Nghệ thuật khèn của người Mông ở Yên Bái trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia càng khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của cây khèn trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Mông.
Tiết mục múa khèn của người Mông thôn Bản Tát, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký Quyết định số 1401/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Theo đó, nghệ thuật khèn của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.
Dân tộc Mông ở Yên Bái chiếm 8,1% dân số toàn tỉnh Yên Bái, cư trú tập trung tại 40 xã thuộc 5 huyện là Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên và Lục Yên.
Chuyện kể rằng: “Ngày xưa có một nhà nọ cha mẹ mất sớm, để lại 6 anh em trai ở với nhau. Họ làm được cái khèn có 6 lỗ và sáu bộ phận để 6 anh em cùng được thổi. Ngày ngày họ đi làm nương rẫy, tối về anh em quây quần bên nhau và cùng mang khèn ra thổi.
Tiếng khèn trầm bổng thắm thiết, người dân trong bản tối nào cũng đến chơi để nghe thổi khèn rất đông vui. Sáu anh em thì người bị giặc giết hại, người theo nghĩa quân đánh giặc, người thì bị phiêu bạt. Còn lại người em út không nhà cửa ở với chú ruột. Thiếu tiếng khèn, trong vùng trầm lặng, quạnh hiu. Vắng các anh nên chàng út không thể thổi được khèn. Chàng út liền nghĩ ra một ý là tổng hợp cả năm chi tiết kia thành một cây khèn và chiếc khèn ấy được lưu truyền đến ngày nay.”
Đến phiên chợ, trai gái Mông từ trên núi cao đổ xuống dập dìu. Người đi bộ, người đi ngựa, không ai bảo ai nhưng trên vai ai cũng có một cây khèn. Họ xuống chợ để nhớ, để thương, để tỏ tình, để truyền gọi và bên nồi thắng cố với hương rượu ngô nồng nàn của men lá, các chàng trai cầm khèn thổi, khom lưng nhún nhảy lượn quanh những cô gái….
Nếu đôi nào ưng ý nhau, dắt tay nhau tan biến vào núi rừng. Cây khèn Mông có thể ví như một báu vật truyền lại cho các thế hệ sau, trở thành một phần văn hóa không thể thiếu của người Mông. Tiếng khèn ngấm sâu vào từng thớ thịt người Mông, thân quen như mèn mén và rượu ngô.
Con trai Mông, người nào cũng đều có chiếc khèn trên vai mỗi khi lên nương hay xuống chợ. Âm thanh của khèn vút cao vừa như trách, vừa như hờn giận, vừa như mời gọi… và cũng mạnh mẽ như chính hơi thở cuộc sống người Mông vậy. Bởi, nếu không mạnh mẽ, người Mông chắc khó lòng sống nổi với sự khắc nghiệt nơi núi cao đầy đá, nắng và gió lạnh…. Tiếng khèn cũng như mang trong mình một ma lực quyến rũ, vang vọng và nồng nàn giữa núi rừng đầy huyền bí nhưng rất gần với con người.
Để làm được một cây khèn ưng ý phải mất rất nhiều công đoạn. Khèn được chế tác bằng gỗ cùng 6 ống trúc lớn, nhỏ, dài, ngắn khác nhau. Sáu ống trúc tượng trưng cho 6 anh em tụ hợp trên cùng cây khèn, được xếp khéo léo, song song trên thân khèn.
Khèn có lưỡi gà làm bằng kim loại. Lưỡi gà được chế tác bằng đồng dát mỏng. Lưỡi gà kêu vang được gọi là “đồng hưởng.” Lưỡi gà đầu gắn hạt sáp lớn thì âm trầm, gắn hạt sáp nhỏ thì âm bổng. Làm được chiếc lưỡi gà ưng ý phải qua nhiều công đoạn và kỳ công trong chế tác.
Nghệ nhân chế tác khèn Mông Thào Cáng Súa ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Thông thường, người Mông hay chọn những đồng xu, hay vỏ đạn (bằng đồng) để làm lưỡi gà. Họ ngồi bên bờ suối lựa chọn những hòn đá ráp mịn, mài bằng tay dưới nước cho đến khi nào chúng phát ra âm thanh chuẩn mới thôi. Lưỡi gà chuẩn tùy thuộc vào chiều dài và độ dày của ống trúc. Thân khèn được lựa chọn từ gỗ thông đá mọc trên núi cao.
