Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022): Tri ân những người có công với cách mạng

25/07/2022 09:07:52 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Cách đây vừa tròn 75 năm, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân, bảo vệ nền độc lập còn non trẻ, trước những bộn bề khó khăn, năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27 tháng 7 hàng năm là “Ngày Thương binh toàn quốc” để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ghi nhớ, tôn vinh công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với đất nước. Từ tháng 7/1955, Đảng, Nhà nước ta đã quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ”. Ngày 27 tháng 7 hàng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, mang tính nhân văn sâu sắc.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn thăm hỏi, tặng quà, động viên Mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Hao tại thôn Kiên Lao, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên.

Hy sinh cho đất nước “nở hoa độc lập, kết quả tự do”

Lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, biết bao thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, với ý chí kiên cường bất khuất và lòng thủy chung, nhân hậu đã đem cả máu xương, công sức của mình hy sinh vì nền độc lập - tự do, vì sự thống nhất, phồn vinh của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Thấu hiểu sự hy sinh lớn lao và vĩ đại ấy, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm đỏ thắm, tiếng thơm của các liệt sĩ muôn đời lưu truyền sử xanh", “Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ...”.

Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh cách mạng, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, mà phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc đời mình cho đất nước. Biết bao người đã ngã xuống trên các chiến trường; biết bao người khi trở về đã phải mang thương tật, bệnh tật suốt đời; biết bao nỗi đau chiến tranh mang tên chất độc da cam dioxin vẫn đang dày vò đến cả đời con, đời cháu; biết bao thân nhân liệt sĩ, những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình... Và, ngay cả khi đất nước hòa bình, máu đào của biết bao người vẫn đổ để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.

Hòa chung dòng chảy lịch sử dân tộc, lịch sử của Đảng bộ tỉnh Yên Bái luôn gắn liền với công cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua các thời kỳ, quê hương Yên Bái đã sản sinh ra biết bao người con ưu tú, đóng góp vào thành quả cách mạng, làm nên chiến thắng to lớn của dân tộc. Hàng ngàn chiến sỹ, đồng bào của tỉnh ta đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trên các chiến trường; đã có trên 67.000 người có công đã được vinh danh, công nhận và hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước.

Đảng bộ và nhân dân Yên Bái rất đỗi tự hào về truyền thống cách mạng hào hùng của địa phương; mãi mãi ghi nhớ công ơn và tri ân những người con trung hiếu của đất nước, quê hương là các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sỹ, gia đình người có công với đất nước; những người tham gia hoạt động kháng chiến mang trên mình nhiều di chứng chiến tranh nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, rủi ro, thiên tai, không còn đủ hồ sơ, giấy tờ, hiện chưa được hưởng chế độ, chính sách đãi ngộ của Nhà nước. Đồng thời, luôn trân trọng ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của rất nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, hộ người có công của tỉnh với ý chí tự lực, tự cường, đã vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác.., đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là những “Công dân kiểu mẫu”, là tấm gương sáng cho cộng đồng và xã hội noi theo.

Cán bộ đoàn và đoàn viên, thanh thiếu nhi dâng hương, dâng hoa, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ

Thực hiện tốt đạo lý của dân tộc và ân nghĩa đối với người đi trước

Thấm nhuần đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn", “Đền ơn đáp nghĩa”; thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh đối với đất nước, thực hiện trách nhiệm, đạo lý của dân tộc và ân nghĩa đối với những người đi trước, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng.

Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái luôn trân trọng, tri ân, biết ơn vô hạn những công lao to lớn của các thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; đã thực hiện tốt các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công, dành nhiều sự quan tâm, chăm lo đời sống của thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công (thực hiện tốt công tác trợ cấp cho đối tượng chính sách; khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, hỗ trợ về giáo dục, chế độ điều dưỡng, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, tạo việc làm, hỗ trợ làm nhà ở, tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh, thăm hỏi, tặng quà Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công nhân dịp lễ, tết, thăm hỏi tặng quà gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn...). Các cấp, ngành, địa phương đã triển khai xác nhận người có công với cách mạng đảm công khai, minh bạch; tích cực tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính liệt sĩ; chăm lo công tác xây dựng, nâng cấp, tôn tạo, thăm, viếng Nghĩa trang liệt sĩ. Yên Bái hiện có 63 công trình ghi công liệt sỹ với tổng số 2.085 mộ liệt sĩ. Các liệt sĩ Yên Bái đã tham gia chiến đấu khắp các chiến trường Bắc - Trung - Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào, Campuchia. Trong các nghĩa trang liệt sĩ ở Yên Bái hiện là nơi an nghỉ của trên 400 liệt sĩ có thông tin của các tỉnh bạn đã từng chiến đấu, hy sinh trên quê hương Yên Bái.

Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách của trung ương, mặc dù là tỉnh còn nhiều khó khăn, song tỉnh Yên Bái đã quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người có công như chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà nhân dịp lễ, tết...Hàng năm, tỉnh đều tổ chức rà soát nhu cầu hỗ trợ về nhà ở của người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn để tổ chức làm nhà, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ và làm mới trên 2.100 căn nhà từ nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa, qua đó góp phần quan trọng cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của hộ gia đình người có công trên địa bàn tỉnh.

Các Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, Phong trào “Toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” ngày càng thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, với nhiều hoạt động thiết thực (phụng dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng; chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng;chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; phong trào áo lụa tặng bà, chăn ấm tặng mẹ; phong trào chăm sóc các nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, làm nhà cho người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở...).

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhuần, huyện Văn Yên

Nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội

Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái luôn xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác người có công với cách mạng, thể hiện đạo lý của dân tộc, ân nghĩa đối với người đi trước cũng như tình cảm, trách nhiệm, sự tri ân sâu sắc đối với những đóng góp của các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, đặc biệt là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về mục đích, ý nghĩa, giá trị to lớn của việc thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, làm cho mọi người dân nhận thức sâu sắc và trân trọng công lao to lớn của các anh hùng - liệt sỹ và những người có công với nước, biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp đó thành hành động cụ thể, thiết thực.

Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công, quan tâm thực hiện các chính sách về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm cho người có công và con em của họ; hỗ trợ người có công phát triển kinh tế, quan tâm phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm lo các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần gia đình người có công, phấn đấu các gia đình người có công với đất nước có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư, góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân trong đó có người có công với cách mạng.

Ba là, quan tâm giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công, tập trung rà soát, xử lý các hồ sơ còn tồn đọng, tránh thiệt thòi cho những thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ, quy tập hài cốt liệt sĩ, kịp thời thông báo và tạo điều kiện thuận lợi để thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng; tổ chức tốt công tác quy tập, đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ về tại các nghĩa trang trong tỉnh.

Bốn là, tiếp tục phát động sâu rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, Phong trào “Toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” trong các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh phong trào xã hội hóa công tác chăm lo đời sống người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. 

Năm là, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng, giải quyết chính sách người có công đảm bảo “thấu tình, đạt lý”, đúng quy định, thanh tra, xử lý nghiêm các vụ việc lợi dụng chính sách để trục lợi, bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và công bằng giữa các đối tượng, tạo dựng niềm tin của nhân dân đối với chính sách ưu đãi người có công với cách mạng./.

 

Trần Huy Tuấn

                                    Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái

924 lượt xem
Ban Biên tập

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h