Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> An ninh - Quốc phòng

Ứng dụng tri thức địa phương trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở tỉnh Yên Bái

03/08/2018 16:21:58 Xem cỡ chữ Google
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng gây ngập lụt, gây nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến nông nghiệp, gây rủi ro lớn đối với công nghiệp và các hệ thống kinh tế - xã hội trong tương lai. Vấn đề biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu, như năng lượng, nước, lương thực, xã hội, việc làm, chính trị, ngoại giao, văn hóa, kinh tế, thương mại. Đây là vấn đề đặt ra đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng.

Nhiều ngôi nhà tại huyện Lục Yên bị ngập lên mái nhà (ảnh: Báo Yên Bái)

Biểu hiện của các yếu tố khí hậu trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Kết quả theo dõi, đánh giá khí tượng trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong vòng nửa thế kỷ, cho thấy:

- Thời gian càng gần về hiện tại thì nhiệt độ càng tăng, lượng mưa trung bình năm tại trạm Yên Bái giảm dần qua các thập niên, tại trạm Nghĩa Lộ, lượng mưa trung bình giảm dần ở 02 thập niên gần đây (1991 - 2000, 2001 - 2010); tại trạm Mù Cang Chải, lượng mưa trung bình năm không có biến động nhiều qua các thập niên, dao động trong khoảng 1750mm đến 1850mm, tuy nhiên tình trạng lượng mưa thấp nhất trong 5 thập niên quan trắc lại diễn ra tại thập niên gần đây (thập niên 1991 - 2000). Các hiện tượng cực đoan khí hậu liên quan đến nhiệt độ, lượng mưa đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh, như không khí lạnh tăng cường, nắng nóng, mưa tuyết, băng kết, mưa đá, mưa lớn trái mùa... 

- Nhiệt độ trung bình năm của tỉnh Yên Bái đã tăng (từ 0,4  độ C đến 0,6 độ C). Số đợt không khí lạnh giảm hẳn (từ trung bình mỗi năm đón nhận 29 đợt không khí lạnh trong thập niên 1971 - 1990 xuống còn 24 đợt mỗi năm trong thập niên 1991 - 2000, đặc biệt trong các năm từ 1994 - 2008 chỉ còn 15 đợt đến 16 đợt rét mỗi năm). Tuy nhiên, số đợt không khí lạnh có sự biến động mạnh từ năm này qua năm khác, xuất hiện những đợt rét đậm kéo dài kỷ lục, những đợt rét hại có nhiệt độ khá thấp, cụ thể trong năm 2008 tỉnh Yên Bái trải qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày (từ ngày 13-01 đến ngày 20-02).

- Độ ẩm trung bình tháng trong các thập niên gần đây có xu hướng thấp dần. Số ngày nắng nóng có xu thế tăng lên ở các hầu hết các vùng khí hậu. Về mùa đông số đợt không khí lạnh giảm hẳn, số ngày mưa phùn cũng giảm và khả năng nắng nóng trong mùa hè có xu hướng gia tăng trong thập niên gần đây (Độ ẩm trung bình năm từng thập niên đo tại trạm Yên Bái thời kỳ 1961 - 2008 có xu hướng giảm dần, từ 83% giai đoạn 1961 - 1970 xuống còn 79% giai đoạn 2001 - 2008).

- Trong mùa mưa lũ, những trận mưa kéo dài và cường độ mưa lớn kèm theo gió xoáy và đôi khi có cả mưa đá, gây lũ lụt, úng ngập, lũ ống, lũ quét phá hại mùa màng, tính mạng, tài sản của nhân dân ở các vùng ven sông, suối. Tuy nhiên, lượng mưa trung bình năm trong thời gian gần đây lại có xu hướng giảm so với các năm trước, lượng mưa giảm nhiều trong mùa khô. Vì thế, tình hình hạn hán, thiếu nước có nguy cơ tái diễn ở các vùng trong tỉnh.

Trong giai đoạn 2011 - 2017, nhìn chung, nhiệt độ trung bình năm trên các vùng của tỉnh có xu hướng tăng dần, thời gian càng gần về hiện tại thì nhiệt độ càng tăng; dao động nhiệt độ trong trong những năm gần đây mạnh hơn so với những năm của thập niên 60, 70 thế kỷ trước. Trong giai đoạn này, diễn biến thời tiết có nhiều điểm bất thường; các hiện tượng cực đoan liên quan đến nhiệt độ, như không khí lạnh, rét đậm, rét hại xảy ra sớm hơn so với trung bình nhiều năm, mùa đông 2015 - 2016, rét đậm, rét hại diện rộng tuy không kéo dài nhưng nhiệt độ đạt giá trị thấp nhất trong 40 năm gần đây; có những đợt không khí lạnh hoạt động khá mạnh, gây ra trận mưa vừa, mưa to hiếm thấy trong chuỗi số liệu quan trắc vào chính giữa mùa khô (tháng 11 - 2011); lượng mưa trung bình năm tại các trạm quan trắc có xu thế giảm, đặc biệt có những khu vực có lượng mưa rất thấp so với trung bình nhiều năm; không khí lạnh hoạt động mạnh vào những tháng chính Đông làm nền nhiệt độ chung giảm thấp hơn so với giá trị trung bình nhiều năm; số ngày rét đậm, rét hại có xu thế giảm nhưng mức độ rét lại có sự bất thường, biến động mạnh từ năm này qua năm khác, xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại kéo dài kỷ lục, có nhiệt độ khá thấp, ví dụ: Đợt rét đậm, rét hại xảy ra trong 19 ngày, từ ngày 15-12-2013 đến ngày 02-01-2014, sớm hơn so với trung bình nhiều năm và sớm hơn so với với vụ đông xuân năm trước khoảng 7 - 8 ngày; đợt rét đậm rét hại xảy ra từ ngày 23-01 đến ngày 29-01-2016 do ảnh hưởng của không khí lạnh rất mạnh đã gây mưa tuyết khu vực phía tây (các huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ) và một phần khu vực phía đông (các huyện: Trấn Yên, Văn Yên), một số nơi có nơi tuyết phủ dày 15cm. 

