 - 7 tiếng để thuốc vừa ra hết cốt và phần tinh tuý của thảo dược. Bước tiếp theo là lọc qua bốn lớp vải trắng và đổ ra một nồi khác rồi tiếp tục cho lên đun “cách thuỷ” khoảng hai ngày hai đêm. Khi thấy nồi cao đặc sánh lại là được. Bước cuối cùng là đổ ra khuôn, đợi cho đến khi nguội thì bỏ ra và cắt thành miếng to, nhỏ tuỳ theo đơn hàng người mua.

Thời gian cho mỗi lần nấu cao lá phải mất một đến hai tháng, từ công đoạn chuẩn bị thuốc đến khi thu được sản phẩm cao nguyên chất được tinh luyện, chiết suất một cách cầu kỳ, tỉ mỉ từng công đoạn từ các cây thảo dược quý hiếm. Đây chính là loại thuốc quý mà đồng bào đã kế thừa và phát huy được của tổ tiên truyền lại cho con cháu với mục đích ngày càng giúp được nhiều người khỏi bệnh theo lời dạy của các bậc cha ông.

Trong quá trình nấu nhất thiết phải tỉ mỉ ở từng khâu và từng công đoạn để có nồi cao chất lượng. Lửa phải cho đều đều, cháy to rồi giảm dần liên tục trong suốt quá trình nấu, tùy từng công đoạn để có thể cho lửa phù hợp. Được vậy cao mới tốt, mới chắt được cái tinh tuý từ các loại cây thuốc khi chúng đã nhừ, tan mịn ra thành bột, vậy là hoàn thành một công đoạn. Các công đoạn nấu cao cứ liên tục nên các thành viên trong nhóm phải thay phiên nhau trực và thức đêm cho đến lúc nào từng mẻ cao hoàn thành được đổ ra khuôn thì mới được nghỉ ngơi.

Điều thú vị là chỉ bằng những bài thuốc gia truyền là sự tổng hợp của 365 loại thảo dược được tưởng chừng như đơn giản đó, lại chữa khỏi những căn bệnh khó chữa như: Dạ dày được sử dụng các cây thuốc (đốm gai, cỏ ké, cây bét trắng và bét đỏ…); Đại tràng cấp (cây chàm lá nhỏ…); Đau dây thần kinh (cây năm lá, cây biến hoá, gió co, gấu tàu, gừng tía…); Thuốc thận (chè vè con, cây sậy, cây mào gà, dây bong bóng…); Bệnh hậu sản mòn, thậm chí có tác dụng cả với bệnh tim (có dứa đỏ, dứa gai…); Đau bụng đi ngoài, mất ngủ, kém ăn, hoa mắt chóng mặt… Tăng sức đề kháng và phòng chống bệnh tật.

Cao bách thảo là loại thuốc gia truyền quý, không gây độc hại mà lại có khả năng giúp bổ trợ, chữa khỏi vĩnh viễn các bệnh và người dùng cao thường xuyên sẽ có một sức khoẻ tốt, ăn ngon, ngủ khỏe bởi thuốc rất bổ.

Mỗi năm số thảo dược quý ngày một ít đi và người Dao ở Cát Thịnh lại phải nhân giống, bảo vệ các cây thuốc bằng cách mang về để trồng ở trong khu vườn của nhà mình. Nấu nhiều cũng chỉ được hai đến ba đợt/năm, mỗi đợt khoảng một đến hai tháng; mỗi lần như vậy thu về được nhiều nhất cũng chỉ 40 - 50 kg/lần. Mỗi lạng cao có giá dao động từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng, tương đương với 1.000.000 đến 1.500.000 đồng/kg. Với mức giá như vậy, chia cho 8 người thì mỗi người cũng được từ 3.000.000 - 4.000.000 đồng.

Chị Triệu Thị Cường, người có công trong việc gìn giữ và phát triển nghề cao bách thảo, đưa thương hiệu cao bách thảo nổi tiếng khắp nơi cho biết: “Không được vì lợi ích trước mắt mà quên y đức, sao nhãng trách nhiệm trị bệnh cứu người". Chính vì vậy, mỗi lạng cao phải đổi bằng bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, có khi bằng máu, nhưng chị chỉ bán ra với giá 150.000 đồng. Tuy đã cố gắng hết sức, nhu cầu của người bệnh ngày một tăng nhưng mỗi năm chị chỉ đủ sức nấu 100 kg.

Tiếng lành đồn xa, người trong huyện, trong tỉnh, đến các tỉnh lân cận, người trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí là cả những người nước ngoài cũng tìm mua, bởi khách hàng đã thấy tác dụng mà cao mang lại là tốt sau một thời gian sử dụng.

2. Thuốc tắm: Những phụ nữ người Dao ở Cát Thịnh nói riêng và trong vùng nói chung chỉ sau ba ngày sinh đã có thể lên nương làm việc, đặc biệt các cụ bà 70 - 80 tuổi, sinh cả chục người con mà vẫn khỏe mạnh. Có được như vậy là do sau khi sinh con, họ có sử dụng “Đìa dảo xin” (tức là một bài thuốc tắm cho bà mẹ sau sinh). Trong cộng đồng người Dao, hầu hết các thành viên trong mỗi gia đình đều biết cây thuốc tắm. Tuy nhiên, phụ nữ Dao thường biết nhiều hơn, họ biết rõ nơi mọc của chúng và cách khai thác chúng bền vững để còn có thể sử dụng lâu dài.

