CTTĐT - Múa rùa là một trong những điệu múa độc đáo và quan trọng gắn liền với Tết nhảy của người Dao. Đây là hình thức sinh hoạt văn hoá không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của đồng bào Dao. Bên cạnh các điệu múa như là hình thức tái diễn lại những nội dung gắn liền với lịch sử của dòng tộc, người Dao còn có các hình thức múa thể hiện những hoạt động, những động tác đơn giản trong lao động, sản xuất, trong cuộc sống đời thường.
* Khái quát về tộc người Dao ở tỉnh Yên Bái
I. Khái quát về tộc người Dao ở tỉnh Yên Bái.
Trong 12 tộc người có dân số tương đối đông sinh sống ở Yên Bái, người Dao là dân tộc có dân số khá đông, hiện nay có khoảng 83.888 người, chiếm 11.32% dân số toàn tỉnh (Theo số liệu tổng điều tra 1/4/2009). Địa bàn cư trú của người Dao chủ yếu ở rẻo giữa - nơi tiếp giáp giữa vùng thấp và vùng cao. Đồng bào sống tập trung huyện Văn Yên, huyện Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn và Trấn Yên.
Người Dao ở Yên Bái có nhiều tên gọi khác nhau như: người Động, người Xá, người Mán,... Người Dao tự gọi mình là “Kiềm miền” (tức là người ở rừng).
Người Dao hiện sinh sống ở tỉnh Yên Bái có 4 nhóm chính là: Dao Đỏ (còn gọi là Dao Sừng, Dao Đại Bản), Dao Quần Chẹt (còn gọi là Dao Nga Hoàng, Dao Sơn Đầu), Dao Quần Trắng và Dao Làn Tuyển (còn gọi là Dao Tuyển). Để phân biệt các nhóm Dao, chủ yếu dựa vào sự khác nhau trong bộ trang phục của phụ nữ.
Các nhóm Dao cũng có sự khác nhau ít nhiều về tiếng nói song đều thuộc nhóm ngôn ngữ Hmông – Dao (nằm trong ngữ hệ Nam Á).
Hình thái kinh tế chủ yếu của người Dao ở Yên Bái là sản xuất nông nghiệp với hai loại hình: lúa nương và lúa nước. Trong đó lúa nước chiếm tỷ lệ ít hơn. Ngoài ra, đồng bào còn trồng một số loại cây hoa màu như ngô, sắn,... Rau của người Dao có các loại bầu, bí, mướp đắng, các cây họ đậu, khoai, củ từ, dưa gang,.... Đặc biệt ở người Dao Yên Bái phát triển mạnh 2 loại cây công nghiệp đó là cây quế và cây chè. Ngoài cây lúa, hoa màu, quế và chè đồng bào còn có thu nhập thêm từ chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà...
Người Dao có các nghề thủ công truyền thống phong phú, đa dạng và phát triển rất sớm, nổi bật là làm giấy dó, dệt vải, nhuộm chăn, in và thêu hoa văn trên vải, đan lát các đồ đựng bằng tre, nứa, giang, mây song, nghề rèn. Nghề rèn của đồng bào Dao cũng phát triển, chủ yếu là các nông cụ như: dao, cuốc, cào cỏ, lưỡi cày. Nghề làm đồ trang sức bằng bạc, sanh căng và bằng đồng làm thành vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, nhẫn, xà tích.
Đồng bào Dao thường dựng nhà gần các con suối và ở tập trung thành từng bản riêng biệt hoặc xen cư với các tộc người khác. Ở người Dao Yên Bái hội tụ đầy đủ 3 loại hình nhà ở đó là: nhà sàn của nhóm Dao quần trắng, nhà đất của nhóm Dao Đỏ và nhà nửa sàn nửa đất của nhóm Dao Nga hoàng và Dao Tuyển. Hiện nay, những gia đình người Dao có cuộc sống khá giả đã xây nhà theo kiểu mới.
Trang phục truyền thống của người Dao Yên Bái đặc sắc và nổi bật ở nghệ thuật trang trí trên quần áo với mô típ hoa văn cây cỏ, động vật, hình người, hình chim, kết chữ Hán được cách điệu rất sinh động. Trang phục đàn ông thường có hai loại: áo ngắn mặc hàng ngày và áo dài mặc trong lễ hội, lễ cấp sắc hay đám cưới. Trang phục nữ phong phú hơn với những trang trí hoa văn truyền thống, đầu đội khăn.
Văn hoá ẩm thực của người Dao đơn giản, thức ăn chính của người Dao là cơm tẻ, thực phẩm hàng ngày chủ yếu là các loại rau hái trong rừng, măng, mộc nhĩ và các loại thảo mộc khác. Ngày nay, đồng bào đã trồng nhiều loại rau khác nhau ngay tại vườn nhà để phục vụ nhu cầu hàng ngày khi không vào rừng hái rau. Các loại gia súc, gia cầm được nuôi chủ yếu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình cũng như những tín ngưỡng dân gian của đồng bào. Các món ăn chủ yếu của người Dao trong ngày thường được chế biến theo kiểu luộc và xào, thỉnh thoảng cũng nướng và lam.
Các hoạt động sinh hoạt xã hội – gia đình của người Dao ở Yên Bái cũng rất phong phú và đa dạng. Các nhóm Dao đều thờ cúng tổ tiên và thờ Bàn Vương. Thờ cúng tổ tiên là việc thờ cúng chủ yếu trong gia đình. Bàn Vương được coi như thủy tổ của các dòng họ nên cũng cúng bái chung với tổ tiên. Cùng với phong tục cúng Bàn Vương thì người Dao còn có nghi thức “cấp sắc”. Đây là một tục lệ phổ biến và bắt buộc đối với tất cả đàn ông Dao. Một trong những nghi lễ rất quan trọng phải nhắc đến đó là "Tết nhảy” (Nhiàng chầm đao). Nghi lễ này nhằm mục đích cúng Bàn Vương và luyện binh tướng (âm binh) để bảo vệ cuộc sống và sinh hoạt gia đình.
Hôn nhân của người Dao Yên Bái có nhiều nghi thức độc đáo và đặc sắc, nhiều hình thức sinh hoạt truyền thống được thực hiện trong đám cưới đặc biệt là hát đối đáp giữa nhà trai và nhà gái. Đây là một nghi thức sinh hoạt truyền thống vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay. Tục cưới xin của người Dao phải trải qua nhiều nghi lễ khá phức tạp, mỗi nhóm có những nghi lễ riêng. Thường thì hôn lễ của người Dao được tiến hành qua các bước sau: nhà trai đến nhà gái xin so tuổi đôi nam nữ; nhà trai báo cho nhà gái biết kết quả so tuổi của đôi nam nữ; định ngày cưới và dâng lễ; lễ cưới và lại mặt. Người Dao thường có tục ở rể 3 năm, sau đó mới được ở riêng hoặc về nhà trai ở hẳn.
Tang ma là một trong những nghi lễ rất quan trọng trong chu kỳ vòng đời của người Dao phản ánh nhiều tục lệ từ xa xưa. Đồng bào Dao quan niệm rằng con người có phần hồn và phần xác, khi nào phần xác bị hại nặng quá thì người bị chết. Một đám tang của người Dao thường có các các nghi lễ sau: Lễ khâm niệm, lễ xôi gà và lập bàn thờ (lễ cấp thủy và dâng rượu, gia súc); lễ làm chay, lễ nhập quan yểm bùa, lễ đưa đám, lễ hạ huyệt và lễ cúng cơm. Hầu hết các nhóm người Dao ở Yên Bái không có tục cải táng người chết. Đồng bào rất kiêng kỵ việc dựng vợ gả chồng cho con hay làm nhà mới, trồng cấy, gieo hạt giống trùng với ngày mất của người thân. Lễ làm chay cho người chết diễn ra sau nhiều năm, thường được kết hợp với lễ cấp sắc cho một người đàn ông nào đó đang sống trong gia đình.
Người Dao Yên Bái đều có vốn thơ ca dân gian rất phong phú, đồng bào hát "Páo dung" (Pá dung, Pả dung) gợi nhớ lịch sử, xã hội tộc người, ca ngợi tình yêu lứa đôi, yêu thiên nhiên, thế giới động vật, ca ngợi sản xuất dưới nhiều hình thức sinh hoạt phong phú và còn gắn vào những bài hát giáo lý, xã hội, gia đình. Người Dao có rất nhiều chuyện cổ tích kể về mọi hiện tượng xảy ra trong xã hội, thiên nhiên. Các câu chuyện đều mang tính giáo dục sâu sắc, anh em phải sống hòa thuận, yêu thương nhau.
Ngày nay truyền thống văn hóa dân gian luôn được bảo tồn, khai thác, phát huy trong sản xuất và phát triển kinh tế xã hội, cùng với các tộc người khác trong tỉnh tộc người Dao cũng đang góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc và phát triển quê hương Yên Bái ngày càng giàu đẹp hơn.
II. Khái quát về người Dao ở huyện Văn Chấn.
1. Khái quát chung về huyện Văn Chấn.
1.1 Đặc điểm tự nhiên
Vị trí địa lý: Huyện Văn Chấn là huyện miền núi của tỉnh Yên Bái, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc. Huyện có tổng diện tích tự nhiên là 1.205,2km2, chiếm 17% diện tích toàn tỉnh. Huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Yên Bái, phía Bắc giáp huyện Mù Cang Chải, phía Đông giáp huyện Văn Yên và Trấn Yên, phía Tây giáp huyện Trạm Tấu, phía Nam giáp tỉnh Sơn La.
Đặc điểm địa hình: Văn Chấn nằm ở sườn phía Đông Bắc của dãy Hoàng Liên Sơn. Địa hình phức tạp, có nhiều rừng, núi, hang động, suối khe chằng chịt, thung lũng bằng phẳng. Độ cao trung bình so với mặt nước biển 400m. Tuy địa hình khá phức tạp nhưng chia thành 3 tiểu vùng kinh tế: Vùng trong, vùng ngoài, vùng thượng. Vùng trong là vùng tương đối bằng phẳng, có cánh đồng Mường Lò. Vùng ngoài có lợi thế về phát triển vườn đồi, vườn rừng và trồng lúa nước. Vùng cao thượng huyện có độ cao trung bình 600 m trở lên, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, chăn nuôi đại gia súc.
Khí hậu: Văn Chấn nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình 20 – 30 0C; mùa đông rét đậm nhiệt độ xuống dưới tới 3oC. Tổng nhiệt độ cả năm đạt 7.500 – 8.100 oC; lượng mưa được chia thành hai mùa rõ rệt. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1200 đến 1600 mm, thích hợp phát triển các loại động thực vật á nhiệt đới, ôn đới và các loại cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, lâm nghiệp. Rừng của Văn Chấn có hàng trăm loại gỗ cùng tre, nứa, song, mây, trong đó có các loại gỗ quý như: lát, pơ mu, vàng tâm, đinh, lim, sến, táu,… Bên cạnh các loại gỗ quý, còn có các loại dược liệu có giá trị như: thiên niên kiện, sa nhân, hoài sơn; nhiều loại thực phẩm tự nhiên như: măng, mộc nhĩ, nấm hương, mật ong và nhiều loại thú rừng.
Do điều kiện địa hình đồi núi dốc mạnh, lượng mưa lớn và tập trung nên tạo cho Văn Chấn một hệ thống ngòi suối khá dày đặc, có tốc độ dòng chảy lớn và lưu lượng nước thay đổi theo từng mùa.
1.2 Một số đặc điểm văn hóa, xã hội.
Toàn huyện Văn Chấn gồm có 3 thị trấn và 28 xã. Bao gồm thị trấn Nông trường Liên Sơn, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường Trần Phú, Sơn Thịnh, Suối Bu, Suối Giàng, Suối Quyền, Đồng Khê, Tân Thịnh, Chấn Thịnh, Thượng Bằng La, Minh An, Nghĩa Tâm, Bình Thuận, Đại Lịch, Phù Nham, Thanh Lương, Thạch Lương, Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Nghĩa Sơn, Sơn Lương, Nậm Lành, An Lương, Nậm Mười, Sùng Đô, Gia Hội, Nậm Búng, Tú Lệ, Cát Thịnh, Sơn A. Trung tâm huyện lỵ đóng trên địa bàn xã Sơn Thịnh.
Tổng dân số của huyện Văn Chấn 144.152 người, mật độ dân số 121 người/km2 ( theo thống kê dân số ngày 1/4/2009), bao gồm 23 tộc người cùng sinh sống như: Kinh, Thái, Dao, Tày, Mường, H'Mông, Giáy, Khơ Mú, Phù lá, Bố Y... chia thành 3 vùng cư trú: vùng ngoài đại đa số dân tộc Tày; vùng đồng bằng đa số đồng bào Thái, đồng bào Kinh và Mường; vùng cao chủ yếu dân tộc Dao, Mông. Sự đa dạng về dân tộc tạo nên cho huyện Văn Chấn có một nền văn hóa phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc, đó là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong toàn huyện.
Tổng số lao động trong độ tuổi 88.554 người; số lao động trong độ tuổi hoạt động kinh tế 70.866 người; số lao động trong độ tuổi không hoạt động kinh tế 17.688 người, với lực lượng lao động đông đảo chính là nguồn lực, tiềm năng phát triển kinh tế của huyện.
Dân ca, dân vũ đặc sắc, độc đáo chiếm một phần đáng kể trong đời sống của nhân dân, tiêu biểu là: múa xoè, múa xạp, hát khắp, hát nôm của dân tộc Thái, Tày; múa chiêng, hát Picađô của người Khơ Mú; múa khèn của người H'Mông; hát đang của dân tộc Mường; tục hát “tháng giêng” của người Giáy, ...
Lễ hội, trò chơi dân gian phong phú, hấp dẫn thường tổ chức vào các dịp ngày lễ tết cổ truyền. Người Thái có lễ hội “Xên đông”, “Xên mường”, “Lồng tồng”, trò chơi tó mắc lẹ, ném còn. Lễ hội “Rước mẹ lúa”, “Mùa măng mọc” của người Khơ Mú. Hội “Gầu tào”, “Nào sồng”, cưỡi ngựa bắn súng, đánh yến, ném pao dân tộc H'Mông, ...
Tín ngưỡng vạn vật hữu linh, thờ cúng tổ tiên; chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo khác nhau như: đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão, Thiên Chúa giáo tạo cho Văn Chấn một miền đất đa tôn giáo kết hợp với những tín ngưỡng bản địa đặc sắc càng làm cho đời sống văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo thêm đa dạng.
Những hoạt động văn hoá, văn nghệ dân gian đã tạo cho Văn Chấn một nền văn hoá giàu sắc thái, đa dạng nhưng thống nhất, mang màu sắc văn hoá dân gian độc đáo ở phía Tây của tỉnh và là trung tâm của vùng văn hoá Mường Lò - một trong 3 vùng văn hoá tỉnh Yên Bái. Đây là một lợi thế không nhỏ để Văn Chấn phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hoá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
2. Người Dao ở huyện Văn Chấn.
Tính đến năm 2009, người Dao ở huyện Văn Chấn là 13.377 người chiếm 11% dân số toàn huyện. Huyện Văn Chấn hiện có 2 nhóm Dao chính là: Dao Đỏ (còn gọi là Dao Sừng, Dao Đại Bản); Dao Quần Chẹt (còn gọi là Dao Nga Hoàng, Dao Sơn Đầu). Phần lớn người Dao ở đây sống tập trung ở các xã Nậm Mười, xã Nậm Lành, Nậm Búng, Cát Thịnh, Suối Quyền, An Lương, Minh An, Sơn Thịnh, .... Họ cư trú thành các bản riêng biệt, khoảng cách thưa thớt. Họ có hai loại hình cư trú phân tán và tập trung tương ứng với nhóm du canh hoặc định canh sống xen kẽ với các dân tộc khác. Nguồn sống chính của họ là lúa nước và lúa nương, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây đặc sản. Nhìn chung, đời sống của người Dao còn nhiều khó khăn. Người Dao Quần Chẹt sống chủ yếu xã Cát Thịnh. Người Dao ở đây vẫn còn lưu giữ được nhiều nét bản sắc truyền thống như cấp sắc, đám cưới, tang ma, ...
III. Khái quát về người Dao Quần Chẹt ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn.
1. Khái quát về xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn.
Xã Cát Thịnh nằm ở tọa độ địa lý là 21°27′54″B 104°40′27″Đ, Phía Bắc giáp với xã Hồng Ca (Ca Vịnh của huyện Trấn Yên); phía Nam giáp với xã Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn) và xã Mường Cơi (huyện Phù Yên, Sơn La); phía Tây giáp xã Đồng Khê, phía Đông giáp xã Tân Thịnh và Nông trường Trần Phú (đều thuộc huyện Văn Chấn). Xã Cát Thịnh án ngữ vị trí giao thông huyết mạch quan trọng, đường quốc lộ 32 nối liền Yên Bái với Nghĩa Lộ vvà các huyện phía Tây của tỉnh, quốc lộ 37 về xuôi qua địa phận Thượng Bằng La, Minh An đi Phú Thọ, từ thị tứ Ngã Ba của Cát Thịnh có đường 13A đi qua Thượng Bằng La - đèo Lũng Lô sang Phù Yên (Sơn La). Đây là điều kiện thuận lợi cho xã giao lưu thông thương với các xã khác trong vùng, với các trung tâm kinh tế - chính trị của huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Toàn xã có 26 thôn bản bao gồm: Thị tứ Ngã Ba, Khe Ba, Vực Tuần 1, Vực Tuần 2, Ba Khe 1, Ba Khe 2, Ba Khe 3, Khe Kẹn, Khe Căng, Văn Hưng, Đá Gân, Đồng Mường, Đồng Hẻo, Làng Ca, Làng Lao, Pín Pé, Cao Phừng, Đồng Đắc, Đèo Ách, Khe Nước, Khe Rịa I, Khe Rịa II, Văn Hòa I, Văn Hòa II, Lâm Sinh, Khe Chất.
Theo số liệu thống kê năm 2003 xã Cát Thịnh có tổng diện tích tự nhiên 16.680 ha, trong đó 176 ha ruộng nước, 264 ha chè. Dân số của xã có 8.113 khẩu, với 1.698 hộ, gồm 10 dân tộc, cư trú tại 26 thôn bản: Kinh, Tày, Dao, Thái, Mường,.....
Địa hình xã Cát Thịnh không bằng phẳng, có độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh bởi núi cao, khe suối, ngòi. Khí hậu chịu ảnh hưởng chung của đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa (gió Lào khô nóng và gió mùa đông bắc lạnh giá), nhiệt độ trung bình 18oC - 22oC, lượng mua trung bình hàng năm 1.850mm, độ ẩm lớn trên 85%. Đất đai của Cát Thịnh được thiên nhiên ưu đãi, độ phì cao.
Với những điều kiện địa hình, khí hậu, đất đai như trên phù hợp cho phát triển các loại cây như: lúa, ngô, chè, quế, mía, bưởi.... và các loại cây công nghiệp khác.
2. Một số đặc điểm kinh tế, văn hóa - xã hội của người Dao Quần Chẹt xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn.
* Lịch sử di cư của người Dao Quần Chẹt, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn.
