Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Yên Bình (20/6/1947 - 20/6/2022): Đảng bộ huyện Yên Bình 75 năm xây dựng và trưởng thành

19/06/2022 07:32:29 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Ngày 20/6/1947, Đảng bộ huyện Yên Bình chính thức được thành lập. 75 năm qua, với 23 kỳ đại hội, Đảng bộ huyện đã luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp, năng động, sáng tạo lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, cùng cả nước vững bước tiến lên trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Huyện Yên Bình được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tuyên dương khen thưởng là đơn vị dẫn đầu các huyện, thị, thành phố về thực hiện Chương trình hành động 190 của Tỉnh ủy

Những trang sử vẻ vang

Chi bộ xã An Vinh là Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Yên Bình (sau đổi tên thành Chi bộ Bình Mục) gồm 22 đảng viên do đồng chí Nguyễn Văn Mậu làm Bí thư. Sự phát triển của Chi bộ Bình Mục và một số chi bộ vùng thượng huyện sau đó đã trở thành cơ sở quan trọng để Tỉnh ủy quyết định thành lập Đảng bộ huyện Yên Bình.

Ngày 20/6/1947, Tỉnh ủy Tuyên Quang ra quyết định thành lập Ban Đảng vụ Yên Bình (Huyện ủy Yên Bình) chỉ định Ban cán sự gồm 5 ủy viên do đồng chí Nguyễn Xuân Phụng làm Bí thư. Toàn huyện lúc này có 4 chi bộ, 49 đảng viên. Đây là một bước ngoặt trọng đại đối với phong trào cách mạng địa phương lúc bấy giờ và là tất yếu lịch sử khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

Từ khi mới thành lập, trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách, song với ý chí quật cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, Đảng bộ huyện Yên Bình đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền, xây dựng hậu phương vững mạnh, cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, huyện Yên Bình đã đóng góp trên 2.000 dân công tham gia mở con đường Uông từ chợ Đồng ra Km10, đảm bảo bí mật an toàn và rút ngắn đường ra mặt trận phục vụ kháng chiến; huy động trên 20 tấn thực phẩm, 1.200 tấn thóc vận chuyển ra tiền tuyến, góp phần to lớn làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tiếp đó là cuộc cách mạng trên đồng ruộng, đẩy lùi nạn đói kinh niên, tạo tiền đề cho một nền sản xuất mới hình thành trên địa bàn huyện Yên Bình diễn ra vào năm 1956 - 1957 đã tiếp tục khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ huyện Yên Bình trong thời kỳ khôi phục, cải tạo nền kinh tế ở địa phương và góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Kỳ tích cuộc “Đại chuyển dân”

Thành công nối tiếp thành công, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định xây dựng công trình Nhà máy Thủy điện Thác Bà trên dòng sông Chảy thuộc địa hạt Yên Bình. Cuộc vận động chuyển dân được xác định là cuộc cách mạng rộng lớn trên lĩnh vực tư tưởng và tổ chức của Đảng bộ huyện. Sau 2 năm triển khai mạnh mẽ (1962 - 1964), toàn huyện đã vận động được hơn 1.400 hộ dân tự giác di dời nhà cửa, mồ mả ông bà về nơi ở mới để khởi công xây dựng công trình Nhà máy Thủy điện Thác Bà. Năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, công trình Nhà máy Thủy điện Thác Bà là một trong những trọng điểm đánh phá của địch, do đó công tác chuyển dân ra khỏi vùng lòng hồ còn kéo dài đến năm 1968.

Kết thúc toàn đợt, huyện Yên Bình đã chuyển gần 2 vạn dân của 37/39 xã đến vùng quê mới, , trong đó có 20 xã chuyển đi xây dựng quê hương mới tại các xã Văn Yên, Lục Yên, Trấn Yên (tỉnh Yên Bái); xã Thanh Hóa, Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ); xã Hàm Yên, Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang); 17 xã chuyển vén lên các khu vực lân cận của huyện Yên Bình. Hơn 3.000 ha ruộng nước được ví là “bờ xôi, ruộng mật” và nhiều công trình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc bị chìm sâu dưới lòng hồ. Thành công của cuộc vận động chuyển dân phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà có ý nghĩa kinh tế, chính trị, quốc phòng to lớn, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền huyện Yên Bình trong thời kỳ cách mạng đầy gian khó ấy. 

Việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà có ý nghĩa kinh tế, chính trị, quốc phòng to lớn, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền huyện Yên Bình

Trong công cuộc đổi mới đất nước, phát huy truyền thống yêu nước cách mạng, Đảng bộ huyện Yên Bình tiếp tục vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, kết hợp chặt chẽ, đồng bộ 3 nhiệm vụ xây dựng Đảng với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh. Trong đó, nhiệm vụ xây dựng Đảng được coi là then chốt, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là trung tâm và tăng cường quốc phòng - an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Đảng bộ đã có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, ban hành được nhiều Nghị quyết mang tính chiến lược đi trước, đón đầu, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Tại Đại hội Đảng bộ huyện Yên Bình lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đã nhấn mạnh: “Yên Bình là vùng đất lịch sử lâu đời, nhân dân có truyền thống yêu làng xóm, yêu quê hương tha thiết, đã hun đúc nên chí khí chống giặc ngoại xâm của vùng đất Yên Bình. Truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng đã trở thành sức mạnh nội sinh để Yên Bình vươn dậy mạnh mẽ qua các thăng trầm lịch sử dân tộc và trong thời kỳ đổi mới”.

