Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Kỳ họp thứ 10 - Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XIX: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn dân chủ, xây dựng, trách nhiệm

10/12/2022 10:55:32 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 10/12, Kỳ họp thứ 10 - Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XIX đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn, giải trình.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Vân, Tổ đại biểu huyện Lục Yên chất vấn tại Kỳ họp

Đây là nội dung được cử tri toàn tỉnh đặc biệt quan tâm theo dõi, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái. Do đó, ngay khi bước vào phiên họp, Chủ tọa điều hành Kỳ họp đã định hướng và đề nghị đại biểu nêu vấn đề chất vấn ngắn gọn, trọng tâm, là các vấn đề nổi cộm trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, được nhiều đại biểu, cử tri, Nhân dân quan tâm; các vấn đề nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước; hoặc qua khảo sát, giám sát phát hiện hạn chế, bất cập cần được chất vấn để làm rõ và đưa ra những yêu cầu, giải pháp để kịp thời khắc phục.

Trong phiên chất vấn đã có 9 lượt đại biểu HĐND tỉnh nêu vấn đề chất vấn tập trung vào các nhóm vấn đề: Việc thực hiện ba Chương trình MTQG; việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư; việc cấp giấy chứng nhân quyền sử dụng đất; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và các vấn đề liên quan đến các ngành: Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Ban Dân tộc tỉnh.

Ông Đinh Đăng Luận - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Đinh Đăng Luận - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Thị Thanh Vân, tổ đại biểu huyện Lục Yên, về việc nêu rõ nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nội dung, dự án các chương trình MTQG; trách nhiệm và những giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình trong thời gian tới.

Về vấn đề trên, ông Đinh Đăng Luận - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ba chương trình MTQG được thực hiện trong giai đoạn đoạn 2021 - 2025 gồm: xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan tham mưu thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các sở, ngành và các địa phương đã tổng hợp nhu cầu sử dụng vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025; lập phương án phân bổ vốn sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trình UBND tỉnh phê duyệt trên cơ sở đảm bảo không trùng lặp với các Chương trình MTQG khác triển khai trên địa bàn tỉnh. Ngày 27/6/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 983/QĐ-UBND về giao kế hoạch thực hiện, kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện các chương trình MTQG với tổng vốn là 249,46 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư đã phân bổ xong cho các địa phương. Hiện nay, các địa phương đang triển khai thực hiện theo kế hoạch. Đối với vốn sự nghiệp, hiện UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2409/QĐ-UBND ngày 07/12/2022 phân bổ và giao dự toán kinh phí sự nghiệp cho các sở, ngành, các địa phương để triển khai thực hiện. Như vậy, đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2022 đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đồng bộ, đúng trình tự và không có khó khăn vướng mắc.

Cũng trả lời chất vấn về vấn đề trên, ông Ngô Thanh Giang - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ ra một số nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, như: chương trình của giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước; số dự án, tiểu dự án thành phần nhiều hơn; đối tượng, phạm vi hỗ trợ rộng hơn; cơ chế quản lý phức tạp hơn nên các cấp, các ngành cần có nhiều thời gian để nghiên cứu, hướng dẫn triển khai. Nhiều văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của các bộ, ngành Trung ương ban hành chậm. Nội dung một số văn bản của Trung ương còn có nhiều điểm vướng mắc, bất cập, chưa phù hợp với thực tế, gây ra những khó khăn cho các địa phương khi triển khai thực hiện. Ngoài ra, nguồn kinh phí thực hiện chương trình năm 2022 khá lớn, lại được giao muộn hơn so với cùng kỳ mọi năm trong khi các văn bản liên quan chưa được ban hành đầy đủ làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình trong thời gian tới, đề nghị các sở, ngành trên địa bàn tỉnh khẩn trương hoàn tất việc trình UBND tỉnh ban hành hoặc báo cáo UBND trình HĐND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương để triển khai thực hiện chương trình; đồng thời khẩn trương triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình ngay sau khi các văn bản liên quan được ban hành đầy đủ.

Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, sớm phân bổ chi tiết khoản kinh phí thực hiện Chương trình năm 2022 cho các sở, ngành, địa phương để triển khai thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình để tổng hợp, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, gắn kết quả triển khai thực hiện Chương trình với trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan và người đứng đầu; khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong tổ chức thực hiện chương trình.