Bài thuốc có tác dụng phục hồi sức khỏe, phòng và chữa sản hậu cho bà mẹ sau sinh hoặc người bị sẩy thai; nâng cao sức khoẻ cho người mới ốm dậy, mệt mỏi, căng thẳng. Hỗ trợ điều trị cảm cúm, phong tê thấp, viêm nhiễm khuẩn, nấm ngoài da, thải độc tố ra khỏi cơ thể, giúp da nhuận hồng.

Số cây thuốc trong một bài thuốc tắm thường rất lớn, dao động từ mười đến một trăm hai mươi loài, thuộc nhiều họ thực vật và dạng sống khác nhau. Trong đó, có khoảng 5 - 10 cây thuốc được coi là quan trọng nhất như thân lá cây cơm cháy, thân lá cây vú bướm bạc đỏ, lá cây chùa dù, thân lá cây sung, thân lá cây dây ông lão. Bài thuốc tắm dựa trên một số cây thuốc cơ bản và gia giảm tùy mục đích sử dụng. Điều này làm cho thuốc tắm của cộng đồng rất đa dạng.

Cây để nấu nước tắm thường dùng tươi hoặc đã làm khô. Nếu sử dụng tại chỗ cho nhu cầu trong gia đình thì dùng tươi. Đối với một số cây hiếm, cần dự trữ để sử dụng quanh năm thì người ta phải phơi khô (thường bó lại từng nắm nhỏ rồi để trên gác bếp). Ngày nay, một số gia đình đi lấy cây thuốc để bán cho khách ở xa thì cây cỏ phải chặt thành đoạn hoặc băm nhỏ rồi phơi khô. 

Các loại này cho đun cùng nhau, đun sôi trong nước khoảng 20 phút. Lấy nước xông hơi trong vòng 10 - 15 phút, rồi tắm gội trong khoảng 5 - 10 phút. Tắm xong, lau khô người, không tráng lại bằng nước nóng thông thường. Nên tắm khoảng sáu lần như thế từ sau khi sinh ba ngày. Sau đó, có thể tắm 1 - 2 lần mỗi tuần để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Người bình thường bị ốm cũng có thể tắm loại thuốc này để nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Người tắm ngâm mình vào nước thuốc trong thời gian khoảng 15 - 30 phút, khi thấy toát mồ hôi, tim đập mạnh và thở nhanh thì thôi.

Thuốc tắm còn có thể dùng chữa các bệnh đau nhức cơ, xương, khớp, cảm cúm, ngứa, táo bón, đinh nhọt, người lao động nặng nhọc, mệt mỏi; sau khi tắm sẽ thấy cơ thể nhẹ nhõm, tinh thần sảng khoái, sức khoẻ được hồi phục. Tuỳ từng người, nếu ngâm thuốc tắm quá lâu có thể sẽ bị say thuốc và buồn ngủ. Trong trường hợp này chỉ cần nằm nghỉ hoặc ngủ một lúc sẽ hết.

Trong những năm gần đây, thuốc tắm của người Dao không còn giới hạn trong phạm vi cộng đồng mà đã bắt đầu được thương mại hoá ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, so với nhiều vùng Dao khác thì Cát Thịnh chưa thực sự phát triển thành một sản phẩm hàng hóa đích thực.

Thuốc tắm của người Dao không chỉ đơn thuần là một phương pháp chăm sóc sức khoẻ của người dân tộc mà còn là một yếu tố cấu thành bản sắc văn hoá của người Dao trong khu vực rất cần được bảo tồn và phát huy.

V. Thực trạng của hệ thống tri thức y học dân gian trong cộng đồng

Từ xưa, đồng bào Dao nổi tiếng với những bài thuốc bí truyền từ cây rừng. Song do cơ chế thị trường, dược liệu từ rừng ngày càng khan hiếm, lại chưa có chính sách phát triển thỏa đáng khiến các bài thuốc ngày càng mai một.

Các bài thuốc của người Dao ở Cát Thịnh hoàn toàn là do truyền miệng kinh nghiệm dân gian nên chưa có thương hiệu. Những thang thuốc chỉ được đùm trong những túi ni lông, không nhãn mác nên mang đi bán, ít người mua vì không rõ nguồn gốc.

Chính những người bốc thuốc tại các bản người Dao cũng không tiết lộ là họ lấy các loại cây rừng ở đâu để làm thuốc. Với họ, chỉ có thể truyền nghề lấy thuốc và bốc thuốc cho con dâu hoặc con gái; nhưng những năm gần đây, nhiều phụ nữ trẻ trong các bản không mặn mà làm nghề bốc thuốc nên thiếu người kế nghiệp.

Một khó khăn nữa là, nguồn dược liệu ngày càng vơi cạn do nạn phá rừng và khai thác quá lâu mà không được trồng tái tạo. Trước đây, người dao ở Cát Thịnh chỉ cần lên những khu rừng gần nhà để hái thuốc thì nay phải đi xa hàng chục cây số mới lấy được thuốc, bởi đó là những báu vật nay đã quá quý hiếm.

(Bài viết có sử dụng tài liệu của Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)

8593 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h