Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Văn hóa - Xã hội

Thành phố Yên Bái chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ

21/07/2018 16:37:12 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong những ngày qua, do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Bắc Trung Bộ nối với áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão số 3 nên trên địa bàn thành phố Yên Bái đã có mưa rất to, kết hợp với nước lũ các sông, suối trên địa bàn dâng cao đã gây ngập úng cục bộ ở nhiều khu vực trên địa bàn. Mưa lũ đã gây ngập úng lớn, chia cắt nhiều thôn, tổ, hộ gia đình. Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, thành phố Yên Bái đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm ứng phó và chủ động khắc phục hậu quả do mưa lũ.

Nước rút đến đâu, cán bộ công nhân viên chức, đoàn viên thanh niên thành phố Yên Bái lao động vệ sinh tuyến đường Hoàng Hoa Thám

Xã Âu Lâu là một trong các địa phương bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ những ngày qua. Nhiều thôn đã bị ngập úng diện rộng và bị chia cắt do nước dâng cao. Đã có 285 hộ gia đình tại các thôn Cửa Ngòi, Đầm Vông, Cống Đá, Đồng Đình, Phú Nhuận, Trấn Thanh 2 phải di dời tạm thời. Giao thông bị tắc nghẽn tại các khu vực đường 37 qua thôn Đắng Con và các thôn Trấn Thanh 1, Phú Nhuận, Cửa Ngòi. Anh Nguyễn Văn Tuấn - Thôn Hai Luồng xã Âu Lâu cho biết: “Từ ngày tôi lớn lên đến giờ bây giờ, ở đây mới có lũ to như thế. Trước đây năm nào cũng lũ nhưng không sập cầu, năm nay lũ to đứt cả cầu. Nhiều hộ gia đình ngập sâu trong nước, thóc lúa cũng ướt hết cả”. Cầu treo tại thôn Trấn Thanh 1 bắc qua suối Ngòi Lâu đã bị sập do lũ cuốn. Để chủ động đối phó với mưa lũ, Ban chỉ đạo PCTT-TKCN xã Âu Lâu đã triển khai các lực lượng ứng trực tại các thôn nắm bắt tình hình đồng thời giúp đỡ người dân di dời đến nơi an toàn. Tổ chức trực 24/24h. Triển khai lực lượng tại khu vực cầu bị sập, không cho người dân qua lại khu vực nguy hiểm đảm bảo an toàn. Anh Nguyễn Đình Tứ - Dân quân cơ động xã Âu Lâu cho hay: “Để đảm bảo an toàn của người dân không đi qua khu vực cầu sập, xã Âu Lâu đã bố trí tất cả các ban ngành như công an, dân quân và các đoàn thể khác tổ chức trực 24/24, mỗi ca trực có ít nhất 2 người  không cho người dân hiếu kì ra xem rất nguy hiểm”.

Mưa lớn đã gây ngập úng, chia cắt nhiều thôn, tổ, hộ gia đình ở 16/17 xã, phường của thành phố. Đã có trên 2.200 hộ bị ảnh hưởng đã phải di dời tạm thời để đảm bảo an toàn. Trọng điểm là các xã, phường Âu Lâu, Hợp Minh, Giới Phiên, Văn Phú, Văn Tiến, Phúc Lộc, Hồng Hà, Nguyễn Thái Học, Yên Ninh, Tuy Lộc, Nam Cường. Nơi ngập sâu nhất là trên 2 m. Trong đó phường  Hồng Hà  là địa bàn có nhiều hộ dân phải di dời nhất với 1.252 hộ ở các tuyến đường Thanh Niên, Chợ Yên Bái, Ga Yên Bái, đường Trần Hưng Đạo. Do nước sông Hồng dâng cao, nhiều tuyến đường trên địa bàn phường  Hồng Hà bị ngập úng, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của những người dân sinh sống tại khu vực này. Để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân,  phường Hồng Hà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tình hình mưa lũ để người dân chủ động ứng phó kịp thời. Bà Nguyễn Thùy Chinh- Phó chủ tịch UBND phường Hồng Hà cho biết: “Khi có mưa lũ xảy ra Ban Chỉ huy PCTT-TKCN chủ động chỉ đạo các tiểu ban tại các khu dân cư nắm bắt tình hình diễn biến của mưa lũ thông báo cho nhân dân kịp thời chủ động. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nắm bắt và thường xuyên rà soát toàn bộ hộ dân trên địa bàn. Trong triển khai còn một số hộ dân còn chủ quan nên phường Hồng Hà tăng cường nắm bắt, tuyên truyền, vận động, cưỡng chế di dời người  và tài sản đến nơi an toàn”.                                            

