Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Yên Bái: Đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Đề án 11 của Tỉnh ủy

30/03/2021 07:26:10 Xem cỡ chữ Google
Ngày 29/3, Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Đề án 11 ngày 8/8/2018 của Tỉnh ủy về “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.

Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng 12 cán bộ Đề án 11 được bổ nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Thường trực các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể cùng 137 cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia Đề án 11.

Tại Hội nghị, đồng chí Chu Đình Ngữ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã trình bày Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Đề án 11.

Theo đó, sau khi tuyển chọn, giới thiệu lần đầu trong tổng số trên 3.000 cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số; các địa phương, cơ quan, đơn vị gửi về Ban Tổ chức Tỉnh ủy gần 400 hồ sơ giới thiệu nhân sự tham gia Đề án. Qua đó, tỉnh Yên Bái đã lựa chọn được 150 cán bộ tham gia Đề án gồm: 60 cán bộ trẻ, 45 cán bộ nữ, 45 cán bộ người dân tộc thiểu số.

Để làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ tham gia Đề án, tỉnh đã tập trung đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng kỹ năng, cập nhật kiến thức về công tác lãnh đạo quản lý; dành nguồn lực đáng kể và thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng.

Cụ thể, tỉnh đã cử 43 cán bộ đi đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị; phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý cho cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số; tổ chức cho 54 cán bộ trẻ đi học tập kỹ năng lãnh đạo, quản lý tại tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; tổ chức 4 khóa tập huấn kỹ năng quản trị doanh nghiệp tại Tập đoàn LG Electronics Việt Nam - Hải Phòng cho 124 đồng chí.

Tỉnh đã tạo điều kiện cho 131 lượt cán bộ trẻ, 23 lượt cán bộ nữ và dân tộc thiểu số tham dự các kỳ họp của HĐND tỉnh; bố trí 100% cán bộ dự đại hội đảng bộ cấp cơ sở, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đưa vào cơ cấu để đại hội bầu được 40 đại biểu dự đại hội cấp trên cơ sở, 23 đại biểu dự Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức và bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý qua thực tiễn tổ chức, điều hành các hội nghị.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng đối với cán bộ tham gia Đề án, tỉnh đã bổ nhiệm điều động, luân chuyển, tăng cường  61 lượt cán bộ, gồm 30 lượt cán bộ trẻ, 15 lượt cán bộ nữ và 16 lượt cán bộ người DTTS.

Công tác luân chuyển, điều động, tăng cường cán bộ Đề án được triển khai thực hiện gắn với công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, kết hợp với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.

Kết quả, sau đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã có 40 đồng chí cán bộ Đề án được bầu làm cấp ủy viên cấp cơ sở, 24 đồng chí là cấp ủy viên cấp trên cơ sở.

Đặc biệt, số cán bộ Đề án được bố trí, sử dụng kể từ khi tham gia Đề án chiếm 34% tổng số cán bộ của Đề án; trong đó, cán bộ giữ các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý chiếm 8%.

Thảo luận tại Hội nghị đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Đề án 11 của Tỉnh ủy: Nhìn nhận từ thực tiễn

Sau khi nghe định hướng thảo luận của Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy tại Hội nghị đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Đề án số 11 của Tỉnh ủy Yên Bái, đã có 15 ý kiến phát biểu thảo luận của lãnh đạo các ngành, địa phương và cán bộ tham gia Đề án về kết quả 3 năm thực hiện Đề án đối với công tác cán bộ và sự phát triển của địa phương, đơn vị; kiến nghị những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án trong thời gian tới.

Trao đổi về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên cho biết: Huyện Mù Cang Chải có 3 đồng chí trúng tuyển vào Đề án 11 của Tỉnh ủy. Việc quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ đã được Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Sau 3 năm, các cán bộ Đề án có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, chấp hành tốt mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, có trình độ, năng lực, bước đầu cùng cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra.

Đại diện ngành có đông cán bộ tham gia Đề án 11, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Vương Văn Bằng cho rằng: Đề án là điều kiện thuận lợi để Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn, giới thiệu giáo viên tham gia để nâng cao chất lượng đội ngũ của ngành. Tới nay, toàn ngành có 8 giáo viên tham gia Đề án, trong đó 1 người được bổ nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng, 1 người chuyển đến làm nhiệm vụ tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã phát huy năng lực chuyên môn, nhiều năm có học sinh giỏi quốc gia; Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận 1 cán bộ  thuộc Đề án giữ chức Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái; 6 đồng chí còn lại đều đã được quy hoạch giữ các chức vụ lãnh đạo tại các trường.