Những thành tựu đáng tự hào

Qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, mảnh đất Yên Bình đã và đang tiếp tục thay da đổi thịt từng ngày. Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương.

Kinh tế của huyện tiếp tục có bước phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 18,8%. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng gấp 1,7 lần so với năm 2015; giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 2,6 lần so với năm 2015. Yên Bình luôn là điểm sáng trong thu ngân sách khi số thu hằng năm đều vượt cao so với dự toán tỉnh giao; trong đó năm 2021 thu ngân sách đạt 316,5 tỷ đồng, vượt 20,3% dự toán tỉnh giao, gấp 2,6 lần so với năm 2015. Huyện đã phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực, đặc sản có giá trị kinh tế cao gắn với thực hiện hiệu quả các dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và phát triển các sản phẩm theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Hình thành được một số vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung gắn với thị trường tiêu thụ như: vùng lúa đặc sản trên 200 ha; vùng cây ăn quả có múi trên 1.200 ha; vùng nuôi trồng thủy sản với trên 2.200 lồng cá và 240ha mặt nước eo ngách nuôi cá trên hồ Thác Bà; vùng quế trên 1.000 ha; vùng rừng sản xuất trên 32.000 ha… Một số sản phẩm đã được cấp chứng nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa trên thị trường như: Bưởi Đại Minh, Gạo Bạch Hà, Cá hồ Thác Bà.

Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Bưởi Đại Minh" cho huyện Yên Bình

Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 18/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Cùng với phát triển nông nghiệp, huyện đã tập trung cơ cấu lại sản xuất công nghiệp, phát triển mạnh dịch vụ, thương mại theo hướng nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Hình thành được một số sản phẩm công nghiệp chủ lực, lợi thế, có giá trị bền vững trên thị trường trong nước và xuất khẩu như xi măng, bột Cacbonnat Canxi, vật liệu xây dựng, sản phẩm từ gỗ rừng trồng, may mặc, ván ép...

Đồng chí An Hoàng Linh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Bình kiểm tra quy hoạch tại xã Vũ Linh

Cùng với đó, huyện cũng đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Hiện tại, huyện Yên Bình đã mời gọi, thu hút được 94 dự án đầu tư trên địa bàn, trong đó có 14 dự án đang trong giai đoạn khảo sát lập dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký trên 15,5 nghìn tỷ đồng và 9,6 triệu USD; đã hình thành được 3 cụm công nghiệp và đã có gần 1.000 doanh nghiệp, HTX, công ty TNHH và trên 4 nghìn hộ cá thể đăng ký kinh doanh sản xuất các ngành nghề, tạo việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động, đóng góp nguồn thu không nhỏ cho ngân sách địa phương.

Là huyện có nhiều tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Yên Bái, với  danh lam thắng cảnh Hồ Thác Bà - được ví như Hạ Long trên núi, được công nhận là Di tích lịch sử danh thắng cấp Quốc gia từ tháng 9/1996 và năm 2040 sẽ trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hoá tầm cỡ Quốc gia, huyện Yên Bình đã tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện với các sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với du lịch tâm linh tại các xã: Tân Hương, Vũ Linh, Phúc An, Hán Đà, Đại Minh và thị trấn Thác Bà.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư quan tâm. Đặc biệt, với cách làm sáng tạo, hiệu quả, huyện Yên Bình đã khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực trong nhân dân. Người dân đã tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc và đóng góp kinh phí để đầu tư bê tông hóa được gần 1.000 km đường giao thông nông thôn, đưa tỷ lệ cứng hóa đạt gần 85%, đưa Yên Bình trở thành điểm sáng của tỉnh trong thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân.

Ông Vũ Tuyên - Nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: “Là cán bộ của huyện Yên Bình đã nghỉ hưu, tôi nhận thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện đã có rất nhiều đổi mới, nhất là trong những năm gần đây, được nhân dân rất tin tưởng. Bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện đã có rất nhiều thay đổi. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư. Đời sống của nhân dân đã ngày được nâng cao. Đặc biệt là nhiều xã đặc biệt khó khăn của huyện cũng đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tôi tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện thì huyện Yên Bình sẽ sớm cán đích huyện nông thôn mới”.