Ông Trần Xuân Thủy - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn vấn đề liên quan đến thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ông Trần Xuân Thủy - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Đến nay, nguồn vốn đầu tư đã giao chi tiết đạt 89,7%, nguồn vốn sự nghiệp giao chi tiết đạt 59,3%. Việc để chậm chễ trong giao vốn, Ban Dân tộc xin nhận trách nhiệm trong việc phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã trong việc tham mưu phân bổ nguồn vốn để triển khai thực hiện.

Ông Thủy cũng nêu nguyên nhân các dự án của chương trình chưa đồng bộ là do năm đầu triển khai thực hiện các dự án mới, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành dẫn đến vướng mắc trong ban hành hướng dẫn của các bộ ngành, địa phương.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, trong thời gian tới ngoài việc thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp do Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu đề ra, Ban Dân tộc sẽ phối hợp với các sở, ngành bám sát hướng dẫn của các bộ ngành tham mưu cho tỉnh ban hành quy định, hướng dẫn để triển khai thực hiện; tiếp tục tuyên truyền vận động người dân về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình để người dân tham gia đồng thời thực hiện tốt công tác hiến đất giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình; tuyên truyền vận động các tổ nhóm giúp nhau phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân; phối hợp triển khai bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực của Ban giám sát cộng đồng trong việc triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo công khai, minh bạch hoàn thành việc xây dựng, ban hành các văn bản quản lý, điều hành tổ chức thực hiện các chương trình MTQG tại địa phương.

Đại biểu Nguyễn Văn Hòe chất vấn tại Kỳ họp

Tiếp đó, ông Đoàn Hữu Phung - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Hòe liên quan đến việc làm rõ những giải pháp tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản để hoàn thành kế hoạch đề ra.

Về vấn đề trên, ông Phung cho biết: đến hết 30/11/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cơ bản trên địa bàn tỉnh đạt 54,3%. Kết quả giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu do một số khó khăn, vướng mắc như: Thời tiết năm 2022 diễn biến bất thường, đặc biệt là mưa nhiều gây khó khăn trong việc tổ chức thi công; giá cả nguyên nhiên vật liệu biến động mạnh, thay đổi liên tục dẫn đến một số dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư; quy trình quản lý, thủ tục cấp phát vốn nước ngoài còn phức tạp; công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn; các chế độ, chính sách chưa có sự linh hoạt, vẫn còn một số hộ dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, thậm trí cản trở các đơn vị thi công; một số dự án lớn, quy mô phức tạp, có tính chất đặc thù...

Để bảo đảm giải ngân đáp ứng yêu cầu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các ngành, địa phương và các đơn vị chủ đầu tư tiếp tục vận động, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án; khẩn trương hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng và khởi công trước ngày 20/12/2022 đối với các dự án khởi công mới theo kế hoạch đặc biệt đối với các chương trình MTQG; Kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình xây dựng, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án...

Đại biểu Hà Mạnh Thắng nêu câu hỏi chất vấn lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đối với ý kiến chất vấn của đại biểu Hà Mạnh Thắng về những khó khăn chủ yếu và giải pháp để các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh không “lỡ hẹn” về đích, ông Đinh Đăng Luận - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc thực hiện xây dựng nông thôn mới của tỉnh nói chung và tại các các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, đó là: Điểm xuất phát của tỉnh Yên Bái nói chung và tại các địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái là rất thấp, các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, kinh tế phần lớn đều chưa đạt; nhận thức của người dân về Chương trình vẫn còn thụ động, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 quy định nhiều nội dung tiêu tiêu chí rất mới và khó thực hiện, như: “Tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa >40%” hay “Tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử”; Nguồn lực bố trí từ ngân sách Trung ương cho Chương trình còn thấp, việc huy động nguồn vốn đầu tư của địa phương còn hạn chế, trong khi đó nhu cầu vốn đầu tư thực hiện Chương trình là rất lớn...