Theo khảo sát ở những địa phương có người Dao Quần Chẹt sinh sống thì người Dao có nguồn gốc xa xưa ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) họ bắt đầu di cư sang Việt Nam vào thời Lê (vào khoảng cuối thế kỷ XVII), với hai hướng chính là đường bộ và đường biển. Người Dao di cư vào Việt Nam theo nhiều đợt sớm nhất từ thế kỷ XIII, các nhóm Dao ở tỉnh Yên Bái chủ yếu di cư từ các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang và Cao Bằng sang. Người Dao Quần Chẹt ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn di cư từ xã Nga Hoàng, tỉnh Phú Thọ lên.
Xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn hiện có 2 nhóm Dao sinh sống, nhưng chủ yếu là nhóm Dao Quần Chẹt. Họ thường sống thành bản riêng biệt, khoảng cách thưa thớt. Nguồn sống chính của người Dao quần Chẹt ở xã Cát Thịnh là trồng lúa nước, lúa nương. Những năm gần đây, người Dao ở đây rất phát triển chăn nuôi bò, lợn, gà ... Ngoài ra, còn phát triển trồng cây ăn quả, cây đặc sản như chè, quế, cam.... Ở đây còn có các nghề thủ công như đan lát, rèn đúc, nghề dệt nhưng những nghề này chỉ chủ yếu đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp của các gia đình.
* Một số đặc điểm về văn hóa vật chất của người Dao Quần Chẹt ở Cát Thịnh
Nhà ở của người Dao Quần Chẹt ở đây chủ yếu là nhà nửa sàn nửa đất. Đó là loại nhà lợi dụng phần sàn để nằm ngủ, phần nền đất để sinh hoạt và làm bếp. Nguyên vật liệu làm nhà thường kiếm ngay tại chỗ, chủ yếu là thảo mộc: Gỗ, tre, nứa, lá. Kỹ thuật lắp ráp khá đơn giản: Buộc lạt, con sỏ, ngoãm hoặc mộng trơn. Phần nền đất: gian bên phải có chạn bát, bếp. kề với gian này có chuồng gà. Gian bên trái đặt bàn thờ nhìn ra cửa giữa, nhà thường có hai bếp một bếp ở gian ngoài để sưởi ấm vào mùa đông dành cho đàn ông và khi có khách đến còn một bếp dùng để nấu nướng. Phần nền sàn, gian nhà bên phải là phòng ngủ, giường ngủ của con trai thường đặt sau giường của khách, còn phòng ngủ của con gái thường đặt phía trong gần bếp, kề với gian này là máng nước và cũng là buồng tắm. Gian bên trái phòng ngủ của khách và cũng là nơi tiếp khách có vách ngăn với lối xuống nền. Nhà thường có 3 cửa, hai cửa ra vào ở hai đầu hồi, một cửa thứ ba ở phần nền sân thông với gầm sàn bằng một cái thang nhỏ. Nhà nửa sàn nửa đất không phải là một bước phát triển của loại hình nhà đất mà là một biến dạng của loại hình nhà đất.
Trang phục: Trang phục của người Dao quần chẹt cũng giống như các nhóm Dao khác với hai loại chính: trang phục nữ giới và trang phục nam giới. Bộ thường phục của nữ giới gồm có: áo dài, yếm, quần, dây lưng, xà cạp, khăn đội đầu và đồ trang sức bằng bạc. Phụ nữ Dao Quần Chẹt chỉ có áo dài, không có áo ngắn, hoa văn của áo chủ yếu là thêu bằng chỉ đỏ, trắng, vàng với những hoa văn chim và cây thông cách điệu, tua chỉ màu kéo dài xuống. Một nét đặc trưng riêng biệt của nhóm Dao này đó là chiếc quần, quần dài có ống rất hẹp, gấu quần được trang trí một băng hoa văn. Trang phục của nam giới cũng không có gì đặc biệt gồm một áo cánh ngắn để mặc ngoài và một chiếc quần dài, một cái khăn vấn đầu tất cả đều màu chàm.
Văn hoá ẩm thực của người Dao đơn giản thức ăn chính của người Dao là lúa nước và lúa nương, thực phẩm hàng ngày chủ yếu là các loại rau hái trong rừng, măng, mộc nhĩ, các loại rau trồng trong vườn nhà và các loại thảo mộc khác. Cùng với đó là các thức ăn từ gia súc gia cầm. Các món ăn chủ yếu của người Dao trong ngày thường được chế biến theo kiểu luộc và xào, thỉnh thoảng cũng nướng và lam. Người Dao rất thích ăn ớt, gừng, riềng, lá sả, hạt dổi, lá chanh, các thứ rau thơm và các thứ nước chua. Hàng ngày đồng bào uống nước chè, nước vối, nước từ các loại cây thuốc... Người Dao cũng uống các loại rượu cất từ gạo, ngô, khoai, sắn và các loại cây có bột như: báng, móc. Men rượu đều chế biến bằng các thứ lá và rễ cây rừng.
* Một số đặc điểm về văn hóa tinh thần của người Dao Quần Chẹt ở xã Cát Thịnh.
Tiếng nói - chữ viết: Tiếng Dao nói chung và Dao Quần Chẹt nói riêng thuộc nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao, nằm trong ngữ hệ Nam Á
Chữ viết của người Dao còn trong một số tài liệu lưu giữ được là chữ Hán và chữ Nôm Dao.
- Một số nghi lễ truyền thống
Lễ Cấp Sắc: Đây là một nghi lễ truyền thống độc đáo có tính lịch sử lâu đời trong đời sống sinh hoạt xã hội - gia đình của người Dao công nhận sự trưởng thành cả về vật chất lẫn tinh thần của người đàn ông. Theo quan niệm của người Dao thì cấp sắc là để được thánh thần công nhận, được âm binh và có thể làm nghề cúng bái. Nghi lễ của lễ cấp sắc rất mở, có thể là một, hay nhiều cá nhân của một gia đình, dòng họ hay cả một tập thể của nhiều gia đình, nhiều dòng họ, nhiều bàn làng khác nhau tổ chức. Lễ cấp sắc có rất nhiều bậc, bậc đầu tiên họ được cấp 3 đèn và 36 binh mã, bậc hai được cấp 7 đèn và 72 binh mã, bậc ba được cấp 12 đèn và 120 binh mã. Lễ cấp sắc 3 đèn và 7 đèn được tổ chức thường xuyên trong cộng đồng tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện của các gia đình, dòng họ. Riêng nghi lễ cấp sắc 12 đèn có quy mô lớn hơn hai nghi lễ trên nên phải hai, ba mươi năm mới có một lần. Nội dung chính của lễ cấp sắc tiến hành theo trình tự sau: lễ lên đèn, lễ ban mũ thầy cúng, Lễ trình diện Ngọc hoàng, Lễ cấp tinh, Lễ hạ đèn và giao quân, lễ qua cầu, lễ đặt tên. Các nghi thức trong lễ cấp sắc đều nhằm mục đích hướng thiện, giúp con người trưởng thành hơn, đạo đức hơn, sống tốt hơn và quan trọng là những lời giáo huấn này được thực hiện bằng những lời thề trước sự giám sát của tổ tiên và nhiều quan binh nên càng làm tăng tính giáo dục. Đây là một nghi lễ giao tiếp có tính kế thừa, kết nối các giá trị văn hóa giữa các thế hệ chứa đựng nhiều thành tố quan trọng của bản sắc văn hóa Dao. Đồng thời lễ cấp sắc cũng là dịp để cộng đồng cùng thưởng thức các hoạt động văn hóa văn nghệ, nhảy múa hết sức hấp dẫn. Các điệu múa trong lễ cấp sắc rất đặc sắc. Múa ở đây có sự đan xen hòa quyện giữa yếu tố lao động trần thế và tôn giáo thể hiện sự giao hòa giữa hai thế giới, điệu múa đặc trưng, đặc sắc, vui nhộn nhất là Múa Rùa. Múa Rùa diễn ra trong không khí vui tươi, những động tác múa nhịp nhàng, khỏe khoắn của các chàng trai miêu tả lại việc đuổi rùa, tìm rùa, bắt rùa, giết rùa. Múa Rùa là một nét đẹp, thể hiện tính phồn thực và mối giao hòa trong cộng đồng dân tộc.
- Tết nhảy Đây là tết riêng của mồi gia đình, cũng mang tính dòng họ. Tết này này nhằm mục đích luyện âm binh cho bộ tranh Đại đường để thờ phụng các thần linh, bảo vệ cuộc sống gia đình. Vì vậy nó mang màu sắc tín ngưỡng tôn giáo rất rõ rệt. Tết nhảy được tiến hành vào tháng chạp, năm nào cũng tổ chức nghi lễ này cứ ba năm làm thành một chu kỳ. Chỉ có gia đình nào có bàn thờ tổ và đã sắm tranh Đại đường thì mới có tết nhảy. Tết nhảy đòi hỏi một quá trình chuẩn bị khá lâu, phải nấu rượu, nuôi lợn, thanh niên luyện tập các điệu múa, chuẩn bị dao, gươm bằng gỗ.
Quá trình của tết nhảy trải qua các bước sau: lập đàn tẩy uế, làm lễ khấn các thần thánh. Nội dung chính của nghi lễ là nhảy múa và khấn tụng được tổ chức liên tục trong suốt những ngày đêm làm tết. Mỗi người múa tay đều cầm cờ, trống chiêng, sập sèng... múa theo điệu quay vòng. Rồi sau đó là nhiều điệu múa truyền thống được trình diễn như: múa kiếm, múa dạo (lạp miên a dạo), múa nhảy rùa (Pẻo tộ)... Tất cả những động tác của các điệu múa này đều được thực hiện một cách liên tục với sự khéo léo và tinh tế của người trình diễn. Những điệu múa, lời hát trong Tết nhảy thường hướng đến những điều tốt lành, hạnh phúc. Lễ "nhìang chầm đao" chủ yếu phục vụ cho tôn giáo tín ngưỡng, nhưng ít nhiều có mầu sắc văn nghệ, toát lên ý nghĩa văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Dao sống đoàn kết, thủy chung, tình nghĩa.
* Một số lễ tết khác của tộc người trong năm
- Tết Nguyên Đán
Khác với dân miền xuôi, người miền núi lại có phong tục đón tết rất đặc trưng mang đậm nét văn hóa dân tộc mình. Với người Dao cũng vậy họ cũng có cách đón năm mới rất riêng của mình. Đồng bào Dao đón tết đơn giản nhưng lễ nghi lại cầu kỳ và độc đáo. Với người Dao, tết nguyên Đán là mở đầu cho một năm mới đã bận rộn chuẩn bị từ 27, 28 tháng chạp. Từ 27/12 nhân dân đã chuẩn bị mọi thứ cho việc đón tết như: gạo, bột, lá gai, củi, rau, bò, lợn, trang trí nhà của và đặc biệt sắp đặt quần áo.
Ngày 30 tết nhà nào cũng phải nấu một nồi nước thơm thật to để ai cũng phải tắm. Theo quan niệm của người Dao thì tất cả mọi người phải tắm rửa sạch sẽ để rũ bỏ mọi xấu xa, bẩn thỉu của năm cũ bước vào năm mới sạch sẽ, trong lành. Chiều 30 tết nhà nào cũng lập đàn cúng để mời gia tiên và các thần linh về ăn tết với con cháu. Bao giờ cũng vậy tối 30 tết mọi người trong gia đình quây quần bên nồi bánh trưng để trò truyện về năm đã qua. Các thứ bánh được người Dao cúng trong ngày tết ngoài bánh trưng còn có các thứ bánh khác như bánh dầy, bánh gai, bánh bột nếp....Cũng giống người kinh trên bàn thờ của mỗi gia đình người Dao có thêm cành đào, trong chén lúc nào cũng có rượi và nước, hương được đốt liên tục. Ngoài ra người Dao còn quan niệm kiêng không mở hòm trong 3 ngày tết nên phải lấy sẵn quần áo và đồ dùng trước giao thừa. Trong 3 ngày tết cũng không được san sẻ hay cho ai bất cứ thứ gì. Đêm giao thừa người Dao có tục thay nước đầu năm mới trên bàn thờ. Người Dao Quần Chẹt thường đem tiền ma ra giếng nước hay ra máng nước của nhà mua nước mới về thờ. Từ đêm giao thừa đến mùng một, họ kiêng không ăn rau chỉ ăn cơm, các loại bánh và thịt động vật. Sau khi cúng giao thừa song mọi người trong gia đình quây quần vui vẻ, ăn uống, ca hát và chúc tụng nhau những lời chúc tốt lành cho năm mới. Sáng mùng một sau khi song xuôi mọi thủ tục ở gia đình, mỗi nhà một người nam giới mặc trang phục truyền thống tạo thành một đoàn đi chúc tết tất cả các nhà.Tết cũng là dịp trai, gái trong bản rủ nhau đi chơi hội ngày xuân.
- Tết cùng năm: Đây là tết của gia đình, dòng họ. Dòng họ nào cũng tổ chức tết này vào tháng 12 âm lịch, nhưng tập chung nhất vào các ngày 15 đến 25 tết. Các gia đình luân phiên nhau tổ chức tết, luân phiên mời nhau.Mục đích của tết này trước là để lập đàn cúng tạ ơn gia tiên, các thần linh đã phù hộ cho gia cho, dòng tộc một năm may mắn thành công... Sau là ngày xum họp của anh em ruột thịt, họ tộc, bạn bè thân thiết để trò chuyện thông báo cho nhau về một năm qua. Lễ vật chuẩn bị cho tết năm cùng khá đầy đủ với thịt lợn, gà, bánh dầy. Bánh dầy là một trong những lễ vật không thể thiếu được trong tết năm cùng.
- Tết cơm mới: Đây là một trong những lễ cúng quan trọng của mỗi gia đình Dao được tổ chức tại nhà. Cúng cơm mới là để tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng tốt tươi, lúa ngô có thể thu hoạch được. Lễ cúng được tổ chức trong nhà. Khi lúa sắp được thu hoạch, người ta chọn ngày tốt, gặt lấy ít thóc đầu mùa đem phơi khô, lấy gạo nấu cơm cúng. Nếu lúa chưa chín họ lấy gạo cũ về thổi cơm, ngắt lấy vài bông bỏ vào nồi cơm để có hương vị cơm mới và coi đó là cơm mới. Đàn cúng gồm: 5 bát cơm, 5 chén rượi, 1 chén nước, 1con gà luộc, một ít tiền ma, một bát hương. Chủ nhà đứng trang nghiêm trước bà thờ kế công ơn cử tổ tiên và cầu mong tổ tiên tiếp tục phù hộ mãi mãi về sau để công việc làm ăn ngày càng gặp nhiều may mắn. Sau lễ này, đồng bào chuẩn bị những dụng cụ cần thiết để thu hoạch lúa mới.
* Các tập quán xã hội và tín ngưỡng
+ Sinh đẻ: Người Dao đẻ ngồi và đẻ ngay trong buồng ngủ, không được đẻ ở nơi khác, do mẹ chồng, mẹ đẻ hoặc chồng đỡ cho. Khi đứa trẻ lọt lòng mẹ, người ta chờ khi nào nó khóc mới bế mới bế lên, tắm rửa bằng nước nóng. Người ta cắt rốn bằng dao nứa, nhau thai được người Quần Chẹt gói vào lá chuối hay tàu mùng (loại lá to, còn tươi), đem chôn ở nơi ẩm ướt ngay sau nhà để mong bé luôn ở bên mẹ và mau lớn. Ngay từ khi đẻ sản phụ được ăn các thức ăn nấu với gừng và rượi. Trẻ sinh được ba ngày thì gia đình lập giàn cúng mụ gọi là làm lễ "nam khan". Sau khi sinh khoảng từ 3 đến 7 ngày, họ chọn ngày tốt để làm lễ để đặt tên cho trẻ. Tên của bé cũng được chọn rất kỹ, không được trùng với tên của gia tiên, ông bà, chú bác, anh em nội ngoại gần xa. Đối với người Dao Quần Chẹt, sau lễ đặt tên đứa trẻ trai thường được gọi bằng tên là:Cu Đen, đứa trẻ gái lại gọi là Mông tít. Đứa trẻ tròn 1 tháng tuổi người Dao Quần Chẹt tổ chức cúng Mụ, đồng bào cũng rất coi trọng sinh nhật .
+ Cưới hỏi: Lễ cưới của người Dao Quần Chẹt có nhiều nét độc đáo và mang nhiều bản sắc riêng. Khi tìm hiều nhau chàng trai không ở lại nhà cô gái qua đêm và cô gái cũng giữ gìn hon nếu cô gái mà chưa chồng mang thai bị phạt rất nặng. Trong lễ vật nhà trai đem tới nhà gái có một buồng cau và một ít trầu. Trong lễ tơ hồng có một vật rất quan trọng đó là "chiếu kết duyên" chiếu này được thầy cúng trải ra cho cô dâu chú rể làm lễ sau đó được trải trên giường cưới. Khi ăn cỗ, họ nhà trai ngồi riêng, nhà gái ngồi riêng. Người Dao còn có tục bất kỳ ai trong họ nhà trai cũng như nhà gái đến dự đám cưới đều có phần thịt, bánh mang về.
+ Làm nhà mới:
Việc làm nhà mới với người Dao Quần Chẹt là rất quan trọng. Việc chọn địa điểm làm nhà là quan trọng hơn cả. Đồng bào thường làm ở nơi khuất gió, cao ráo, gần khe suối, gần ruộng nương thuận tiện cho việc lấy củi, hái rau.Nghi lễ chọn đất cũng rất được coi trọng, đồng bào quan niệm nếu gặp được điền lành khi chọn đất làm nhà thì sẽ gặp nhiều may mắn làm ăn gặp nhiều thuận lợi. Sau khi dựng nhà song, theo giờ tốt đã chọn, đồng bào sẽ làm lễ vào nhà mới như sau: một cụ già cầm đuốc đi trước, theo sau là chủ nhà và những người trong gia đình đem theo bàn thờ tổ tiên và một số đồ vật tượng trưng. Sau đó họ làm cơm để kính báo và mời tổ tiên về nhà mới cùng con cháu.
+ Tang ma: Người Dao Quần Chẹt có tục làm "ma tươi và" "ma khô". Đám ma tươi là làm đầy đủ các thủ tục trong một ngày một đêm ngay sau khi người chết tắt thở. Đám ma khô là ngay sau khi người chết tắt thở thì khâm liệm và chôn cất ngay trong ngày, đến khi nào con cháu có đầy đủ điều kiện thì mới tiến hành các nghi lễ đầy đủ như đám ma tươi. Người Dao Quần Chẹt không làm giỗ, chỉ cúng hồn người chết cùng vào các dịp: rằm, mùng một, mùng 3 tháng 3, cúng cơm mới, tết nhảy, đám chay, tét cùng năm, tết âm lịch.
Một số tín ngưỡng thờ cúng dân gian
+ Thờ cúng tổ tiên: Cũng như người Kinh, thờ cúng tổ tiên là một việc thờ cúng chủ yếu trong gia đình đồng bào người Dao, nhằm giáo dục, nhắc nhở con cháu luôn hướng về tổ tiên, cội nguồn, giữ gìn truyền thống gia tộc, dòng họ.
