Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

15/01/2024 13:09:12 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sở Công Thương ban hành Kế hoạch bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 nhằm góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về các mặt hàng thiết yếu dịp Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh.

Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán

Theo Kế hoạch, Sở Công Thương thường xuyên theo dõi tình hình cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất, triển khai các giải pháp đảm bảo điều tiết nguồn cung hàng hóa, phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh lân cận (Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Nội …), các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác đảm bảo nguồn cung hàng hóa sẵn sàng phục vụ người dân; hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có kế hoạch bảo đảm nguồn cung sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan đề xuất các giải pháp bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự báo nhu cầu thị trường, đảm bảo công tác phân phối, lưu thông, dự trữ hàng hóa, ổn định thị trường, đảm bảo cung cấp nguyên nhiện liệu như xăng dầu, khí hóa lỏng (LPG) và điện sinh hoạt cho người dân trên địa bàn; theo dõi sát diễn biến tình hình lưu thông hàng hóa trong nước, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hàng hóa nông sản, thông tin cho các địa phương trong nước biết để điều hành xuất khẩu hàng hóa đặc biệt là hàng hóa nông sản sản xuất trong tỉnh.

Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, vận động nhân dân tăng cường hoạt động sản xuất nông sản, chăn nuôi gia súc gia cầm; chú ý phòng tránh dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Thường xuyên cung cấp số liệu thực tế về tình hình sản xuất nông sản của nhân dân trên địa bàn cho Sở Công Thương để tổng hợp tính toán nhu cầu viện trợ khi cần thiết.

Mỗi địa phương giao cho một đơn vị làm đầu mối để tổng hợp danh sách các đơn vị cung ứng sản phẩm nông sản (lương thực, thực phẩm) để khi có nhu cầu tiện liên hệ trực tiếp.

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Yên Bái, Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong quyết tâm phòng, chống dịch, định hướng chọn lọc thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch để tạo niềm tin và sự ổn định tư tưởng trong nhân dân, tránh tình trạng hoang mang, lo sợ gây bất ổn thị trường và xã hội.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, các sở, ngành, UBND các huyện. thị xã, thành phố nắm bắt tình hình thị trường; chỉ đạo các đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; găm hàng, tăng giá; tung tin thất thiệt để tăng giá trục lợi…tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa trên địa bàn...

Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, cung cấp thông tin dự báo thị trường, giá cả các hàng hóa thiết yếu, đồng thời, theo dõi sát tình hình sản xuất, đánh giá năng lực cung ứng để chủ động tham mưu thực hiện các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết nguyên đán 2024, đảm bảo cung cầu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, ổn định giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ…

Chỉ đạo các đơn vị quản lý chợ, kinh doanh thương mại tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh trong chợ sắp xếp hàng hóa ngăn nắp, gọn gàng, tránh tình trạng các quầy bày bán lấn chiếm lối đi chung, hạn chế sử dụng túi nilong góp phần bảo vệ môi trường; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ; thực hiện bán hàng văn minh, lịch sự, thực hiện quy định về chất lượng hàng hóa và an toàn vệ sinh thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, niêm yết và bán đúng giá niêm yết cũng như các quy định khác về hoạt động thương mại dịch vụ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh; tích cực khai thác, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường Tết Nguyên đán, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống tại địa phương; đẩy mạnh tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu, hợp tác thương mại nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và tạo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ cho thị trường Tết.

Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình giá cả, nguồn hàng hóa trên thị trường, kết quả thực hiện các hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán 2024 trên địa bàn theo thời gian quy định.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng. Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, bảo đảm đủ nguồn cung đáp ứng yêu cầu của thị trường; bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường, nhất là trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Các thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh chú trọng chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý để đảm bảo không bị gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường. Thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế tại Công điện số 1284/CĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu chủ lực trên địa bàn tỉnh chủ động có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; dự trữ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, tiết giảm chi phí, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở kinh nghiệm của những năm trước và tình hình thực tế của năm nay, các doanh nghiệp cần phân tích đánh giá, dự báo nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng và năng lực sản xuất kinh doanh của đơn vị để chủ động xây dựng kế hoạch và phương án sản xuất, kinh doanh để bảo đảm nhu cầu thị trường, nhất là hàng hóa thiết yếu, hạn chế để xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết Nguyên đán.

Các doanh nghiệp kinh doanh phân phối thực phẩm trên địa bàn phối hợp với các doanh nghiệp chăn nuôi, hợp tác xã nuôi trồng… xây dựng phương án cung ứng thực phẩm cho thị trường ổn định cả về chất lượng và giá cả trước, trong và sau Tết

Tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, áp dụng đa dạng các hình thức bán hàng, thanh toán và nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa nhất là các khu vực nông thôn, khu, cụm công nghiệp... nhằm tăng khả năng tiếp cận cho các đối tượng người dân có thu nhập trung bình và thấp.

Thực hiện chế độ báo cáo tổng hợp thường xuyên trước ngày 15 hàng tháng về tình hình dự trữ, giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu gửi về Sở Công Thương; đồng thời báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa.

1827 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h