Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật 65 năm làm theo lời Bác dạy

25/09/2023 13:40:47 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Cách đây tròn 65 năm, ngày 25/9/1958, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái vô cùng vinh dự, tự hào khi được đón Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái. Đây là sự kiện trọng đại, một kỷ niệm thiêng liêng mãi mãi khắc ghi trong tâm trí và tình cảm không thể phai mờ của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái; là nguồn cổ vũ, động viên to lớn cho phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Những lời căn dặn giản dị, thân thương, ân tình của Bác vô cùng sâu sắc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo, chứa đựng những nội dung tư tưởng lớn lao, có sức cảm hóa, lan tỏa mạnh mẽ và vang vọng mãi. Lời Bác dạy đã soi đường, dẫn dắt Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái trong suốt quá trình xây dựng và phát triển; mãi còn nguyên giá trị trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của quê hương Yên Bái anh hùng.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                          Trần Huy Tuấn

Phó Bí Thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái

Sự kiện Bác Hồ về thăm và nói chuyện với nhân dân tỉnh Yên Bái; tỉnh Yên Bái vinh dự, tự hào nhiều lần được Bác Hồ gửi thư khen vì thành tích xuất sắc trong 02 cuộc trường chinh ái quốc vĩ đại là những dấu ấn quan trọng, mốc son trong trang vàng lịch sử của Đảng bộ, là tài sản tinh thần vô giá, là nguồn động lực to lớn giúp Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cùng cả nước vững bước tiến lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

 

Thấm nhuần sâu sắc lời Bác dạy, 65 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã không ngừng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua, xây dựng đời sống văn hóa mới, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, cùng cả nước thực hiện cuộc cách mạng kháng chiến, kiến quốc; góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phát huy truyền thống anh hùng, vừa chiến đấu, vừa sản xuất, sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh vững vàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, lập nhiều chiến công xuất sắc, làm rạng danh cho quê hương và đóng góp quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; cùng cả nước vững bước vào công cuộc đổi mới công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hương, đất nước.

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Trước kia chúng ta khổ vì thực dân phong kiến bóc lột. Bây giờ chúng ta đã được thoát khỏi, chúng ta phải làm thế nào cho sướng hơn. Muốn sướng hơn phải ǎn no mặc ấm. Muốn ǎn no mặc ấm phải làm thế nào? Phải tǎng gia sản xuất!... Điểm nữa là nên tăng vụ. Những ruộng làm một mùa cố gắng làm cả chiêm, cả mùa”, qua nhiều nhiệm kỳ kế tiếp nhau, Yên Bái đã thực hiện các quan điểm, chủ trương đúng đắn trong phát triển kinh tế. Thể hiện rõ nét qua việc Yên Bái là đã thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, chuyển dịch mạnh từ sản xuất lấy số lượng, sản lượng làm mục tiêu sang tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm.

Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.

Những năm đầu đổi mới, tỉnh đã chủ trương phát triển ngành nông, lâm nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó sản xuất lương thực là quan trọng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả. Đến nay, cùng với những quan điểm, định hướng phát triển nông, lâm nghiệp trong những giai đoạn trước, tỉnh Yên Bái xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, chú trọng cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tích cực ứng dụng khoa học và công nghệ, sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng tạo ra những sản phẩm đặc sắc, có thương hiệu. Quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo thế mạnh của từng vùng, nhu cầu của thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2022 đạt 5,95%, cao nhất trong vùng và cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Xây dựng nông thôn mới tiếp tục là điểm sáng của khu vực Tây Bắc; chủ trương phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực xã hội và vai trò chủ thể, trực tiếp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, thay đổi nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới là của dân, do dân, vì dân và dân hưởng thụ; cùng với đó là tập trung nguồn lực, nhất là xã hội hóa để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 99/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 66% tổng số xã của tỉnh; 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 3/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó huyện Trấn Yên là huyện miền núi đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019. Diện mạo nông thôn đã thực sự khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc tiếp tục được phát huy.

Cùng với phát triển nông nghiệp, Yên Bái đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phát triển mạnh dịch vụ, thương mại; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh

Tỉnh đã thực hiện đồng bộ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp; chú trọng quy hoạch, đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp; các dự án phát triển chuỗi công nghiệp chế biến, chế tạo, đa dạng các sản phẩm trên cơ sở lợi thế của tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thị trường tiêu thụ ổn định, sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị sản xuất.

Công nghiệp duy trì ổn định và có bước phát triển nhanh, khai thác được tiềm năng, lợi thế, huy động nhiều nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư vào công nghiệp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân; đã thu hút được một số nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm đầu tư vào một số lĩnh vực trọng điểm, đóng góp quan trọng vào thu ngân sách tỉnh, trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng năm 2022 đạt 14,76%, đứng thứ 6/14 tỉnh trong vùng, riêng khu vực công nghiệp tăng 16,66%, đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 đạt 15.540 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2021.

Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế như tài chính, ngân hàng, viễn thông, y tế, giáo dục, đào tạo; từng bước hình thành và phát triển các loại thị trường tài chính, bất động sản, lao động. Hạ tầng thương mại, dịch vụ được tăng cường đầu tư theo hướng hiện đại và đồng bộ, mạng lưới cơ sở kinh doanh thương mại được mở rộng, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ, thương mại.

Các loại hình kinh doanh thương mại văn minh như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng tự chọn phát triển nhanh, cùng với thương mại truyền thống như hệ thống chợ nông thôn, cửa hàng thương mại tổng hợp đã phục vụ tốt nhu cầu xã hội, dịch vụ chuyển đổi số ngày càng được quan tâm, thương mại điện tử có bước phát phát triển; hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng kịp thời đổi mới, da dạng hóa phương thức xúc tiến thương mại. Qua đó, hỗ trợ thiết thực có hiệu quả cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ năm 2022 tăng 6%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 23.825 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2021. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đến nay, Yên Bái đã đón trên ba triệu lượt khách du lịch. Tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch hằng năm đạt 10,3%, doanh thu từ hoạt động du lịch bình quân hằng năm tăng 19,6%.

Tích cực cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Tỉnh Yên Bái cũng đã tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các công trình trọng điểm, quan trọng, có sức lan tỏa, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng xây dựng nông thôn mới.

Tổng vốn đầu tư phát triển năm 2022 đạt 18.874,8 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2021, xếp thứ 6/14 tỉnh trong vùng. Đến nay, tỉnh Yên Bái có trên 600 dự án đầu tư đã được cấp chủ trương đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 106,2 nghìn tỷ đồng, trong đó có 37 dự án FDI, chiếm khoảng 6% tổng số dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 11,3 nghìn tỷ đồng; đã có trên 280 dự án đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động sản xuất, chiếm 47% số dự án được cấp chủ trương đầu tư.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm đều vượt cao so với dự toán Trung ương giao, vượt chỉ tiêu so với Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Năm 2022 thu ngân sách đạt 4.617 tỷ đồng, tăng 5,5% so với năm 2021. Dự toán chi ngân sách địa phương được xây dựng bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định.

Thực hiện tốt các giải pháp, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển kinh tế tư nhân. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo môi trường lành mạnh cho tất cả các thành phần kinh tế, chú trọng phát triển kinh tế tập thể; xây dựng thí điểm mô hình chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 3.100 doanh nghiệp, 690 hợp tác xã, 6.088 tổ hợp tác.

Kinh tế đã đạt mức tăng trưởng khá qua các giai đoạn, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh Yên Bái trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 luôn có mức tăng trưởng khá (bình quân trên 7,5%/năm), đặc biệt trong 02 năm 2021 - 2022, cùng với cả nước, tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh COVID-19; do đó, để duy trì phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc, tỉnh đã xác định phải hoàn thành “mục tiêu kép”,  thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và chuyển đổi số; tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đạt kết quả ấn tượng (năm 2021 tăng 7,11%, đứng thứ 2/14 tỉnh trong vùng; năm 2022 đạt 8,62%, là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây). Bình quân nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, tốc độ tăng GRDP đạt 7,86%/năm, đứng thứ 3/14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.

Quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng qua các năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và ngày càng rõ nét hơn, nếu như những năm đầu của thời kỳ đổi mới, tỉnh Yên Bái xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, trọng tâm là sản xuất lương thực - thực phẩm, tỷ trọng nông, lâm nghiệp chiếm trên 70% cơ cấu kinh tế; thì đến nay, đã cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng. Năm 2022, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp chiếm 22,57%; tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 32,65%; tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 40,5%.

Sau nhiều năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo và thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ về thực hiện đời sống văn hóa mới để cuộc sống của nhân dân được tiến bộ, Yên Bái đã vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn địa phương.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX xác định phương hướng phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” với 3 đột phá chiến lược, 7 nhiệm vụ trọng tâm. Yên Bái cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, cụ thể hóa một nội dung mới của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc - mong ước suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cũng như của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

Chăm lo phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, làm tốt công tác an sinh xã hội, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội; thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có bước chuyển biến tích cực; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững, là điểm sáng trong các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân, tỉnh Yên Bái đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 32,21% năm 2016 xuống còn 4,76% năm 2021 (bình quân mỗi năm giảm 5,03%, riêng tại 2 huyện 30a giảm bình quân 8,32%/năm), tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và của cả nước. Hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đứng thứ 11 so với các tỉnh trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc và đứng thứ 16 so với cả nước, cải thiện 10 bậc so với đầu nhiệm kỳ, hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 12,92% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025). Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã huy động, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ làm nhà cho trên 7.000 hộ nghèo, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ làm trên 2.000 nhà cho hộ nghèo, góp phần quan trọng cải thiện chất lượng nhà ở của hộ nghèo, từng bước xóa nhà dột nát, giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đã ban hành Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, mục tiêu hỗ trợ làm mới và sửa chữa 3.022 nhà, đến năm 2025 xóa nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh. Triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và lồng ghép các nguồn lực thuộc các chương trình, dự án, điều kiện cơ sở hạ tầng tại các huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn đã được quan tâm đầu tư, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được thực hiện hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tại các vùng đặc biệt khó khăn đã có sự cải thiện rõ nét.  

