Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Hôm nay (1/2) diễn ra Lễ công bố ghi danh “Lễ hội Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và Khai mạc Lễ hội Đền Đông Cuông năm 2023

01/02/2023 10:28:27 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Hôm nay - 1/2, tức ngày 11 tháng Giêng năm Quý Mão, huyện Văn Yên sẽ long trọng tổ chức Lễ công bố ghi danh “Lễ hội Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và Khai mạc Lễ hội Đền Đông Cuông năm 2023.

Du khách tham dự Lễ hội Đền Đông Cuông

Ngày 16/1/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 73/QĐ-BVHTTDL về việc đưa Lễ hội Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Đền Đông Cuông thuộc địa phận thôn Bến Đền - xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, xung quanh có đại ngàn bao phủ, phía trước đền là dòng sông Hồng. Đền Đông Cuông là cụm di tích gồm 4 điểm: Ngoài Đền Chính còn có Miếu Cô, Miếu Cậu và Miếu Đức Ông (Miếu Đức Ông tọa bên hữu ngạn sông Hồng đối diện với ngôi Đền Chính về hướng Nam, cách 150m đường chim bay, thuộc cụm di tích Đền Đông Cuông).

Đền có từ lâu đời, qua sử sách thư tịch được biết, Đền có muộn nhất vào đời Lê. Được phát triển từ một ngôi miếu cổ thờ Đông Quang (thuộc trung tâm trại Quy Hóa thời Trần). Theo Đại Nam nhất thống chí, Đền Đông Cuông thờ Cao Quan Đại Vương, húy là Thổ Lệnh và Thạch Khanh, đã có công chu du thiên hạ, tìm phương thuốc quý để chữa bệnh cho Nhân dân. Đến khi mất lại rất linh ứng, ngầm theo để giúp các vị tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm bảo vệ biên cương, được Nhân dân suy tôn, vua phong là "Thần vệ quốc" và đã hóa thân thành Mẫu Thượng Ngàn, là người mẹ của vũ trụ.

Năm 1258, nghĩa quân của tướng Hà Đặc sau khi thắng trận đã tập kết tại Đền Đông Cuông và tổ chức mổ trâu khao quân. Đền và khu vực Đền có liên quan đến Đền Ngọc Tháp và Đền Hùng (Phú Thọ).

Lễ hội Đền Đông Cuông được tổ chức vào tháng Giêng hằng năm. Lễ hội mở đầu bằng lễ mổ trâu tế Mẫu, được thực hiện vào thời khắc đầu tiên của ngày Mão đầu năm.

Tiếp sau lễ mổ trâu là lễ rước tượng Mẫu sang sông bằng chiếc bè lớn làm bằng nứa dại. Đây là một trong những lễ chính của Lễ hội Đền Đông Cuông.

Lễ rước tượng Mẫu sang sông để thắp hương cúng tế linh hồn tướng quân Hà Đặc được bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng. Khi tượng Mẫu đã sang tới miếu Ghềnh Ngai thăm Đức Ông, các thầy cúng làm thủ tục tế lễ, sau đó tượng Mẫu lại được rước quay về đền vào đúng 10 giờ. Đây cũng là lúc bắt đầu lễ dâng hương tế Mẫu, cầu cho quốc thái dân an, muôn dân ấm no, hạnh phúc.

Sau phần lễ là phần hội với các hoạt động thi đấu thể thao, trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co, ném còn... 

Sự kiện Lễ hội nhằm mục đích quảng bá, tôn vinh và bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Lễ hội Đền Đông Cuông, quảng bá hình ảnh Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đền Đông Cuông đến du khách thập phương trong và ngoài nước, từng bước tạo sự đột phá về phát triển du lịch tâm linh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương năm 2023 và các năm tiếp theo.

2412 lượt xem
Lan Hương - Hồng Hạnh

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h