Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Kinh tế

Trấn Yên: Tre măng Bát độ tiếp tục mang lại hiệu quả kinh tế cao

08/03/2020 08:15:39 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Những năm gần đây, tre Bát độ đã trở thành cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo đối với nhiều hộ dân, nhất là đồng bào các dân tộc vùng cao của huyện Trấn Yên. Đặc biệt, việc liên kết chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tre măng Bát độ đã góp phần đáng kể nâng cao hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này.

Cây tre măng Bát độ mang lại nguồn thu nhập hàng chục tỷ đồng cho người dân Trấn Yên

Gia đình anh Vàng A Sò, thôn Khe Ron, xã Hồng Ca có 5 ha đồi rừng. Những năm trước, gia đình anh chỉ trồng cây keo và bồ đề. Sau khi được xã cùng cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền, vận động, phổ biến về cây tre măng Bát độ, anh đã quyết định chuyển đổi 1ha sang trồng loại tre này. Sau 2 năm diện tích tre bắt đầu cho thu hoạch măng, mang lại cho gia đình anh Sò nguồn thu nhập ổn định. Anh Vàng A Sò ở thôn Khe Ron, xã Hồng Ca cho biết: “Tham gia trồng tre Bát độ từ năm 2007, đến nay gia đình tôi đã có hơn 3 ha tre cho thu hoạch măng. Mỗi năm đem lại thu nhập ổn định từ 60 - 70 triệu đồng”.

Không chỉ riêng gia đình anh Vàng A Sò, hiện nay tre măng Bát độ cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình ở Hồng Ca. Khoảng 70% số hộ trong xã đã trồng tre măng Bát độ với diện tích trên 1.000 ha, mang lại nguồn thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể của địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích và thực hiện liên kết “4 nhà”, ký kết hợp tác với Công ty TNHH Vạn Đạt, trong việc cung ứng giống, vật tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, cho vay vốn chăm sóc không lãi và bao tiêu toàn bộ sản phẩm khi thu hoạch. Ông Phạm Xuân Toàn - Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết: “Hiệu quả cây tre măng Bát độ ở địa phương đã được khẳng định. Trong những năm tới, Hồng Ca tiếp tục vận động nhân dân chăm sóc, thâm canh diện tích tre Bát độ. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn, phổ biến giúp nhân dân biết cách chăm sóc những diện tích đã trồng trước để nâng cao hiệu quả sản xuất trên một diện tích đất canh tác”.

Kiên Thành là vùng trọng điểm trồng tre Bát độ của Trấn Yên với tổng diện tích gần 1.800ha, gần 80% số hộ dân tham gia trồng. Năm 2019, sản lượng măng vỏ tươi của xã đạt 38.000 tấn, đem lại giá trị thu nhập hơn 35 tỷ đồng cho người dân. Ngoài ra, xã còn cung ứng nguồn củ giống chủ lực cho việc mở rộng diện tích ở một số xã khác trong huyện với khoảng 45.000 củ giống cho 2 xã Hưng Khánh và Lương Thịnh năm 2020. Theo ông Hoàng Văn Đà, Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành: Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ tre Bát độ, Kiên Thành sẽ tiếp tục thực hiện việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở hợp đồng liên kết cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được ký giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Ngoài ra, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất tạo thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm măng Bát độ. Hiện toàn xã đã vận động được khoảng 500ha hộ tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị với tổng diện tích 522 ha và phấn đấu sẽ nâng lên 700ha.

Trấn Yên hiện có diện tích trồng tre Bát độ lớn nhất của tỉnh Yên Bái với hơn 3.360 ha. Năm 2020 này, huyện phấn đấu trồng mới 200ha, trong đó Kiên Thành 55ha, Hồng Ca 60ha, Lương Thịnh 60ha và Hưng Khánh 25ha, nâng tổng diện tích lên gần 3.600ha. Mô hình trồng tre Bát độ lấy măng là mô hình thành công mang tính bền vững cao và có hiệu quả trong sản xuất, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nông dân, nhất là nông dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất đồi rừng của toàn huyện, trong đó 1ha tre Bát Độ cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/năm. Bà Trần Thị Hoàn Liên - Phó ban quản lý dự án tre măng Bát độ huyện Trấn Yên cho hay: “Cùng với việc mở rộng diện tích trồng tre, huyện cũng chú trọng xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm măng Bát độ. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị này việc phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi. Sản phẩm măng Bát độ đã được Công ty TNHH Vạn Đạt, Công ty cổ phần Yên Thành ký hợp đồng hợp tác đầu tư vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm lâu dài”.

Với mục tiêu xây dựng, phát triển vùng tre Bát độ tập trung và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản xuất măng tre Bát độ, Trấn Yên sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng tre Bát độ, đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với các hộ tham gia, giúp họ từng bước thay đổi tư duy sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong phát triển nông nghiệp bền vững và tạo nhiều việc làm cho lao động tại địa phương.

1292 lượt xem
CTV: Kim Oanh - Nguyễn Thư

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h