Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Văn hóa - Phong tục >> Văn hóa - Xã hội

Lễ cưới của người Khơ Mú huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

14/08/2016 16:04:01 Xem cỡ chữ Google
Lễ cưới truyền thống của người Khơ Mú có nhiều lễ thức khác nhau như: Lễ thức tự do yêu đương tìm hiểu, dạm hỏi, đặt mối, nghi thức xin ở rể, lễ cưới và lễ lại mặt. Người Khơ Mú có tục cưới rể từ một năm trở lên tùy thuộc vào điều kiện của từng nhà. Khi gia đình nhà gái cho phép thì nhà trai sẽ tổ chức lễ cưới đón con dâu và con trai về nhà. Theo tập quán của đồng bào Khơ Mú xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn trước khi lễ cưới diễn ra thì cả nhà trai và nhà gái đều tiến hành các công việc chuẩn bị từ lương thực thực phẩm cho tới các vật phẩm lễ vật trong lễ cưới, ông mối, nghệ nhân hát Tơm…

Các thiếu nữ Khơ Mú trong trang phục truyền thống (Nguồn ảnh: Báo Yên Bái)

Lễ vật trong lễ cưới không thể thiếu được trầu cau, nhà trai phải chuẩn bị 200 miếng trầu cau làm lễ vật dâng cúng tổ tiên cho nhà gái, ngoài ra nhà trai cũng phải têm thật nhiều trầu để mời khách của nhà gái trong lễ cưới. Thường bên nhà trai cần có 4 người lo việc chuẩn bị trầu cau với cách têm trầu truyền thống của người Khơ Mú.

Trước khi sang nhà gái, ông Mối chính và ông Mối phụ phải chuẩn bị các đồ dùng bắt buộc theo tập quán trong đó có một chiếc túi vải, 1 cây giáo dài, 1 thanh kiếm sắt mang đi theo để đón dâu và đặt tại nhà gái theo tập quán. Ngoài ra còn có cái "úp" hay gọi là "Tờ rằng đen" là một chiếc hộp đan bằng nan tre nứa theo phong tục truyền thống. Đây là lễ vật quan trọng nhất trong đám cưới. Trong "úp" phải được bài trí và sắp xếp các lễ vật và tiền theo một quy định: Một miếng vải trắng lót bên trong; 2 miếng vỏ ăn trầu; lượt thứ 2 là 5 hào bạc; tiếp đến là tiền giấy; 4 cây nến bằng sáp ong và 4 "xoông"  (cau được xâu với vỏ ốc bằng sợi chỉ trắng và hồng se vào nhau). Trước khi sang đón dâu, gia đình nhà trai có một bữa cơm để mời rượu 2 ông Mối và có lời với đoàn đi đón dâu trước khi lên đường.

Sau khi kiểm tra lại lễ vật thách cưới, đoàn đón dâu dưới sự dẫn đầu của ông Mối chính lên đường. Ông Mối chính đeo kiếm và cầm giáo, tiếp đến là ông mối phụ, rồi bốn bà giúp việc tay mang hai gói trầu cưới, 2 người gánh lợn cưới, 2 ông gánh rượu, 2 ông gánh gạo…

Đoàn đón dâu của nhà trai tới nơi thì những người trong gia đình nhà gái chờ đón đoàn và dẫn lên trên nhà sàn. Ông Mối chính thay mặt đoàn nhà trai tiến về phía mâm có bố cô dâu (gọi là ông Vãi) đang ngồi. Đây là mâm quan trọng nhất trong lễ cưới, và được gọi là mâm cái, nằm sát với nơi thờ ma nhà, mâm được bố trí ở gian kiêng người khách lạ bước vào. Ông Mối xin phép ông Vãi cho phép được tiến hành các nghi thức truyền thống mà nghi thức đầu tiên là lễ cúng rượu cần của ông Vãi để báo cáo với tổ tiên và báo cáo với ma nhà về việc nhà trai sang xin phép được đón con dâu về nhà chồng.

Lễ cúng được diễn ra tại bếp quan trọng nhất là bếp thờ. (Lời cúng: Báo cáo với tổ tiên, ma nhà. Hôm nay là ngày tốt giờ đẹp, chúng tôi làm lễ rượu cần để báo cáo với các ông các bà, hôm nay con cháu nó về nhà chồng, từ giờ nó không còn thuộc ma này nữa…). Và  mọi người ai cũng được uống rượu cần như "lộc" của tổ tiên ban tặng cho gia đình, mọi người cùng uống rượu để cùng chúc phúc cho cô dâu, chú rể.

Sau khi cúng tổ tiên, ông Mối báo cáo về lễ vật thách cưới đã được gia đình nhà trai chuẩn bị đầy đủ theo yêu cầu của nhà gái, ông Mối chính mời ông Vãi cử người ra kiểm tra lễ vật. Theo người Khơ Mú, lễ vật trong lễ cưới thể hiện tấm lòng của nhà trai đối với nhà gái đã vất vả nuôi con gái trưởng thành, do đó ngoài việc mang đủ các lễ vật mà nhà gái yêu cầu thì nhà trai còn phải sang nấu nướng phục vụ mời nhà gái và hàng xóm.

Người giúp việc của nhà trai mang lợn vào trong nhà sàn để mổ. Đối với người Khơ Mú, lợn cưới phải được giết trong nhà với quan niệm để cho ma nhà thấy, ma nhà biết được đó là con lợn cưới dâng cúng cho ma nhà. Lợn cưới được chia làm 4 phần, nhà gái lại cho nhà trai 1 phần.

