Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Người Mông Yên Bái lưu giữ bản sắc dân tộc trên vai qua chiếc gùi

20/03/2022 07:40:49 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Người Mông ở Yên Bái không nhớ chiếc gùi trên lưng mình có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi đôi chân còn chưa vững chãi, đôi bàn tay còn đỏ hồng một màu trẻ thơ đã được mẹ cho ngồi vào những chiếc gùi để lên rẫy gieo hạt ngô, lên nương trồng cây lúa. Chiếc gùi đã gắn bó như thế với đời sống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây một cách mật thiết và lâu dài từ ngàn đời xưa. Nếu như người Kinh có đôi quang để gồng gánh lúa ngô, người Thái có chiếc giỏ bên hông để đựng chứa đồ dùng, thì với người Mông chiếc gùi vừa là vận dụng để đựng đồ đạc vừa là một nét đẹp văn hoá lâu đời của dân tộc.

Gùi của người Mông ở Yên Bái được đan bằng tre rừng

Gùi của người Mông ở Yên Bái được đan bằng tre rừng. Những người đàn ông người Mông sẽ lựa những cây tre già và đanh, đem phơi nắng cho săn lại, bớt nước, rồi đem ngâm dưới dòng nước suối mát lành cho thân cây thêm dẻo dai sau đó vớt lên, nhưng như vậy cũng chưa đan gùi ngay được mà những thanh tre này sau đó sẽ được cất lên gác bếp, trải qua nóng, khói, bồ hóng bám đầy và hít hà hương thơm của đồ ăn hàng ngày thì thanh tre mới bền đẹp được. Xưa các cụ già làng vẫn hay kể, đồ dùng được để trên gác bếp không chỉ đơn giản là cách mà ông bà ta chống mối mọt mà còn là cách người Mông trân trọng muốn chia sẻ hương thơm của đồ ăn thức uống với những đồ dùng đó và coi đó như những thành viên trong gia đình của chính mình, được ăn uống và sẽ được tham gia vào cuộc sống lao động của người Mông một ngày không xa. Theo như kinh nghiệm của những người đan gùi khéo nhất bản Mông thì tre càng được hong trên gác bếp lâu càng bóng đẹp, càng dẻo dai và chắc chắn, chiếc gùi được phơi, hong, ngâm kỹ càng sẽ không bao giờ bị mối mọt hay mục ruỗng. Những thanh tre sau khi đã trải qua đủ quy trình sẽ được những người đàn ông khéo léo vót lấy phần cật tre để đan gùi, mỗi nan tre sẽ được vót tỉ mỉ, đều đặn rộng chừng bằng ngón tay. Chiếc gùi có đáy hình vuông được đệm bằng những thanh tre lớn để đảm bảo độ chắc chắn, thân gùi cao chừng từ 50- 60 cm sẽ được đan từ đáy lên bằng những nan so le, nong đôi, nong mốt hay cũng có những chiếc gùi được đan cầu kì có hoa văn tuỳ thuộc vào kiểu dáng và nhu cầu sử dụng. Gùi đựng đồ dùng lên nương được đan nan thưa để giảm trọng lượng, gùi đựng lúa thóc được đan dày dặn kín kẽ để tránh rơi vãi, những chiếc gùi dùng trong đám hỏi, lễ cưới được đan tỉ mỉ có hoạ tiết, màu sắc để thêm phần nổi bật. Miệng gùi được đan bo tròn cạp các nan thật mịn để đồ vật được để vào dễ dàng. Gùi được thiết kế hai dây để đeo trên vai, vừa để giúp trọng lượng được cân bằng, vừa để đôi tay có thể rảnh rang ngắt một chiếc lá thổi điệu khèn môi hay để bám dây rừng luồn qua vách đá được thuận tiện. Dây gùi được làm từ sợi của cây móc, hay da trâu bản to để khi đeo không bị đau vai và thêm phần chắc chắn.

Chiếc gùi hiện diện trong mọi mặt đời sống của người Mông, từ sinh hoạt, lao động sản xuất, đến những sự kiện quan trọng, linh thiêng như ma chay cưới hỏi. Từ khi mới lọt lòng đến khi người Mông theo ông Giàng “khuất núi”, chiếc gùi đều có mặt và đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Mông. Cũng giống như trang phục váy áo, khèn Mông, chiếc gùi giờ không chỉ đơn giản là vật dụng thường ngày mà chiếc gùi còn là một biểu tượng văn hoá đẹp trong nếp sống sinh hoạt của người Mông. Đàn ông muốn lấy vợ phải biết đan chiếc gùi đẹp, bền, người phụ nữ đảm đang khéo léo cũng phải là người biết giữ gìn chiếc gùi của mình và những thành viên trong gia đình luôn sạch đẹp, có thể cũ kỹ, bạc màu theo thời gian, nhưng độ bền thì phải luôn vững chắc.

Cuộc sống ngày càng phát triển, nhưng đối với đồng bào người Mông Yên Bái nói riêng và người Mông trên cả nước nói chung thì chiếc gùi vẫn luôn luôn là người bạn gần gũi không thể thay thế trong cuộc sống của bà con dân tộc. Người Mông bao thế hệ nay vẫn đang cố gắng gìn giữ văn hoá của dân tộc qua chiếc gùi đơn sơ vừa là để tôn vinh sự sáng tạo trong lao động của cha ông vừa là để phát huy, bảo tồn kỹ năng đan lát truyền thống.

1388 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h