Thanh gỗ được sấy khô cho hết tinh dầu và nhựa rồi được hơ qua hơ lại trên lửa, sau đó sấy ít nhất 2-3 tháng ở trên các bếp để ăn khói. Khèn Mông có 6 ống: ống dài nhất là 100cm, ống thứ hai dài 93cm, ống thứ ba 83cm, ống thứ tư 77cm, ống thứ năm là 72cm và ống thứ sáu là 54cm.
Để tìm và làm được một ống khèn Mông vừa tròn, vừa dày, vừa dẻo, khó vỡ, khó bẹp, các chàng trai phải đi vào tận trong rừng sâu có núi đá, thường họ đi 3-5 ngày, có khi hàng tháng mới tìm được ống trúc ưng ý. Ống trúc không được già quá cũng không được non quá.
Trúc được phơi sương và hong trong nắng, trong bóng râm, ít nhất là 2-3 tháng. Khi đem ra để làm, họ phải lau bằng nước chanh quả hoặc cơm mẻ để trả lại màu vàng óng tự nhiên của thân trúc. Phần đai quấn quanh ống được làm bằng dây gai. Dây gai được sấy trên gác bếp, ngâm vào nước cho dẻo mềm, dai không khác gì da thuộc, nhưng lại có ưu điểm mềm mỏng, dễ thắt nút. Màu của dây gai đen nâu nổi bật trên nền trúc vàng óng, màu gỗ vàng ngà.
Hiện nay, với sự phát triển và hội nhập giữa các nền văn hóa, các loại hình nhạc cụ dân tộc của đồng bào không chỉ đơn thuần đóng vai trò là một vật dụng riêng trong các gia đình mà còn trở thành một sản phẩm du lịch rất được ưa chuộng.
Khèn Mông được bán ở chợ vùng cao, các gian giới thiệu và trưng bày sản phẩm. Một số gia đình của người Mông ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải làm khèn bán để tăng thu nhập. Từ những yếu tố đó cũng là cơ sở để nhiều loại hình nhạc cụ độc đáo của dân tộc trở thành phương tiện giao lưu văn hóa như sáo mũi của dân tộc Xa Phó, khèn Mông, khèn bè, pí pặp, pí ló, pí thiu (dân tộc Thái), đã làm cầu nối giữa các dân tộc trong các cuộc thi và hội diễn nghệ thuật quần chúng các cấp, đồng thời làm đẹp thêm cho một nền văn hóa cộng đồng đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Nghệ thuật khèn của người Mông. (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)
Ngày nay, các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn không chỉ chinh phục du khách bởi vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, mà còn lôi cuốn bởi sắc màu văn hóa của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Thái.... Đặc biệt, những giai điệu đặc sắc của tiếng khèn Mông là nét văn hóa truyền thống đặc trưng và là nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Mông nơi đây.
Người Mông gọi tiếng khèn là Krềnh. Khèn Mông là một loại nhạc cụ đa thanh, là thanh âm của núi rừng. Khèn Mông được sử dụng rất đa dạng theo từng hoàn cảnh khác nhau như trong những dịp lễ, tết, chúc mừng, đón khách.... Tiếng khèn vang vọng, lúc khoáng đạt, lúc nỉ non, dìu dặt. Người Mông sử dụng khèn trong những ngày lễ truyền thống, để đệm cho người hát các bài dân ca, có khi bắt nhịp cho các vũ điệu mạnh mẽ, sử dụng trong những ngày vui.
Đặc biệt, tiếng khèn đã trở thành giai điệu hò hẹn, phương tiện gửi lời yêu của bao chàng trai, cô gái. Bất cứ chàng trai người Mông nào khi biết cầm con dao, cái cuốc để lao động trên nương, trên rẫy, cũng là lúc họ biết cầm khèn. Với họ, học thổi khèn không chỉ là một cách để giải trí, mà còn là phương tiện để thể hiện tài nghệ của mình, là cầu nối để họ tìm cho mình một người bạn đời thích hợp.
Tiếng khèn là phần hồn của người Mông, giữ tiếng khèn là giữ bản sắc của dân tộc. Những năm qua, nghệ thuật khèn của người Mông luôn được tỉnh Yên Bái quan tâm bảo tồn, khôi phục nhằm phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mông.
Để lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống của khèn Mông, các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn đã khôi phục nhiều lễ hội có sự hiện diện của tiếng khèn, đưa múa khèn, thổi lá dân tộc vào các giờ học ngoại khóa để học sinh tìm hiểu và hứng thú với những nhạc cụ dân tộc.
Nghệ thuật khèn của người Mông ở Yên Bái trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia càng khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của cây khèn trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Mông, góp phần vinh danh di sản và trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc ở các huyện phía Tây của tỉnh./.