Theo quan niệm của người Dao tổ tiên là loại ma lành phù hộ con cháu, tuy nhiên nếu không thờ cúng cận thận tổ tiên cũng có thể bắt tội làm con cháu ốm đau bệnh tật. Thường người Dao thờ tổ tiên chín đời. Điều này thể hiện rõ trong các nghi lễ lớn như cấp sắc, tảo mộ hoặc trong các dịp tết của gia đình.
Việc lập bàn thờ tổ phải tuân thủ theo quy định rất nghiêm ngặt. Bởi vậy nó thể hiện bề dày truyền thống gia đình và cũng là niềm tự hào của truyền thống gia đình. Bàn thờ tổ luôn được đặt ở gian giữa nơi tôn nghiêm nhất trong nhà. Đằng trước hay bên cạnh bàn thờ người ta treo một cái trống bằng dây thừng hay da thú, dây này buộc lên thượng lương của nhà. Ngay trên vách cạnh bàn thờ người ta treo hai ống nứa hay hai túi vải đựng hai bộ tranh "Tam thanh lớn" và "Tam thanh nhỏ". Vì bàn thờ tổ là nơi tôn nghiêm nên phụ nữ đặc biệt là các cô dâu ít được gần nhà thờ, đặc biệt là không bao giờ được thắp hương hoặc bê lễ vật lên bàn thờ cúng. Ngay từ khi quét nhà người ta luôn luôn chú ý quay mặt về phía bàn thờ mà quét quay lui trở ra, quay lưng về phía bàn thờ bị coi như là một thái độ thiếu tôn kính đối với tổ tiên. Việc thờ cúng tổ tiên thường là do chủ gia đình hoặc con trai trưởng chủ trì. Nếu nhà không có đàn ông thì đến ngày lễ tết, đốt hương ở phen thờ, cúng lễ cũng phải nhờ đàn ông khác trong họ đến cúng.
+ Thờ cúng Bàn vương "Chẩu đàng": Thờ cúng Bàn vương là một tục lệ khá điển hình trong sinh hoạt của người Dao. Bàn Vương được đồng bào coi là thủy tổ của dòng họ nên việc thờ cúng Bàn Vương được người Dao coi như một việc làm có liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ và của cả dân tộc. Thường ngày, Bàn Vương được thờ cúng chung với tổ tiên của từng gia đình, từng họ. Trong các nghi lễ lớn lễ cấp sắc, tết nhảy... đều phải cúng Bàn Vương. Ngoài việc cúng Bàn Vương hàng ngày còn có những lễ cúng bàn vương riêng với các nghi lẽ chính sau: Lễ khuất, lễ cúng Bàn Vương, lễ tiễn đưa.Việc thờ cúng Bàn Vương không phải chỉ là sự chung thủy uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn của tổ tiên, mà còn là yếu tố văn hóa quan trọng được lưu truyền qua nhiều thế hệ của người Dao.
* Văn học dân gian: Dân tộc Dao vốn có một lịch sử và một nền văn hóa lâu đời, một nền văn học nghệ thuật và những tri thức dân gian rất phong phú, phản ánh lên cuộc đấu tranh dũng cảm và bền bỉ của người Dao. Trong các sáng tác dân gian của dân tộc Dao, văn học dân gian (Truyện cổ, thơ ca, câu đố, Hát, Múa, Tục ngữ, Vẽ...) chiếm phần lớn. Dân tộc Dao không có văn tự riêng nhưng họ sử dụng chữ Hán đã Dao hóa. Cùng với các tác phẩm truyền miệng còn có các tác phẩm khuyết danh bằng chữ nôm Dao. Các sáng tác bằng truyền miệng được diễn đạt bằng ngôn ngữ bình dân nên phong phú và khá phổ biến. Nội dung của văn học dân gian chủ yếu đề cập đến nguồn gốc của dân tộc Dao, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu trai gái, đề cao lao động, kinh nghiệm cuộc sống.
* Tri thức dân gian
+ Cách tính thời gian dân gian: Đối với người Dao, việc tính tớn thời gian rất quan trọng và phải tiến hành thường xuyên để biết thời vụ sản xuất, biết ngày tốt, ngày xấu, ngày cho phép khởi điểm các công việc có tính chất đặt nền móng, biết được những ngày kiêng kỵ không đi làm nương. Song đồng bào không có hệ thống lịch riêng mà chỉ dựa hoàn toàn theo cách tính lịch Trung Quốc. Cách tính tháng hoặc năm, người ta dựa vào chu kỳ mặt trăng như cách tính thời gian theo lịch âm của người Việt, cũng theo lục giáp ( 10 can, 12 chi ) và gọi tên theo tên 12 con vật.
+ Cách phán đoán thời tiết, khí hậu: Đồng bào Dao có một số kinh nghiệm phán đoán thời tiết, khí hậu để sản xuất cho kịp thời vụ. Những kinh nghiệm đó đã được đúc kết, tích lũy từ lâu đời trên cơ sở nhận xét sự thay đổi của các hiện tượng tự nhiên như: khi thấy " xâu kỉa piáo" ( kiến dọn tổ ) thì báo hiệu trời sắp mưa, nếu kiến ở bờ suối dọn tổ thì sắp có nước lũ. Hoa " xấu dòng phăng" ( rau muống rừng) nở đỏ rực, báo hiệu không lo rét trở lại , cấy lúa sớm......
+ Y học dân gian: dân tộc Dao đã tích lũy được nhiều vốn y học cổ truyền quý giá. Các vị thuốc chủ yếu hái lượm ở rừng, ít khi trồng sẵn. Có loại lấy rễ, có loại lấy lá hoặc vỏ, cũng có loại lấy quả hoặc hoa ... . Có vị thuốc sắc uống để chữa bệnh đường ruột, đau xương ...; có vị giã nhỏ để rịt hoặc bó hư chữa gẫy xương, vết thương nhỏ... ; có vị đem đun lấy nước tắm gội, rửa như các bệnh ngứa, lở loét, phù thũng... Nhìn chung có thể chia làm ba loại thuốc chính: thuốc bổ, thuốc trị bệnh và thuốc độc giết hại thú rừng.
* Nghệ thuật múa rùa của người Dao Quần Chẹt xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
I. Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn .
1. Vai trò, ý nghĩa của Tết nhảy.
" Tết nhảy " theo tiếng Dao gọi là "Nhiàng chầm đao”. Đây là tết riêng của mỗi gia đình, cũng mang tính dòng họ. Nghi lễ này nhằm mục đích luyện âm binh cho bộ tranh đại đường và cúng Bàn Vương để bảo vệ cuộc sống và sinh hoạt của gia đình. Vì vậy nó mang màu sắc tín ngưỡng tôn giáo rất rõ nét.
Mặc dù tết nhảy là tết riêng của gia đình, nhưng thực sự là tết của dòng họ, là những ngày vui của cả làng xóm và có lẽ là ngày tết ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời của mỗi người Dao. Đã từ bao đời nay, tết nhảy vẫn tồn tại như một sự kiện nhắc nhở con cháu nhớ về những gian nan của cha ông trong chuyến vượt biển tìm vùng đất mới khi xưa, lại vừa là một sinh hoạt văn hóa xã hội có tính chất cố kết cộng đồng. Bao tâm tình trao gửi để đôi lứa được nên duyên, để các làng xa, xóm gần của người Dao biết thêm về nhau. Cùng với đó qua dịp tết này, đồng bào trao truyền được nhiều bài cúng, bài múa cho các thế hệ sau.
Tết nhảy tuy mang màu sắc tôn giáo nhưng ít nhiều mang màu sắc văn nghệ. Sàn múa hát thực sự là sân khấu sinh hoạt văn hóa - văn nghệ của gia đình, của dòng họ và của xóm làng.
2. Công tác chuẩn bị.
* Thời gian: tổ chức tết nhảy thường được tiến hành vào tháng chạp, trước tết Nguyên đán vài ngày. Trước đây, đồng bào tổ chức Tết nhảy tốn kém hơn rất nhiều, thường phải làm liên tục trong ba năm. Năm đầu tiên làm một ngày một đêm, năm thứ hai làm hai ngày hai đêm, năm thứ ba làm ba ngày ba đêm. Đến nay, đời sống của nhân dân ngày càng tiến bộ, các hủ tục đã được loại bỏ bớt nên từ 15 năm trở đi, gia đình người Dao sẽ tổ chức tết nhảy một lần và thời gian tổ chức là 3 ngày 3 đêm. Gia đình ông Quyên do điều kiện kinh tế nên 18 năm mới tổ chức một lần.
* Công tác chuẩn bị:
Lễ vật: để chuẩn bị cho tết nhảy, người ta cần từ năm con lợn, mười con gà, hai trăm lít rượu, gạo một đến hai tạ. Phần lương thực này sẽ được chia cho các thành viên trong dòng họ chuẩn bị từ trước. Ngoài ra, còn cần loại gỗ không lõi, ít nhựa để đẽo mười ba đôi binh khí, gồm một đôi rìu, một đôi thuổng, một đôi xẻng, một đôi súng, một đôi thước có vẽ hình, còn lại là dao găm.
Đón thầy: Để tiến hành tết nhảy người ta mời hai ông thầy cúng: một thầy làm chủ đám gọi là "Sliêu ho" và một thầy múa gọi là " khoi tàn". Các thầy sẽ lo việc cúng bái và hướng dẫn mọi người cùng thực hiện các nghi lễ.
3. Tiến trình của tết nhảy.
Tết nhảy phải được tổ chức ở “nhà cái” tức là nhà có bàn thờ họ hay còn gọi là "Tì dạn”. Quá trình của tết nhảy cũng trải qua những bước như trong các nghi lễ khác của người Dao, đó là lập đàn tẩy uế, làm lễ khấn mời các thần thánh, Bàn Vương và gia tiên về dự lễ, tuyên bố lý do và báo cáo công việc cho tất cả thần thánh và gia tiên biết. Lễ này được thực hiện bằng các điệu múa mời như đưa đường, bắc cầu để đưa đón thần linh, tổ tiên về ăn tết. Sau khi cúng xin trời đất, tổ tiên phù hộ cho gia đình, bản làng một năm mới sức khoẻ, cầu cho mưa thuận gió hoà, công việc làm ăn thuận lợi và xin tổ chức Tết nhảy, thầy cầm “trảo” (mang ý nghĩa như đồng tiền xin âm dương) giơ lên và ném mạnh xuống đất, khi nào hai mảnh cùng ngửa là dương thì tổ tiên mới đồng ý cho làm Tết nhảy. Tiếp đó, hai thầy đốt giấy vàng để gửi tiền cho các cụ, để các cụ công nhận cho gia đình tổ chức Tết nhảy.
Tết nhảy là nhảy múa và khấn tụng được tổ chức liên tục trong suốt những ngày đêm làm tết. Vào nghi lễ đầu tiên, mọi người chuẩn bị múa “Lạp lì lò sất sảy” dịch ra tiếng Việt là điệu múa kể về nguồn gốc của tết nhảy. Tết nhảy được tổ chức để trả ơn và thực hiện lời hứa trước kia của tổ tiên người Dao với thánh thần đã cứu giúp cộng đồng ở phía Bắc vượt biển Đông vào Việt Nam an toàn. Mở đầu thầy cả đứng đọc to cho mọi người nghe về nguồn gốc của tết nhảy và cũng là đọc lại lịch sử cho tổ tiên chứng kiến. Cùng lúc đó, thầy phụ đứng lên múa cùng tốp từ 8 đến 10 người và có thể đông hơn (không hạn chế số lượng). Mỗi người múa tay đều cầm cờ, trống chiêng, chũm chọe, ... múa theo điệu quay. Những người múa không phân biệt lứa tuổi, bất cứ ai cũng có thể tham gia không kể người già, trẻ em, người trong làng, ngoài làng, người ngoài họ hay người trong họ. Đây là điệu múa có tính chất dạo đầu của tết nhảy.
Kế tiếp là điệu múa kiếm hay còn gọi là múa ra binh vào tướng, múa đánh nhau. Người nào cũng cầm kiếm trong tay hoặc dắt kiếm bên người. Trong điệu múa này bao gồm các bước ra kiếm, chạy kiếm, mài kiếm và thu kiếm. Có thể nói đây là điệu múa võ rất khỏe khoắn, nhịp nhàng theo tiếng trống, thanh la, não bạt trầm hùng như tái hiện lại những trang sử vẻ vang, oanh liệt của cha ông xưa trong quá trình đấu tranh chống lại giặc giã. Điệu múa này được múa liên tục trong 3 ngày 3 đêm với tất cả 12 lần múa xen kẽ với điệu múa rùa.
Sau đó là điệu múa "chạy cờ”. Điệu múa này với hàm ý binh lính đã tập luyện xong, các thần kiểm quân, duyệt binh, chỉnh đốn hàng ngũ. Số người tham gia điệu múa này rất đông, người cầm cờ đi trước, người cầm dao, cầm kiếm đi sau. Người ta xếp thành hàng dài, chạy chầm chậm rồi nhanh dần, chạy theo hình chữ “Z” rồi chạy theo vòng tròn theo tiếng trống, chiêng dồn dập, thúc giục. Điệu múa này diễn ra để thể hiện sự hùng dũng, tái hiện lại trang sử hào hùng của tộc người Dao trong quá trình vượt biển.
Tiếp theo là điệu múa “Pẻo tộ” dịch sang tiếng Việt là điệu múa rùa hay còn gọi là múa ba ba. Nội dung điệu múa này diễn tả quá trình: chuẩn bị, tìm kiếm rùa, đuổi rùa, bắt rùa, thịt rùa, … để dâng lên các thần. Múa rùa do trai làng thực hiện dưới sự dẫn dắt của thầy khi được thần thánh nhập vào. Đội múa lấy người lẻ nhưng không quy định rõ số lượng, người ta cho rằng càng đông người múa càng đem lại nhiều may mắn cho dòng họ. Trong khi ông "khoi tàn" cùng các thanh niên múa thì những người ở ngoài đánh trống, thanh la, não bạt tạo không khí vui nhộn. Điệu múa này được múa 6 lần vào các thời điểm khác nhau trong 3 ngày diễn ra nghi lễ. Điệu múa này mang tính chất nhớ ơn của cộng đồng người Dao với loài rùa đã giúp đỡ họ trong những lúc khó khăn.
Cuối cùng là điệu múa sản xuất diễn tả quá trình lao động của người Dao từ lúc phát nương cho đến lúc thu hoạch với những động tác rất gần gũi trong sản xuất như phát cây, chọc lỗ, tra hạt, gặt, phơi phóng, xay gạo, thổi nấu... Tất cả các động tác này được mọi người múa một cách thuần thục. Mở đầu cho điệu múa này một người cầm đao khua xung quanh thể hiện việc phát cây, chuẩn bị nương rẫy, sau đó tay phải cầm cây được vót nhọn một đầu tay trái cầm nắm thóc vừa đi vừa múa thể hiện công việc trọc lỗ tra hạt. Kết thúc điệu múa này là những động tác gặt lúa, những người múa tay cầm liềm liên tay gặt mô phỏng còn những người xung quanh múa biểu hiện việc thu và gánh lúa về nhà. Điệu múa này thể hiện sự khó nhọc của người dân khi làm ra hạt gạo.
Sau khi múa xong, ông "sliêu họ" thầy chủ đám, mặc áo thầy cúng đi ra ngoài sân lấy tù và thổi khấn Ngọc Hoàng thượng đế xuống chứng giám buổi lễ. Sau khi tiễn Ngọc Hoàng thượng đế về Thiên đình. Các thầy cúng bắt đầu làm lễ "chiêu binh". Ông "sliêu họ" khấn mời các thánh thần cùng với Bàn Vương và gia tiên về ngự tại bàn thờ tổ tiên, rồi niệm phép thu thánh tướng và âm binh vào một thanh kiếm hay con dao găm, sau đó đặt thanh kiếm ấy lên mu bàn chân và hất mạnh lên bàn thờ tổ tiên, cho đến khi nào thanh kiếm nằm gọn trên bàn thờ. Liền sau đó họ bắt đầu mổ lợn để cúng cầu mong Bàn Vương và các thánh thần luôn luôn phù hộ cho gia đình, cầu mong cho gia tiên luôn bảo vệ con cháu, cầu mong thánh tướng giúp sức trong việc cúng bói, làm ma chay và cầu âm binh luôn luôn bảo vệ cuộc sống và sinh hoạt của gia đình.
Tất cả các điệu múa trong tết nhảy rất độc đáo, mang tính hình tượng cao. Động tác múa được thực hiện chính xác, liên tục, khéo léo, tinh tế và độc đáo. Người xem không nhận thấy sự thay đổi giữa các điệu múa mà có cảm giác như đang xem một tổ hợp các điệu múa cổ truyền vừa kỳ ảo vừa tưng bừng của tộc người Dao. Múa ở đây có sự đan xen hòa quyện giữa yếu tố lao động trần thế và tôn giáo thể hiện sự giao hòa giữa hai thế giới. Những điệu múa, lời hát trong tết nhảy thường hướng đến những điều tốt lành, hạnh phúc.Trong Tết nhảy, mỗi người phải nhảy múa đến hàng trăm lượt, múa liên tục cả ngày cả đêm, ai mệt thì ra, người khác sẽ thay thế. Trong các điệu múa đó thì điệu múa đặc trưng, vui nhộn nhất là điệu múa rùa. Múa rùa diễn ra trong không khí vui tươi, những động tác múa nhịp nhàng, khỏe khoắn của các chàng trai miêu tả lại việc đuổi rùa, tìm rùa, bắt rùa, giết rùa. Múa rùa là một nét đẹp, thể hiện tính phồn thực và mối giao hòa trong cộng đồng dân tộc. Trong chuyên đề nghiên cứu này, chúng tôi chỉ đi sâu khai thác điệu múa rùa trong tết nhảy để góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của tộc người Dao nói riêng cũng như văn hóa phi vật thể các tộc người khác ở Yên Bái nói chung.
II. Nghệ thuật múa rùa.
1. Nguồn gốc của điệu múa rùa.
Múa rùa là một trong những điệu múa độc đáo và quan trọng gắn liền với Tết nhảy của người Dao. Điệu múa này đã có từ xa xưa, truyền thuyết kể rằng ở một khu rừng nọ có một loài ác thú đến phá phách nhà cửa, nương rẫy của một dòng họ người Dao. Dân làng chống trả kiên cường nhưng không thắng nổi. Bỗng nhiên từ dưới suối xuất hiện một đàn rùa, chúng tiến đến nơi cuộc giao chiến đang diễn ra để bênh vực, bảo vệ và giúp đỡ người Dao thoát khỏi tai ương. Lũ ác thú điên cuồng dùng đá, gậy tấn công rùa nhưng vốn có chiếc mai cứng nên dù có tấn công thế nào, ác thú cũng không thể làm rùa bị thương. Thừa lúc ác thú sơ hở, đàn rùa bèn giương cổ dài, há miệng to cắn vào chân chúng. Ác thú không thể tháo chạy được nên đã bị dân làng dùng súng, gậy gộc đánh hạ gục. Cuối cùng ác thú cũng đã bị đàn rùa và dân làng tiêu diệt hết. Nhờ sự giúp sức của rùa người Dao thoát khỏi hiểm họa và bình an trong cuộc sống.
