Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Sự lãnh đạo của Đảng bộ Yên Bái trong chiến dịch Tây Bắc giải phóng Nghĩa Lộ

12/10/2022 07:15:00 Xem cỡ chữ Google
Chiến thắng Tây Bắc năm 1952 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không những giải phóng một vùng chiến lược, phần lớn đồng bào Tây Bắc thoát khỏi ách thống trị của giặc Pháp mà còn xóa bỏ sự uy hiếp của địch đối với căn cứ địa Việt Bắc từ phía Tây.

Đồn Sơn Bục ở Nghĩa Lộ (Yên Bái) bị quân ta tiêu diệt trong chiến dịch Tây Bắc, năm 1952. (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Tháng 12 năm 1951, tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị tổng kết công tác vùng địch tạm chiếm, tiếp đó tiến hành hội nghị bàn việc phối hợp và phục vụ chiến dịch Tây Bắc (năm 1952)…

Âm mưu thâm độc của thực dân Pháp lập "xứ Thái tự trị” nhằm chia rẽ người Thái với người Kinh và người Thái với đồng bào các dân tộc thiểu số khác bị phá sản hoàn toàn. Cùng với cả nước, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã có những đóng góp không nhỏ làm nên chiến thắng đó.

Là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quân sự, nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, Yên Bái là khu đệm giữa hậu phương và mặt trận. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, 2/3 diện tích Yên Bái bị thực dân Pháp chiếm đóng. 

Đặc biệt, phía Tây tỉnh Yên Bái, thực dân Pháp thành lập Khu quân sự Tây Bắc bao gồm nhiều phân khu trực thuộc, dưới phân khu là các tiểu khu. Trên địa bàn tỉnh Yên Bái có phân khu Nghĩa Lộ là một trong những phân khu mạnh nhất của Pháp trong vùng Tây Bắc với 4 tiểu khu trực thuộc là Nghĩa Lộ, Ba Khe, Gia Hội và Than Uyên.

Qua các chiến dịch Sông Thao (1949), Lê Hồng Phong (1950), Lý Thường Kiệt (1951), hệ thống phòng thủ của thực dân Pháp bị vỡ từng mảng, nhất là vùng Đông Bắc của tỉnh, vì vậy vùng tự do của Yên Bái được mở rộng hơn. Khu quân sự Tây Bắc bị uy hiếp nặng nề, tinh thần của lính Pháp và tay sai, đặc biệt ở phân khu Nghĩa Lộ sa sút nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, thực dân Pháp tìm mọi cách củng cố, bảo vệ tiểu khu Nghĩa Lộ và Than Uyên. Về chính trị, Pháp tổ chức thăng cấp và thưởng huân chương cho một số sỹ quan binh lính nguỵ, nhả thêm cho tay sai một số quyền lợi hòng cột chặt chúng vào cỗ xe chiến tranh. 

Về quân sự, chúng củng cố đồn bốt, mở rộng thêm sân bay Gia Hội, trang bị thêm vũ khí cho các đơn vị, ra sức bắt lính phát triển quân nguỵ, lập nhiều đội biệt kích người cùng dân tộc, dùng đơn vị dân tộc này đi khủng bố, đàn áp, cướp phá vùng dân tộc khác, hòng gây mâu thuẫn chia rẽ giữa các dân tộc. Đồng thời, địch tiến hành càn quét, dồn dân vào sống tập trung quanh các đồn bốt nhằm cắt đứt mối quan hệ giữa cán bộ vùng địch hậu với nhân dân. 

Về kinh tế, chúng tăng cường bóc lột, vơ vét lương thực, thực phẩm phục vụ chiến tranh, dùng muối và hàng hoá khác để mua chuộc, lôi kéo nhân dân. Bên cạnh đó, thực dân Pháp tập trung thâm nhập, đánh phá vùng tự do của tỉnh. Tính riêng  4 tháng đầu năm 1951, Pháp đã 31 lần tấn công quân sự, tung biệt kích, gián điệp hoạt động để nắm tình hình, thăm dò lực lượng kháng chiến. 

