Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Chính sách mới. >> Văn hóa - Xã hội

Các chính sách, quy định mới có hiệu lực thi hành từ tháng 1 năm 2018

01/01/2018 08:26:17 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Tăng lương tối thiểu vùng; những quy định mới về BHXH; quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái quy định về xử lý hình sự đối với tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; áp dụng công thức tính lãi suất mới; ngồi sau trong xe ôtô không thắt dây an toàn sẽ bị phạt… là những chính sách, quy định mới có hiệu lực từ tháng 1 năm 2018.
Tr´nh duy?t không h? tr? xem tr?c tuy?n

1. Quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Ngày 14/12/2017 Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khoá XVIII - Kỳ họp thứ 8 thông qua Nghị quyết quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Trong đó, quy định mức giá dịch vụ khám bệnh; giá dịch vụ ngày giường bệnh; giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng cho các hạng bệnh viện.

2. Tăng mức lương tối thiểu vùng

Nghị định số 141/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, mức lương tối thiểu vùng của người lao động làm việc ở doanh nghiệp, từ ngày 1/1/2018 sẽ được điều chỉnh cụ thể như sau: Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng (tăng 230.000 đồng so với quy định hiện hành là 3.750.000 đồng/tháng), vùng II: 3.530.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng so với quy định hiện hành là 3.320.000 đồng/tháng), vùng III: 3.090.000 đồng/tháng (tăng 190.000 đồng so với quy định hiện hành là 2.900.000 đồng/tháng), vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng so với quy định hiện hành là 2.580.000 đồng/tháng).

3. Thêm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Tại Khoản 1 Điều 124 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định kể từ ngày 01/01/2018, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng cũng phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (hiện nay, đối tượng này không phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc); người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

4. Thêm nhiều khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc

Ngoài những khoản thu nhập tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc theo quy định hiện hành, kể từ ngày 01/01/2018, bổ sung thêm nhiều khoản thu nhập của người lao động làm cơ sở tính đóng BHXH bắt buộc. Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Khoản 2 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH 2014 về BHXH bắt buộc.

Cụ thể, các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

Theo đó, kể từ ngày 01/01/2018, các khoản thu nhập của người lao động tính đóng BHXH bắt buộc bao gồm: Tiền lương; phụ cấp (phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút; và các phụ cấp có tính chất tương tự) và các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

5. 14 khoản thu nhập không tính đóng BHXH từ ngày 01/01/2018

Căn cứ vào Khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động - Thương binh và Xã hội; Điểm 2.3 Khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc  không bao gồm các khoản  chế độ và phúc lợi khác, gồm: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; khoản hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ, trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị TNLĐ, BNN và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo khoản 11 Điều 4 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

6. Hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện

Theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH, từ ngày 1/1/2018, ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện. Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

7. Điều chỉnh chế độ hưu trí mới

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016: Từ 1/1/2018, lao động nam đạt 31 năm đóng BHXH và lao động nữ 30 năm đóng BHXH sẽ được hưởng lương hưu tương đương 75% mức đóng BHXH hàng tháng.

Việc đáp ứng mức lương hưu 75% theo lộ trình tới năm 2022, như sau: Từ năm 2019, nam giới phải đủ 32 năm tham gia BHXH, năm 2020 đạt 33 năm, năm 2021 đạt 34 năm và từ năm 2022, nam giới phải có 35 năm đóng BHXH.

Với nữ giới, sau 1/1/2018 áp dụng đồng loạt quy định hưởng lương hưu ở mức 75% khi đủ 30 năm tham gia BHXH, không cần lộ trình tăng dần như nam giới.

Việc tính tuổi hưu như trên căn cứ vào quy định hiện hành của Luật lao động: Nam nghỉ hưu ở tuổi 60 và nữ ở tuổi 55.

8. Chủ doanh nghiệp bị phạt tù nếu trốn đóng BHXH

Từ ngày 1/1/2018, quy định về xử lý hình sự đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành,

Theo đó, gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; Phạm tội 2 lần trở lên phạt tiền tư 200 đến 500 triệu hoặc phạt từ từ 6 tháng đến 3 năm; Tội trốn đóng bảo hiểm từ 1 tỷ đồng trở lên phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 - 7 năm.

9. Áp dụng công thức tính lãi suất mới từ 1/1/2018

Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 14/2017/TT-NHNN quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng được ban hành (Thay thế cho Quyết định số 652/2001/QĐ-NHNN về việc ban hành Quy định phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng).

Theo đó, thời gian sử dụng để quy đổi mức lãi suất tính lãi theo tỷ lệ %/tháng, %/tuần, %/giờ sang mức lãi suất theo tỷ lệ %/ngày; quy đổi mức lãi suất theo tỷ lệ %/ngày sang mức lãi suất theo tỷ lệ %/năm và ngược lại được tính như sau: Một năm là 365 ngày; Một tháng là 30 ngày; Một tuần là 7 ngày; Một ngày là 24 giờ.

10. Ngồi sau trong xe ôtô không thắt dây an toàn sẽ bị phạt

Theo Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, kể từ ngày 1/1/2018, hành vi ngồi ghế sau trên ôtô mà không thắt dây an toàn sẽ bị xử phạt.