Từ đó, người Dao luôn nhớ đến công ơn của loài rùa và coi loài rùa là loài động vật thông minh, dũng cảm có thể giúp đỡ con người thoát khỏi nguy hiểm. Người Dao đã lấy đồng nhờ thần núi đúc thành hình con rùa - đó chính là cái chũm chọe được dùng trong các lễ tiết quan trọng, đặc biệt là tết nhảy. Vì loài rùa có công lao lớn đối với người Dao nên họ coi chúng là con vật qúy dùng để dâng cúng các thần. Vì vậy, từ đó điệu múa rùa ra đời nhằm phục vụ đời sống tâm linh tín ngưỡng của đồng bào Dao nói chung và Dao Quần Chẹt nói riêng. Điệu múa này mang tính cộng đồng cao.
2. Công tác chuẩn bị.
* Thời gian: múa rùa là một phần trong nội dung chính của tết nhảy, nên múa rùa được tổ chức từ ngày 21 - 24/12/2013 âm lịch.
* Địa điểm: tại nhà Ông Triệu Như Thành, thôn Đá Gân, xã Cát Thịnh, Huyện Văn Chấn.
* Thành phần tham gia: gia đình ông Triệu Như Thành
Hai thầy cả: thầy Dương Trung Vượng: 67 tuổi, thầy Dương Kim Thành: 36 tuổi.
và tất cả các thanh niên trong cộng đồng tham gia.
Thầy phụ: Triệu Đức Phiến: 32 tuổi.
Số lượng người múa: 10 người
Số lượng người giúp việc: 15 người.
* Lễ vật: Một bát nước; Một bát hương; Một vuông vải trắng; Một nắm gạo; Một cái bát; Đồng bạc trắng; Quần áo thầy cúng; Chuông hoặc chũm chọe; Cờ giấy đuôi nheo.
3. Tiến trình múa.
Mở đầu cho điệu múa rùa một người có uy tín trong làng được chọn làm thầy lên đồng, tay cầm âm dương múa cúng mời các cụ để mời các vị thần linh về dự. Khi điệu múa mời đang tiếp diễn thì thầy lên đồng (từ trong đám đông ngồi xem, hét rồi nhảy vào) tiến về phía bàn thờ Tổ (tượng trưng cho gia tiên và các thần về dự lễ). Thầy lên đồng xem xét, suy tư bằng động tác thể hiện: mắt lim dim, đầu lắc lư, miệng lẩm bẩm, chân nhún nhảy, tay phải để lên trán còn tay trái cầm nắm gạo để đi chọn người vào múa rùa (chạy rùa). Khi chọn được người ưng ý để chạy rùa thầy lên đồng sẽ ném gạo vào người đó thể hiện thần linh đã chọn người đàn ông đó vào tham gia múa rùa. Sau khi thầy đồng chọn song người chạy rùa thì tay cầm cờ cùng hòa vào đoàn chạy rùa. Đoàn múa rùa gồm tám người bao gồm cả thầy cả và thầy lên đồng. Theo quan niệm của người Dao Quần Chẹt chỉ có tám người được múa ở điệu múa này vì đây là những người đại diện cho tám dòng họ chính của người Dao. Trong tám người thì có bốn người cầm chuông, bốn người cầm thanh la. Thầy cả và thầy phụ mặc áo cà sa đầu đội mũ tam nương, những người còn lại mặc áo the màu đỏ và đen. Thầy cả đi đầu hàng còn thầy lên đồng đi cuối. Lần múa thứ nhất với tám thành viên, năm lần múa sau, mỗi lần chỉ múa với 6 thành viên và vẫn lần lượt múa đầy đủ các động tác như lần đầu đầu.
Các điệu múa được tiến hành theo thứ tự: đuổi bắt rùa, lừa rùa vào ao, bắt rùa, lật rùa, đạp mai rùa, luồn vị môn rùa, làm thịt rùa, băm rùa, dâng rùa, ....
Đàn múa tìm bắt rùa. Trước khi vào múa rùa, người ta phải chuẩn bị các vật dụng sử dụng trong nghi lễ và lập đàn múa rùa.
* Chuẩn bị các vật dụng khi làm lễ: Để lập được đàn múa rùa, gia đình phải chuẩn bị một số vật dụng như:
- Một chiếc ghế nhỏ: dùng để các vật cúng.
- Một bát hương làm bằng ống tre, thể hiện nơi trú ngụ của rùa.
- Một chén nước: thể hiện hồ xuân thủy để các vị thần linh rửa chân tay khi về dự lễ.
- Mũ thành hoàng: mũ này có ba hình ảnh Phật tam nương, bịt kín năm góc. Mũ này dùng để chụp lên bát hương và chén nước thể hiện ao để bắt rùa.
- Hai cây gậy để đuổi rùa.
- Hai cờ giấy đuôi nheo được cắm trên mũ tam nương thể hiện là cờ của rùa.
Đàn này được lập ở giữa sàn múa. Họ để tất cả các lễ vật lên ghế và đặt chiếc mũ của thầy cả lên trên. Xung quanh ghế cắm hai gậy của thầy cúng và bốn cờ giấy đuôi nheo ở bốn góc. Đây là đàn cúng với ý niệm linh thiêng gọi hồn rùa về và cầu mong bắt được rùa để dâng lên các thánh thần.
* Điệu múa chọc đuổi bắt rùa:
Đây là điệu múa đầu tiên trong đàn tìm rùa. Họ đi vòng quanh đàn múa theo nhịp chậm vừa phải, hòa với nhịp của nhạc cụ cũng như vậy. Đó chính là sự dò tìm, chú ý xem rùa ở đâu. Tất cả mọi người đi vòng quanh đàn theo chiều kim đồng hồ rồi lại quay ngược lại, cứ đi như thế 7 vòng. Mở đầu mọi người thực hiện động tác tìm hang rùa. Sau khi đã tìm và phát hiện được hang rùa thì đoàn người múa động tác chọc bắt. Để chọc bắt rùa, trên tay mỗi người đều cầm que múa khua đi khua lại thể hiện động tác đang chọc bắt rùa trong hang sâu. Cùng với không khí sôi động của động tác trọc bắt rùa thì bên ngoài tiếng trống, chũm chọe diễn ra rộn rã, dồn dập liên hồi hối thúc bước chân của người múa ngày càng nhanh. Sau đó mọi người tiếp tục lượn nhanh ba vòng quanh đàn múa. Mỗi vòng dừng một lần, cúi người, giơ hai tay đang điều khiển nhạc cụ dồn dập gần sát đàn múa với ý để đuổi bắt rùa. Tiếp đó họ đảo vòng, khom lưng, giơ tay vào gần đàn múa chạy ba vòng miệng hô nhau với ý đoàn kết, phối hợp cùng nhau để bắt được rùa.
*Điệu múa lừa rùa vào ao:
Sau khi tìm thấy rùa thì tất cả mọi người lừa rùa vào ao cho dễ bắt. Tám người đứng thành bốn cặp tay cầm chuông và thanh la vừa đi vừa múa, lúc đầu họ đi bốn vòng theo chiều tay trái. Cứ đi được một vòng thì người ta lại dừng để múa, tay dùng chuông và thanh la khua xung quanh, gõ hai bên từ trái sang phải sau đó từ từ đưa vào trong, sau khi đi sang trái bốn vòng thì lại tiếp tục lặp lại các động tác đó theo chiều tay phải bốn vòng nữa, lượt múa này múa trong vòng 30 phút. Điệu múa lừa rùa vào ao được múa hai lần, mỗi lần múa một khác. Lần hai những người múa lại tiếp tục đi vòng quanh theo chiều tay trái rồi tiếp tục theo chiều tay phải, nhưng lần này những người múa lại đưa chuông và thanh la từ trán đưa xuống dưới, người lắc lư theo tiếng chuông, trống và thanh la. Tất cả những người múa đều đi theo sự chỉ đạo của thầy cả thể hiện bằng tiếng chuông và thanh la. Điệu múa này với mục đích lừa rùa vào ao đã được chuẩn bị sẵn cho dễ bắt.
* Điệu múa bắt được và lật rùa:
Sau khi múa song điệu múa tìm, chọc rùa và lừa rùa vào ao thì mọi người lại tiếp tục với các động tác múa bắt được và lật rùa. Để thể hiện động tác này đoàn người múa nhảy chân sáo ba vòng xuôi và ba vòng ngược lại với ý lật rùa lên. Tiếp theo là nhảy ngồi quanh đàn múa ba vòng, hai tay điều khiển nhạc cụ đưa gần sát mặt đất với ý nghĩa chộp bắt được rùa, tiếp đến đưa tay hất từ dưới mặt đất ngược lên với ý nghĩa đã bắt được rùa rồi ngồi chặn lên rùa cho khỏi chạy. Sau khi bắt được rùa họ thực hiện bước khóa rùa, tất cả mọi người đi thành vòng tròn nhỏ, tay giơ thanh la và chuông lên cao, bước chân dồn dập hơn. Động tác khóa rùa được thực hiện bốn lần, được múa ở bốn góc. Sau khi khóa song đoàn người tiếp tục đi vòng quanh để chạy rùa. Các động tác múa bắt rùa, khóa rùa và lật rùa thể hiện sức mạnh, sự khỏe khoắn của người đàn ông Dao. Những người tham gia vào điệu múa này đều là những người đàn ông khỏe mạnh. Kết thúc cho đàn múa thứ nhất là điệu múa nâng rùa lên lưng và đeo rùa. Thể hiện điệu múa này mọi người đi vòng quanh đàn ba vòng, sau mỗi vòng dừng lại một lần, cúi xuống mặt, đối mặt theo từng đôi, kết hợp với điều khiển chuông kêu leng keng, mọi người dùng tay giả làm động tác cùng nhấc rùa từ mặt đất lên lưng nhau. Tiếp theo họ lại đi vòng quanh đàn múa ba vòng nữa, mỗi vòng đi họ cũng dừng lại, từng đôi múa quay lưng đối diện, một người cúi khom thấp, một người lại ngửa người lên để lưng đè lên lưng người cúi và ngược lại. Trên tay mọi người điều khiển chũm chọe nhanh, rộn rã cùng với tiếng cười vui, hò hét tạo nên không khí sôi nổi của lễ hội. Kết thúc đàn múa tìm bắt rùa mọi người cùng nhau đi vòng tròn quanh đàn cùng vui vẻ hát múa, reo hò theo điệu nhạc. Động tác khóa rùa tuy đơn giản nhưng phải giao cho người rất thông thạo dẫn đầu mới thể hiện được động tác trói rùa thật chuẩn. Những động tác múa trên thể hiện sự khỏe khoắn, nhanh nhẹn, sắc bén của những người đàn ông Dao. Khi đã lừa được rùa vào ao, họ dễ dàng bắt được rùa và lật rùa lên lưng mang về làm thịt dâng lên các vị thần linh để tỏ lòng tôn kính của tộc người.
* Đạp hoa rùa: Theo quan niệm của người Dao trên mai rùa có hoa văn nên sau khi bắt song rùa thì họ tiếp tục múa điệu đạp hoa trên mai rùa. Điệu múa này được múa 5 lần, tất cả những người múa đứng thành vòng tròn. Sau đó các cặp đứng đối diện đạp chân vào nhau, sau khi đạp chân vào nhau được bốn lần họ đổi chỗ cho nhau và tiếp tục đạp chân vào nhau, họ múa thành vòng tròn múa 5 lần đạp hoa, múa ở giữa và tiếp tục ở bốn góc. Điệu múa đạp mai rùa thể hiện lòng đoàn kết của nhân dân.
Đàn múa dâng rùa
* Luồn khóa rùa và mở vị môn rùa:
Mở đầu cho đàn múa này là điệu múa luồn khóa và mở vị môn rùa. Lễ vật gồm có bảy khúc chuối cắt lát dày khoảng 10 - 15cm thể hiện là những con rùa, 2 gậy thờ, 5 kiếm cắm lên các khúc chuối tượng trưng cho những người bị thần linh bắt để luồn vào vị môn rùa, khoảng cách con nọ cách con kia khoảng 50cm. Tất cả những người múa lượn vòng quanh các con rùa hình tượng theo hàng chiều dọc rồi lại theo hàng chiều ngang. Tuy động tác này khá đơn giản nhưng điệu múa đòi hỏi sự khéo léo, uyển chuyển sao cho nhịp âm thanh trên tay, nhịp nhảy của chân. Đoàn múa đi lần lượt luồn theo tay trái chín lần, mỗi lần khóa đi hai vòng, tay đưa chuông và thanh la từ trên chán rồi đưa vào trong. Luồn khóa vị môn rùa để tránh rùa bắt người. Sau khi luồn khóa vị môn rùa song thì lại tiếp tục mở khóa vị môn rùa. Mở khóa vị môn rùa cũng múa như khóa vị môn rùa nhưng tay đưa chuông lại khác đưa lên chán rồi đưa ra ngoài. Những động tác múa này thể hiện sự khỏe khoắn, sức mạnh của người Dao. Điệu múa này mang ý nghĩa tránh cho rùa phá hoại và bắt người.
* Làm thịt rùa và dâng rùa:
Sau khi bắt được rùa khóa rùa và đeo rùa về người ta mở khóa rùa để mổ, băm rùa dâng lên Bàn Vương, thánh thần và gia tiên. Trong điệu múa này mọi người đi khoan thai, tay cầm chũm chọe lắc theo nhịp đi để diễn tả ý người ta đếm xem còn bao nhiêu con rùa và trói nó lại để dâng lên các thần. Theo quan niệm của người Dao rùa là con vật thông minh, dũng cảm nên họ bắt để dâng lên cho các vị Bàn Vương, thần thánh và gia tiên một cách thành kính. Tiếp đến là điệu múa mổ rùa, tất cả mọi người chạy quanh lễ vật, lưng hơi khom, đầu cúi xuống thể hiện tư thế đang thịt rùa. Sau khi thịt song, họ tiếp tục chế biến, những người múa tay cầm thanh la gõ liên tục thể hiện là những tiếng băm rùa. Sau khi băm rùa song tiếp tục lại múa ăn rùa, những người múa tay gõ mạnh vào chiếc mũ tam nương đi theo vòng tròn, múa ăn rùa đi một vòng.
Kết thúc cho điệu múa rùa là tháo hoa của rùa, sau đó đuổi rùa chạy ra. Trong điệu múa tháo hoa rùa thì từng đôi đối diện nhau một người cầm chuông, một người cầm thanh la đứng đạp chân vào nhau, đạp chân trái năm lần sau đó đạp chân phải năm lần, mỗi lần múa song lại đổi vị trí hai lần. Những người múa tay cầm thanh la, chuông gõ liên hồi, bước đi uyển chuyển. Cuối cùng là múa đuổi rùa tám vòng, mỗi vòng lại có một người xoay vòng tròn thể hiện động tác lùa đuổi rùa ra khỏi ao. Động tác này múa để thể hiện một vòng múa rùa mới lại sắp được thực hiện.
4. Giá trị của điệu múa rùa
Điệu múa "Pẻo tộ" dịch sang tiếng Việt gọi là điệu múa rùa. Điệu múa này gắn liền với tết nhảy của tộc người Dao. Múa rùa là điệu múa mô phỏng, cách điệu các động tác tìm, xua rùa, lừa rùa vào ao, bắt rùa, lật rùa, đạp mai rùa, luồn khóa vị môn rùa, dâng rùa.... Đây là điệu múa rất độc đáo và mang tính hình tượng cao thể hiện lòng mong ước những điều tốt lành, hạnh phúc đến với gia đình và dòng họ.
Giá trị lịch sử: điệu múa rùa có lịch sử lâu đời trong đời sống xã hội cộng đồng, phản ánh quá trình lịch sử, đặc điểm kinh tế, văn hoá, xã hội của tộc người rất rõ nét. Qua các bước chuẩn bị, hình thức múa, các điệu múa đã giúp các nhà nghiên cứu có thêm tri thức dân gian về đời sống vật chất cũng như tinh thần của cộng đồng người Dao. Ngoài ra, múa rùa mang màu sắc văn nghệ vui khỏe của tộc người. Đây cũng là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của tộc người.
Giá trị văn hóa - xã hội: điệu múa rùa mang giá trị nghệ thuật độc đáo liên tục được kế thừa và phát huy trong nghi lễ tết nhảy, do đó nó có giá trị duy trì thuần phong mỹ tục của cộng đồng. Qua điệu múa này còn thể hiện quan niệm của cộng đồng về thế giới tâm linh, thể hiện những đặc điểm tôn giáo - tín ngưỡng của tộc người, thể hiện các đặc trưng văn hoá, những tập quán riêng biệt của cộng đồng.
Giá trị nghệ thuật: điệu múa rùa được diễn ra trong không khí vui tươi của ngày hội lớn, những động tác múa nhịp nhàng, khỏe khoắn. Nghệ thuật múa này còn là một phong tục đẹp, thể hiện tính phồn thực và mối giao hòa trong cộng đồng tộc người. Vì vậy, nó có một sức mãnh liệt trong đời sống văn hóa của tộc người Dao.
Giá trị giáo dục: nghệ thuật múa rùa trong tết nhảy thể hiện tính giáo dục cao bởi nó luôn ôn lại truyền thống của lịch sử tộc người, giáo dục các thế hệ con cháu về lòng biết ơn tổ tiên, về sự đền đáp công ơn tổ tiên.
Múa rùa là một nghệ thuật dân gian thể hiện tính phồn thực và mối giao hòa trong cộng đồng dân tộc. Qua điệu múa này, người Dao muốn gửi gắm ước nguyện cầu mong Bàn Vương phù hộ cho gia đình, dòng họ, bản làng được sống yên vui, hạnh phúc, mùa màng cây cối bội thu. Chính vì vậy, nên múa rùa có một sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa của người Dao.
Điệu múa rùa mang giá trị nghệ thuật độc đáo liên tục được kế thừa và phát huy trong nghi lễ tết nhảy, do đó nó có giá trị duy trì thuần phong mỹ tục của cộng đồng.
Nhìn chung, múa là một thành tố nghệ thuật văn hoá trong đời sống của cộng đồng người Dao, rất phong phú về thể loại. Nó còn mang tính giáo dục, sự kế thừa nền văn hoá truyền thống và đã trở thành một bộ phận quan trọng trong kho tàng văn hoá nghệ thuật của người Dao. Đặc biệt, đây là hình thức sinh hoạt văn hoá không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của đồng bào Dao. Bên cạnh các điệu múa như là hình thức tái diễn lại những nội dung gắn liền với lịch sử của dòng tộc, người Dao còn có các hình thức múa thể hiện những hoạt động, những động tác đơn giản trong lao động, sản xuất, trong cuộc sống đời thường. Đó là những điệu múa thể hiện các động tác cày, cuốc, trồng lúa, gặt lúa, cuốc đường, lăn đường, xúc đất…rất quen thuộc trong lao động hàng ngày của người Dao.
