Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp học ở Yên Bái: Sức mạnh của "ý Đảng - lòng Dân"

20/11/2020 07:17:05 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Qua 5 năm thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non – giáo dục phổ thông, giai đoạn 2016 - 2020, với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, sự quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục; bằng những cách làm sáng tạo, linh hoạt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa điều chỉnh kịp thời nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện... Đề án đã thành công tốt đẹp.

Một tiết học của học sinh vùng cao huyện Mù Cang Chải

Xác định việc thực hiện Đề án là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nên mặc dù là một huyện vùng cao gặp phải nhiều khó khăn nhưng Mù Cang Chải đã nghiêm túc triển khai, thực hiện. Từ sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của địa phương, đến hết tháng 7/2020, Mù Cang Chải có tổng số 36 trường, 55 điểm trường, 599 lớp với trên 20 nghìn học sinh, trên 10.000 học sinh bán trú. So với trước khi thực hiện Đề án giảm 1 trường; 84 điểm trường, giảm 19 lớp, tăng trên 3.600 học sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các nhà trường đã được quan tâm đầu tư với 54/39 phòng học được xây dựng mới, đạt 138,5% so với mục tiêu Đề án. Nhờ đó chất lượng Giáo dục và Đào tạo ở huyện vùng cao Mù Cang Chải đã được nâng lên rõ rệt. Đối với giáo dục mầm non so với trước khi thực hiện Đề án, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 0,1%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm 0,14%. Đối với giáo dục Tiểu học và THCS, sau 5 năm thực hiện Đề án, số lượng học sinh ra lớp tăng; tỷ lệ thường xuyên chuyên cần duy trì ổn định, chất lượng giáo dục được nâng cao.

Cùng với huyện vùng cao Mù Cang Chải, Văn Chấn cũng là một trong những địa phương sớm triển khai thực hiện Đề án và cũng trở thành một trong các địa phương nỗ lực trong việc triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước. Là địa phương có địa bàn rộng, địa hình tương đối phức tạp, có nhiều thôn bản và điểm trường nằm rải rác, điều kiện kinh tế - xã hội còn chưa cao nên trong quá trình tổ chức thực hiện, huyện cũng đã gặp phải một số khó khăn, nhưng với sự quyết tâm triển khai việc sắp xếp lại quy mô, mạng lưới trường lớp đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, hoàn thành mục tiêu Đề án, huyện Văn Chấn đã quán triệt, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án với mục tiêu giảm 17 trường quy mô nhỏ, giảm 103 điểm lẻ, giảm 72 lớp, tăng 84 lớp học 2 buổi/ngày, xây mới 281 phòng học, 113 phòng ở học sinh bán trú, 22 nhà bếp, phòng ăn và nhiều hạng mục phụ trợ khác cho các trường.

Có thể thấy rằng, tại tỉnh Yên Bái thời điểm đó chưa có đán nào đặt ra một khối lượng công việc đồ sộ với nhiều việc mới, việc khó, đòi hỏi phải triển khai ngay, để kịp thời cho năm học và mở đầu cho một nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên ngay sau khi chủ trương được ban hành, Đề án đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, của nhiều gia đình, vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi của cả người dạy và người học, tác động đến công ăn việc làm của mỗi gia đình có con em đi học và bài toán sắp xếp cơ sở vật chất, điều kiện đưa học sinh từ điểm lẻ về điểm trường chính, sắp xếp đôi ngũ, và những vấn đề thực tiễn, tác động xã hội được đặt ra khi thực hiện Đề án.