1921 lượt xem
Theo Vietnam+
Nghệ thuật khèn của người Mông ở Yên Bái trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia càng khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của cây khèn trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Mông.Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký Quyết định số 1401/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Theo đó, nghệ thuật khèn của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.
Dân tộc Mông ở Yên Bái chiếm 8,1% dân số toàn tỉnh Yên Bái, cư trú tập trung tại 40 xã thuộc 5 huyện là Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên và Lục Yên.
Chuyện kể rằng: “Ngày xưa có một nhà nọ cha mẹ mất sớm, để lại 6 anh em trai ở với nhau. Họ làm được cái khèn có 6 lỗ và sáu bộ phận để 6 anh em cùng được thổi. Ngày ngày họ đi làm nương rẫy, tối về anh em quây quần bên nhau và cùng mang khèn ra thổi.
Tiếng khèn trầm bổng thắm thiết, người dân trong bản tối nào cũng đến chơi để nghe thổi khèn rất đông vui. Sáu anh em thì người bị giặc giết hại, người theo nghĩa quân đánh giặc, người thì bị phiêu bạt. Còn lại người em út không nhà cửa ở với chú ruột. Thiếu tiếng khèn, trong vùng trầm lặng, quạnh hiu. Vắng các anh nên chàng út không thể thổi được khèn. Chàng út liền nghĩ ra một ý là tổng hợp cả năm chi tiết kia thành một cây khèn và chiếc khèn ấy được lưu truyền đến ngày nay.”
Đến phiên chợ, trai gái Mông từ trên núi cao đổ xuống dập dìu. Người đi bộ, người đi ngựa, không ai bảo ai nhưng trên vai ai cũng có một cây khèn. Họ xuống chợ để nhớ, để thương, để tỏ tình, để truyền gọi và bên nồi thắng cố với hương rượu ngô nồng nàn của men lá, các chàng trai cầm khèn thổi, khom lưng nhún nhảy lượn quanh những cô gái….
Nếu đôi nào ưng ý nhau, dắt tay nhau tan biến vào núi rừng. Cây khèn Mông có thể ví như một báu vật truyền lại cho các thế hệ sau, trở thành một phần văn hóa không thể thiếu của người Mông. Tiếng khèn ngấm sâu vào từng thớ thịt người Mông, thân quen như mèn mén và rượu ngô.
Con trai Mông, người nào cũng đều có chiếc khèn trên vai mỗi khi lên nương hay xuống chợ. Âm thanh của khèn vút cao vừa như trách, vừa như hờn giận, vừa như mời gọi… và cũng mạnh mẽ như chính hơi thở cuộc sống người Mông vậy. Bởi, nếu không mạnh mẽ, người Mông chắc khó lòng sống nổi với sự khắc nghiệt nơi núi cao đầy đá, nắng và gió lạnh…. Tiếng khèn cũng như mang trong mình một ma lực quyến rũ, vang vọng và nồng nàn giữa núi rừng đầy huyền bí nhưng rất gần với con người.
Để làm được một cây khèn ưng ý phải mất rất nhiều công đoạn. Khèn được chế tác bằng gỗ cùng 6 ống trúc lớn, nhỏ, dài, ngắn khác nhau. Sáu ống trúc tượng trưng cho 6 anh em tụ hợp trên cùng cây khèn, được xếp khéo léo, song song trên thân khèn.
Khèn có lưỡi gà làm bằng kim loại. Lưỡi gà được chế tác bằng đồng dát mỏng. Lưỡi gà kêu vang được gọi là “đồng hưởng.” Lưỡi gà đầu gắn hạt sáp lớn thì âm trầm, gắn hạt sáp nhỏ thì âm bổng. Làm được chiếc lưỡi gà ưng ý phải qua nhiều công đoạn và kỳ công trong chế tác.
Nghệ nhân chế tác khèn Mông Thào Cáng Súa ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Thông thường, người Mông hay chọn những đồng xu, hay vỏ đạn (bằng đồng) để làm lưỡi gà. Họ ngồi bên bờ suối lựa chọn những hòn đá ráp mịn, mài bằng tay dưới nước cho đến khi nào chúng phát ra âm thanh chuẩn mới thôi. Lưỡi gà chuẩn tùy thuộc vào chiều dài và độ dày của ống trúc. Thân khèn được lựa chọn từ gỗ thông đá mọc trên núi cao.
