Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Yên Bái: Sức bật từ tái cơ cấu nền nông nghiệp

02/01/2018 07:32:25 Xem cỡ chữ Google
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã tạo ra một diện mạo mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đời sống người dân Yên Bái được nâng lên rõ rệt.

Đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra mô hình thực nghiệm trồng dưa công nghệ cao tại xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái.

Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hoá chuyên canh, quy mô lớn gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến; giá trị và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác được nâng lên rõ rệt, tập quán canh tác lạc hậu của người dân cũng thay đổi.

Hình thành vùng sản xuất tập trung

Về "thủ phủ” cam Văn Chấn những ngày này, bắt gặp nông dân tất bật thu hái cam. Đường vào vùng cam, nườm nượp từng tốp xe của thương lái đến "ăn hàng”. Gia đình chị Nguyễn Thị Chung, thôn Khe Bút, xã Minh An đang huy động nhân lực thu hoạch cam, quýt để kịp giao bán theo hợp đồng với các thương lái đến tận vườn thu mua.

Chị Chung cho biết, với 3 ha cam sành, cam đường canh và quýt sen, trừ chi phí mỗi năm gia đình thu từ 500 - 700 triệu đồng. Gia đình anh Dương Kim Phúc cùng xã Minh An từ đầu vụ đã thu hoạch được 4 tấn cam các loại. Anh Phúc cho biết: "Các thương lái đến tận vườn mua với giá từ 11.000 - 12.000 đồng/kg, vụ cam này gia đình tôi đã thu về hơn 400 triệu đồng”. 

Thực hiện đề án phát triển cây ăn quả có múi của tỉnh, từ đầu năm đến nay, huyện Văn Chấn đã hỗ trợ nhân dân trồng được gần 300 ha cam, quýt các loại với mức hỗ trợ 1 lần cho hộ gia đình tham gia trồng mới là 20 triệu đồng/ha; hỗ trợ một lần cho nhóm hộ tham gia trồng mới là 10 triệu đồng/ha và tối đa không quá 100 triệu đồng/nhóm hộ.

Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: "Văn Chấn đã hình thành vùng sản xuất cam, quýt tập trung với diện tích 1.600 ha, tập trung chủ yếu ở một số xã, thị trấn vùng ngoài như: Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La và thị trấn Nông trường Trần Phú; trong đó, có trên 800 ha đang cho thu hoạch với năng suất trung bình 12 -15 tấn/ha/năm, sản lượng đạt trên 8.000 tấn, hàng năm cho doanh thu trên 200 tỷ đồng". 

"Đặc biệt, khi cam, quýt Văn Chấn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Cam Văn Chấn”, thì giá trị của cam, quýt càng được tăng lên và có chỗ đứng trên thị trường. Mục tiêu của huyện là nâng sản lượng quả tươi lên 15.000 - 20.000 tấn mỗi năm, tổng thu nhập đạt 300 tỷ đồng/năm” - ông Toản nói.

Không chỉ xây dựng được vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung, thông qua đề án tái cơ cấu với những chính sách hỗ trợ sản xuất của tỉnh đến nay, các địa phương đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, điển hình như vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 2.500 ha; vùng sản xuất ngô hàng hóa 15.000 ha; vùng cây ăn quả có múi với diện tích trên 2.000 ha. 

Trong chăn nuôi, từ nhỏ lẻ là chính, nay phát triển theo hướng tập trung để sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường. 

Đối với sản xuất lâm nghiệp, có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ những cây có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng những cây đa tác dụng có hiệu quả kinh tế cao hơn như: quế, sơn tra, tre măng Bát độ... Hiện, trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng quế trên 66.000 ha; vùng tre măng Bát độ trên 3.700 ha; vùng trồng cây sơn tra trên 5.000 ha.

Nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, diện tích gieo cấy các giống lúa lai, lúa chất lượng cao ngày càng được mở rộng, đặc biệt mô hình cánh đồng một giống được triển khai, góp phần tiết kiệm được các chi phí đầu tư, công lao động chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và tăng năng suất, giúp người trồng lúa tăng từ 6 - 8 triệu đồng/ha.

Nhiều địa phương đã đẩy mạnh liên kết sản xuất hàng hóa,  sản xuất rau màu theo hướng an toàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng với cây lương thực, nhiều diện tích chè giống cũ được thay thế bằng các giống chè năng suất chất lượng cao, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hướng tới nền nông nghiệp phát triển toàn diện

Thực tế cho thấy, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã tạo ra một diện mạo mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tốc độ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn còn chậm, hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp vẫn còn thấp.

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng chưa quyết liệt theo hướng tích cực; chuỗi sản xuất chưa hoàn chỉnh, chưa thực sự rõ nét, các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với chuỗi giá trị còn ít. Chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế.

 

                               Lãnh đạo Sở Nông  nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra mô hình trồng rau thuỷ canh ở xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.


Ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Thời gian tới, ngành  tập trung khai thác hiệu quả các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, khép kín, từ khâu giống, đến sản xuất và đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương tiếp tục rà soát, xác định lợi thế, thế mạnh sản xuất nông nghiệp của từng địa phương để có định hướng chỉ đạo phát triển phù hợp phát huy hiệu quả các chính sách của tỉnh".

Cụ thể, trong nông nghiệp tiếp tục ưu tiên phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng như: vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích 2.500 ha; vùng cây ăn quả 9.000 ha; trong đó, tập trung phát triển cây ăn quả có múi quy mô 4.000 ha; tập trung phát triển vùng chè vùng cao với quy mô 3.500 ha.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đồng bộ, theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường trong tỉnh và khu vực lân cận. Phát triển nuôi trồng thủy sản ở các hồ lớn, xây dựng vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung.

Ứng dụng công nghệ, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến trong việc nhân giống, chăm sóc để nhân rộng và phổ biến nuôi trồng các loại thủy đặc sản có giá trị cao; thực hiện đa dạng các hình thức nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản ở vùng hồ Thác Bà, hồ Vân Hội, hồ Từ Hiếu, sông Chảy.

Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ nông nghiệp nghiên cứu, tìm hiểu các thị trường, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm hàng hoá nông, lâm sản có khả năng xuất khẩu, như: chè khô, gỗ chế biến, sản phẩm quế, tre măng Bát độ…

Tăng cường phối hợp, liên kết phát triển thị trường tiêu dùng nội địa tập trung vào thị trường các thành phố lớn và các tỉnh lân cận đối với các sản phẩm: gia súc, gia cầm, thuỷ sản, cây ăn quả, chè, quế, gỗ nguyên liệu, măng tre bát độ…

Hiện nay, tỉnh, ngành nông nghiệp đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện; đồng thời đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nông dân.  

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp góp phần đưa tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,04%, (đứng thứ 6 trong 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc). Giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác đạt 57 triệu đồng, tăng 2,76 triệu đồng so với  năm 2015; tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt ước đạt 6.862 tỷ đồng góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh.

 

745 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h