Tháng 4 năm 1951, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ II đã tiến hành, trong đó đề ra một số công tác cấp bách trước mắt. Đối với công tác vùng địch tạm chiếm, Đảng bộ Yên Bái chủ trương vừa củng cố vừa phát triển cơ sở, chuẩn bị mọi mặt để khi có điều kiện thì phát động đấu tranh vũ trang với qui mô rộng lớn hơn; coi trọng công tác vùng địch tạm chiếm ngang tầm với công tác vùng tự do; đẩy mạnh địch vận để làm đà cho các hoạt động khác. 

Xây dựng, phát triển bộ đội địa phương được coi trọng nâng cao cả số lượng và chất lượng, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường trang bị và hậu cần. Chú trọng xây dựng dân quân du kích ở nơi ta có sơ sở, quanh các căn cứ quan trọng của địch và vùng tự do sát địch. Các hoạt động quân sự phải nhằm vào nơi địch sơ hở, bố phòng yếu, có tác dụng hỗ trợ cho việc xây dựng cơ sở và địch vận.

Tháng 12 năm 1951, tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị tổng kết công tác vùng địch tạm chiếm, tiếp đó tiến hành hội nghị bàn việc phối hợp và phục vụ chiến dịch Tây Bắc (năm 1952). 

Hai hội nghị đưa ra nhận định, những tháng cuối năm 1951, công tác vùng địch tạm chiếm có thuận lợi và phát triển. Cơ sở của ta được mở rộng, chiến tranh du kích được đẩy mạnh. Nhưng sang năm 1952, khó khăn tăng lên do địch đã bổ sung lực lượng, củng cố lại vùng chiếm đóng và tăng cường khủng bố, càn quét. Trong khi đó cán bộ trong vùng địch hậu chưa am hiểu phong tục, tập quán và tiếng nói của đồng bào các dân tộc. Việc tiếp tế cho các đơn vị, cán bộ trong vùng địch gặp nhiều trở ngại. 

Song ta có thuận lợi rất cơ bản: nhân dân các dân tộc có truyền thống yêu nước, tin tưởng và quyết tâm theo Đảng kháng chiến; hầu hết các cơ sở của ta bị địch càn quét liên tục vẫn đứng vững, cán bộ, chiến sĩ ta có tinh thần dũng cảm, chịu đựng gian khổ, hy sinh, khắc phục mọi khó khăn trong công tác; mâu thuẫn giữa nhân dân các dân tộc với giặc Pháp và tay sai, mâu thuẫn nội bộ kẻ thù ngày càng sâu sắc, tinh thần bọn ngụy hoang mang, dao động mạnh.

Từ tình hình đó, Tỉnh uỷ chủ trương củng cố vững chắc các cơ sở ở vùng cao, dựa vào đó tiến xuống xây dựng cơ sở vùng thấp. Ra sức phát triển cơ sở ven các trục đường Nghĩa Lộ và những địa bàn có khả năng kinh tế. 

Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng lúc này là đánh thông liên lạc từ vùng tự do vào với cơ sở trong vùng địch, đưa các đội vũ trang và cán bộ chính trị vào hoạt động. Công tác trong vùng địch phải có nhiều hình thức, biện pháp và linh hoạt, trong đó hết sức coi trọng vận động nhân dân chống bắt lính, bắt phu, vận động ngụy quân, ngụy quyền bỏ hàng ngũ.

Ở vùng tự do, các cấp ủy đảng và chính quyền tổ chức tốt việc phòng chống gián điệp, biệt kích do thám tình hình, phá các cơ quan, kho tàng. Lập kế hoạch  chi tiết cho việc huy động dân công, cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội chủ  lực khi có chiến dịch lớn.

Nhờ các chủ trương, biện pháp đúng đắn, phong trào kháng chiến trong vùng địch  tạm chiếm của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ. Cán bộ chính trị và các đội vũ trang đã gây dựng hàng loạt cơ sở vùng thấp Nghĩa Lộ - Than Uyên và ở hầu khắp các làng ven đường vào Nghĩa Lộ. Đường dây liên lạc bằng cơ sở nhân dân từ vùng tự do vào trong vùng địch thông suốt. Những kết quả này tạo thêm thuận lợi cho quân dân Yên Bái phục vụ chiến dịch Tây Bắc.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng theo phương châm tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm sơ hở của địch mà đánh, bộ đội chủ lực của ta mở chiến dịch tiến công vào Tây Bắc.