Thanh gỗ được sấy khô cho hết tinh dầu và nhựa rồi được hơ qua hơ lại trên lửa, sau đó sấy ít nhất 2-3 tháng ở trên các bếp để ăn khói. Khèn Mông có 6 ống: ống dài nhất là 100cm, ống thứ hai dài 93cm, ống thứ ba 83cm, ống thứ tư 77cm, ống thứ năm là 72cm và ống thứ sáu là 54cm.
Để tìm và làm được một ống khèn Mông vừa tròn, vừa dày, vừa dẻo, khó vỡ, khó bẹp, các chàng trai phải đi vào tận trong rừng sâu có núi đá, thường họ đi 3-5 ngày, có khi hàng tháng mới tìm được ống trúc ưng ý. Ống trúc không được già quá cũng không được non quá.
Trúc được phơi sương và hong trong nắng, trong bóng râm, ít nhất là 2-3 tháng. Khi đem ra để làm, họ phải lau bằng nước chanh quả hoặc cơm mẻ để trả lại màu vàng óng tự nhiên của thân trúc. Phần đai quấn quanh ống được làm bằng dây gai. Dây gai được sấy trên gác bếp, ngâm vào nước cho dẻo mềm, dai không khác gì da thuộc, nhưng lại có ưu điểm mềm mỏng, dễ thắt nút. Màu của dây gai đen nâu nổi bật trên nền trúc vàng óng, màu gỗ vàng ngà.
Hiện nay, với sự phát triển và hội nhập giữa các nền văn hóa, các loại hình nhạc cụ dân tộc của đồng bào không chỉ đơn thuần đóng vai trò là một vật dụng riêng trong các gia đình mà còn trở thành một sản phẩm du lịch rất được ưa chuộng.
Khèn Mông được bán ở chợ vùng cao, các gian giới thiệu và trưng bày sản phẩm. Một số gia đình của người Mông ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải làm khèn bán để tăng thu nhập. Từ những yếu tố đó cũng là cơ sở để nhiều loại hình nhạc cụ độc đáo của dân tộc trở thành phương tiện giao lưu văn hóa như sáo mũi của dân tộc Xa Phó, khèn Mông, khèn bè, pí pặp, pí ló, pí thiu (dân tộc Thái), đã làm cầu nối giữa các dân tộc trong các cuộc thi và hội diễn nghệ thuật quần chúng các cấp, đồng thời làm đẹp thêm cho một nền văn hóa cộng đồng đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Nghệ thuật khèn của người Mông. (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)
Ngày nay, các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn không chỉ chinh phục du khách bởi vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, mà còn lôi cuốn bởi sắc màu văn hóa của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Thái.... Đặc biệt, những giai điệu đặc sắc của tiếng khèn Mông là nét văn hóa truyền thống đặc trưng và là nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Mông nơi đây.
Người Mông gọi tiếng khèn là Krềnh. Khèn Mông là một loại nhạc cụ đa thanh, là thanh âm của núi rừng. Khèn Mông được sử dụng rất đa dạng theo từng hoàn cảnh khác nhau như trong những dịp lễ, tết, chúc mừng, đón khách.... Tiếng khèn vang vọng, lúc khoáng đạt, lúc nỉ non, dìu dặt. Người Mông sử dụng khèn trong những ngày lễ truyền thống, để đệm cho người hát các bài dân ca, có khi bắt nhịp cho các vũ điệu mạnh mẽ, sử dụng trong những ngày vui.
Đặc biệt, tiếng khèn đã trở thành giai điệu hò hẹn, phương tiện gửi lời yêu của bao chàng trai, cô gái. Bất cứ chàng trai người Mông nào khi biết cầm con dao, cái cuốc để lao động trên nương, trên rẫy, cũng là lúc họ biết cầm khèn. Với họ, học thổi khèn không chỉ là một cách để giải trí, mà còn là phương tiện để thể hiện tài nghệ của mình, là cầu nối để họ tìm cho mình một người bạn đời thích hợp.
Tiếng khèn là phần hồn của người Mông, giữ tiếng khèn là giữ bản sắc của dân tộc. Những năm qua, nghệ thuật khèn của người Mông luôn được tỉnh Yên Bái quan tâm bảo tồn, khôi phục nhằm phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mông.
Để lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống của khèn Mông, các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn đã khôi phục nhiều lễ hội có sự hiện diện của tiếng khèn, đưa múa khèn, thổi lá dân tộc vào các giờ học ngoại khóa để học sinh tìm hiểu và hứng thú với những nhạc cụ dân tộc.
Nghệ thuật khèn của người Mông ở Yên Bái trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia càng khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của cây khèn trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Mông, góp phần vinh danh di sản và trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc ở các huyện phía Tây của tỉnh./.