Trong khi chờ làm cỗ thì 4 bà giúp việc của nhà trai mang những gói trầu đã được têm đi đặt ở tất cả các mâm trong nhà. Giờ lành đến, nhà gái tiến hàng lễ mở "úp" và kiểm tra trước sự chứng kiến của ông bà tổ tiên.

Khi kiểm tra xong, rượu bắt đầu được rót. Ông Mối mời mọi người ngồi vào mâm và dẫn đôi vợ chồng trẻ đến trước mâm cái, là nơi bố mẹ cô dâu và trưởng phó bản ngồi để tiến hành nghi thức "Pânđệ" (được hiểu như lễ kết hôn ngày nay). Ông Mối thay mặt cô dâu, chú rể nhờ trưởng, phó bản dạy bảo cách sống, cách làm ăn và công nhận đôi trẻ chính thức thành vợ chồng. Rồi đôi vợ chồng trẻ cảm ơn công sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ.

Sau khi làm cỗ, nhà gái gói một mâm gồm đầy đủ các món rồi gửi xuống nhà trai để mời nhà trai dùng cỗ cùng chung vui với nhà gái. Rồi mời họ hàng, làng xóm cùng chung vui với gia đình. Sau đó, người có uy tín trong làng được xem chân gà để dự đoán tương lai của đôi vợ chồng, rằng vợ chồng có nếp, có tẻ, vợ chồng hòa thuận, hạnh phúc. Bác trưởng họ bảo ban đôi vợ chồng phải yêu thương nhau, phải biết chăm sóc bố mẹ, chịu khó làm nương làm rẫy. Anh trai của cô dâu cũng dặn dò các em phải sống hòa thuận hạnh phúc và chăm lo cho nhau. Hai ông Mối ăn một bát cơm được trộn với ớt và chan rượu để nhận lời cảm ơn từ gia đình cô dâu. Rồi tất cả mọi người đến dự lễ cưới cùng uống rượu và múa hát chúc mừng cô dâu, chú rể.

Sau khi hoàn tất các nghi thức bên nhà gái là lễ đón dâu về nhà chồng. Trước giờ đón cô dâu về nhà chồng là nghi thức cho con gái của hồi môn và nghi thức hát "Tơm" xin dâu. Của hồi môn cho con gái gồm 12 chiếc gối, 7 bộ chăn đệm, 1 đôi chiếu, 1 đệm ngồi, 1 bộ riđô màn cưới, 40 bát ăn cơm, 2 mâm, 1 tủ đứng, 1 hòm… Sau khi đã chuẩn bị của hồi môn, bà Mờ bên nhà trai hát "Tơm" xin dâu đối đáp với bên nhà gái như sau: "Lời dịch: Hôm nay là ngày tốt tháng lành, gia đình tổ chức đón cô dâu về nhà chồng, cảm ơn ông bà vãi bên này đã sinh ra con gái và nuôi  khôn lớn cho đến ngày hôm nay… xin cho chúng tôi đón con về, rồi sẽ dạy bảo chúng nó làm ăn…

Nhà gái đáp lại: Con gái còn nhỏ, chỉ sợ nó không biết làm ăn, chưa biết cách sống,… mong ông bà bên đó dạy dỗ, bảo ban".

Đoàn đón dâu trở về nhà trai với các đồ lễ vật và của hồi môn sặc sỡ sắc màu của chăn, đệm, gối, tủ… Theo tập quán của người Khơ Mú, nhà dù xa hay gần cũng phải nghỉ giữa đường ăn cơm, mỗi người uống một ngụm rượu hoặc ăn một miếng cơm xôi và một miếng thịt. Về tới nhà trai, ông Mối dẫn cô dâu lên, bố mẹ chồng ra cửa đón cô dâu mới. Cô dâu được dắt vào giữa nhà có đông đủ khách mời và ông bà, anh em họ hàng bên nhà trai, toàn bộ của hồi môn mang từ bên nhà gái sang cũng được đặt ra giữa nhà.

Tại mâm rượu quan trọng nhất bên nhà trai, ông Mối mang túi lễ vật mà nhà gái gửi sang gồm: gà, xôi, một ít thịt mũi, tai và lưỡi lợn, một miếng vải đen và một miếng vải trắng (theo người Khơ Mú thì tai lợn là để người con phải biết nghe lời dạy bảo của cha mẹ, lưỡi lợn thể hiện người con phải biết nói những lời hay, ý đẹp..), rồi ông Mối báo cáo với bố mẹ chồng để giao cô dâu lại cho gia đình "Báo cáo với ông bà, hôm nay tôi đã đưa con dâu về cho ông bà, mong ông và yêu thương, chỉ bảo con dâu làm việc…".

Đại diện người nhận cô dâu: "Từ giờ phút này, tôi thay mặt nhà trai công nhận con là con dâu của gia đình, mong tổ tiên phù hộ cho khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi…".

Sau đó mọi người cùng ăn uống và mừng cho đôi vợ chồng trẻ những món quà nhỏ để lấy vốn làm ăn cùng với có lời dặn dò, khuyên bảo.

Lễ cưới truyền thống của dân tộc Khơ Mú Yên Bái chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, phát huy góp phần làm giàu vốn văn hóa phi vật thể của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

5344 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h