Từ tháng 5 năm 1952 quân dân tỉnh Yên Bái bước vào chuẩn bị mọi mặt để phối hợp và phục vụ chiến dịch. Dân quân du kích các xã Việt Long, Hưng Khánh, Đại Đồng, Tân Hợp (huyện Trấn Yên), Cát Thịnh, Thượng Bằng La, Minh An, Bình Thuận, Chấn Thịnh (huyện Văn Chấn) cùng các đại đội 85, 87, 97 bộ đội địa phương đã dẫn đường đưa quân báo của Đại đoàn 308 vào vùng địch và bảo vệ an toàn các con đường từ vùng tự do vào Nghĩa Lộ như đường 13A, đường từ Mậu A qua đèo Quế, đèo Khâu Vác, nắm tình hình địch ở các đồn Ba Khe, Ca Vịnh, Sài Lương, Thượng Bằng La, Đồng Bồ. 

Tỉnh Yên Bái đã thành lập Hội đồng cung cấp tiền phương, bố trí cán bộ phụ trách việc huy động và chỉ huy dân công phục vụ chiến dịch.

Cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 1952, các đơn vị từ địa điểm tạm đứng chân đã tiến vào vị trí tập kết. Dòng sông Hồng cắt ngang là trở ngại lớn nhất cho các đơn vị trên đường tiến công vào mặt trận Tây Bắc. Tại tỉnh Yên Bái có 4 địa điểm vượt sông bên tả ngạn từ thị xã Yên Bái lên tới Trái Hút là Âu Lâu,  Lan Đình, Mậu A, Nước Nóng. 

Đại đoàn 308 vượt sông Hồng qua bến Mậu A theo đường Đại Bục, Khau Vác vào  Pú Chạng - Nghĩa Lộ. Trung đoàn 36, trung đoàn 174 vượt sông ở bến Âu Lâu, qua đèo Bụt, Ca Vịnh, đèo Hồng tiến vào Cửa Nhì.  

Đại đoàn 312 vượt sông ở bến Nước Nóng theo đường Thuỵ Cuông, Nậm Bằng vào Gia Hội. Trung đoàn 141 vượt sông ở bến Lan Đình qua Y Can, khe Lóng vào Sài Lương. Bến Âu Lâu là điểm vượt sông của các đơn vị pháo hạng nặng. Pháo được tháo rời từng bộ phận để tiện cho các nhóm từ 2- 4 người vận chuyển.

Bộ đội ta hành quân trong chiến dịch Tây Bắc, năm 1952 (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Tại các bến đều thành lập Ban chỉ huy vượt sông. Nhân dân các xã ven bến đã ủng hộ tre, nứa, lá cọ dựng các lán trại cho các đơn vị tập kết chuẩn bị vượt sông; phối hợp, tạo điều kiện cho bộ đội công binh lắp cầu phao, đóng thuyền, bè, mảng, dẫn đường cho bộ đội chủ lực, vũ khí, đạn dược qua sông an toàn, đúng kế hoạch

Không chỉ phối hợp với các đơn vị tại các bến vượt sông Hồng, nhân dân ở các xã vùng tự do tham gia dân công vận chuyển lương thực, vũ khí... phục vụ chiến dịch, ủng hộ lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Phục vụ chiến dịch Tây Bắc, toàn tỉnh Yên Bái đã vận động 5.428 lượt người đi dân công; huy động 730 tấn gạo, 622 con trâu, 386 con lợn, 72 tấn muối, 16 tấn đỗ, lạc, vừng cho bộ đội. 

Dân công Yên Bái cùng các đơn vị bộ đội đã khắc phục khó khăn, vượt qua đèo cao, suối sâu, mưa rét và bom đạn của địch vận chuyển được hàng vạn tấn đạn dược, lương thực, thực phẩm vào mặt trận.  Riêng khối lượng vận chuyển qua sông Hồng tới 47.309 tấn. Nhiều cán bộ, đảng viên và  dân công đã anh dũng hy sinh trong khi phục vụ chiến dịch.

Mặc dù nhiệm vụ phục vụ chiến dịch trong toàn tỉnh rất khẩn trương, ráo riết, song  tại những vị trí trọng yếu địch không phát hiện được kế hoạch mở chiến dịch lớn vì công tác bảo mật, phòng gian được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, chiến dịch được đảm bảo bí mật đến lúc khai hoả. 