(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)
Ban Biên tập Cổng TTĐT
5292 lượt xem
Cổng thông tin điện tử tỉnh - Múa rùa là một trong những điệu múa độc đáo và quan trọng gắn liền với Tết nhảy của người Dao. Đây là hình thức sinh hoạt văn hoá không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của đồng bào Dao. Bên cạnh các điệu múa như là hình thức tái diễn lại những nội dung gắn liền với lịch sử của dòng tộc, người Dao còn có các hình thức múa thể hiện những hoạt động, những động tác đơn giản trong lao động, sản xuất, trong cuộc sống đời thường. * Khái quát về tộc người Dao ở tỉnh Yên Bái
I. Khái quát về tộc người Dao ở tỉnh Yên Bái.
Trong 12 tộc người có dân số tương đối đông sinh sống ở Yên Bái, người Dao là dân tộc có dân số khá đông, hiện nay có khoảng 83.888 người, chiếm 11.32% dân số toàn tỉnh (Theo số liệu tổng điều tra 1/4/2009). Địa bàn cư trú của người Dao chủ yếu ở rẻo giữa - nơi tiếp giáp giữa vùng thấp và vùng cao. Đồng bào sống tập trung huyện Văn Yên, huyện Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn và Trấn Yên.
Người Dao ở Yên Bái có nhiều tên gọi khác nhau như: người Động, người Xá, người Mán,... Người Dao tự gọi mình là “Kiềm miền” (tức là người ở rừng).
Người Dao hiện sinh sống ở tỉnh Yên Bái có 4 nhóm chính là: Dao Đỏ (còn gọi là Dao Sừng, Dao Đại Bản), Dao Quần Chẹt (còn gọi là Dao Nga Hoàng, Dao Sơn Đầu), Dao Quần Trắng và Dao Làn Tuyển (còn gọi là Dao Tuyển). Để phân biệt các nhóm Dao, chủ yếu dựa vào sự khác nhau trong bộ trang phục của phụ nữ.
Các nhóm Dao cũng có sự khác nhau ít nhiều về tiếng nói song đều thuộc nhóm ngôn ngữ Hmông – Dao (nằm trong ngữ hệ Nam Á).
Hình thái kinh tế chủ yếu của người Dao ở Yên Bái là sản xuất nông nghiệp với hai loại hình: lúa nương và lúa nước. Trong đó lúa nước chiếm tỷ lệ ít hơn. Ngoài ra, đồng bào còn trồng một số loại cây hoa màu như ngô, sắn,... Rau của người Dao có các loại bầu, bí, mướp đắng, các cây họ đậu, khoai, củ từ, dưa gang,.... Đặc biệt ở người Dao Yên Bái phát triển mạnh 2 loại cây công nghiệp đó là cây quế và cây chè. Ngoài cây lúa, hoa màu, quế và chè đồng bào còn có thu nhập thêm từ chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà...
Người Dao có các nghề thủ công truyền thống phong phú, đa dạng và phát triển rất sớm, nổi bật là làm giấy dó, dệt vải, nhuộm chăn, in và thêu hoa văn trên vải, đan lát các đồ đựng bằng tre, nứa, giang, mây song, nghề rèn. Nghề rèn của đồng bào Dao cũng phát triển, chủ yếu là các nông cụ như: dao, cuốc, cào cỏ, lưỡi cày. Nghề làm đồ trang sức bằng bạc, sanh căng và bằng đồng làm thành vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, nhẫn, xà tích.
Đồng bào Dao thường dựng nhà gần các con suối và ở tập trung thành từng bản riêng biệt hoặc xen cư với các tộc người khác. Ở người Dao Yên Bái hội tụ đầy đủ 3 loại hình nhà ở đó là: nhà sàn của nhóm Dao quần trắng, nhà đất của nhóm Dao Đỏ và nhà nửa sàn nửa đất của nhóm Dao Nga hoàng và Dao Tuyển. Hiện nay, những gia đình người Dao có cuộc sống khá giả đã xây nhà theo kiểu mới.
Trang phục truyền thống của người Dao Yên Bái đặc sắc và nổi bật ở nghệ thuật trang trí trên quần áo với mô típ hoa văn cây cỏ, động vật, hình người, hình chim, kết chữ Hán được cách điệu rất sinh động. Trang phục đàn ông thường có hai loại: áo ngắn mặc hàng ngày và áo dài mặc trong lễ hội, lễ cấp sắc hay đám cưới. Trang phục nữ phong phú hơn với những trang trí hoa văn truyền thống, đầu đội khăn.
Văn hoá ẩm thực của người Dao đơn giản, thức ăn chính của người Dao là cơm tẻ, thực phẩm hàng ngày chủ yếu là các loại rau hái trong rừng, măng, mộc nhĩ và các loại thảo mộc khác. Ngày nay, đồng bào đã trồng nhiều loại rau khác nhau ngay tại vườn nhà để phục vụ nhu cầu hàng ngày khi không vào rừng hái rau. Các loại gia súc, gia cầm được nuôi chủ yếu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình cũng như những tín ngưỡng dân gian của đồng bào. Các món ăn chủ yếu của người Dao trong ngày thường được chế biến theo kiểu luộc và xào, thỉnh thoảng cũng nướng và lam.
Các hoạt động sinh hoạt xã hội – gia đình của người Dao ở Yên Bái cũng rất phong phú và đa dạng. Các nhóm Dao đều thờ cúng tổ tiên và thờ Bàn Vương. Thờ cúng tổ tiên là việc thờ cúng chủ yếu trong gia đình. Bàn Vương được coi như thủy tổ của các dòng họ nên cũng cúng bái chung với tổ tiên. Cùng với phong tục cúng Bàn Vương thì người Dao còn có nghi thức “cấp sắc”. Đây là một tục lệ phổ biến và bắt buộc đối với tất cả đàn ông Dao. Một trong những nghi lễ rất quan trọng phải nhắc đến đó là "Tết nhảy” (Nhiàng chầm đao). Nghi lễ này nhằm mục đích cúng Bàn Vương và luyện binh tướng (âm binh) để bảo vệ cuộc sống và sinh hoạt gia đình.
Hôn nhân của người Dao Yên Bái có nhiều nghi thức độc đáo và đặc sắc, nhiều hình thức sinh hoạt truyền thống được thực hiện trong đám cưới đặc biệt là hát đối đáp giữa nhà trai và nhà gái. Đây là một nghi thức sinh hoạt truyền thống vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay. Tục cưới xin của người Dao phải trải qua nhiều nghi lễ khá phức tạp, mỗi nhóm có những nghi lễ riêng. Thường thì hôn lễ của người Dao được tiến hành qua các bước sau: nhà trai đến nhà gái xin so tuổi đôi nam nữ; nhà trai báo cho nhà gái biết kết quả so tuổi của đôi nam nữ; định ngày cưới và dâng lễ; lễ cưới và lại mặt. Người Dao thường có tục ở rể 3 năm, sau đó mới được ở riêng hoặc về nhà trai ở hẳn.
Tang ma là một trong những nghi lễ rất quan trọng trong chu kỳ vòng đời của người Dao phản ánh nhiều tục lệ từ xa xưa. Đồng bào Dao quan niệm rằng con người có phần hồn và phần xác, khi nào phần xác bị hại nặng quá thì người bị chết. Một đám tang của người Dao thường có các các nghi lễ sau: Lễ khâm niệm, lễ xôi gà và lập bàn thờ (lễ cấp thủy và dâng rượu, gia súc); lễ làm chay, lễ nhập quan yểm bùa, lễ đưa đám, lễ hạ huyệt và lễ cúng cơm. Hầu hết các nhóm người Dao ở Yên Bái không có tục cải táng người chết. Đồng bào rất kiêng kỵ việc dựng vợ gả chồng cho con hay làm nhà mới, trồng cấy, gieo hạt giống trùng với ngày mất của người thân. Lễ làm chay cho người chết diễn ra sau nhiều năm, thường được kết hợp với lễ cấp sắc cho một người đàn ông nào đó đang sống trong gia đình.
Người Dao Yên Bái đều có vốn thơ ca dân gian rất phong phú, đồng bào hát "Páo dung" (Pá dung, Pả dung) gợi nhớ lịch sử, xã hội tộc người, ca ngợi tình yêu lứa đôi, yêu thiên nhiên, thế giới động vật, ca ngợi sản xuất dưới nhiều hình thức sinh hoạt phong phú và còn gắn vào những bài hát giáo lý, xã hội, gia đình. Người Dao có rất nhiều chuyện cổ tích kể về mọi hiện tượng xảy ra trong xã hội, thiên nhiên. Các câu chuyện đều mang tính giáo dục sâu sắc, anh em phải sống hòa thuận, yêu thương nhau.
Ngày nay truyền thống văn hóa dân gian luôn được bảo tồn, khai thác, phát huy trong sản xuất và phát triển kinh tế xã hội, cùng với các tộc người khác trong tỉnh tộc người Dao cũng đang góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc và phát triển quê hương Yên Bái ngày càng giàu đẹp hơn.
II. Khái quát về người Dao ở huyện Văn Chấn.
1. Khái quát chung về huyện Văn Chấn.
1.1 Đặc điểm tự nhiên
Vị trí địa lý: Huyện Văn Chấn là huyện miền núi của tỉnh Yên Bái, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc. Huyện có tổng diện tích tự nhiên là 1.205,2km2, chiếm 17% diện tích toàn tỉnh. Huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Yên Bái, phía Bắc giáp huyện Mù Cang Chải, phía Đông giáp huyện Văn Yên và Trấn Yên, phía Tây giáp huyện Trạm Tấu, phía Nam giáp tỉnh Sơn La.
Đặc điểm địa hình: Văn Chấn nằm ở sườn phía Đông Bắc của dãy Hoàng Liên Sơn. Địa hình phức tạp, có nhiều rừng, núi, hang động, suối khe chằng chịt, thung lũng bằng phẳng. Độ cao trung bình so với mặt nước biển 400m. Tuy địa hình khá phức tạp nhưng chia thành 3 tiểu vùng kinh tế: Vùng trong, vùng ngoài, vùng thượng. Vùng trong là vùng tương đối bằng phẳng, có cánh đồng Mường Lò. Vùng ngoài có lợi thế về phát triển vườn đồi, vườn rừng và trồng lúa nước. Vùng cao thượng huyện có độ cao trung bình 600 m trở lên, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, chăn nuôi đại gia súc.
Khí hậu: Văn Chấn nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình 20 – 30 0C; mùa đông rét đậm nhiệt độ xuống dưới tới 3oC. Tổng nhiệt độ cả năm đạt 7.500 – 8.100 oC; lượng mưa được chia thành hai mùa rõ rệt. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1200 đến 1600 mm, thích hợp phát triển các loại động thực vật á nhiệt đới, ôn đới và các loại cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, lâm nghiệp. Rừng của Văn Chấn có hàng trăm loại gỗ cùng tre, nứa, song, mây, trong đó có các loại gỗ quý như: lát, pơ mu, vàng tâm, đinh, lim, sến, táu,… Bên cạnh các loại gỗ quý, còn có các loại dược liệu có giá trị như: thiên niên kiện, sa nhân, hoài sơn; nhiều loại thực phẩm tự nhiên như: măng, mộc nhĩ, nấm hương, mật ong và nhiều loại thú rừng.
Do điều kiện địa hình đồi núi dốc mạnh, lượng mưa lớn và tập trung nên tạo cho Văn Chấn một hệ thống ngòi suối khá dày đặc, có tốc độ dòng chảy lớn và lưu lượng nước thay đổi theo từng mùa.
1.2 Một số đặc điểm văn hóa, xã hội.
Toàn huyện Văn Chấn gồm có 3 thị trấn và 28 xã. Bao gồm thị trấn Nông trường Liên Sơn, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường Trần Phú, Sơn Thịnh, Suối Bu, Suối Giàng, Suối Quyền, Đồng Khê, Tân Thịnh, Chấn Thịnh, Thượng Bằng La, Minh An, Nghĩa Tâm, Bình Thuận, Đại Lịch, Phù Nham, Thanh Lương, Thạch Lương, Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Nghĩa Sơn, Sơn Lương, Nậm Lành, An Lương, Nậm Mười, Sùng Đô, Gia Hội, Nậm Búng, Tú Lệ, Cát Thịnh, Sơn A. Trung tâm huyện lỵ đóng trên địa bàn xã Sơn Thịnh.
Tổng dân số của huyện Văn Chấn 144.152 người, mật độ dân số 121 người/km2 ( theo thống kê dân số ngày 1/4/2009), bao gồm 23 tộc người cùng sinh sống như: Kinh, Thái, Dao, Tày, Mường, H'Mông, Giáy, Khơ Mú, Phù lá, Bố Y... chia thành 3 vùng cư trú: vùng ngoài đại đa số dân tộc Tày; vùng đồng bằng đa số đồng bào Thái, đồng bào Kinh và Mường; vùng cao chủ yếu dân tộc Dao, Mông. Sự đa dạng về dân tộc tạo nên cho huyện Văn Chấn có một nền văn hóa phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc, đó là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong toàn huyện.
Tổng số lao động trong độ tuổi 88.554 người; số lao động trong độ tuổi hoạt động kinh tế 70.866 người; số lao động trong độ tuổi không hoạt động kinh tế 17.688 người, với lực lượng lao động đông đảo chính là nguồn lực, tiềm năng phát triển kinh tế của huyện.
Dân ca, dân vũ đặc sắc, độc đáo chiếm một phần đáng kể trong đời sống của nhân dân, tiêu biểu là: múa xoè, múa xạp, hát khắp, hát nôm của dân tộc Thái, Tày; múa chiêng, hát Picađô của người Khơ Mú; múa khèn của người H'Mông; hát đang của dân tộc Mường; tục hát “tháng giêng” của người Giáy, ...
Lễ hội, trò chơi dân gian phong phú, hấp dẫn thường tổ chức vào các dịp ngày lễ tết cổ truyền. Người Thái có lễ hội “Xên đông”, “Xên mường”, “Lồng tồng”, trò chơi tó mắc lẹ, ném còn. Lễ hội “Rước mẹ lúa”, “Mùa măng mọc” của người Khơ Mú. Hội “Gầu tào”, “Nào sồng”, cưỡi ngựa bắn súng, đánh yến, ném pao dân tộc H'Mông, ...
Tín ngưỡng vạn vật hữu linh, thờ cúng tổ tiên; chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo khác nhau như: đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão, Thiên Chúa giáo tạo cho Văn Chấn một miền đất đa tôn giáo kết hợp với những tín ngưỡng bản địa đặc sắc càng làm cho đời sống văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo thêm đa dạng.
Những hoạt động văn hoá, văn nghệ dân gian đã tạo cho Văn Chấn một nền văn hoá giàu sắc thái, đa dạng nhưng thống nhất, mang màu sắc văn hoá dân gian độc đáo ở phía Tây của tỉnh và là trung tâm của vùng văn hoá Mường Lò - một trong 3 vùng văn hoá tỉnh Yên Bái. Đây là một lợi thế không nhỏ để Văn Chấn phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hoá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
2. Người Dao ở huyện Văn Chấn.
Tính đến năm 2009, người Dao ở huyện Văn Chấn là 13.377 người chiếm 11% dân số toàn huyện. Huyện Văn Chấn hiện có 2 nhóm Dao chính là: Dao Đỏ (còn gọi là Dao Sừng, Dao Đại Bản); Dao Quần Chẹt (còn gọi là Dao Nga Hoàng, Dao Sơn Đầu). Phần lớn người Dao ở đây sống tập trung ở các xã Nậm Mười, xã Nậm Lành, Nậm Búng, Cát Thịnh, Suối Quyền, An Lương, Minh An, Sơn Thịnh, .... Họ cư trú thành các bản riêng biệt, khoảng cách thưa thớt. Họ có hai loại hình cư trú phân tán và tập trung tương ứng với nhóm du canh hoặc định canh sống xen kẽ với các dân tộc khác. Nguồn sống chính của họ là lúa nước và lúa nương, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây đặc sản. Nhìn chung, đời sống của người Dao còn nhiều khó khăn. Người Dao Quần Chẹt sống chủ yếu xã Cát Thịnh. Người Dao ở đây vẫn còn lưu giữ được nhiều nét bản sắc truyền thống như cấp sắc, đám cưới, tang ma, ...
III. Khái quát về người Dao Quần Chẹt ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn.
1. Khái quát về xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn.
Xã Cát Thịnh nằm ở tọa độ địa lý là 21°27′54″B 104°40′27″Đ, Phía Bắc giáp với xã Hồng Ca (Ca Vịnh của huyện Trấn Yên); phía Nam giáp với xã Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn) và xã Mường Cơi (huyện Phù Yên, Sơn La); phía Tây giáp xã Đồng Khê, phía Đông giáp xã Tân Thịnh và Nông trường Trần Phú (đều thuộc huyện Văn Chấn). Xã Cát Thịnh án ngữ vị trí giao thông huyết mạch quan trọng, đường quốc lộ 32 nối liền Yên Bái với Nghĩa Lộ vvà các huyện phía Tây của tỉnh, quốc lộ 37 về xuôi qua địa phận Thượng Bằng La, Minh An đi Phú Thọ, từ thị tứ Ngã Ba của Cát Thịnh có đường 13A đi qua Thượng Bằng La - đèo Lũng Lô sang Phù Yên (Sơn La). Đây là điều kiện thuận lợi cho xã giao lưu thông thương với các xã khác trong vùng, với các trung tâm kinh tế - chính trị của huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Toàn xã có 26 thôn bản bao gồm: Thị tứ Ngã Ba, Khe Ba, Vực Tuần 1, Vực Tuần 2, Ba Khe 1, Ba Khe 2, Ba Khe 3, Khe Kẹn, Khe Căng, Văn Hưng, Đá Gân, Đồng Mường, Đồng Hẻo, Làng Ca, Làng Lao, Pín Pé, Cao Phừng, Đồng Đắc, Đèo Ách, Khe Nước, Khe Rịa I, Khe Rịa II, Văn Hòa I, Văn Hòa II, Lâm Sinh, Khe Chất.
Theo số liệu thống kê năm 2003 xã Cát Thịnh có tổng diện tích tự nhiên 16.680 ha, trong đó 176 ha ruộng nước, 264 ha chè. Dân số của xã có 8.113 khẩu, với 1.698 hộ, gồm 10 dân tộc, cư trú tại 26 thôn bản: Kinh, Tày, Dao, Thái, Mường,.....
Địa hình xã Cát Thịnh không bằng phẳng, có độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh bởi núi cao, khe suối, ngòi. Khí hậu chịu ảnh hưởng chung của đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa (gió Lào khô nóng và gió mùa đông bắc lạnh giá), nhiệt độ trung bình 18oC - 22oC, lượng mua trung bình hàng năm 1.850mm, độ ẩm lớn trên 85%. Đất đai của Cát Thịnh được thiên nhiên ưu đãi, độ phì cao.
Với những điều kiện địa hình, khí hậu, đất đai như trên phù hợp cho phát triển các loại cây như: lúa, ngô, chè, quế, mía, bưởi.... và các loại cây công nghiệp khác.
2. Một số đặc điểm kinh tế, văn hóa - xã hội của người Dao Quần Chẹt xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn.
* Lịch sử di cư của người Dao Quần Chẹt, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn.
Theo khảo sát ở những địa phương có người Dao Quần Chẹt sinh sống thì người Dao có nguồn gốc xa xưa ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) họ bắt đầu di cư sang Việt Nam vào thời Lê (vào khoảng cuối thế kỷ XVII), với hai hướng chính là đường bộ và đường biển. Người Dao di cư vào Việt Nam theo nhiều đợt sớm nhất từ thế kỷ XIII, các nhóm Dao ở tỉnh Yên Bái chủ yếu di cư từ các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang và Cao Bằng sang. Người Dao Quần Chẹt ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn di cư từ xã Nga Hoàng, tỉnh Phú Thọ lên.
Xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn hiện có 2 nhóm Dao sinh sống, nhưng chủ yếu là nhóm Dao Quần Chẹt. Họ thường sống thành bản riêng biệt, khoảng cách thưa thớt. Nguồn sống chính của người Dao quần Chẹt ở xã Cát Thịnh là trồng lúa nước, lúa nương. Những năm gần đây, người Dao ở đây rất phát triển chăn nuôi bò, lợn, gà ... Ngoài ra, còn phát triển trồng cây ăn quả, cây đặc sản như chè, quế, cam.... Ở đây còn có các nghề thủ công như đan lát, rèn đúc, nghề dệt nhưng những nghề này chỉ chủ yếu đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp của các gia đình.
* Một số đặc điểm về văn hóa vật chất của người Dao Quần Chẹt ở Cát Thịnh
Nhà ở của người Dao Quần Chẹt ở đây chủ yếu là nhà nửa sàn nửa đất. Đó là loại nhà lợi dụng phần sàn để nằm ngủ, phần nền đất để sinh hoạt và làm bếp. Nguyên vật liệu làm nhà thường kiếm ngay tại chỗ, chủ yếu là thảo mộc: Gỗ, tre, nứa, lá. Kỹ thuật lắp ráp khá đơn giản: Buộc lạt, con sỏ, ngoãm hoặc mộng trơn. Phần nền đất: gian bên phải có chạn bát, bếp. kề với gian này có chuồng gà. Gian bên trái đặt bàn thờ nhìn ra cửa giữa, nhà thường có hai bếp một bếp ở gian ngoài để sưởi ấm vào mùa đông dành cho đàn ông và khi có khách đến còn một bếp dùng để nấu nướng. Phần nền sàn, gian nhà bên phải là phòng ngủ, giường ngủ của con trai thường đặt sau giường của khách, còn phòng ngủ của con gái thường đặt phía trong gần bếp, kề với gian này là máng nước và cũng là buồng tắm. Gian bên trái phòng ngủ của khách và cũng là nơi tiếp khách có vách ngăn với lối xuống nền. Nhà thường có 3 cửa, hai cửa ra vào ở hai đầu hồi, một cửa thứ ba ở phần nền sân thông với gầm sàn bằng một cái thang nhỏ. Nhà nửa sàn nửa đất không phải là một bước phát triển của loại hình nhà đất mà là một biến dạng của loại hình nhà đất.
Trang phục: Trang phục của người Dao quần chẹt cũng giống như các nhóm Dao khác với hai loại chính: trang phục nữ giới và trang phục nam giới. Bộ thường phục của nữ giới gồm có: áo dài, yếm, quần, dây lưng, xà cạp, khăn đội đầu và đồ trang sức bằng bạc. Phụ nữ Dao Quần Chẹt chỉ có áo dài, không có áo ngắn, hoa văn của áo chủ yếu là thêu bằng chỉ đỏ, trắng, vàng với những hoa văn chim và cây thông cách điệu, tua chỉ màu kéo dài xuống. Một nét đặc trưng riêng biệt của nhóm Dao này đó là chiếc quần, quần dài có ống rất hẹp, gấu quần được trang trí một băng hoa văn. Trang phục của nam giới cũng không có gì đặc biệt gồm một áo cánh ngắn để mặc ngoài và một chiếc quần dài, một cái khăn vấn đầu tất cả đều màu chàm.
Văn hoá ẩm thực của người Dao đơn giản thức ăn chính của người Dao là lúa nước và lúa nương, thực phẩm hàng ngày chủ yếu là các loại rau hái trong rừng, măng, mộc nhĩ, các loại rau trồng trong vườn nhà và các loại thảo mộc khác. Cùng với đó là các thức ăn từ gia súc gia cầm. Các món ăn chủ yếu của người Dao trong ngày thường được chế biến theo kiểu luộc và xào, thỉnh thoảng cũng nướng và lam. Người Dao rất thích ăn ớt, gừng, riềng, lá sả, hạt dổi, lá chanh, các thứ rau thơm và các thứ nước chua. Hàng ngày đồng bào uống nước chè, nước vối, nước từ các loại cây thuốc... Người Dao cũng uống các loại rượu cất từ gạo, ngô, khoai, sắn và các loại cây có bột như: báng, móc. Men rượu đều chế biến bằng các thứ lá và rễ cây rừng.
* Một số đặc điểm về văn hóa tinh thần của người Dao Quần Chẹt ở xã Cát Thịnh.
Tiếng nói - chữ viết: Tiếng Dao nói chung và Dao Quần Chẹt nói riêng thuộc nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao, nằm trong ngữ hệ Nam Á
Chữ viết của người Dao còn trong một số tài liệu lưu giữ được là chữ Hán và chữ Nôm Dao.
Một số nghi lễ truyền thống
Lễ Cấp Sắc: Đây là một nghi lễ truyền thống độc đáo có tính lịch sử lâu đời trong đời sống sinh hoạt xã hội - gia đình của người Dao công nhận sự trưởng thành cả về vật chất lẫn tinh thần của người đàn ông. Theo quan niệm của người Dao thì cấp sắc là để được thánh thần công nhận, được âm binh và có thể làm nghề cúng bái. Nghi lễ của lễ cấp sắc rất mở, có thể là một, hay nhiều cá nhân của một gia đình, dòng họ hay cả một tập thể của nhiều gia đình, nhiều dòng họ, nhiều bàn làng khác nhau tổ chức. Lễ cấp sắc có rất nhiều bậc, bậc đầu tiên họ được cấp 3 đèn và 36 binh mã, bậc hai được cấp 7 đèn và 72 binh mã, bậc ba được cấp 12 đèn và 120 binh mã. Lễ cấp sắc 3 đèn và 7 đèn được tổ chức thường xuyên trong cộng đồng tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện của các gia đình, dòng họ. Riêng nghi lễ cấp sắc 12 đèn có quy mô lớn hơn hai nghi lễ trên nên phải hai, ba mươi năm mới có một lần. Nội dung chính của lễ cấp sắc tiến hành theo trình tự sau: lễ lên đèn, lễ ban mũ thầy cúng, Lễ trình diện Ngọc hoàng, Lễ cấp tinh, Lễ hạ đèn và giao quân, lễ qua cầu, lễ đặt tên. Các nghi thức trong lễ cấp sắc đều nhằm mục đích hướng thiện, giúp con người trưởng thành hơn, đạo đức hơn, sống tốt hơn và quan trọng là những lời giáo huấn này được thực hiện bằng những lời thề trước sự giám sát của tổ tiên và nhiều quan binh nên càng làm tăng tính giáo dục. Đây là một nghi lễ giao tiếp có tính kế thừa, kết nối các giá trị văn hóa giữa các thế hệ chứa đựng nhiều thành tố quan trọng của bản sắc văn hóa Dao. Đồng thời lễ cấp sắc cũng là dịp để cộng đồng cùng thưởng thức các hoạt động văn hóa văn nghệ, nhảy múa hết sức hấp dẫn. Các điệu múa trong lễ cấp sắc rất đặc sắc. Múa ở đây có sự đan xen hòa quyện giữa yếu tố lao động trần thế và tôn giáo thể hiện sự giao hòa giữa hai thế giới, điệu múa đặc trưng, đặc sắc, vui nhộn nhất là Múa Rùa. Múa Rùa diễn ra trong không khí vui tươi, những động tác múa nhịp nhàng, khỏe khoắn của các chàng trai miêu tả lại việc đuổi rùa, tìm rùa, bắt rùa, giết rùa. Múa Rùa là một nét đẹp, thể hiện tính phồn thực và mối giao hòa trong cộng đồng dân tộc.
- Tết nhảy Đây là tết riêng của mồi gia đình, cũng mang tính dòng họ. Tết này này nhằm mục đích luyện âm binh cho bộ tranh Đại đường để thờ phụng các thần linh, bảo vệ cuộc sống gia đình. Vì vậy nó mang màu sắc tín ngưỡng tôn giáo rất rõ rệt. Tết nhảy được tiến hành vào tháng chạp, năm nào cũng tổ chức nghi lễ này cứ ba năm làm thành một chu kỳ. Chỉ có gia đình nào có bàn thờ tổ và đã sắm tranh Đại đường thì mới có tết nhảy. Tết nhảy đòi hỏi một quá trình chuẩn bị khá lâu, phải nấu rượu, nuôi lợn, thanh niên luyện tập các điệu múa, chuẩn bị dao, gươm bằng gỗ.
Quá trình của tết nhảy trải qua các bước sau: lập đàn tẩy uế, làm lễ khấn các thần thánh. Nội dung chính của nghi lễ là nhảy múa và khấn tụng được tổ chức liên tục trong suốt những ngày đêm làm tết. Mỗi người múa tay đều cầm cờ, trống chiêng, sập sèng... múa theo điệu quay vòng. Rồi sau đó là nhiều điệu múa truyền thống được trình diễn như: múa kiếm, múa dạo (lạp miên a dạo), múa nhảy rùa (Pẻo tộ)... Tất cả những động tác của các điệu múa này đều được thực hiện một cách liên tục với sự khéo léo và tinh tế của người trình diễn. Những điệu múa, lời hát trong Tết nhảy thường hướng đến những điều tốt lành, hạnh phúc. Lễ "nhìang chầm đao" chủ yếu phục vụ cho tôn giáo tín ngưỡng, nhưng ít nhiều có mầu sắc văn nghệ, toát lên ý nghĩa văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Dao sống đoàn kết, thủy chung, tình nghĩa.
* Một số lễ tết khác của tộc người trong năm
- Tết Nguyên Đán
Khác với dân miền xuôi, người miền núi lại có phong tục đón tết rất đặc trưng mang đậm nét văn hóa dân tộc mình. Với người Dao cũng vậy họ cũng có cách đón năm mới rất riêng của mình. Đồng bào Dao đón tết đơn giản nhưng lễ nghi lại cầu kỳ và độc đáo. Với người Dao, tết nguyên Đán là mở đầu cho một năm mới đã bận rộn chuẩn bị từ 27, 28 tháng chạp. Từ 27/12 nhân dân đã chuẩn bị mọi thứ cho việc đón tết như: gạo, bột, lá gai, củi, rau, bò, lợn, trang trí nhà của và đặc biệt sắp đặt quần áo.
Ngày 30 tết nhà nào cũng phải nấu một nồi nước thơm thật to để ai cũng phải tắm. Theo quan niệm của người Dao thì tất cả mọi người phải tắm rửa sạch sẽ để rũ bỏ mọi xấu xa, bẩn thỉu của năm cũ bước vào năm mới sạch sẽ, trong lành. Chiều 30 tết nhà nào cũng lập đàn cúng để mời gia tiên và các thần linh về ăn tết với con cháu. Bao giờ cũng vậy tối 30 tết mọi người trong gia đình quây quần bên nồi bánh trưng để trò truyện về năm đã qua. Các thứ bánh được người Dao cúng trong ngày tết ngoài bánh trưng còn có các thứ bánh khác như bánh dầy, bánh gai, bánh bột nếp....Cũng giống người kinh trên bàn thờ của mỗi gia đình người Dao có thêm cành đào, trong chén lúc nào cũng có rượi và nước, hương được đốt liên tục. Ngoài ra người Dao còn quan niệm kiêng không mở hòm trong 3 ngày tết nên phải lấy sẵn quần áo và đồ dùng trước giao thừa. Trong 3 ngày tết cũng không được san sẻ hay cho ai bất cứ thứ gì. Đêm giao thừa người Dao có tục thay nước đầu năm mới trên bàn thờ. Người Dao Quần Chẹt thường đem tiền ma ra giếng nước hay ra máng nước của nhà mua nước mới về thờ. Từ đêm giao thừa đến mùng một, họ kiêng không ăn rau chỉ ăn cơm, các loại bánh và thịt động vật. Sau khi cúng giao thừa song mọi người trong gia đình quây quần vui vẻ, ăn uống, ca hát và chúc tụng nhau những lời chúc tốt lành cho năm mới. Sáng mùng một sau khi song xuôi mọi thủ tục ở gia đình, mỗi nhà một người nam giới mặc trang phục truyền thống tạo thành một đoàn đi chúc tết tất cả các nhà.Tết cũng là dịp trai, gái trong bản rủ nhau đi chơi hội ngày xuân.
- Tết cùng năm: Đây là tết của gia đình, dòng họ. Dòng họ nào cũng tổ chức tết này vào tháng 12 âm lịch, nhưng tập chung nhất vào các ngày 15 đến 25 tết. Các gia đình luân phiên nhau tổ chức tết, luân phiên mời nhau.Mục đích của tết này trước là để lập đàn cúng tạ ơn gia tiên, các thần linh đã phù hộ cho gia cho, dòng tộc một năm may mắn thành công... Sau là ngày xum họp của anh em ruột thịt, họ tộc, bạn bè thân thiết để trò chuyện thông báo cho nhau về một năm qua. Lễ vật chuẩn bị cho tết năm cùng khá đầy đủ với thịt lợn, gà, bánh dầy. Bánh dầy là một trong những lễ vật không thể thiếu được trong tết năm cùng.
- Tết cơm mới: Đây là một trong những lễ cúng quan trọng của mỗi gia đình Dao được tổ chức tại nhà. Cúng cơm mới là để tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng tốt tươi, lúa ngô có thể thu hoạch được. Lễ cúng được tổ chức trong nhà. Khi lúa sắp được thu hoạch, người ta chọn ngày tốt, gặt lấy ít thóc đầu mùa đem phơi khô, lấy gạo nấu cơm cúng. Nếu lúa chưa chín họ lấy gạo cũ về thổi cơm, ngắt lấy vài bông bỏ vào nồi cơm để có hương vị cơm mới và coi đó là cơm mới. Đàn cúng gồm: 5 bát cơm, 5 chén rượi, 1 chén nước, 1con gà luộc, một ít tiền ma, một bát hương. Chủ nhà đứng trang nghiêm trước bà thờ kế công ơn cử tổ tiên và cầu mong tổ tiên tiếp tục phù hộ mãi mãi về sau để công việc làm ăn ngày càng gặp nhiều may mắn. Sau lễ này, đồng bào chuẩn bị những dụng cụ cần thiết để thu hoạch lúa mới.
* Các tập quán xã hội và tín ngưỡng
+ Sinh đẻ: Người Dao đẻ ngồi và đẻ ngay trong buồng ngủ, không được đẻ ở nơi khác, do mẹ chồng, mẹ đẻ hoặc chồng đỡ cho. Khi đứa trẻ lọt lòng mẹ, người ta chờ khi nào nó khóc mới bế mới bế lên, tắm rửa bằng nước nóng. Người ta cắt rốn bằng dao nứa, nhau thai được người Quần Chẹt gói vào lá chuối hay tàu mùng (loại lá to, còn tươi), đem chôn ở nơi ẩm ướt ngay sau nhà để mong bé luôn ở bên mẹ và mau lớn. Ngay từ khi đẻ sản phụ được ăn các thức ăn nấu với gừng và rượi. Trẻ sinh được ba ngày thì gia đình lập giàn cúng mụ gọi là làm lễ "nam khan". Sau khi sinh khoảng từ 3 đến 7 ngày, họ chọn ngày tốt để làm lễ để đặt tên cho trẻ. Tên của bé cũng được chọn rất kỹ, không được trùng với tên của gia tiên, ông bà, chú bác, anh em nội ngoại gần xa. Đối với người Dao Quần Chẹt, sau lễ đặt tên đứa trẻ trai thường được gọi bằng tên là:Cu Đen, đứa trẻ gái lại gọi là Mông tít. Đứa trẻ tròn 1 tháng tuổi người Dao Quần Chẹt tổ chức cúng Mụ, đồng bào cũng rất coi trọng sinh nhật .
+ Cưới hỏi: Lễ cưới của người Dao Quần Chẹt có nhiều nét độc đáo và mang nhiều bản sắc riêng. Khi tìm hiều nhau chàng trai không ở lại nhà cô gái qua đêm và cô gái cũng giữ gìn hon nếu cô gái mà chưa chồng mang thai bị phạt rất nặng. Trong lễ vật nhà trai đem tới nhà gái có một buồng cau và một ít trầu. Trong lễ tơ hồng có một vật rất quan trọng đó là "chiếu kết duyên" chiếu này được thầy cúng trải ra cho cô dâu chú rể làm lễ sau đó được trải trên giường cưới. Khi ăn cỗ, họ nhà trai ngồi riêng, nhà gái ngồi riêng. Người Dao còn có tục bất kỳ ai trong họ nhà trai cũng như nhà gái đến dự đám cưới đều có phần thịt, bánh mang về.
+ Làm nhà mới:
Việc làm nhà mới với người Dao Quần Chẹt là rất quan trọng. Việc chọn địa điểm làm nhà là quan trọng hơn cả. Đồng bào thường làm ở nơi khuất gió, cao ráo, gần khe suối, gần ruộng nương thuận tiện cho việc lấy củi, hái rau.Nghi lễ chọn đất cũng rất được coi trọng, đồng bào quan niệm nếu gặp được điền lành khi chọn đất làm nhà thì sẽ gặp nhiều may mắn làm ăn gặp nhiều thuận lợi. Sau khi dựng nhà song, theo giờ tốt đã chọn, đồng bào sẽ làm lễ vào nhà mới như sau: một cụ già cầm đuốc đi trước, theo sau là chủ nhà và những người trong gia đình đem theo bàn thờ tổ tiên và một số đồ vật tượng trưng. Sau đó họ làm cơm để kính báo và mời tổ tiên về nhà mới cùng con cháu.
+ Tang ma: Người Dao Quần Chẹt có tục làm "ma tươi và" "ma khô". Đám ma tươi là làm đầy đủ các thủ tục trong một ngày một đêm ngay sau khi người chết tắt thở. Đám ma khô là ngay sau khi người chết tắt thở thì khâm liệm và chôn cất ngay trong ngày, đến khi nào con cháu có đầy đủ điều kiện thì mới tiến hành các nghi lễ đầy đủ như đám ma tươi. Người Dao Quần Chẹt không làm giỗ, chỉ cúng hồn người chết cùng vào các dịp: rằm, mùng một, mùng 3 tháng 3, cúng cơm mới, tết nhảy, đám chay, tét cùng năm, tết âm lịch.
Một số tín ngưỡng thờ cúng dân gian
+ Thờ cúng tổ tiên: Cũng như người Kinh, thờ cúng tổ tiên là một việc thờ cúng chủ yếu trong gia đình đồng bào người Dao, nhằm giáo dục, nhắc nhở con cháu luôn hướng về tổ tiên, cội nguồn, giữ gìn truyền thống gia tộc, dòng họ.
Theo quan niệm của người Dao tổ tiên là loại ma lành phù hộ con cháu, tuy nhiên nếu không thờ cúng cận thận tổ tiên cũng có thể bắt tội làm con cháu ốm đau bệnh tật. Thường người Dao thờ tổ tiên chín đời. Điều này thể hiện rõ trong các nghi lễ lớn như cấp sắc, tảo mộ hoặc trong các dịp tết của gia đình.