Việc tổ chức thực hiện Đề án đã thu gọn được các đầu mối, khắc phục tình trạng nhiều trường, điểm trường trên cùng một địa bàn có quy mô quá nhỏ; giải quyết căn bản những bất cập trong việc tổ chức các lớp học ở điểm lẻ; khắc phục được những khó khăn trong việc bố trí giáo viên, tỷ lệ học sinh đến lớp thấp, sự bất bình đẳng trong thụ hưởng chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ… Đến thời điểm tháng 7/2020, quy mô trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập thuộc Đề án toàn tỉnh có 400 trường, 287 trường, trên 6.000 lớp, trên 193.000 học sinh, trên 24.000 học sinh bán trú. So với trước khi thực hiện Đề án giảm 130 trường, giảm 478 điểm trường, giảm 90 lớp, tăng trên 20.000 học sinh, tăng trên 10.000 học sinh bán trú. Tổng số lao động cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập toàn tỉnh có trên 11.900 người. Công tác bố trí, sắp xếp lại đội ngũ được cấp ủy, chính quyền các địa phương và hệ thống chính trị huyện đến cơ sở vào cuộc, tập trung tuyên truyền, phổ biến, vận động nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ; quan tâm làm tốt công tác tư tưởng cho số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thuộc diện phải sắp xếp lại. Việc bố trí, sắp xếp, cử đi đào tạo lại, bồi dưỡng được các địa phương thực hiện đúng quy trình, công khai, minh bạch, do đó quá trình triển khai nhận được sự đồng thuận, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án. Đội ngũ công chức, viên chức được bố trí, sắp xếp từng bước hợp lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi triển khai sắp xếp lại trường, lớp đã thực hiện sắp xếp lại 970 người, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Do sáp nhập các điểm trường lẻ nên số lượng học sinh bán trú tăng đột biến, nhất là thời điểm đầu năm học 2016 – 2017 khi thực hiện Đề án thí điểm tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra, nắm tình hình tại các cơ sở; chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung bổ sung các điều kiện thiết yếu như xây dựng công trình phụ trợ, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh, phát động phong trào tương thân, tương ái, đẩy mạnh công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bán trú. Ngoài ra, so với trước khi thực hiện Đề án, chất lượng giáo dục tại các trường Phổ thông dân tộc bán trú có sự thay đổi theo hướng rất tích cực

So với năm học 2015 - 2016 tỷ lệ học sinh xếp loại hoàn thành môn Toán cấp tiểu học tăng 0,5%, môn Tiếng Việt tăng 0,5%. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi cấp THCS tăng 2%, học sinh yếu kém giảm 1,1% so với năm học 2015 - 2016. Tỷ lệ chuyên cần, tỷ lệ phổ cập giáo dục các cấp học đều tăng lên. Chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là kỹ năng sống, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại các trường bán trú chuyển biến tích cực, góp phần thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng cao và vùng thấp.

Cùng với đó, Đán đã khắc phục được sự đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, gây lãng phí trong đầu tư cho giáo dục. Hệ thống cơ sở vật chất ngành giáo dục được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại trà và giáo dục dân tộc. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện được 435 dự án thuộc Đề án, với tổng mức đầu tư 735,4 tỷ đồng. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả đầu tư từ Đề án, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục dân tộc.

Thành công của Đề án còn được thể hiện ở việc đã khơi dậy được tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng, với nhiều tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân, gia đình đã dành cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà. Phong trào xây dựng kho thóc khuyến học tại các địa phương trong tỉnh được tích cực triển khai, góp phần giảm bớt khó khăn cho các trường học. Từ năm học 2015 đến nay, các trường phổ thông dân tộc bán trú đã nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan, các nhà hảo tâm với số tiền trên 59 tỷ đồng; tiếp nhận, sử dụng 122 phòng học, 496 phòng ở, 1.725 giường tầng và các trang thiết bị phục vụ dạy học, phục vụ đời sống cho học sinh bán trú. Có 22 trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức kết nghĩa, hỗ trợ, giúp đỡ nhau; trên 8.200 lượt cán bộ, giáo viên đăng ký giúp đỡ trên 22 nghìn lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn, 100% các lớp có học sinh đăng ký phong trào đôi bạn cùng tiến để giúp đỡ nhau trong học tập và sinh hoạt hàng ngày…

Ông Vương Văn Bằng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Đán là việc cụ thể hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đặc biệt Đề án sắp xếp của tỉnh Yên Bái đã đi trước, đón đầu Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời đây là một Đán có tính lịch sử, thời sự, thực tiễn, nhân văn và phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển GD&ĐT trong giai đoạn mới. Đề án có tính lịch sử vì chưa bao giờ xây dựng và triển khai đề án trong một thời gian ngắn với một quy mô trên toàn tỉnh tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, đến mọi gia đình và đội ngũ giáo viên, học sinh, chính quyền các cấp. Trong giai đoạn 2021 – 2025, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp học để đáp ứng, đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo; tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia để tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục”.

1618 lượt xem
Lan Hương

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h