Ngày 14 tháng 10 năm 1952, chiến dịch Tây Bắc bắt đầu. Ngay đêm đó, trung đoàn 141 (đại đoàn 312) tiến công diệt vị trí Sài Lương, trung đoàn 174 (đại đoàn 316) diệt vị trí Ca Vịnh. Địch vội vàng rút khỏi các đồn Thượng Bằng La (15-10), Ba Khe (16-10), hòng cứu nguy cho Nghĩa Lộ.

17 giờ 5 phút ngày 17 tháng 10, trung đoàn 102 (đại đoàn 308) tiến công cứ điểm  Pú Chạng (hay còn gọi là Nghĩa Lộ đồi), Sở chỉ huy phân khu của địch. Sau hơn 3 giờ chiến đấu quyết liệt quân ta xóa sổ cứ điểm  này, diệt và bắt toàn bộ gần 400 tên địch, trong đó có tên trung tá Ti-ri-ông (Tirillon), Chỉ huy trưởng phân khu, thu toàn bộ vũ khí, quân trang quân dụng.

3 giờ sáng ngày 18 tháng 10, trung đoàn 88 (đại đoàn 308) tiến công cứ điểm Nghĩa Lộ phố. Địch điên cuồng chống cự. Nhưng cũng chỉ trong 3 giờ đồng hồ, quân ta diệt và bắt toàn bộ khoảng 500 tên địch, thu toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh khác trong đó có 2 khẩu pháo 105mm và hàng nghìn viên đạn.

Đêm 18 tháng 10, quân ta tiến công vị trí Cửa Nhì, diệt và bắt gần 250 tên địch. Địch ở Gia Hội rút  lên Tú Lệ bị ta phục kích ở gần Nậm Mười, ngày hôm sau (19-10) rút đi Sơn La. Đại đoàn 308 đã nhanh chóng truy kích địch 4 ngày đêm liền, diệt và bắt gần 200 tên. Bọn địch ở tiểu khu Than Uyên hoảng sợ cũng rút đi Sơn La.

Chỉ trong vòng 4 ngày đầu của chiến dịch, một vùng rộng lớn bên tả ngạn sông Đà gồm các huyện Văn Chấn, Than Uyên, tỉnh Yên Bái đã được giải phóng. Nhân dân các xã vừa mới được giải phóng  đã vận động được 1.000 lượt người dân công đi một tháng, 2.312 lượt người dân công đi 7 ngày, huy động được 250 tấn gạo và  vận chuyển hàng chục vạn tấn lương thực, vũ khí cho bộ đội trong đợt 2 của chiến dịch Tây Bắc .

Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chiến thắng Tây Bắc đã giành được thắng lợi vẻ vang. Chiến thắng Tây Bắc có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đã giải phóng đồng bào Tây Bắc khỏi ách áp bức của giặc, giải phóng một bộ phận đất đai rộng lớn, một vùng chiến lược quan trọng. 

Quân và dân ta đã tiêu diệt và chiếm lại 10 vị trí lớn nhỏ của địch ở Tây Bắc còn có tác dụng phá phần lớn âm mưu thâm độc định lập "xứ Thái tự trị”, "xứ Mường tự trị”, "xứ Nùng tự trị” của địch nhằm chia rẽ người Thái và người Kinh, người Thái với các đồng bào dân tộc thiểu số khác. Trong chiến công đó, có sự đóng góp to lớn về nhân lực, vật lực của quân dân Yên Bái. 

Trân trọng, tôn vinh, biết ơn những đóng góp, hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân; giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau; coi truyền thống lịch sử là nguồn động lực vô cùng quý báu trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương, Yên Bái đã có nhiều chính sách đầu tư khôi phục xây dựng, tôn tạo nhiều điểm di tích lịch sử cách mạng, trong đó di tích Bến Âu Lâu, đồn Nghĩa Lộ - mảnh đất ghi dấu nhiều chiến công của chiến dịch Tây Bắc xứng đáng với tầm vóc lịch sử.

Phát huy truyền thống quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Tây Bắc 70 năm trước đây và truyền thống đoàn kết, yêu nước của quê hương Yên Bái anh hùng, bước vào giai đoạn cách mạng mới, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Yên Bái tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội với tăng cường khả năng quốc phòng - an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hoà bình”, "bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trên con đường đổi mới, hào khí của chiến thắng Tây Bắc vẫn ngời sáng và cổ vũ đưa Yên Bái cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

 

1741 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h