Việc lập bàn thờ tổ phải tuân thủ theo quy định rất nghiêm ngặt. Bởi vậy nó thể hiện bề dày truyền thống gia đình và cũng là niềm tự hào của truyền thống gia đình. Bàn thờ tổ luôn được đặt ở gian giữa nơi tôn nghiêm nhất trong nhà. Đằng trước hay bên cạnh bàn thờ người ta treo một cái trống bằng dây thừng hay da thú, dây này buộc lên thượng lương của nhà. Ngay trên vách cạnh bàn thờ người ta treo hai ống nứa hay hai túi vải đựng hai bộ tranh "Tam thanh lớn" và "Tam thanh nhỏ". Vì bàn thờ tổ là nơi tôn nghiêm nên phụ nữ đặc biệt là các cô dâu ít được gần nhà thờ, đặc biệt là không bao giờ được thắp hương hoặc bê lễ vật lên bàn thờ cúng. Ngay từ khi quét nhà người ta luôn luôn chú ý quay mặt về phía bàn thờ mà quét quay lui trở ra, quay lưng về phía bàn thờ bị coi như là một thái độ thiếu tôn kính đối với tổ tiên. Việc thờ cúng tổ tiên thường là do chủ gia đình hoặc con trai trưởng chủ trì. Nếu nhà không có đàn ông thì đến ngày lễ tết, đốt hương ở phen thờ, cúng lễ cũng phải nhờ đàn ông khác trong họ đến cúng.
+ Thờ cúng Bàn vương "Chẩu đàng": Thờ cúng Bàn vương là một tục lệ khá điển hình trong sinh hoạt của người Dao. Bàn Vương được đồng bào coi là thủy tổ của dòng họ nên việc thờ cúng Bàn Vương được người Dao coi như một việc làm có liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ và của cả dân tộc. Thường ngày, Bàn Vương được thờ cúng chung với tổ tiên của từng gia đình, từng họ. Trong các nghi lễ lớn lễ cấp sắc, tết nhảy... đều phải cúng Bàn Vương. Ngoài việc cúng Bàn Vương hàng ngày còn có những lễ cúng bàn vương riêng với các nghi lẽ chính sau: Lễ khuất, lễ cúng Bàn Vương, lễ tiễn đưa.Việc thờ cúng Bàn Vương không phải chỉ là sự chung thủy uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn của tổ tiên, mà còn là yếu tố văn hóa quan trọng được lưu truyền qua nhiều thế hệ của người Dao.
* Văn học dân gian: Dân tộc Dao vốn có một lịch sử và một nền văn hóa lâu đời, một nền văn học nghệ thuật và những tri thức dân gian rất phong phú, phản ánh lên cuộc đấu tranh dũng cảm và bền bỉ của người Dao. Trong các sáng tác dân gian của dân tộc Dao, văn học dân gian (Truyện cổ, thơ ca, câu đố, Hát, Múa, Tục ngữ, Vẽ...) chiếm phần lớn. Dân tộc Dao không có văn tự riêng nhưng họ sử dụng chữ Hán đã Dao hóa. Cùng với các tác phẩm truyền miệng còn có các tác phẩm khuyết danh bằng chữ nôm Dao. Các sáng tác bằng truyền miệng được diễn đạt bằng ngôn ngữ bình dân nên phong phú và khá phổ biến. Nội dung của văn học dân gian chủ yếu đề cập đến nguồn gốc của dân tộc Dao, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu trai gái, đề cao lao động, kinh nghiệm cuộc sống.
* Tri thức dân gian
+ Cách tính thời gian dân gian: Đối với người Dao, việc tính tớn thời gian rất quan trọng và phải tiến hành thường xuyên để biết thời vụ sản xuất, biết ngày tốt, ngày xấu, ngày cho phép khởi điểm các công việc có tính chất đặt nền móng, biết được những ngày kiêng kỵ không đi làm nương. Song đồng bào không có hệ thống lịch riêng mà chỉ dựa hoàn toàn theo cách tính lịch Trung Quốc. Cách tính tháng hoặc năm, người ta dựa vào chu kỳ mặt trăng như cách tính thời gian theo lịch âm của người Việt, cũng theo lục giáp ( 10 can, 12 chi ) và gọi tên theo tên 12 con vật.
+ Cách phán đoán thời tiết, khí hậu: Đồng bào Dao có một số kinh nghiệm phán đoán thời tiết, khí hậu để sản xuất cho kịp thời vụ. Những kinh nghiệm đó đã được đúc kết, tích lũy từ lâu đời trên cơ sở nhận xét sự thay đổi của các hiện tượng tự nhiên như: khi thấy " xâu kỉa piáo" ( kiến dọn tổ ) thì báo hiệu trời sắp mưa, nếu kiến ở bờ suối dọn tổ thì sắp có nước lũ. Hoa " xấu dòng phăng" ( rau muống rừng) nở đỏ rực, báo hiệu không lo rét trở lại , cấy lúa sớm......
+ Y học dân gian: dân tộc Dao đã tích lũy được nhiều vốn y học cổ truyền quý giá. Các vị thuốc chủ yếu hái lượm ở rừng, ít khi trồng sẵn. Có loại lấy rễ, có loại lấy lá hoặc vỏ, cũng có loại lấy quả hoặc hoa ... . Có vị thuốc sắc uống để chữa bệnh đường ruột, đau xương ...; có vị giã nhỏ để rịt hoặc bó hư chữa gẫy xương, vết thương nhỏ... ; có vị đem đun lấy nước tắm gội, rửa như các bệnh ngứa, lở loét, phù thũng... Nhìn chung có thể chia làm ba loại thuốc chính: thuốc bổ, thuốc trị bệnh và thuốc độc giết hại thú rừng.
* Nghệ thuật múa rùa của người Dao Quần Chẹt xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
I. Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn .
1. Vai trò, ý nghĩa của Tết nhảy.
" Tết nhảy " theo tiếng Dao gọi là "Nhiàng chầm đao”. Đây là tết riêng của mỗi gia đình, cũng mang tính dòng họ. Nghi lễ này nhằm mục đích luyện âm binh cho bộ tranh đại đường và cúng Bàn Vương để bảo vệ cuộc sống và sinh hoạt của gia đình. Vì vậy nó mang màu sắc tín ngưỡng tôn giáo rất rõ nét.
Mặc dù tết nhảy là tết riêng của gia đình, nhưng thực sự là tết của dòng họ, là những ngày vui của cả làng xóm và có lẽ là ngày tết ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời của mỗi người Dao. Đã từ bao đời nay, tết nhảy vẫn tồn tại như một sự kiện nhắc nhở con cháu nhớ về những gian nan của cha ông trong chuyến vượt biển tìm vùng đất mới khi xưa, lại vừa là một sinh hoạt văn hóa xã hội có tính chất cố kết cộng đồng. Bao tâm tình trao gửi để đôi lứa được nên duyên, để các làng xa, xóm gần của người Dao biết thêm về nhau. Cùng với đó qua dịp tết này, đồng bào trao truyền được nhiều bài cúng, bài múa cho các thế hệ sau.
Tết nhảy tuy mang màu sắc tôn giáo nhưng ít nhiều mang màu sắc văn nghệ. Sàn múa hát thực sự là sân khấu sinh hoạt văn hóa - văn nghệ của gia đình, của dòng họ và của xóm làng.
2. Công tác chuẩn bị.
* Thời gian: tổ chức tết nhảy thường được tiến hành vào tháng chạp, trước tết Nguyên đán vài ngày. Trước đây, đồng bào tổ chức Tết nhảy tốn kém hơn rất nhiều, thường phải làm liên tục trong ba năm. Năm đầu tiên làm một ngày một đêm, năm thứ hai làm hai ngày hai đêm, năm thứ ba làm ba ngày ba đêm. Đến nay, đời sống của nhân dân ngày càng tiến bộ, các hủ tục đã được loại bỏ bớt nên từ 15 năm trở đi, gia đình người Dao sẽ tổ chức tết nhảy một lần và thời gian tổ chức là 3 ngày 3 đêm. Gia đình ông Quyên do điều kiện kinh tế nên 18 năm mới tổ chức một lần.
* Công tác chuẩn bị:
Lễ vật: để chuẩn bị cho tết nhảy, người ta cần từ năm con lợn, mười con gà, hai trăm lít rượu, gạo một đến hai tạ. Phần lương thực này sẽ được chia cho các thành viên trong dòng họ chuẩn bị từ trước. Ngoài ra, còn cần loại gỗ không lõi, ít nhựa để đẽo mười ba đôi binh khí, gồm một đôi rìu, một đôi thuổng, một đôi xẻng, một đôi súng, một đôi thước có vẽ hình, còn lại là dao găm.
Đón thầy: Để tiến hành tết nhảy người ta mời hai ông thầy cúng: một thầy làm chủ đám gọi là "Sliêu ho" và một thầy múa gọi là " khoi tàn". Các thầy sẽ lo việc cúng bái và hướng dẫn mọi người cùng thực hiện các nghi lễ.
3. Tiến trình của tết nhảy.
Tết nhảy phải được tổ chức ở “nhà cái” tức là nhà có bàn thờ họ hay còn gọi là "Tì dạn”. Quá trình của tết nhảy cũng trải qua những bước như trong các nghi lễ khác của người Dao, đó là lập đàn tẩy uế, làm lễ khấn mời các thần thánh, Bàn Vương và gia tiên về dự lễ, tuyên bố lý do và báo cáo công việc cho tất cả thần thánh và gia tiên biết. Lễ này được thực hiện bằng các điệu múa mời như đưa đường, bắc cầu để đưa đón thần linh, tổ tiên về ăn tết. Sau khi cúng xin trời đất, tổ tiên phù hộ cho gia đình, bản làng một năm mới sức khoẻ, cầu cho mưa thuận gió hoà, công việc làm ăn thuận lợi và xin tổ chức Tết nhảy, thầy cầm “trảo” (mang ý nghĩa như đồng tiền xin âm dương) giơ lên và ném mạnh xuống đất, khi nào hai mảnh cùng ngửa là dương thì tổ tiên mới đồng ý cho làm Tết nhảy. Tiếp đó, hai thầy đốt giấy vàng để gửi tiền cho các cụ, để các cụ công nhận cho gia đình tổ chức Tết nhảy.
Tết nhảy là nhảy múa và khấn tụng được tổ chức liên tục trong suốt những ngày đêm làm tết. Vào nghi lễ đầu tiên, mọi người chuẩn bị múa “Lạp lì lò sất sảy” dịch ra tiếng Việt là điệu múa kể về nguồn gốc của tết nhảy. Tết nhảy được tổ chức để trả ơn và thực hiện lời hứa trước kia của tổ tiên người Dao với thánh thần đã cứu giúp cộng đồng ở phía Bắc vượt biển Đông vào Việt Nam an toàn. Mở đầu thầy cả đứng đọc to cho mọi người nghe về nguồn gốc của tết nhảy và cũng là đọc lại lịch sử cho tổ tiên chứng kiến. Cùng lúc đó, thầy phụ đứng lên múa cùng tốp từ 8 đến 10 người và có thể đông hơn (không hạn chế số lượng). Mỗi người múa tay đều cầm cờ, trống chiêng, chũm chọe, ... múa theo điệu quay. Những người múa không phân biệt lứa tuổi, bất cứ ai cũng có thể tham gia không kể người già, trẻ em, người trong làng, ngoài làng, người ngoài họ hay người trong họ. Đây là điệu múa có tính chất dạo đầu của tết nhảy.
Kế tiếp là điệu múa kiếm hay còn gọi là múa ra binh vào tướng, múa đánh nhau. Người nào cũng cầm kiếm trong tay hoặc dắt kiếm bên người. Trong điệu múa này bao gồm các bước ra kiếm, chạy kiếm, mài kiếm và thu kiếm. Có thể nói đây là điệu múa võ rất khỏe khoắn, nhịp nhàng theo tiếng trống, thanh la, não bạt trầm hùng như tái hiện lại những trang sử vẻ vang, oanh liệt của cha ông xưa trong quá trình đấu tranh chống lại giặc giã. Điệu múa này được múa liên tục trong 3 ngày 3 đêm với tất cả 12 lần múa xen kẽ với điệu múa rùa.
Sau đó là điệu múa "chạy cờ”. Điệu múa này với hàm ý binh lính đã tập luyện xong, các thần kiểm quân, duyệt binh, chỉnh đốn hàng ngũ. Số người tham gia điệu múa này rất đông, người cầm cờ đi trước, người cầm dao, cầm kiếm đi sau. Người ta xếp thành hàng dài, chạy chầm chậm rồi nhanh dần, chạy theo hình chữ “Z” rồi chạy theo vòng tròn theo tiếng trống, chiêng dồn dập, thúc giục. Điệu múa này diễn ra để thể hiện sự hùng dũng, tái hiện lại trang sử hào hùng của tộc người Dao trong quá trình vượt biển.
Tiếp theo là điệu múa “Pẻo tộ” dịch sang tiếng Việt là điệu múa rùa hay còn gọi là múa ba ba. Nội dung điệu múa này diễn tả quá trình: chuẩn bị, tìm kiếm rùa, đuổi rùa, bắt rùa, thịt rùa, … để dâng lên các thần. Múa rùa do trai làng thực hiện dưới sự dẫn dắt của thầy khi được thần thánh nhập vào. Đội múa lấy người lẻ nhưng không quy định rõ số lượng, người ta cho rằng càng đông người múa càng đem lại nhiều may mắn cho dòng họ. Trong khi ông "khoi tàn" cùng các thanh niên múa thì những người ở ngoài đánh trống, thanh la, não bạt tạo không khí vui nhộn. Điệu múa này được múa 6 lần vào các thời điểm khác nhau trong 3 ngày diễn ra nghi lễ. Điệu múa này mang tính chất nhớ ơn của cộng đồng người Dao với loài rùa đã giúp đỡ họ trong những lúc khó khăn.
Cuối cùng là điệu múa sản xuất diễn tả quá trình lao động của người Dao từ lúc phát nương cho đến lúc thu hoạch với những động tác rất gần gũi trong sản xuất như phát cây, chọc lỗ, tra hạt, gặt, phơi phóng, xay gạo, thổi nấu... Tất cả các động tác này được mọi người múa một cách thuần thục. Mở đầu cho điệu múa này một người cầm đao khua xung quanh thể hiện việc phát cây, chuẩn bị nương rẫy, sau đó tay phải cầm cây được vót nhọn một đầu tay trái cầm nắm thóc vừa đi vừa múa thể hiện công việc trọc lỗ tra hạt. Kết thúc điệu múa này là những động tác gặt lúa, những người múa tay cầm liềm liên tay gặt mô phỏng còn những người xung quanh múa biểu hiện việc thu và gánh lúa về nhà. Điệu múa này thể hiện sự khó nhọc của người dân khi làm ra hạt gạo.
Sau khi múa xong, ông "sliêu họ" thầy chủ đám, mặc áo thầy cúng đi ra ngoài sân lấy tù và thổi khấn Ngọc Hoàng thượng đế xuống chứng giám buổi lễ. Sau khi tiễn Ngọc Hoàng thượng đế về Thiên đình. Các thầy cúng bắt đầu làm lễ "chiêu binh". Ông "sliêu họ" khấn mời các thánh thần cùng với Bàn Vương và gia tiên về ngự tại bàn thờ tổ tiên, rồi niệm phép thu thánh tướng và âm binh vào một thanh kiếm hay con dao găm, sau đó đặt thanh kiếm ấy lên mu bàn chân và hất mạnh lên bàn thờ tổ tiên, cho đến khi nào thanh kiếm nằm gọn trên bàn thờ. Liền sau đó họ bắt đầu mổ lợn để cúng cầu mong Bàn Vương và các thánh thần luôn luôn phù hộ cho gia đình, cầu mong cho gia tiên luôn bảo vệ con cháu, cầu mong thánh tướng giúp sức trong việc cúng bói, làm ma chay và cầu âm binh luôn luôn bảo vệ cuộc sống và sinh hoạt của gia đình.
Tất cả các điệu múa trong tết nhảy rất độc đáo, mang tính hình tượng cao. Động tác múa được thực hiện chính xác, liên tục, khéo léo, tinh tế và độc đáo. Người xem không nhận thấy sự thay đổi giữa các điệu múa mà có cảm giác như đang xem một tổ hợp các điệu múa cổ truyền vừa kỳ ảo vừa tưng bừng của tộc người Dao. Múa ở đây có sự đan xen hòa quyện giữa yếu tố lao động trần thế và tôn giáo thể hiện sự giao hòa giữa hai thế giới. Những điệu múa, lời hát trong tết nhảy thường hướng đến những điều tốt lành, hạnh phúc.Trong Tết nhảy, mỗi người phải nhảy múa đến hàng trăm lượt, múa liên tục cả ngày cả đêm, ai mệt thì ra, người khác sẽ thay thế. Trong các điệu múa đó thì điệu múa đặc trưng, vui nhộn nhất là điệu múa rùa. Múa rùa diễn ra trong không khí vui tươi, những động tác múa nhịp nhàng, khỏe khoắn của các chàng trai miêu tả lại việc đuổi rùa, tìm rùa, bắt rùa, giết rùa. Múa rùa là một nét đẹp, thể hiện tính phồn thực và mối giao hòa trong cộng đồng dân tộc. Trong chuyên đề nghiên cứu này, chúng tôi chỉ đi sâu khai thác điệu múa rùa trong tết nhảy để góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của tộc người Dao nói riêng cũng như văn hóa phi vật thể các tộc người khác ở Yên Bái nói chung.
II. Nghệ thuật múa rùa.
1. Nguồn gốc của điệu múa rùa.
Múa rùa là một trong những điệu múa độc đáo và quan trọng gắn liền với Tết nhảy của người Dao. Điệu múa này đã có từ xa xưa, truyền thuyết kể rằng ở một khu rừng nọ có một loài ác thú đến phá phách nhà cửa, nương rẫy của một dòng họ người Dao. Dân làng chống trả kiên cường nhưng không thắng nổi. Bỗng nhiên từ dưới suối xuất hiện một đàn rùa, chúng tiến đến nơi cuộc giao chiến đang diễn ra để bênh vực, bảo vệ và giúp đỡ người Dao thoát khỏi tai ương. Lũ ác thú điên cuồng dùng đá, gậy tấn công rùa nhưng vốn có chiếc mai cứng nên dù có tấn công thế nào, ác thú cũng không thể làm rùa bị thương. Thừa lúc ác thú sơ hở, đàn rùa bèn giương cổ dài, há miệng to cắn vào chân chúng. Ác thú không thể tháo chạy được nên đã bị dân làng dùng súng, gậy gộc đánh hạ gục. Cuối cùng ác thú cũng đã bị đàn rùa và dân làng tiêu diệt hết. Nhờ sự giúp sức của rùa người Dao thoát khỏi hiểm họa và bình an trong cuộc sống.