Nhiều tham luận đã thể hiện rõ kết quả, hiệu quả công tác sắp xếp, điều động, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ "vì việc xếp người" ở những ngành đông cán bộ tham gia Đề án như giáo dục, y tế, tài nguyên- môi trường... Hiệu quả thử thách, rèn luyện để trưởng thành cán bộ đặc biệt ấn tượng ở nhiều địa phương với những minh chứng sinh động như huyện Trạm Tấu cả 4/4 cán bộ Đề án đến nay đều giữ vị trí người đứng đầu đơn vị; huyện Lục Yên cán bộ Đề án lãnh đạo hai xã Mai Sơn, Tân Lĩnh đã đăng ký xã xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, nổi bật với các phong trào hiến đất làm đường, "Thắp sáng đường quê"...

Khẳng định về ý nghĩa của Đề án, các đại biểu cho rằng: Đề án 11 của Tỉnh ủy có ý nghĩa rất lớn, tạo điều kiện, cơ hội cho cán bộ, công chức, viên chức được tiếp cận, lĩnh hội những kiến thức, kỹ năng trong công tác lãnh đạo quản lý, từ đó phát huy tốt nhất kiến thức chuyên môn đã được đào tạo, năng lực, sở trường để đảm nhận và hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.

Kiến nghị những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án trong thời gian tới, các đại biểu mong muốn tỉnh tiếp tục xây dựng các đề án tạo nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng để kịp thời thay thế, kế cận cho các đơn vị; tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ Đề án, thường xuyên theo dõi, tạo điều kiện cho cán bộ phát huy tốt nhất năng lực bản thân.

Đối với các địa phương vùng cao, các đại biểu đề nghị cần xem xét, điều chỉnh lại tiêu chuẩn đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số đề phù hợp với quy định hiện nay và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Hội nghị cũng được lắng nghe ý kiến tham luận của các cán bộ trực tiếp tham gia Đề án 11 về nhận thức và những kết quả bản thân đạt được trong quá trình tham gia Đề án. Theo đó, các đại biểu khẳng định việc được tham gia Đề án 11 là cơ hội may mắn không chỉ giúp cho mỗi học viên ở mang kiến thức, tiếp cận với những tri thức mới, trau dồi kinh nghiệm thực tế để vận dụng linh hoạt vào thực tiễn mà còn thay đổi tư duy, tầm nhìn với nhãn quan chính trị rõ nét trong việc ý thức về vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với công việc tại đơn vị, cơ quan cũng như công cuộc phát triển tỉnh Yên Bái trong tương lai.

Các đại biểu cũng mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy và các cấp ủy, tạo điều kiện thuận lợi tronng công tác đào tạo, bồi dưỡng; bổ sung các khóa tập huấn, trải nghiệm thực tế, cập nhật kiến thức và phương pháp lãnh đạo quản lý mới; tiếp tục có phương án điều động, luân chuyển, tăng cường cán bộ…

Khơi dậy khát vọng cống hiến của đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số

Tiếp tục thảo luận với nội dung kết quả đạt được và khó khăn, vướng mắc trong quá trình luân chuyển, điều động, tăng cường cán bộ tham gia Đề án để đào tạo, rèn luyện qua thực tiễn ở cơ sở, Hội nghị đã lắng nghe các ý kiến phát biểu của các ngành, các cán bộ trực tiếp tham gia Đề án.

Hầu hết đại biểu, đặc biệt là các cán bộ trực tiếp tham gia, đều cho rằng, được quan tâm, tạo điều kiện và được lựa chọn, bản thân các học viên có nhiều cơ hội tiếp cận nhiều lĩnh vực công tác khác nhau, được rèn luyện, cọ sát thực tế, từ đó đã khẳng định, phát huy được vai trò, khả năng tiếp cận và điều hành ở cơ sở. Đồng thời tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng, bản lĩnh để trưởng thành và xử lý các công việc, các tình huống phát sinh trong quá trình công tác.

