Là người con của dân tộc H’Mông, thấu hiểu được nỗi khổ của người vùng cao, bác sĩ Sùng A Vang đã tự học tập, trau dồi kiến thức y khoa, cấp cứu kịp thời nhiều ca bệnh trọng, được vinh danh là công dân tiêu biểu năm 2023 của tỉnh Yên Bái.
Bác sĩ Vang thăm khám bệnh cho trẻ em người dân tộc thiểu số huyện Trạm Tấu.
Thuở nhỏ, bảy anh em nhà Sùng A Vang lớn lên giữa núi rừng của bản Tà Ghênh, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) quanh năm mây phủ. May mắn được gia đình cho theo học các cấp, rồi sau sáu năm học tại Trường đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên, năm 2009 A Vang về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu. Quá trình phấn đấu, A Vang được kết nạp Đảng, được đào tạo chuyên khoa cấp I chuyên ngành sản phụ khoa, hiện là Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Phụ sản.
Do tập tục của người H’Mông từ xưa khi phụ nữ sinh con đều do chồng và người nhà đỡ đẻ, nên tai biến sản khoa cao, nhất là các ca thai ngược, nhau thai cuốn cổ, đơ cổ tử cung sau sinh... Từ khi có chương trình cô đỡ thôn, bản, cùng các trạm y tế xã hỗ trợ, tư vấn đã giúp phụ nữ trong độ tuổi sinh sản hiểu biết nguy cơ tai biến sản khoa. Theo thống kê năm 2023, tuy vẫn còn đẻ tại nhà, nhưng đã có 82% số sản phụ H’Mông khi sinh con được can thiệp, hỗ trợ từ cô đỡ và y tế xã. Các ca sinh khó, chuyển dạ kéo dài được tư vấn đưa về Trung tâm Y tế huyện, nơi bác sĩ Vang cùng đồng nghiệp xử lý thành công.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất là chị Giàng Thị S., người H’Mông ở xã Bản Công nhập viện do chửa ngoài tử cung bị vỡ, máu tràn ổ bụng, cần mổ cấp cứu. Rất đông người nhà qua hàng giờ được bác sĩ tư vấn phải mổ mới cứu được sản phụ, nhưng gia đình nhất quyết xin đưa về nhà để dùng thuốc nam. Đến khi người bệnh bị ngất do mất nhiều máu, người nhà mới đồng ý mổ. Bác sĩ Vang và đồng nghiệp nhanh chóng phẫu thuật kẹp vết rách, thu hồi máu tràn ổ bụng, kịp thời truyền hai đơn vị máu để cứu người bệnh khỏi cơn nguy cấp. Qua việc làm đó, người dân vùng cao đã thật sự tin vào trình độ của bác sĩ, không còn tình trạng cúng ma ở nhà và cho uống thuốc nam đối với các ca sinh khó nữa.
Sau khi được đi đào tạo cầm tay chỉ việc, dù còn khó khăn về thuốc, vật tư, nhân lực do Trung tâm Y tế huyện chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng, nhưng bác sĩ Vang đã cố gắng vượt qua nhằm làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn. Điều đặc biệt hơn là đã thực hiện thành công hàng trăm ca phẫu thuật ngoại khoa, sản khoa mà nhiều năm trước đơn vị không thực hiện được, qua đó giảm tỷ lệ các ca phẫu thuật sản khoa phải chuyển tuyến xuống mức thấp nhất, giảm khó khăn, giảm chi phí cho người bệnh, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng phải di chuyển hàng chục km đường núi.
Với lợi thế là cán bộ thông thạo ngôn ngữ, phong tục của đồng bào, nên bác sĩ Vang thường khai thác được rất kỹ các thông tin về người bệnh cũng như các triệu chứng, biểu hiện bệnh, từ đó đưa ra các phác đồ điều trị tích cực cho bệnh nhân. Do địa bàn Trạm Tấu có gần 80% số dân là người H’Mông, trình độ hiểu biết hạn chế và tồn tại nhiều phong tục lạc hậu, bác sĩ Vang luôn có thái độ cởi mở thân thiện, tuyên truyền trực tiếp bằng ngôn ngữ bản địa, giúp người dân hiểu và nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, giảm số ca đẻ tại nhà, các ca trẻ thiếu cân, vàng da, suy dinh dưỡng được tư vấn chăm sóc tốt hơn.
