Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Mùa Xuân "no ấm" từ kinh tế rừng

15/02/2024 16:47:10 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Mùa xuân mùa của vạn vật sinh sôi, những rừng cây đâm trồi nảy lộc, đất trời Trấn Yên như được khoác lên mình tấm áo mới đầy sức sống. Trấn Yên hôm nay đã trải dài mầu xanh mát mắt của những cánh rừng quế, tre Bát Độ… Dưới tán rừng, những mầm xanh mới đang được người dân Trấn Yên nâng niu chăm sóc, bởi nó không chỉ giúp họ có nguồn thu nhập ổn định, mà còn là lá phổi xanh để cân bằng môi trường sinh thái giúp cuộc sống thêm trong lành.

Người dân Lương Thịnh tích cực trồng rừng vụ Xuân 2024

Trong tiết trời se lạnh của ngày đầu năm, chúng tôi về xã Y Can - một trong những địa phương có phong trào trồng rừng phát triển của huyện. Men theo những sườn núi trải dài ngút tầm mắt là những cánh rừng quế, cây nguyên liệu giấy với những ngôi nhà nhấp nhô hiện ra trong bạt ngàn màu xanh núi rừng đẹp như một bức tranh phong cảnh hữu tình. Để phát triển kinh tế bền vững, xã Y Can đã hình thành 3 vùng sản xuất, đó là vùng trồng cây rau màu, vùng trồng dâu nuôi tằm và vùng trồng rừng. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích canh tác. Hiện xã Y Can có gần 2.800ha rừng các loại, trong đó có 2.500ha quế, trên 300 ha keo, bình quân nhân dân xã Y Can trồng thay thế 200ha rừng, thu nhập bình quân từ rừng đạt 115 tỷ đồng, góp phần giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, nhiều hộ làm giàu từ rừng”. Đó là lời khẳng định ông Vũ Quốc Tiên - Chủ tịch UBND xã Y Can.

Rời Y Can, chúng tôi xuôi dòng Sông Hồng về với Bảo Hưng, đây là một trong những địa phương được tỉnh và huyện quy hoạch thành khu công nghiệp tập trung. Với gần 430ha đất lâm nghiệp, xã đã vận động nhân dân phủ xanh đất trống bằng những cây có giá trị như: keo, quế và bình quân mỗi năm ngừi dân trồng thay thế trên dưới 50ha rừng, sản lượng khai thác 4.000m3 gỗ, giá trị gần 5 tỷ đồng. Đi dưới những tán rừng thơm mùi hương quế, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, niềm phấn khởi đang hiện rõ trên từng nét mặt của những người dân nơi đây. Họ đã đến với rừng, trồng rừng, sống với rừng, bảo vệ rừng và rừng đã không phụ công người chăm sóc.

Ông Phạm Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Hưng cho biết thêm: “Năm 2024, xã Bảo Hưng được huyện giao chỉ tiêu trồng 30 ha rừng, trong đó 20 ha rừng tập trung và 10ha cây phân tán. Để hoàn thành kế hoạch giao, ngay từ tháng 12/2023 xã Bảo Hưng đã vận động người dân phát dọn thực bì, chuẩn bị nguồn cây giống để chuẩn bị trồng rừng vụ Xuân đảm bảo hoàn thành 70% kế hoạch trở lên”.

Không riêng gì ở Y Can hay Bảo Hưng mà phong trào trồng cây gây rừng đã phát triển rộng khắp 21/21 xã, thị trấn của huyện Trấn Yên. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về huyện Trấn Yên lại phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Riêng trong năm 2023 vừa qua, nhân dân trong toàn huyện đã trồng lại rừng sau khai thác 2.853 ha rừng, trong đó có 1.838ha rừng tập trung vượt gần 6% KH huyện giao. Có thể khẳng định rừng đã thật sự trở thành một trong những tiềm năng to lớn góp phần đắc lực thúc đẩy kinh tế của huyện Trấn Yên phát triển và đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Ông Đinh Trung Hà - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: “Năm 2024, huyện Trấn Yên có kế hoạch trồng thay thế 2.700 ha rừng các loại, với cơ cấu rừng trồng chủ yếu là quế, tre Bát Độ, nguyên liệu giấy, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt 70%. Để thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng, huyện Trấn Yên đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với chính quyền các địa phương quy hoạch đất rừng để trồng tre Bát Độ, rà soát, kiểm tra chất lượng trên 50 triệu cây giống ở 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, làm tốt công tác chuẩn bị quỹ đất để tiến hành trồng rừng, đồng thời tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ - Xuân Giáp Thìn ngày 15/02, tức ngày 06 tháng Giêng tại thôn Tân Việt xã Quy Mông, đây là Lễ hưởng ứng Tết trồng cây của tỉnh”.

Theo thông tin mới nhất của Hạt Kiểm lâm huyện, nhờ chuẩn bị tốt quỹ đất, phát dọn thực bì và nguồn cây giống, nên đến thời điểm này nhân dân trong huyện đã trồng thay thế được 1.200ha rừng, trong đó có 800ha rừng tập trung, các loại cây trồng chính là quế, keo và tre Bát Độ, quá trình trồng rừng đều được bà con áp dụng KHKT vào sản xuất.

Đi giữa tiết trời se lạnh, nhìn những vạt rừng nối tiếp nhau trải dài tít tắp mới thấy được sự gian truân, vất vả của những người sống bằng nghề rừng, nhưng đổi lại, “rừng vàng” đã mang đến cho người dân Trấn Yên những mùa xuân ấm no, những mái nhà khang trang mọc lên giữa bạt ngàn rừng quế, keo, tre Bát Độ… tất cả đều nhờ rừng. Tin rằng, kinh tế đồi rừng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả và sẽ mãi là những mùa xuân no ấm trên quê hương Trấn Yên.

1914 lượt xem
CTV: Thanh Hùng

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h