Đảng bộ huyện Yên Bình cũng luôn quan tâm phát triển văn hóa xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc cho nhân dân

Cùng với phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện Yên Bình cũng luôn quan tâm phát triển văn hóa xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc cho nhân dân. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 40 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với năm 2015, cao hơn bình quân chung của tỉnh; chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 58%. Chất lượng giáo dục đào tạo ngày càng được nâng lên. Liên tục trong nhiều năm, huyện Yên Bình là đơn vị đứng thứ 2 toàn tỉnh về số học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ; công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được thực hiện hiệu quả. An  ninh quốc phòng được bảo đảm,  tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Trong công tác xây dựng Đảng, huyện chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng. Công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ có nhiều đổi mới, điều động, luân chuyển cán bộ được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng của đảng viên được nâng lên. Hiện nay, toàn Đảng bộ huyện có 45 tổ chức cơ sở Đảng với trên 6.600 đảng viên. Qua bình xét hàng năm, trên 90% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; trên 85% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện đề ra.

Chị Địch Thị Yến - Bí thư Đoàn thanh niên xã Vũ Linh, huyện Yên Bình cho biết: “Tôi cảm thấy vinh dự, tự hào và rất hạnh phúc vì trong thời gian qua chúng tôi được sống trong một môi trường địa phương được nhân dân đánh giá là rất hạnh phúc.. Với vai trò là một đoàn viên thanh niên, thế hệ trẻ, cán bộ đoàn ở cơ sở, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được cống hiến lý tưởng, hoài bão của mình góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp thông qua các phong trào thi đua. Tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Yên Bình thì các địa phương trên địa bàn huyện sẽ sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị , đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng NTM theo kế hoạch đã đề ra”.

Với những thành quả to lớn đạt được trên tất cả các lĩnh vực Chính trị, kinh tế - văn hóa xã hội, huyện Yên Bình đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì. Huyện luôn là địa phương dẫn đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh Yên Bái với nhiều chỉ tiêu ngành, lĩnh vực không chỉ vượt cao về con số mà còn được đánh giá là có nhiều cách làm hay sáng tạo để các địa phương khác học tập làm theo. Năm 2020, huyện Yên Bình được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tuyên dương khen thưởng là đơn vị dẫn đầu các huyện, thị, thành phố về thực hiện Chương trình hành động 190 của Tỉnh ủy. Năm 2021, huyện Yên Bình là một trong ba địa phương đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tuyên dương khen thưởng ở mức cao nhất khối huyện, thị, thành phố trong thực hiện Chương trình hành động số 18 của Tỉnh ủy và thu ngân sách.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái khóa XV cho rằng: "Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ huyện Yên Bình đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đặc biệt, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã tích cực đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, thiên nhiên và vị trí là huyện cửa ngõ, đầu mối giao thương quan trọng của tỉnh để phát triển các sản phẩm nông lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ chủ lực, đặc trưng, riêng có, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện Yên Bình nói riêng, cũng như tỉnh Yên Bái nói chung, qua đó, thiết thực mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Trong thời gian tới, Đảng bộ huyện cần tiếp tục phát huy truyền thống quý báu, cũng như những thành tựu quan trọng, những bài học kinh nghiệm đã đạt được sau 75 năm xây dựng và phát triển; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có thế mạnh; quyết tâm xây dựng huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025 và trở thành một trong những huyện phát triển hàng đầu của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đã đề ra".

Khát vọng phát triển mạnh mẽ

Chưa bằng lòng với những kết quả đã đạt được, với quyết tâm và khát vọng phát triển mạnh mẽ, huyện phấn đấu trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024, có kinh tế - xã hội phát triển khá, đến năm 2030 là huyện nông thôn mới nâng cao, có kinh tế - xã hội phát triển hàng đầu trong tỉnh Yên Bái; đến năm 2050 trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu tiêu biểu, có kinh tế - xã hội phát triển hàng đầu trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Để đạt được mục tiêu đó trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng lợi thế trong từng lĩnh vực, huyện Yên Bình sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Đồng chí An Hoàng Linh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Bình

Đồng chí An Hoàng Linh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Bình cho biết: “Với khát vọng phát triển và mục tiêu xuyên suốt mà Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đã xác định là đưa Yên Bình phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc, sớm trở thành huyện nông thôn mới có kinh tế xã hội phát triển, Đảng bộ huyện Yên Bình sẽ tiếp tục tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Thứ hai là tiếp tục cơ cấu lại kinh tế của huyện trên 3 trụ cột: nông nghiệp, thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng; tập trung thu hút đầu tư, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo thêm dư địa và động lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, bền vững hơn. Thứ ba là chăm lo phát triển đồng bộ, hài hòa văn hóa với kinh tế, bảo đảm an sinh, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử, các giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, xây dựng con người Yên Bái, con người Yên Bình thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, không ngừng nâng cao sự hài lòng và chỉ số hạnh phúc cho nhân dân. Thứ tư là bảo đảm vững chắc an ninh quốc phòng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, giữ vững các thành quả cách mạng đã đạt được, tạo môi trường ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế xã hội và giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân”.

Chặng đường phía trước dẫu còn nhiều khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen, song với tinh thần đoàn kết, thống nhất, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên các tầng lớp nhân dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp sẽ là điều kiện và cơ sở vững chắc để Yên Bình tiếp tục bứt phá vươn lên, phát triển mạnh mẽ toàn diện theo hướng xanh hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.

1132 lượt xem
Thu Nga

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h