Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Phát triển chăn nuôi theo hướng liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm

14/04/2018 07:39:46 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong thời gian qua, ngành chăn nuôi mặc dù gặp nhiều khó khăn, song vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp; tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm ngày càng cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và ổn định đời sống khu vực nông thôn.

Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2017 đạt 1.623,7 tỷ đồng

Tổng đàn gia súc chính năm 2017 (số liệu thống kê ngày 01/10/2017) đạt 637.142 con/KH đề án là 746.000 con, đạt 85,41% kế hoạch đề án, nguyên nhân dẫn đến đàn gia súc chính giảm là do từ đầu năm 2017 đến nay giá thị trường thịt lợn hơi xuất chuồng trên cả nước liên tục giảm, làm cho sản xuất chăn nuôi lợn không có lãi, người dân phải giảm quy mô đầu đàn chăn nuôi, cụ thể năm 2017 đàn lợn đạt 502.431 con, giảm 8,6% so với cùng kỳ, đạt 90,7% so với kế hoạch, trong khi đó đàn lợn chiếm chủ yếu trong tổng số lượng đàn gia súc chính của tỉnh. Tuy đầu đàn có giảm, song tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại năm 2017 đạt 48.514 tấn, đạt 105,4% so với kế hoạch Đề án. Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2017 (theo giá so sánh 2010) đạt 1.623,7 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2015 và tăng 4,9% so với năm 2016; cơ cấu chăn nuôi trong nội ngành nông nghiệp chiếm 33,1%, đạt mục tiêu Đề án đề ra.

Qua 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh được chú trọng đẩy mạnh, đã đạt được một số kết quả nổi bật đó là: Đã cải tạo đàn giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được trên 5.800 con trâu, bò; tỷ lệ đàn bò lai (lai Sind, lai Bratman, lai BBB) chiếm 45% tổng đàn (mục tiêu đề án là trên 50% tổng đàn), tăng 20% so với trước khi thực hiện Đề án, xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả 18 điểm truyền tinh nhân tạo cho trâu, bò để đáp ứng nhu cầu cải tạo giống tại các huyện vùng thấp của tỉnh; đàn trâu từng bước được phục tráng cải tạo nhân thuần nâng cao năng suất. Công tác cải tạo giống lợn đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ đàn lợn lai, lợn ngoại tăng cao chiếm trên 70% tổng đàn (mục tiêu đề án là trên 75% tổng đàn), tăng 30% so với trước khi thực hiện Đề án (trong đó tỷ lệ đàn lợn ngoại có tỷ lệ nạc cao như các giống lợn: Yorkshire, Đại Bạch, Landrace, Duroc… chiếm khoảng 30%), đồng thời duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của 27 điểm thụ tinh nhân tạo cho lợn; tỷ lệ đàn lợn nái ngoại đạt trên 14% tổng đàn nái (mục tiêu đề án là trên 20% tổng đàn). Các giống gà lông màu được phát triển rộng rãi với quy mô nông hộ góp phần làm tăng số lượng đầu đàn và sản lượng thịt gia cầm của tỉnh (Năm 2017 đàn gia cầm đạt 4,6 triệu con, sản lượng thịt xuất chuồng đạt 5.227 tấn), các giống mới được du nhập và phát triển chăn nuôi chủ yếu như: gà J-DABACO, gà Minh Dư, gà lai chọi, gà mía lai… Việc chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi đã đảm bảo theo yêu cầu của Đề án.

Phong trào phát triển chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 được đẩy mạnh; Đã từng bước chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung theo hướng trang trại, gia trại. Qua 02 năm (2016 – 2017), chính sách của tỉnh đã hỗ trợ phát triển được 659 cơ sở chăn nuôi/kế hoạch 800 cơ sở, đạt 82,4% kế hoạch đến năm 2020. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Cùng với chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi vùng sản xuất hàng hoá, việc áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp; phương thức nuôi công nghiệp sử dụng thức ăn hỗn hợp được áp dụng phổ biến trong chăn nuôi nông hộ, cơ cấu chăn nuôi lợn công nghiệp, bán công nghiệp chiếm trên 50% tổng đàn, đạt vượt mục tiêu Đề án đề ra; sản lượng thịt hơi chăn nuôi công nghiệp chiếm 41% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng, đạt 83% mục tiêu Đề án.

Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, chăn nuôi an toàn dịch bệnh và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được quan tâm, thực hiện: Đến hết năm 2017, đã chứng nhận VietGAP được 03 cơ sở chăn nuôi lợn (Gồm: Công ty TNHH Hòa Bình Minh; Công ty TNHH Hòa Yên; Công ty TNHH Đầm Mỏ); chứng nhận được 03 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (Gồm: Xã Liễu Đô, huyện Lục Yên; cơ sở Phùng Quang Hà, Nga Quán, Trấn Yên; cơ sở Lâm Ngọc Quang, Vân Hội, Trấn Yên); hình thành 13 chuỗi liên kết, trong đó có 3 chuỗi chăn nuôi liên kết theo hình thức khép kín được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn gồm: Công ty TNHH Đầm Mỏ nuôi lợn tại thành  phố Yên Bái, Hợp tác xã Đại Sơn chăn nuôi lợn tại Lục Yên, Công ty TNHH Nipon Zoki nuôi thỏ tại Văn Chấn, còn lại chủ yếu mới liên kết với nhau trong sản xuất.

Để phát huy lợi thế chăn nuôi của các địa phương, ngành Nông nghiệp đã xác định phân vùng chăn nuôi cho các giống vật nuôi chủ lực của tỉnh tại Đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2016-2020 (Gồm: Vùng chăn nuôi lợn, gia cầm; vùng chăn nuôi trâu, bò). Qua 2 năm thực hiện, một số đối tượng chăn nuôi có tính chất đặc sản vùng bước đầu đã được quan tâm phát triển như: Vịt Lâm Thượng, gà sống thiến tại huyện Lục Yên, nuôi ong lấy mật tại huyện Mù Cang Chải, lợn cắp nách vùng cao...

Để ngành chăn nuôi khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành nông, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp tập trung rà soát quy hoạch phát triển ngành với từng đối tượng nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, bán công nghiệp, công nghiệp, quy mô trang trại, gia trại gắn với đảm bảo an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh. Đồng thời duy trì và phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi tiên tiến, kết hợp với phát triển chăn nuôi hữu cơ, sinh thái. Tập trung cải tạo giống theo hướng tăng tỷ lệ giống tiến bộ, có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị trường.

Tổ chức lại hoạt động chăn nuôi theo hướng liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; tổ chức lại hệ thống giết mổ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phấm và bảo vệ môi trường; giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc thú y và các chất phụ gia trong chăn nuôi, chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Tiếp tục đầu tư hỗ trợ phát triển hạ tầng chăn nuôi tập trung, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi của tỉnh theo hướng hiện đại để ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến phục vụ cho phát triển chăn nuôi ổn định và bền vững.

1308 lượt xem
Nguyễn Hiên

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h