Từ đó, người Dao luôn nhớ đến công ơn của loài rùa và coi loài rùa là loài động vật thông minh, dũng cảm có thể giúp đỡ con người thoát khỏi nguy hiểm. Người Dao đã lấy đồng nhờ thần núi đúc thành hình con rùa - đó chính là cái chũm chọe được dùng trong các lễ tiết quan trọng, đặc biệt là tết nhảy. Vì loài rùa có công lao lớn đối với người Dao nên họ coi chúng là con vật qúy dùng để dâng cúng các thần. Vì vậy, từ đó điệu múa rùa ra đời nhằm phục vụ đời sống tâm linh tín ngưỡng của đồng bào Dao nói chung và Dao Quần Chẹt nói riêng. Điệu múa này mang tính cộng đồng cao.
2. Công tác chuẩn bị.
* Thời gian: múa rùa là một phần trong nội dung chính của tết nhảy, nên múa rùa được tổ chức từ ngày 21 - 24/12/2013 âm lịch.
* Địa điểm: tại nhà Ông Triệu Như Thành, thôn Đá Gân, xã Cát Thịnh, Huyện Văn Chấn.
* Thành phần tham gia: gia đình ông Triệu Như Thành
Hai thầy cả: thầy Dương Trung Vượng: 67 tuổi, thầy Dương Kim Thành: 36 tuổi.
và tất cả các thanh niên trong cộng đồng tham gia.
Thầy phụ: Triệu Đức Phiến: 32 tuổi.
Số lượng người múa: 10 người
Số lượng người giúp việc: 15 người.
* Lễ vật: Một bát nước; Một bát hương; Một vuông vải trắng; Một nắm gạo; Một cái bát; Đồng bạc trắng; Quần áo thầy cúng; Chuông hoặc chũm chọe; Cờ giấy đuôi nheo.
3. Tiến trình múa.
Mở đầu cho điệu múa rùa một người có uy tín trong làng được chọn làm thầy lên đồng, tay cầm âm dương múa cúng mời các cụ để mời các vị thần linh về dự. Khi điệu múa mời đang tiếp diễn thì thầy lên đồng (từ trong đám đông ngồi xem, hét rồi nhảy vào) tiến về phía bàn thờ Tổ (tượng trưng cho gia tiên và các thần về dự lễ). Thầy lên đồng xem xét, suy tư bằng động tác thể hiện: mắt lim dim, đầu lắc lư, miệng lẩm bẩm, chân nhún nhảy, tay phải để lên trán còn tay trái cầm nắm gạo để đi chọn người vào múa rùa (chạy rùa). Khi chọn được người ưng ý để chạy rùa thầy lên đồng sẽ ném gạo vào người đó thể hiện thần linh đã chọn người đàn ông đó vào tham gia múa rùa. Sau khi thầy đồng chọn song người chạy rùa thì tay cầm cờ cùng hòa vào đoàn chạy rùa. Đoàn múa rùa gồm tám người bao gồm cả thầy cả và thầy lên đồng. Theo quan niệm của người Dao Quần Chẹt chỉ có tám người được múa ở điệu múa này vì đây là những người đại diện cho tám dòng họ chính của người Dao. Trong tám người thì có bốn người cầm chuông, bốn người cầm thanh la. Thầy cả và thầy phụ mặc áo cà sa đầu đội mũ tam nương, những người còn lại mặc áo the màu đỏ và đen. Thầy cả đi đầu hàng còn thầy lên đồng đi cuối. Lần múa thứ nhất với tám thành viên, năm lần múa sau, mỗi lần chỉ múa với 6 thành viên và vẫn lần lượt múa đầy đủ các động tác như lần đầu đầu.
Các điệu múa được tiến hành theo thứ tự: đuổi bắt rùa, lừa rùa vào ao, bắt rùa, lật rùa, đạp mai rùa, luồn vị môn rùa, làm thịt rùa, băm rùa, dâng rùa, ....
Đàn múa tìm bắt rùa. Trước khi vào múa rùa, người ta phải chuẩn bị các vật dụng sử dụng trong nghi lễ và lập đàn múa rùa.
* Chuẩn bị các vật dụng khi làm lễ: Để lập được đàn múa rùa, gia đình phải chuẩn bị một số vật dụng như:
- Một chiếc ghế nhỏ: dùng để các vật cúng.
- Một bát hương làm bằng ống tre, thể hiện nơi trú ngụ của rùa.
- Một chén nước: thể hiện hồ xuân thủy để các vị thần linh rửa chân tay khi về dự lễ.
- Mũ thành hoàng: mũ này có ba hình ảnh Phật tam nương, bịt kín năm góc. Mũ này dùng để chụp lên bát hương và chén nước thể hiện ao để bắt rùa.
- Hai cây gậy để đuổi rùa.
- Hai cờ giấy đuôi nheo được cắm trên mũ tam nương thể hiện là cờ của rùa.
Đàn này được lập ở giữa sàn múa. Họ để tất cả các lễ vật lên ghế và đặt chiếc mũ của thầy cả lên trên. Xung quanh ghế cắm hai gậy của thầy cúng và bốn cờ giấy đuôi nheo ở bốn góc. Đây là đàn cúng với ý niệm linh thiêng gọi hồn rùa về và cầu mong bắt được rùa để dâng lên các thánh thần.
* Điệu múa chọc đuổi bắt rùa:
Đây là điệu múa đầu tiên trong đàn tìm rùa. Họ đi vòng quanh đàn múa theo nhịp chậm vừa phải, hòa với nhịp của nhạc cụ cũng như vậy. Đó chính là sự dò tìm, chú ý xem rùa ở đâu. Tất cả mọi người đi vòng quanh đàn theo chiều kim đồng hồ rồi lại quay ngược lại, cứ đi như thế 7 vòng. Mở đầu mọi người thực hiện động tác tìm hang rùa. Sau khi đã tìm và phát hiện được hang rùa thì đoàn người múa động tác chọc bắt. Để chọc bắt rùa, trên tay mỗi người đều cầm que múa khua đi khua lại thể hiện động tác đang chọc bắt rùa trong hang sâu. Cùng với không khí sôi động của động tác trọc bắt rùa thì bên ngoài tiếng trống, chũm chọe diễn ra rộn rã, dồn dập liên hồi hối thúc bước chân của người múa ngày càng nhanh. Sau đó mọi người tiếp tục lượn nhanh ba vòng quanh đàn múa. Mỗi vòng dừng một lần, cúi người, giơ hai tay đang điều khiển nhạc cụ dồn dập gần sát đàn múa với ý để đuổi bắt rùa. Tiếp đó họ đảo vòng, khom lưng, giơ tay vào gần đàn múa chạy ba vòng miệng hô nhau với ý đoàn kết, phối hợp cùng nhau để bắt được rùa.
*Điệu múa lừa rùa vào ao:
Sau khi tìm thấy rùa thì tất cả mọi người lừa rùa vào ao cho dễ bắt. Tám người đứng thành bốn cặp tay cầm chuông và thanh la vừa đi vừa múa, lúc đầu họ đi bốn vòng theo chiều tay trái. Cứ đi được một vòng thì người ta lại dừng để múa, tay dùng chuông và thanh la khua xung quanh, gõ hai bên từ trái sang phải sau đó từ từ đưa vào trong, sau khi đi sang trái bốn vòng thì lại tiếp tục lặp lại các động tác đó theo chiều tay phải bốn vòng nữa, lượt múa này múa trong vòng 30 phút. Điệu múa lừa rùa vào ao được múa hai lần, mỗi lần múa một khác. Lần hai những người múa lại tiếp tục đi vòng quanh theo chiều tay trái rồi tiếp tục theo chiều tay phải, nhưng lần này những người múa lại đưa chuông và thanh la từ trán đưa xuống dưới, người lắc lư theo tiếng chuông, trống và thanh la. Tất cả những người múa đều đi theo sự chỉ đạo của thầy cả thể hiện bằng tiếng chuông và thanh la. Điệu múa này với mục đích lừa rùa vào ao đã được chuẩn bị sẵn cho dễ bắt.
* Điệu múa bắt được và lật rùa:
Sau khi múa song điệu múa tìm, chọc rùa và lừa rùa vào ao thì mọi người lại tiếp tục với các động tác múa bắt được và lật rùa. Để thể hiện động tác này đoàn người múa nhảy chân sáo ba vòng xuôi và ba vòng ngược lại với ý lật rùa lên. Tiếp theo là nhảy ngồi quanh đàn múa ba vòng, hai tay điều khiển nhạc cụ đưa gần sát mặt đất với ý nghĩa chộp bắt được rùa, tiếp đến đưa tay hất từ dưới mặt đất ngược lên với ý nghĩa đã bắt được rùa rồi ngồi chặn lên rùa cho khỏi chạy. Sau khi bắt được rùa họ thực hiện bước khóa rùa, tất cả mọi người đi thành vòng tròn nhỏ, tay giơ thanh la và chuông lên cao, bước chân dồn dập hơn. Động tác khóa rùa được thực hiện bốn lần, được múa ở bốn góc. Sau khi khóa song đoàn người tiếp tục đi vòng quanh để chạy rùa. Các động tác múa bắt rùa, khóa rùa và lật rùa thể hiện sức mạnh, sự khỏe khoắn của người đàn ông Dao. Những người tham gia vào điệu múa này đều là những người đàn ông khỏe mạnh. Kết thúc cho đàn múa thứ nhất là điệu múa nâng rùa lên lưng và đeo rùa. Thể hiện điệu múa này mọi người đi vòng quanh đàn ba vòng, sau mỗi vòng dừng lại một lần, cúi xuống mặt, đối mặt theo từng đôi, kết hợp với điều khiển chuông kêu leng keng, mọi người dùng tay giả làm động tác cùng nhấc rùa từ mặt đất lên lưng nhau. Tiếp theo họ lại đi vòng quanh đàn múa ba vòng nữa, mỗi vòng đi họ cũng dừng lại, từng đôi múa quay lưng đối diện, một người cúi khom thấp, một người lại ngửa người lên để lưng đè lên lưng người cúi và ngược lại. Trên tay mọi người điều khiển chũm chọe nhanh, rộn rã cùng với tiếng cười vui, hò hét tạo nên không khí sôi nổi của lễ hội. Kết thúc đàn múa tìm bắt rùa mọi người cùng nhau đi vòng tròn quanh đàn cùng vui vẻ hát múa, reo hò theo điệu nhạc. Động tác khóa rùa tuy đơn giản nhưng phải giao cho người rất thông thạo dẫn đầu mới thể hiện được động tác trói rùa thật chuẩn. Những động tác múa trên thể hiện sự khỏe khoắn, nhanh nhẹn, sắc bén của những người đàn ông Dao. Khi đã lừa được rùa vào ao, họ dễ dàng bắt được rùa và lật rùa lên lưng mang về làm thịt dâng lên các vị thần linh để tỏ lòng tôn kính của tộc người.
* Đạp hoa rùa: Theo quan niệm của người Dao trên mai rùa có hoa văn nên sau khi bắt song rùa thì họ tiếp tục múa điệu đạp hoa trên mai rùa. Điệu múa này được múa 5 lần, tất cả những người múa đứng thành vòng tròn. Sau đó các cặp đứng đối diện đạp chân vào nhau, sau khi đạp chân vào nhau được bốn lần họ đổi chỗ cho nhau và tiếp tục đạp chân vào nhau, họ múa thành vòng tròn múa 5 lần đạp hoa, múa ở giữa và tiếp tục ở bốn góc. Điệu múa đạp mai rùa thể hiện lòng đoàn kết của nhân dân.
Đàn múa dâng rùa
* Luồn khóa rùa và mở vị môn rùa:
Mở đầu cho đàn múa này là điệu múa luồn khóa và mở vị môn rùa. Lễ vật gồm có bảy khúc chuối cắt lát dày khoảng 10 - 15cm thể hiện là những con rùa, 2 gậy thờ, 5 kiếm cắm lên các khúc chuối tượng trưng cho những người bị thần linh bắt để luồn vào vị môn rùa, khoảng cách con nọ cách con kia khoảng 50cm. Tất cả những người múa lượn vòng quanh các con rùa hình tượng theo hàng chiều dọc rồi lại theo hàng chiều ngang. Tuy động tác này khá đơn giản nhưng điệu múa đòi hỏi sự khéo léo, uyển chuyển sao cho nhịp âm thanh trên tay, nhịp nhảy của chân. Đoàn múa đi lần lượt luồn theo tay trái chín lần, mỗi lần khóa đi hai vòng, tay đưa chuông và thanh la từ trên chán rồi đưa vào trong. Luồn khóa vị môn rùa để tránh rùa bắt người. Sau khi luồn khóa vị môn rùa song thì lại tiếp tục mở khóa vị môn rùa. Mở khóa vị môn rùa cũng múa như khóa vị môn rùa nhưng tay đưa chuông lại khác đưa lên chán rồi đưa ra ngoài. Những động tác múa này thể hiện sự khỏe khoắn, sức mạnh của người Dao. Điệu múa này mang ý nghĩa tránh cho rùa phá hoại và bắt người.
* Làm thịt rùa và dâng rùa:
Sau khi bắt được rùa khóa rùa và đeo rùa về người ta mở khóa rùa để mổ, băm rùa dâng lên Bàn Vương, thánh thần và gia tiên. Trong điệu múa này mọi người đi khoan thai, tay cầm chũm chọe lắc theo nhịp đi để diễn tả ý người ta đếm xem còn bao nhiêu con rùa và trói nó lại để dâng lên các thần. Theo quan niệm của người Dao rùa là con vật thông minh, dũng cảm nên họ bắt để dâng lên cho các vị Bàn Vương, thần thánh và gia tiên một cách thành kính. Tiếp đến là điệu múa mổ rùa, tất cả mọi người chạy quanh lễ vật, lưng hơi khom, đầu cúi xuống thể hiện tư thế đang thịt rùa. Sau khi thịt song, họ tiếp tục chế biến, những người múa tay cầm thanh la gõ liên tục thể hiện là những tiếng băm rùa. Sau khi băm rùa song tiếp tục lại múa ăn rùa, những người múa tay gõ mạnh vào chiếc mũ tam nương đi theo vòng tròn, múa ăn rùa đi một vòng.
Kết thúc cho điệu múa rùa là tháo hoa của rùa, sau đó đuổi rùa chạy ra. Trong điệu múa tháo hoa rùa thì từng đôi đối diện nhau một người cầm chuông, một người cầm thanh la đứng đạp chân vào nhau, đạp chân trái năm lần sau đó đạp chân phải năm lần, mỗi lần múa song lại đổi vị trí hai lần. Những người múa tay cầm thanh la, chuông gõ liên hồi, bước đi uyển chuyển. Cuối cùng là múa đuổi rùa tám vòng, mỗi vòng lại có một người xoay vòng tròn thể hiện động tác lùa đuổi rùa ra khỏi ao. Động tác này múa để thể hiện một vòng múa rùa mới lại sắp được thực hiện.
4. Giá trị của điệu múa rùa
Điệu múa "Pẻo tộ" dịch sang tiếng Việt gọi là điệu múa rùa. Điệu múa này gắn liền với tết nhảy của tộc người Dao. Múa rùa là điệu múa mô phỏng, cách điệu các động tác tìm, xua rùa, lừa rùa vào ao, bắt rùa, lật rùa, đạp mai rùa, luồn khóa vị môn rùa, dâng rùa.... Đây là điệu múa rất độc đáo và mang tính hình tượng cao thể hiện lòng mong ước những điều tốt lành, hạnh phúc đến với gia đình và dòng họ.
Giá trị lịch sử: điệu múa rùa có lịch sử lâu đời trong đời sống xã hội cộng đồng, phản ánh quá trình lịch sử, đặc điểm kinh tế, văn hoá, xã hội của tộc người rất rõ nét. Qua các bước chuẩn bị, hình thức múa, các điệu múa đã giúp các nhà nghiên cứu có thêm tri thức dân gian về đời sống vật chất cũng như tinh thần của cộng đồng người Dao. Ngoài ra, múa rùa mang màu sắc văn nghệ vui khỏe của tộc người. Đây cũng là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của tộc người.
Giá trị văn hóa - xã hội: điệu múa rùa mang giá trị nghệ thuật độc đáo liên tục được kế thừa và phát huy trong nghi lễ tết nhảy, do đó nó có giá trị duy trì thuần phong mỹ tục của cộng đồng. Qua điệu múa này còn thể hiện quan niệm của cộng đồng về thế giới tâm linh, thể hiện những đặc điểm tôn giáo - tín ngưỡng của tộc người, thể hiện các đặc trưng văn hoá, những tập quán riêng biệt của cộng đồng.
Giá trị nghệ thuật: điệu múa rùa được diễn ra trong không khí vui tươi của ngày hội lớn, những động tác múa nhịp nhàng, khỏe khoắn. Nghệ thuật múa này còn là một phong tục đẹp, thể hiện tính phồn thực và mối giao hòa trong cộng đồng tộc người. Vì vậy, nó có một sức mãnh liệt trong đời sống văn hóa của tộc người Dao.
Giá trị giáo dục: nghệ thuật múa rùa trong tết nhảy thể hiện tính giáo dục cao bởi nó luôn ôn lại truyền thống của lịch sử tộc người, giáo dục các thế hệ con cháu về lòng biết ơn tổ tiên, về sự đền đáp công ơn tổ tiên.
Múa rùa là một nghệ thuật dân gian thể hiện tính phồn thực và mối giao hòa trong cộng đồng dân tộc. Qua điệu múa này, người Dao muốn gửi gắm ước nguyện cầu mong Bàn Vương phù hộ cho gia đình, dòng họ, bản làng được sống yên vui, hạnh phúc, mùa màng cây cối bội thu. Chính vì vậy, nên múa rùa có một sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa của người Dao.
Điệu múa rùa mang giá trị nghệ thuật độc đáo liên tục được kế thừa và phát huy trong nghi lễ tết nhảy, do đó nó có giá trị duy trì thuần phong mỹ tục của cộng đồng.
Nhìn chung, múa là một thành tố nghệ thuật văn hoá trong đời sống của cộng đồng người Dao, rất phong phú về thể loại. Nó còn mang tính giáo dục, sự kế thừa nền văn hoá truyền thống và đã trở thành một bộ phận quan trọng trong kho tàng văn hoá nghệ thuật của người Dao. Đặc biệt, đây là hình thức sinh hoạt văn hoá không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của đồng bào Dao. Bên cạnh các điệu múa như là hình thức tái diễn lại những nội dung gắn liền với lịch sử của dòng tộc, người Dao còn có các hình thức múa thể hiện những hoạt động, những động tác đơn giản trong lao động, sản xuất, trong cuộc sống đời thường. Đó là những điệu múa thể hiện các động tác cày, cuốc, trồng lúa, gặt lúa, cuốc đường, lăn đường, xúc đất…rất quen thuộc trong lao động hàng ngày của người Dao.
(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)
Ban Biên tập Cổng TTĐT
Các bài khác
- Hát "Pá dung" của người Dao đỏ xã Trung Tâm, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái (22/08/2017)
- Hát “Quan Làng” trong đám cưới của tộc người Tày xã An Phú, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái (08/08/2017)
- Hát “Páo Dung” của người Dao đỏ xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái (07/08/2017)
- Tri thức học dân gian của người Dao quần chẹt, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái (07/08/2017)
- Nghề đan lát của người Khơ Mú, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái (07/08/2017)
- Diễn xướng “Khảm Hải” trong hát “Pựt” của người Tày xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái (03/08/2017)
- Lễ hát Xịnh ca dân tộc Cao Lan, xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái (03/08/2017)
Xem thêm »