Những hệ quả khôn lường 

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, Yên Bái thường chịu ảnh hưởng của lũ, lũ quét và sạt lở đất; cháy rừng, hạn hán. Các lĩnh vực: an ninh lương thực, lâm nghiệp, giao thông vận tải, môi trường - tài nguyên nước - đa dạng sinh học, y tế, sức khỏe cộng đồng, các vấn đề xã hội khác thuộc vùng núi và trung du Việt Nam có nguy cơ chịu tác động đáng kể của biến đổi khí hậu. 

Biến đổi khí hậu đã và sẽ làm gia tăng lũ quét và các thiên tai khác cho tỉnh Yên Bái như hạn hán, khô hạn, giảm lượng mưa và các hiện tượng cực đoan trong mùa đông. Thời tiết diễn biến bất thường nên các trận mưa với cường độ lớn đã xảy ra và khó dự báo trước, gây ra ngập úng cục bộ, lũ ống, lũ quét, trượt lở đất trên địa bàn tỉnh Yên Bái... Với đặc điểm về địa hình có độ dốc cao, thay đổi đột ngột, sự trượt lở đất sẽ có nguy cơ tiếp tục gia tăng khi có các hiện tượng bất thường về lượng mưa do biến đổi khí hậu gây ra. Sự gia tăng và phân bố không đều về lượng mưa trong mùa mưa; sự suy giảm và phân bố không đều về lượng mưa trong mùa khô (mùa đông); nhiệt độ tăng trong mùa hè và chênh lệch lớn về nền nhiệt trong mùa đông gây chậm thời vụ, năng suất, chất lượng cây trồng giảm, hệ thống canh tác thay đổi; rét đậm, rét hại nhiệt độ thấp kéo dài làm cây trồng, vật nuôi bị chết, giảm khả năng chống chịu, hư hỏng công trình thủy lợi, làm cho đất bị rửa trôi, xói mòn, sạt lở, gây thoái hóa, bạc mầu đất canh tác, làm tăng nguy cơ cuốn trôi gia súc, gia cầm; tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát trên đàn gia súc, gia cầm, gia tăng các rủi ro về cháy rừng… 

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các vùng nguyên liệu là đầu vào cho các cơ sở chế biến nông, lâm sản, đến các khu khai thác tài nguyên khoáng sản; các tuyến giao thông bị phá hủy sẽ ảnh hưởng xấu đến các hoạt động sản xuất (vận chuyển nguyên, nhiên liệu) cũng như tiêu thụ hàng hóa trong tỉnh. Lũ quét và sạt lở đất đã phá hủy rất nhiều tuyến đường, cầu và các kết cấu hạ tầng khác, gây sụt lở taluy dương, taluy âm nền đường và úng ngập một số vị trí, làm ách tắc giao thông trên một số tuyến đường, làm hư hỏng nhiều vị trí nền đường, công trình thoát nước trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh. Biến đổi khí hậu làm gia tăng bệnh dịch, làm suy giảm các điều kiện sống của người dân, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường; các vụ cháy rừng sẽ xảy ra thường xuyên hơn, là nguyên nhân gây ô nhiễm khói bụi và góp phần làm cho hiện tượng biến đổi khí hậu xảy ra mạnh mẽ hơn.

Có thể nhận thấy khả năng dễ bị tổn thương của tỉnh Yên Bái trước những biến đổi cực đoan của khí hậu. Kết quả theo dõi và thống kê cho thấy, giai đoạn từ năm 1970 đến nay, các đợt lũ lụt xảy ra tại Yên Bái trở nên thường xuyên hơn, mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn. Mưa lớn đã gây ngập úng trên diện rộng, hàng ngàn héc-ta lúa và hoa màu bị mất trắng; nhiều đoạn đường quốc lộ bị ngập và trôi đá; cuốn trôi rất nhiều tài sản, hoa màu của người dân, công trình công cộng của địa phương; mực nước của các sông Hồng nhiều lần tăng trên mức báo động 3, và mực nước của các hồ chứa cũng vượt quá mức lũ thiết kế nhiều hồ chứa, đập đắp của địa phương bị tràn do lũ cao… Điều này phản ánh thực tế biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh hơn và tác động của lũ, lụt đến cuộc sống của người dân ngày càng nhiều hơn, cường độ lớn hơn. Từ năm 2005 đến 2017, do ảnh hưởng bởi các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, mưa lớn trên địa bàn của hầu hết các huyện trong tỉnh đã làm chết 263 người, bị thương 152 người, làm sập, đổ, cuốn trôi 1.725 ngôi nhà, gây thiệt hại cho tỉnh 3.191,8 tỷ đồng. Một số trận lũ quét, sạt lở đất điển hình trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra trong những năm qua như sau:

Trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra 10 đợt thiên tai, đặc biệt là hai đợt rét đậm, rét hại xảy ra trong tháng 01, tháng 02 tại các huyện: Mù Cang Chải, Lục Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Văn Yên, Trấn Yên và Thị xã Nghĩa Lộ. Mặc dù tỉnh đã chủ động, quyết liệt từ công tác phòng ngừa, ứng phó, tích cực khắc phục hậu quả nhưng do thiên tai xảy ra bất thường với tần suất cao, cường độ lớn, trên diện rộng nên đã gây ra thiệt hại về người, tài sản, hoa màu và các công trình hạ tầng kỹ thuật, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội trong vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai. Cụ thể: Thiên tai đã làm cho 02 người bị thương, hư hỏng 794 căn nhà; thiệt hại 1.990,56ha sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp, 1.314 con gia súc, gia cầm; hư hỏng một số công trình hạ tầng kỹ thuật... Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 44 tỷ đồng.

Mô hình sử dụng tri thức địa phương để ứng phó với biến đổi khí hậu - một hướng đi bền vững

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Yên Bái đã có nhiều giải pháp: 

Một là, tổ chức theo dõi các thông số khí tượng theo hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh tại Quyết định số 1740/QĐ-UBND, ngày 20-11-2013, của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, về việc ban hành hệ thống biểu mẫu, chế độ báo cáo thống kê dùng để thu thập hệ thống chỉ tiêu cấp tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái, để theo dõi, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến vấn đề ngập lụt tại lưu vực sông Chảy trên địa bàn huyện Lục Yên theo Kế hoạch số 202/KH-BCĐUPBĐKH, ngày 29-11-2017, của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu của tỉnh;

Hai là, nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; 

Ba là, tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, vùng thường xuyên bị tác động của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; 

Bốn là, ứng dụng công nghệ mới thích ứng biến đổi khí hậu trong xây dựng đô thị, phát triển, sử dụng năng lượng, giao thông, vật liệu xây dựng, thoát nước... 

Năm là, chủ động chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện các mô hình thí điểm ứng phó với biến đổi khí hậu, phổ biến và triển khai nhân rộng, như mô hình làng nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Dự án “Làng ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu” do Chương trình Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Nông nghiệp và an ninh lương thực Đông Nam Á (CCAFS-SEA) thực hiện tại Thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình; mô hình canh tác lúa nước theo phương thức SRI giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên…; mô hình hầm Biogas giảm phát thải khí nhà kính do các chương trình khuyến nông triển khai trên địa bàn tỉnh; mô hình trồng rừng thông mã vĩ, trồng keo trong chương trình quản lý rừng bền vững, đa dạng sinh học giảm phát thải khí nhà kính CO2, do Chính phủ Đức, Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) tài trợ; mô hình cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu trong Dự án “Nâng cao năng lực thích ứng cho cộng đồng dân tộc huyện Lục Yên” do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Lục Yên triển khai dưới sự tài trợ của Hiệp hội cứu trợ Đức; mô hình nhóm sở thích trồng cây sơn tra và cây thuốc nam để cải thiện sinh kế, giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nhóm đồng bào dân tộc dễ tổn thương trong Dự án “Tăng cường sự tham gia của người dân vào lập kế hoạch ứng phó với Biến đổi khí hậu tại 02 xã Nậm Khắt và Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái”, do Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tài trợ, Trung tâm Phát triển Khoa học công nghệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái là đơn vị triển khai; mô hình làng nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu trong Dự án “Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” do Ủy ban châu Âu (EC) và FAO tài trợ, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NoMafSI) triển khai; mô hình các khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu của các cấp hội, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh…

Ngoài ra, còn nhiều mô hình triển khai trong thực tế cộng đồng làng, xã; vận dụng rất nhiều tri thức địa phương trên địa bàn tỉnh vào thực tế sản xuất, phát triển sinh kế để thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Đây là một hướng đi bền vững, phù hợp với đặc thù địa phương và góp phần vào gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc./.

----------------------------------------------------

(* ) Bài viết là sản phẩm của đề tài khoa học cấp nhà nước BĐKH.26/16-20 "Nghiên cứu sử dụng và phát huy tri thức địa phương trong chủ động và ứng phó với biến đổi khí hậu ở các vùng, miền nước ta"

 

(Theo Tạp chí Cộng sản)

3007 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h