Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Nông nghiệp Yên Bái: Tăng tốc, chất lượng, giá trị, hiệu quả, bền vững

11/02/2021 08:05:16 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Năm 2020, với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành cùng sự đồng thuận, thống nhất của các địa phương, nông nghiệp Yên Bái tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bức tranh nông thôn có nhiều khởi sắc. Tỉnh đã đầu tư phát triển được nhiều sản phẩm có lợi thế, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước… Đây là động lực để ngành nông nghiệp tiếp tục tăng tốc trong năm 2021 và đưa Yên Bái tiến bước vững chắc thành tỉnh phát triển khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thăm gian hàng OCOP của Yên Bái

Năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh Yên Bái gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc như: bột sắn, gỗ ván ép, chè, quế, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản. Không chỉ ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19, ngành nông nghiệp còn phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến như bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, mưa đá, lốc xoáy. Việc tái đàn trong chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng, do tâm lý hoang mang lo ngại về dịch bệnh tái diễn, dẫn đến tình trạng khan hiếm cục bộ làm cho giá cả biến động.

Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp Yên Bái đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tổ chức xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 190 của Tỉnh ủy và nghị quyết, quyết định của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh theo hướng chất lượng an toàn; kiên định thực hiện mục tiêu là tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng tăng tốc, chất lượng, giá trị, hiệu quả, bền vững với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Các đề án, chính sách được tham mưu, ban hành kịp thời và nhanh chóng được đưa vào triển khai thực hiện đã nhận được sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền và bà con nông dân.

Kết thúc năm 2020, nông nghiệp Yên Bái vẫn tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GRDP của toàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng ngành nông lâm nghiệp, thủy sản năm 2020 đạt 4,62%. Cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 chiếm 24,43% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Tổng diện tích cây lương thực có hạt cả năm là 72.217 ha, sản lượng đạt 319.771 tấn. Trong đó diện tích lúa 42.862 ha, năng suất bình quân đạt 50 - 55 tạ/ha, sản lượng 217.434 tấn, tăng gần 3.000 tấn so với năm 2019. Nhiều giống lúa có năng suất, chất lượng cao được người dân tập trung gieo trồng như Chiêm Hương, Séng Cù… Tổng đàn gia súc chính đạt 655.181 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 65.610 tấn, vượt 17,6% kế hoạch. Trong năm, tỉnh cũng triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Nhờ đó góp phần tăng nhanh cơ sở chăn nuôi quy mô lớn nhất là đàn gia súc chính, đàn lợn. Sản lượng thủy sản ngày một tăng, tổng sản lượng đạt trên 11.640 tấn, đạt 101,2% kế hoạch năm. Chăn nuôi không chỉ chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và ổn định đời sống khu vực nông thôn.

Công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng, cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) được triển khai thực hiện hiệu quả. Tổng diện tích rừng trồng của toàn tỉnh đạt 16.731ha, vượt 4,6% kế hoạch, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Khai thác gỗ rừng trồng được 576.845 m3, thu 130 tấn nhựa thông, 85.240 tấn măng các loại, 4.522 tấn sơn tra, 615 tấn thảo quả, 17.773 tấn vỏ quế, 74.457 tấn cành lá quế phục vụ cho chế biến tinh dầu và nhiều sản phẩm thu hoạch ngoài gỗ. Tỉnh Yên Bái đã cấp chứng chỉ rừng FSC cho 8.000 ha, ở các huyện Trấn Yên, Lục Yên và Yên Bình.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha, vùng trồng dâu nuôi tằm gần 900 ha, vùng cây ăn quả có múi trên 5.000 ha, vùng quế 78.000 ha, vùng măng tre bát độ gần 5.000 ha, vùng sơn tra trên 9.200 ha, rừng trồng gỗ nguyên liệu 90.000 ha...; Xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ như: cam sành Lục Yên, bưởi Đại Minh, chè Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ, gạo Mường Lò, cá hồ Thác Bà… 

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tỉnh quan tâm triển khai. Đến hết năm 2020, tỉnh đã tổ chức công nhận được 50 sản phẩm OCOP, đưa tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh hiện nay lên 83 sản phẩm, trong đó có 5 sản phẩm 4 sao và 78 sản phẩm 3 sao.

Năm 2020 cũng đánh dấu sự bứt phá của tỉnh trong thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của tỉnh Yên Bái khi huyện Trấn Yên được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào ngày 30/1/2020, trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái và của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2020, tỉnh đã công nhận thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh lên 75 xã; 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Diện mạo nông thôn thay đổi ngày càng rõ rệt theo hướng xanh - sạch - đẹp. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư ngày càng đồng bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao…

Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2021, ngành nông nghiệp Yên Bái tiếp tục tập trung thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng chất lượng, giá trị và hiệu quả, bền vững. Đồng chí Đinh Đăng Luận - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết:Trong năm 2021, ngành sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Duy trì và nâng cao chất lượng 10 sản phẩm chủ lực và 10 sản phẩm đặc sản, hữu cơ gắn với việc nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Duy trì và phát huy hiệu quả các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tiếp tục rà soát, đánh giá, nâng hạng một số sản phẩm OCOP đã có và phát triển thêm một số sản phẩm OCOP mới. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Huy động nguồn lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững. Phấn đấu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2021 đạt trên 4,53%”.

3152 lượt xem
Thu Nga

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h