Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái tham gia ý kiến vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

06/06/2023 14:12:35 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 5/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái làm Tổ trưởng tổ thảo luận, cùng dự thảo luận tổ có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.

Toàn cảnh buổi thảo luận tại Tổ 5 chiều 5/6/2023.

Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với tờ trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội; thống nhất sự cần thiết sửa đổi 02 luật này, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu; chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế. Đối với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) việc sửa đổi luật nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức hoạt động của TCTD, xử lý những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành; luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD; sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD và khắc phục các vướng mắc, bất cập hiện tại về mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật các TCTD và các Luật khác.

Góp ý trực tiếp vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đại biểu Đỗ Đức Duy tham gia về quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, đại biểu đề nghị sửa đổi khoản 6 điều 11 thànhCăn cứ quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được phê duyệt, Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức xây dựng kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước quốc gia và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước cấp tỉnh.” 

Về quy hoạch về tài nguyên nước tại khoản 1 Điều 15, đại biểu Duy đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa thành “quy hoạch tài nguyên nước” và cần định nghĩa lại quy hoạch tài nguyên nước bao gồm: quy hoạch tài nguyên nước quốc gia quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, đồng thời bổ sung thêm một khoản để làm rõ định nghĩa hai loại tài nguyên nước này.

Về chức năng nguồn nước và hành lang bảo vệ nguồn nước (Điều 23), đại biểu đề nghị bổ sung thêm chức năng cấp nước cho hoạt động kinh doanh, dịch vụ như: tưới cây,  rửa xe, rửa đường…

“Quy định về sản xuất, cung cấp, tiêu thụ nước sạch chưa được quy định trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình tại kỳ họp này. Để điều chỉnh đầy đủ, đồng bộ cần thiết phải có Luật về sản xuất, cung cấp, tiêu thụ nước sạch, trong thời gian chưa xây dựng Luật này như thông lệ quốc tế có thể nghiên cứu, bổ sung một chương riêng trong Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này” đại biểu Đỗ Đức Duy đề xuất.

Tham gia về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Khang Thị Mào tán thành quy định tại  Điều 68 về tích hợp hoạt động tài nguyên nước của Dự thảo Luật vì đây là một công cụ quan trọng để đo lường giá trị tài nguyên nước và hiệu quả sử dụng tài nguyên nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Khang Thị Mào phát biểu tại buổi thảo luận.

Về vấn đề tích trữ nước, điều hoà, phân bổ nguồn nước để đáp ứng nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong thời kỳ hạn hán, thiếu nước. Đại biểu Mào cho rằng, hồ chứa thủy điện, ngoài nhiệm vụ cơ bản là phát điện, đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, còn phải đảm bảo hài hòa các lợi ích về kinh tế - môi trường - xã hội. Điển hình như, đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phối hợp với các hồ chứa thủy lợi cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và sản xuất của vùng hạ du trong mùa kiệt, đảm bảo an toàn công trình và góp phần giảm lũ cho hạ du trong thời kỳ mùa lũ. Thực tế những năm gần đây, khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các hồ chứa thuỷ điện đã tham gia khá tích cực vào việc tích trữ nước và xả nước để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, tưới tiêu trong thời kỳ hạn hán, thiếu nước. Đại biểu đề nghị dự thảo quy định rõ hoạt động tích trữ nước của các hồ chứa thuỷ điện có được coi là hoạt động tích trữ nước được hưởng ưu đãi, hỗ trợ như quy định tại Điều 69 hay không? Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng trong trường hợp cần yêu cầu, huy động các hồ chứa thuỷ điện tích trữ nước hoặc xả nước để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất hạ du mà ảnh hưởng đến lợi ích phát điện của đơn vị, thì nên nghiên cứu, xem xét chế độ đền bù hoặc chia sẻ lợi ích từ các tổ chức, cá nhân hưởng lợi cho các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thuỷ điện để bảo đảm tính công bằng trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

 

1846 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h