Theo số liệu thống kê của BCH PCTT-TKCN thành phố Yên Bái, đã 07 hộ gia đình tại các xã Văn Tiến, Minh Bảo bị sạt lở ảnh hưởng đến nhà ở và 10 hộ gia đình thuộc phường Nguyễn Phúc, xã Phúc Lộc có nguy cơ rất cao bị sạt lở đã phải di dời tạm thời người và tài sản để đảm bảo an toàn. Mưa lũ cũng đã gây ngập úng trên 500 ha lúa, rau màu, ao cá của  các hộ dân  tại 17/17 xã, phường. 01 con trâu của phường Hợp Minh và trên 1.000 con gia cầm của xã Âu Lâu bị lũ cuốn trôi. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đại đa số người dân ở các vùng trũng trên địa bàn thành phố đã chủ động di chuyển đồ đạc lên các vị trí cao, đảm bảo an toàn. Bà Hoàng Thị Tuyết - Thôn Xuân Lan, xã Tuy Lộc nói: “Do có sự chủ động, đồ đạc gia đình đã chuyển lên tầng trên nên không bị thiệt hại gì. Đến nay nước rút, gia đình tôi đã dọn dẹp lại nhà cửa nhưng đồ đạc vẫn để trên cao để đề phòng nước dâng.”

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, thành phố đã thành lập các đoàn công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả tại hiện trường xảy ra thiên tai. Đồng thời tăng cường lực lượng, phương tiện để hỗ trợ thành phố tham gia ứng cứu tại các khu vực trọng điểm xảy ra thiên tai. Theo đó đã đã huy động 850 người, gồm lực lượng công an, quân đội, dân quân, bảo vệ dân phố…tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ. Huy động 35 xuồng, thuyền máy, trên 50 xe tải và các vật tư… để tham gia ứng cứu. Thượng tá Phạm Văn Huấn -  Chỉ huy Trưởng Ban chỉ huy Quân sự thành phố cho biết: “Ban chỉ huy Quân sự thành phố đã tổ chức lực lượng dân quân cơ động của tất cả các xã, phường khẩn trương cùng với nhân dân sơ tán người, tài sản vào nơi an toàn. Tổ chức lực lượng cứu hộ, cứu nạn trên sông. Từ ngày 20 đến 21 tháng  7 khoảng trên 200 lượt lực lượng dân quân và bộ đội thường trực tham gia cứu hộ, cứu nạn, Phối hợp với lực lượng của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, xin lực lượng tăng cường của Sư đoàn 316 và Sư đoàn 355 với trên 200 người để giúp khắc phục hậu quả mưa lũ”.

Hiện nay thành phố đang tiếp tục chỉ đạo các xã, phường khẩn trương thực hiện các giải pháp giúp đỡ  nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ. Ngay sau khi nước rút huy động nhân lực, phương tiện cùng nhân dân chủ động dọn dẹp vệ sinh môi trường. Đồng thời hướng dẫn nhân dân chủ động khôi phục sản xuất đối với diện tích bị ngập úng, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân.

879 lượt xem
CTV: Việt Hà - Thanh Nghị

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h