Theo ông Luận, để các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh không “lỡ hẹn” về đích cần lồng ghép các nguồn vốn của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Theo kế hoạch đến năm 2025, lũy kế số xã nông thôn mới toàn tỉnh đạt 126 xã. Dự kiến đến hết năm 2022, đạt 100 xã, như vậy chỉ còn 26 xã, trong đó chỉ có 14 xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Với các nguồn lực từ các chương trình, dự án, đến năm 2025 cơ bản sẽ hoàn thành mục tiêu của tỉnh đề ra.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Tâm chất vấn về các giải pháp về dạy nghề và tạo việc làm của tỉnh trong thời gian tới

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Tâm chất vấn với nội dung: Hiện nay tỷ lệ lao động của tỉnh làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp còn cao so với cả nước dẫn đến năng suất lao động của toàn tỉnh còn thấp, đề nghị Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết các giải pháp về dạy nghề và tạo việc làm của tỉnh trong thời gian tới để thu hút và chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, tạo việc làm bền vững cho người lao động và thực hiện giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Ông Ngô Thanh Giang - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn tại Kỳ họp

Về vấn đề trên, ông Ngô Thanh Giang - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động đã góp phần giảm tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, hết năm 2022, tỷ lệ lao động nông nghiệp toàn tỉnh còn 55,68%. Tuy nhiên, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lao động cao; số lao động được đào tạo nghề chủ yếu là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, dẫn đến năng suất lao động còn thấp.

Trong thời gian tới, để thu hút và chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, tạo việc làm bền vững cho người lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách về đào tạo nghề, vai trò vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người lao động nông thôn tự giác tham gia. Đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tập trung tuyển sinh nhóm lao động trong độ tuổi từ 15 - 35 đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, đào tạo các nghề phi nông nghiệp, nhất là các nhóm nghề cơ khí, kỹ thuật, du lịch, dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động; đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo gắn đổi mới chương trình, giáo trình, phương thức tổ chức đào tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Triển khai có hiệu quả phát triển nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Hiện đại hóa hệ thống mạng lưới thông tin thị trường lao động và tăng cường các kênh giao dịch việc làm. Xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến để kết nối với hệ thống giao dịch việc làm quốc gia; hỗ trợ hiệu quả người lao động tìm kiếm việc làm. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả hoạt động của Quỹ quốc gia về việc làm nhằm hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm. Thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn vào phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ nhằm thu hút, tuyển dụng, sử dụng nguồn lao động tỉnh, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, tạo việc làm bền vững cho người lao động và thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước trả lời chất vấn tại Kỳ họp

Liên quan đến vấn đề giải ngân các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư để triển khai thực hiện một số dự án, đặc biệt là dự án trọng điểm của tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước đã làm rõ hơn vấn đề chất vấn của đại biểu Ngô Việt Hưng. Đồng chí đã chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt theo kế hoạch. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thẳng thắn thừa nhận: Năng lực của các chủ thể tham gia thực hiện dự án còn hạn chế, dẫn đến việc triển khai thực hiện dự án còn chậm trễ. Một bộ phận cán bộ chưa nghiêm túc thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Điểm nghẽn trong thực hiện còn là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, giá cả vật liệu, xăng dầu tăng cao… Đồng chí cũng đã đưa ra các giải pháp cụ thể để làm tốt công tác giải ngân các nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tiếp theo. Liên quan đến công tác bồi thường tái định cư và triển khai thực hiện một số dự án, đặc biệt là dự án trọng điểm. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đã giải trình, làm rõ nội dung đại biểu quan tâm. Ngoài những giải pháp cụ thể đối với các dự án còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước cho biết, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo chính quyền các địa phương, chủ đầu tư thực hiện đầy đủ quy trình giải phóng mặt bằng theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch; tăng cường năng lực, bổ sung đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng đủ yêu cầu thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng đối với các khu vực nằm trong phạm vi các dự án đang triển khai; nghiên cứu vận dụng tối đa, linh hoạt các chính sách của nhà nước trong quá trình bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên cơ sở theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Cũng tại Kỳ họp, lãnh đạo Sở Tài chính đã trả lời chất vấn về việc giải quyết, xử lý tài sản đất, trụ sở, trang trại, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và một số công cụ có giá trị lớn hiện không sử dụng của Hợp tác xã dịch vụ Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ; lãnh đạo Sở Nội vụ trả lời chất vấn về giải pháp trong thời gian tới để thu hút đối với giảng viên hướng nghiệp dạy nghề tại các trường Cao Đẳng, Trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân phải di rời do ảnh hưởng của các đợt bão lũ, hiến đất làm đường giao thông nông, nhà văn hóa, trường học...

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, giải trình đã diễn ra trong không khí dân chủ, xây dựng, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành được chất vấn. Nội dung chất vấn phù hợp với tình hình thực tế, được dư luận, cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm, đồng tình.

Cổng Thông tin điện tử tỉnh tiếp tục cập nhật các thông tin của Kỳ họp.

2430 lượt xem
Nguyễn Hiên - Thu Nga - Tiến Lập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h