Chất lượng giáo dục - đào tạo có nhiều khởi sắc, chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà được nâng lên. Tỉnh đã triển khai hiệu quả Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo. Yên Bái đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố) và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 (đứng thứ 18/63 tỉnh thành phố). Tỷ lệ trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 72,9%. Phong trào thi đua xây dựng, nhân rộng các mô hình “trường học hạnh phúc”, lớp học hạnh phúc được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh, 100% trường học trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện (năm học 2022 - 2023, đã có 289 trường học đạt tiêu chuẩn Trường học hạnh phúc, chiếm 65%, vượt 15% so với chỉ tiêu), góp phần nâng cao nâng cao mức độ hài lòng của người dân về môi trường giáo dục, chất lượng dạỵ và học.

Quan tâm ưu tiên nguồn lực phục vụ phát triển sự nghiệp y tế, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, phát triển nguồn nhân lực ngành y tế... nhằm nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, y tế dự phòng, y tế cơ sở. Đến nay, Yên Bái có 02 Bệnh viện đa khoa, 05 bệnh viện chuyên khoa; đang xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành trung tâm khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao của khu vực Tây Bắc; toàn tỉnh đạt 10,8 bác sỹ/mười nghìn dân; 34,6 giường bệnh/10 nghìn dân; 154/173 số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế, đạt 89%, vượt kế hoạch đề ra; nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu được thực hiện, phong trào thi đua “Bác sỹ tận tâm - bệnh nhân hạnh phúc” nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân được triển khai sâu rộng trên tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh, người dân được thụ hưởng nhiều dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ huyến huyện, góp phần giảm chi phí cho nhân dân do phải chuyển tuyến và giảm tải cho tuyến sau. Chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng con người Yên Bái được xác định là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển. Chất lượng, hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được nâng lên. Tỷ lệ người dân tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 42,5%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 720 di sản văn hóa vật thể và 574 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê. Tính đến hết năm 2022, có 132 di tích, danh thắng đã được xếp hạng các cấp (gồm 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 12 di tích cấp quốc gia, 119 di tích cấp tỉnh); 60 di sản văn hóa phi vật thể đã được bảo tồn các cấp (trong đó Nghệ thuật Xòe Thái - được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 06 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Hiện có 1.555 đội văn nghệ quần chúng (trung bình mỗi thôn, bản, tổ dân phố có 01 đội văn nghệ quần chúng), góp phần quan trọng phục vụ và cải thiện đời sống tinh thần cho nhân dân.

Xây dựng và phát triển du lịch theo hướng “xanh, bản sắc, hấp dẫn”; xây dựng hình ảnh và thương hiệu “Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”, “điểm đến an toàn, thân thiện, đặc sắc, hấp dẫn, ấn tượng” với các sản phẩm du lịch đặc thù, như: Du lịch cộng đồng tìm hiểu văn hóa các dân tộc; du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp,... Năm 2022, tỉnh Yên Bái đã chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên tổ chức thành công Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; hồ Thác Bà, ruộng bậc thang Mù Cang Chải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là khu du lịch quốc gia đặc biệt.

Đẩy mạnh chuyển đổi số; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các nền tảng chuyển đổi số. Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận nỗ lực vượt bậc của Yên Bái trong bảng xếp hạng DTI (Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia), xếp vị trí thứ 15/63 các tỉnh, thành, tăng 12 bậc so với năm 2021 (trong đó, trong nhóm nền tảng chung, Yên Bái là 1 trong 9 địa phương đứng đầu về nhận thức số, 1 trong 10 địa phương đứng đầu về nhân lực số; xếp thứ 9 trong bảo đảm An toàn thông tin mạng; đứng thứ 15 trong xếp hạng thể chế số và xếp thứ 11 trong hoạt động kinh tế số).

Triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, nội chính; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Năm 2023, kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ lên thăm Yên Bái là dịp để Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái ôn lại và khắc ghi công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, khơi dậy niềm tin, lòng tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng, về Đảng quang vinh để tiếp tục vững bước trên con đường cách mạng vẻ vang mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn. Để tiếp tục khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững, toàn diện theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình hành động lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; tập trung cao độ, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết, chương trình, đề án về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Hai là, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả 03 đột phá chiến lược: (i) Thực hiện các đề án, cơ chế, chính sách; huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy nhanh chuyển đổi số; (ii) Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; (iii) Huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu công nghiệp, hạ tầng chuyển đổi số, giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn mới.

Ba là, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng - an ninh; thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc, trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.

979 lượt xem

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h