Gặp bác sĩ Vang khi đang thăm khám cho chị Giàng Thị Mỷ, 32 tuổi, trú tại xã Xà Hồ, đang nội trú điều trị mổ đẻ lần hai, chúng tôi cảm nhận sự tận tình của một “lương y như từ mẫu”, coi người bệnh như anh em trong gia đình để yêu thương, chăm sóc. Anh tỉ mỉ kiểm tra vết mổ hở (Trung tâm Y tế huyện chưa được trang bị thiết bị nội soi, máy chụp cắt lớp, nên không thực hiện kỹ thuật mổ nội soi), dùng tiếng địa phương nhắc người nhà chú ý khâu bổ sung dinh dưỡng, giữ vệ sinh cho người bệnh, cách di chuyển người bệnh khi cần thiết... một cách thân thiết như người nhà, không còn xã giao.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đoàn Thị Minh Luyện cho biết: Bác sĩ Sùng A Vang là cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, năng động, đi đầu trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản ở huyện Trạm Tấu. Các ca phẫu thuật cấp cứu sản phụ như mổ lấy thai, mổ chửa ngoài tử cung, u nang buồng trứng... được bác sĩ Vang cùng kíp mổ thực hiện an toàn, đem lại sự tin tưởng của người dân trong vùng khi đến Trung tâm Y tế huyện. Điều đó đã giúp giảm các ca chuyển tuyến, không để xảy ra sai sót trong công tác chuyên môn. Năm 2023, Sùng A Vang vinh dự được tôn vinh là công dân tiêu biểu của tỉnh Yên Bái, là cán bộ y tế tiêu biểu của tỉnh Yên Bái được Chủ tịch nước vinh danh tại Phủ Chủ tịch nhân dịp Ngày truyền thống ngành y tế.
2001 lượt xem
Theo Báo Nhân dân
Là người con của dân tộc H’Mông, thấu hiểu được nỗi khổ của người vùng cao, bác sĩ Sùng A Vang đã tự học tập, trau dồi kiến thức y khoa, cấp cứu kịp thời nhiều ca bệnh trọng, được vinh danh là công dân tiêu biểu năm 2023 của tỉnh Yên Bái.Thuở nhỏ, bảy anh em nhà Sùng A Vang lớn lên giữa núi rừng của bản Tà Ghênh, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) quanh năm mây phủ. May mắn được gia đình cho theo học các cấp, rồi sau sáu năm học tại Trường đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên, năm 2009 A Vang về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu. Quá trình phấn đấu, A Vang được kết nạp Đảng, được đào tạo chuyên khoa cấp I chuyên ngành sản phụ khoa, hiện là Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Phụ sản.
Do tập tục của người H’Mông từ xưa khi phụ nữ sinh con đều do chồng và người nhà đỡ đẻ, nên tai biến sản khoa cao, nhất là các ca thai ngược, nhau thai cuốn cổ, đơ cổ tử cung sau sinh... Từ khi có chương trình cô đỡ thôn, bản, cùng các trạm y tế xã hỗ trợ, tư vấn đã giúp phụ nữ trong độ tuổi sinh sản hiểu biết nguy cơ tai biến sản khoa. Theo thống kê năm 2023, tuy vẫn còn đẻ tại nhà, nhưng đã có 82% số sản phụ H’Mông khi sinh con được can thiệp, hỗ trợ từ cô đỡ và y tế xã. Các ca sinh khó, chuyển dạ kéo dài được tư vấn đưa về Trung tâm Y tế huyện, nơi bác sĩ Vang cùng đồng nghiệp xử lý thành công.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất là chị Giàng Thị S., người H’Mông ở xã Bản Công nhập viện do chửa ngoài tử cung bị vỡ, máu tràn ổ bụng, cần mổ cấp cứu. Rất đông người nhà qua hàng giờ được bác sĩ tư vấn phải mổ mới cứu được sản phụ, nhưng gia đình nhất quyết xin đưa về nhà để dùng thuốc nam. Đến khi người bệnh bị ngất do mất nhiều máu, người nhà mới đồng ý mổ. Bác sĩ Vang và đồng nghiệp nhanh chóng phẫu thuật kẹp vết rách, thu hồi máu tràn ổ bụng, kịp thời truyền hai đơn vị máu để cứu người bệnh khỏi cơn nguy cấp. Qua việc làm đó, người dân vùng cao đã thật sự tin vào trình độ của bác sĩ, không còn tình trạng cúng ma ở nhà và cho uống thuốc nam đối với các ca sinh khó nữa.