Cụ thể, theo khoản 1, Điều 5 của Nghị định, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy và hành vi chở người trên ôtô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.

11. Chế độ, chính sách đối với người tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Thông tư 298/2017/TT-BQP do Bộ Quốc phòng ban hành hướng dẫn thực hiện về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quy định: Người cung cấp thông tin chính xác, tìm kiếm, quy tập được hài cốt liệt sĩ được khen thưởng và hưởng chế độ bồi dưỡng từ 3-10 triệu đồng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/01/2018

12. Bãi bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 sẽ bãi bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh.

Trong đó có 5 tội bỏ hoàn toàn, gồm: Tội hoạt động thổ phỉ; tội cướp tài sản; tội hủy hoại công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội chống mệnh lệnh và tội đầu hàng địch.

Có 3 tội bỏ hình phạt tử hình trên cơ sở tách từ các tội có quy định hình phạt tử hình trước đó, gồm: Tội buôn bán, sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tội tàng trữ trái phép chất ma tuý; tội chiếm đoạt chất ma túy.

13. Thuế nhập khẩu linh kiện ô tô về 0%

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016 về biểu thuế xuất, nhập khẩu hàng hóa, trong đó chính thức thông qua việc áp thuế ưu đãi 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu (nhóm hàng 98.49) trong biểu thuế, áp dụng từ 1-1-2018.

Theo nghị định, đối tượng áp dụng chương trình ưu đãi thuế là doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô theo quy định của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô.

14. Thuế nhập khẩu ô tô giảm về 0%

Theo lộ trình của Hiệp định thương mại nội khối Đông Nam Á (AFTA), lộ trình giảm thuế xuống 0% đối với các dòng xe ô tô nhập khẩu từ ASEAN sẽ được áp dụng từ 1/1/2018.

Đây là mức giảm giá thấp nhất từ trước đến nay của thị trường nhập khẩu ô tô Việt Nam. Với mức giảm thuế không thể sâu hơn như vậy, nhiều người hy vọng sẽ được sở hữu ô tô với giá bằng thị trường Thái Lan, Malaysia...

15. Kể từ ngày 1/1/2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 

Đây là kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, nhằm góp phần bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường, đồng thời thực hiện tốt các cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế về giảm khí thải nhà kính, góp phần tạo thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

16. Sử dụng kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 121/2017/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Thông tư nêu rõ, các nội dung chi do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện gồm: Chi cho công tác phát động Nhân dân tham gia Cuộc vận động và các phong trào thi đua thực hiện nội dung của Cuộc vận động (gồm chi hội nghị, chi tổ chức họp bàn); chi công tác xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến thực hiện Cuộc vận động (gồm chi hội nghị, chi tổ chức họp); chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân và hộ gia đình có nhiều thành tích xuất sắc trong Cuộc vận động...

Các nội dung chi do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện như sau: Chi cho công tác thông tin tuyên truyền, xây dựng chuyên trang, chuyên mục để phát động Nhân dân trong tỉnh, huyện hưởng ứng tham gia Cuộc vận động và các phong trào thi đua thực hiện nội dung của Cuộc vận động; chi tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở cấp tỉnh, cấp huyện (gồm chi tổ chức họp, chi điều tra thống kê, chi in ấn); chi khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018.

17. Khẳng định quyền tự do kinh doanh xuất nhập khẩu

Luật Quản lý ngoại thương gồm 8 chương, 113 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Luật chủ yếu điều chỉnh công tác quản lý Nhà nước về ngoại thương, bao gồm: các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động ngoại thương có liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế; không điều chỉnh, can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau; chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng dịch vụ.

18. Đồng bộ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có 4 chương, 35 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Luật quy định việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung.

Các nội dung hỗ trợ trọng tâm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm: hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành.

19. Lấy khách du lịch làm trung tâm

Luật Du lịch gồm 9 chương, 78 điều, giảm 2 chương, 10 điều so với Luật Du lịch 2005 với nhiều nội dung được chỉnh sửa nhằm thúc đẩy du lịch phát triển; nâng cao chất lượng hoạt động du lịch; tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp du lịch; tăng cường tính chuyên nghiệp của các hoạt động hướng dẫn; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách du lịch.

Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Luật thể hiện quan điểm lấy khách du lịch làm trung tâm của mọi hoạt động du lịch.

20. Luật tín ngưỡng, tôn giáo

Ngày 18-11-2016, tại khóa họp kỳ XIV, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là văn kiện quan trọng đối với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo tại nước ta, sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2018.

21. Luật trợ giúp pháp lý

Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, đã tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển công tác trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm thuận lợi trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

Đây là một trong những đạo luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, thể hiện bản chất nhân văn, tiến bộ của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách, thiệt thòi trong xã hội.

22. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.

Luật này quy định về quản lý nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lư, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý sử dụng tài sản công.

Đối tượng áp dụng là cơ quan nhà nước; Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; Đơn vị sự nghiệp công lập; Cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam; Tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội; Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công.

1638 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h