Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Đại biểu Quốc hội Yên Bái Triệu Thị Huyền đề nghị rà soát lại hiệu quả các chính sách việc làm cho thanh niên

01/11/2023 14:47:56 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Thảo luận tại hội trường sáng nay (1/11), đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) đề nghị rà soát lại hiệu quả của các chính sách về việc làm cho thanh niên, đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ cho lao động thanh niên nói riêng, lao động nói chung làm việc trong khu vực phi chính thức; có cơ chế, chính sách trong thu hút thanh niên có trình độ vào làm việc trong khu vực lao động chính thức.

Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Huyền đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, có cơ chế, chính sách ưu đãi trong thu hút, tuyển dụng giáo viên, nhân viên trường học, ưu tiên tuyển dụng đối với thí sinh là con, em đồng bào đang sinh sống trên địa bàn

Sáng nay - 1/11, đại biểu Triệu Thị Huyền đã thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận tại hội trường đối với nội dung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Chính phủ.
 
Thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội, qua nghiên cứu báo cáo và từ thực tiễn địa phương, đại biểu Triệu Thị Huyền cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao. Cụ thể, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) trong quý III/2023 là 7,86%, trong đó tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,35%, nông thôn là 6,6%. 
 
Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn là 13,5%, thành thị là 9,8%. Tỷ lệ thanh niên có việc làm, hưởng lương nhưng không ký kết hợp đồng lao động chính thức và tỉ lệ thanh niên có trình độ từ cao đẳng trở lên ra trường gặp khó khăn trong tìm kiếm việc hoặc làm trái ngành còn cao. 
 
Theo đại biểu, thanh niên là lực lượng đông đảo, tiên phong trong lao động sản xuất, tuy nhiên tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao sẽ làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội, đến chính thu nhập, đời sống của thanh niên và gia đình họ, gây áp lực gánh nặng cho an sinh xã hội, là nguyên nhân phát sinh các tệ nạn xã hội... 
 
Đại biểu Huyền cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của thanh niên, trong đó có nguyên nhân đến từ công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh. 
 
Đại biểu kiến nghị: "Để khắc phục được tình trạng trên, tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục có sự quan tâm, đánh giá lại hiệu quả của công tác phân luồng học sinh, đánh giá lại chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tăng cường hơn nữa công tác dự báo nguồn nhân lực, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, đánh giá lại quá trình và kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề cho thanh niên”. 
 
Đại biểu Huyền cũng đề nghị rà soát lại hiệu quả của các chính sách về việc làm cho thanh niên, đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ cho lao động thanh niên nói riêng, lao động nói chung làm việc trong khu vực phi chính thức; có cơ chế, chính sách trong thu hút thanh niên có trình độ vào làm việc trong khu vực lao động chính thức tránh lãng phí nguồn nhân lực. 
 
Về tình trạng mất cân đối giáo viên giữa các bộ môn trong cùng 1 cấp học, việc thiếu giáo viên đối với các môn tiếng Anh, tin học, nghệ thuật, tình trạng thiếu nhân viên trường học, nhất là ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đại biểu nhận định, đây là vấn đề không mới nhưng tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và nhân dân. 
 
Đại biểu cho biết, thời gian qua Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác tuyển dụng giáo viên. Tuy nhiên, các chính sách hiện hành chưa thực sự đủ thu hút các giáo viên đến công tác tại các vùng khó khăn. Chính sách, đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên trường học còn hạn chế, nhiều địa phương không có nguồn tuyển dụng giáo viên các bộ môn trên do thí sinh không đáp ứng được yêu cầu về trình độ.
 
"Từ thực tế đó, tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, có cơ chế, chính sách ưu đãi trong thu hút, tuyển dụng giáo viên, nhân viên trường học, ưu tiên tuyển dụng đối với thí sinh là con, em đồng bào đang sinh sống trên địa bàn. Riêng đối với các bộ môn mang tính đặc thù thì cho phép tuyển dụng từ trình độ cao đẳng trở lên và sau đó tiếp tục đào tạo để những giáo viên đó hoàn thiện về trình độ theo quy định trước năm 2030” - đại biểu Huyền nêu ý kiến.
 
Về thực hiện Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu cho biết, tại nhiều địa phương các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người dân cắt giảm đột ngột, ảnh hưởng đến công tác an sinh xã hội. Sau nhiều kiến nghị, đến nay cử tri và nhân dân vui mừng khi Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, theo đó đối tượng người dân tộc thiểu số mới thoát nghèo theo Quyết định 861 sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 01/11/2023 đã đáp ứng nguyện vọng, tạo điều kiện cho người dân có tích lũy để tham gia bảo hiểm y tế trong những năm tiếp theo. 
 
Kết thúc thảo luận, đại biểu Triệu Thị Huyền kiến nghị Chính phủ, các cơ quan, bộ, ngành tiếp tục quan tâm, rà soát, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc khác thuộc thẩm quyền còn tồn tại như tình trạng thiếu vắc-xin cho công tác tiêm chủng mở rộng, các vướng mắc trong mua sắm trang thiết bị thuộc các ngành y tế, giáo dục, tạo thuận lợi cho hoạt động của các ngành, đáp ứng cho công tác phục vụ nhân dân. 

 

1679 lượt xem
Ban Biên tập

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h