Các đại biểu cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc và đề xuất trong thời gian tới tỉnh quan tâm đưa vào quy hoạch, đồng thời có lộ trình cụ thể, kế hoạch giúp đỡ, tạo điều kiện để cán bộ được luân chuyển, điều động, tăng cường cơ sở yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cùng với đó có những chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển, tăng cường đi cơ sở, nhất là đối với những cán bộ luân chuyển, điều động đến các xã vùng sâu, vùng xa…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Đề án 11 của Tỉnh ủy là đề án đầu tiên có tính chất căn cơ, bài bản về công tác cán bộ, khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ, đáp ứng yêu cầu quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ một cách dài hơi. Thành công bước đầu của Đề án còn được thể hiện ở việc đã khơi dậy được tinh thần, khát vọng cống hiến, năng động, nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy phát biểu kết luận Hội nghị.

Ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những kết đạt quả được trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 11 của Tỉnh ủy cũng như các cá nhân tham gia Đề án, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: một số cấp ủy, chính quyền chưa chỉ đạo sâu sát việc đề xuất, giới thiệu cán bộ tham gia Đề án; chưa quan tâm, đề xuất thực hiện việc điều động, luân chuyển, tăng cường cán bộ Đề án đi cơ sở; một số cán bộ tham gia Đề án còn thiếu ý thức rèn luyện, non kém về nhận thức chính trị, suy nghĩ chưa đúng về mục tiêu và mục đích khi tham gia Đề án; chưa thực sự nỗ lực trong rèn luyện, đổi mới trong tư duy…

Để thực hiện hiệu quả Đề án trong năm 2021, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ ra một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới như: cần nhận xét, đánh giá cán bộ tham gia để sàng lọc, đưa ra khỏi Đề án những cá nhân không còn phù hợp, không đáp ứng yêu cầu của Đề án, đồng thời tiếp tục tuyển chọn, bổ sung cán bộ vào Đề án; điều chỉnh lại tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ tham gia đảm bảo phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn.

Cùng với đó, tổ chức các lớp bồi dưỡng, ưu tiên đào tạo về lý luận chính trị cho cán bộ tham gia Đề án; tiếp tục điều động, luân chuyển, tăng cường cán bộ đi cơ sở nhằm rèn luyện, thử thách qua thực tiễn; bố trí cho cán bộ Đề án tham dự các hội nghị và các diễn đàn lớn của tỉnh…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị lãnh đạo, người đứng đầu các cấp ủy, các cơ quan, đơn vị cần xây dựng một môi trường chính trị - xã hội tốt hơn cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số để được rèn luyện, cống hiến; chú trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn, đề xuất cán bộ có đủ tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất chính trị và triển vọng, uy tín để giới thiệu tham gia Đề án.

Dự kiến trong năm 2021, Tỉnh ủy sẽ bổ sung 50 cán bộ tham gia Đề án. Do vậy, đồng chí yêu cầu các cấp ủy, các cơ quan, đơn vị cần đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, sự đổi mới tư duy, năng lực sáng tạo, tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm để xem xét, rà soát, sàng lọc, tuyển chọn cán bộ giới thiệu tham gia Đề án.

Đồng chí cũng yêu cầu các cán bộ tham gia Đề án cần nhận thức rõ nhiệm vụ và trọng trách của mình, xác định rõ đường hướng để phấn đấu, trau dồi, nâng cao phẩm chất, năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cùng với đó, cần kiên trì phấn đầu, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống lành mạnh, văn minh; có động cơ và thái độ làm việc nghiêm túc, sẵn sàng chấp nhận khó khăn, gian khổ, sẵn sàng xung kích, tình nguyện đề khẳng định bản thân.

Đồng chí cũng mong muốn các cán bộ tham gia Đề án cần phát huy mạnh mẽ tinh thần sáng tạo, chủ động, khắc phục khó khăn để "không bị tụt lại phía sau”, luôn hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, từng bước vươn lên trở thành nhân tốt tiên phong trong xây dựng, phát triển cơ quan, đơn vị, địa phương, sớm "tốt nghiệp Đề án" để góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc" như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Cũng tại Hội nghị, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy đã tặng hoa chúc mừng 12 cán bộ tham gia Đề án 11 đã được bổ nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng các cán bộ trẻ tham gia Đề án 11.

2685 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h