Sau khi được đi đào tạo cầm tay chỉ việc, dù còn khó khăn về thuốc, vật tư, nhân lực do Trung tâm Y tế huyện chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng, nhưng bác sĩ Vang đã cố gắng vượt qua nhằm làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn. Điều đặc biệt hơn là đã thực hiện thành công hàng trăm ca phẫu thuật ngoại khoa, sản khoa mà nhiều năm trước đơn vị không thực hiện được, qua đó giảm tỷ lệ các ca phẫu thuật sản khoa phải chuyển tuyến xuống mức thấp nhất, giảm khó khăn, giảm chi phí cho người bệnh, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng phải di chuyển hàng chục km đường núi.
Với lợi thế là cán bộ thông thạo ngôn ngữ, phong tục của đồng bào, nên bác sĩ Vang thường khai thác được rất kỹ các thông tin về người bệnh cũng như các triệu chứng, biểu hiện bệnh, từ đó đưa ra các phác đồ điều trị tích cực cho bệnh nhân. Do địa bàn Trạm Tấu có gần 80% số dân là người H’Mông, trình độ hiểu biết hạn chế và tồn tại nhiều phong tục lạc hậu, bác sĩ Vang luôn có thái độ cởi mở thân thiện, tuyên truyền trực tiếp bằng ngôn ngữ bản địa, giúp người dân hiểu và nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, giảm số ca đẻ tại nhà, các ca trẻ thiếu cân, vàng da, suy dinh dưỡng được tư vấn chăm sóc tốt hơn.
Gặp bác sĩ Vang khi đang thăm khám cho chị Giàng Thị Mỷ, 32 tuổi, trú tại xã Xà Hồ, đang nội trú điều trị mổ đẻ lần hai, chúng tôi cảm nhận sự tận tình của một “lương y như từ mẫu”, coi người bệnh như anh em trong gia đình để yêu thương, chăm sóc. Anh tỉ mỉ kiểm tra vết mổ hở (Trung tâm Y tế huyện chưa được trang bị thiết bị nội soi, máy chụp cắt lớp, nên không thực hiện kỹ thuật mổ nội soi), dùng tiếng địa phương nhắc người nhà chú ý khâu bổ sung dinh dưỡng, giữ vệ sinh cho người bệnh, cách di chuyển người bệnh khi cần thiết... một cách thân thiết như người nhà, không còn xã giao.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đoàn Thị Minh Luyện cho biết: Bác sĩ Sùng A Vang là cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, năng động, đi đầu trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản ở huyện Trạm Tấu. Các ca phẫu thuật cấp cứu sản phụ như mổ lấy thai, mổ chửa ngoài tử cung, u nang buồng trứng... được bác sĩ Vang cùng kíp mổ thực hiện an toàn, đem lại sự tin tưởng của người dân trong vùng khi đến Trung tâm Y tế huyện. Điều đó đã giúp giảm các ca chuyển tuyến, không để xảy ra sai sót trong công tác chuyên môn. Năm 2023, Sùng A Vang vinh dự được tôn vinh là công dân tiêu biểu của tỉnh Yên Bái, là cán bộ y tế tiêu biểu của tỉnh Yên Bái được Chủ tịch nước vinh danh tại Phủ Chủ tịch nhân dịp Ngày truyền thống ngành y tế.