CTTĐT - Xác định rõ nhiệm vụ chính trị là bảo đảm thông suốt mạch máu giao thông của chiến trường, Đảng bộ Yên Bái đã động viên quân và dân tập trung sức lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Từ tháng 4/1953, theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu, các đơn vị công binh cùng dân công Yên Bái đã khởi công mở đường cho xe ra tiền tuyến.
Bức ảnh thanh niên xung phong và nhân dân sửa đèo Lũng Lô, đảm bảo thông suốt vào chiến dịch. Ảnh Tư liệu
Nằm ở cửa ngõ chiến trường Tây Bắc, Yên Bái có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về mặt quân sự, là khu đệm giữa hậu phương và mặt trận Điện Biên Phủ. Sau chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ (10/1952), Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Yên Bái được giao nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng vinh quang, là mở đường từ Hiên (Tuyên Quang) đi Ba Khe; mở đường 13A nối Ba Khe với đường 41 (ngã ba Cò Nòi - Sơn La), tổng chiều dài 188km.
Xác định rõ nhiệm vụ chính trị là bảo đảm thông suốt mạch máu giao thông của chiến trường, Đảng bộ Yên Bái đã động viên quân và dân tập trung sức lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Từ tháng 4/1953, theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu, các đơn vị công binh cùng dân công Yên Bái đã khởi công mở đường cho xe ra tiền tuyến. Tỉnh ủy Yên Bái quyết định thành lập Công trường 13, dân công từ các huyện Văn Bàn, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn... được tập hợp về phiên chế thành các tiểu đội, trung đội trên cơ sở của thôn, bản, xã. Ngày đêm xẻ núi, phá đá, bắc cầu, chống lún sạt, chống biệt kích và máy bay địch đánh phá, lực lượng công binh và dân công trong thời gian ngắn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao: mở thông đường từ chiến khu Việt Bắc tới mặt trận Điện Biên Phủ. Để hoàn thành nhiệm vụ này, tỉnh Yên Bái đã huy động 124.458 lượt người làm đường; 173.197 công đào, đắp, san lấp hố bom, chống lún sạt; làm mới và sửa chữa 188km đường huyết mạch của chiến trường. Nhờ đó, hàng vạn lượt ô tô, đại bác, xe đạp thồ chở hàng, vũ khí tiếp ứng đầy đủ kịp thời cho mặt trận.
Tháng 2/1954, thực dân Pháp tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt các tuyến đường lên Tây Bắc, hòng cản sự tiếp viện của hậu phương ra chiến trường. Tại bến phà Âu Lâu và đèo Lũng Lô, địch đã ném xuống 2.070 quả bom, có những thời điểm, tại đèo Lũng Lô địch ném xuống 200 quả bom. Trong suốt chiến dịch, mỗi ngày có từ 16 đến 18 chiếc máy bay địch oanh tạc từ 5 đến 6 lần. Với tinh thần "Nhất định mở đường cho xe ta ra chiến trường tiếp viện", hàng vạn lượt dân công ngày đêm bám đường, bảo đảm thông suốt mạch máu giao thông. Địch phá ta sửa ta đi, địch ném bom phá đoạn này ta mở đoạn khác; địch phá ban ngày ta mở đường ban đêm... Với tinh thần "Quyết chiến, quyết thắng" của quân và dân trên từng công trường tốc độ vận tải cho chiến trường từ 3 km/giờ được nâng lên 13 km/giờ; từ 8 đến 9 xe qua bến phà Âu Lâu trên sông Hồng lên 90 xe qua sông; giảm thời gian vượt sông của phà từ 30 phút xuống còn 15 phút tại các toạ độ lửa như bến Âu Lâu, Ngòi Lâu, Ngòi Mười. Giặc Pháp đã dùng bom đạn để biến sông Hồng thành rào cản chặn đứng đoàn quân chi viện cho tiền tuyến. Mặc cho bom rơi, đạn nổ, pháo sáng, nhân dân các xã ven sông Hồng thuộc huyện Trấn Yên, Văn Bản và xã Nguyễn Phúc (ngày nay là Trấn Yên, Văn Yên và thành phố Yên Bái) đã đóng hàng trăm thuyền, bè, mảng vận chuyển huy động 2.700 ngày công và 650 xe đạp thồ cho chiến dịch.
Thi đua với dân công mở đường, các chiến sĩ quân giới công binh xưởng Vĩnh Kiên (Yên Bình), Kiên Thành (Trấn Yên) đẩy mạnh sản xuất vũ khí, cuốc, xẻng... phục vụ mặt trận. Những lò nấu gang, thép, xưởng thợ làm việc liên tục ba ca trong ngày, sản xuất lưỡi lê, lựu đạn góp phần tiêu diệt địch. Lưỡi xẻng, cái cuốc, con dao giúp dân công mở đường, phát cây, đào hào chia cắt trận địa địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có một phần từ các công binh xưởng đặt tại Yên Bái.
Là hậu phương lớn trực tiếp của mặt trận, mới được giải phóng cuối năm 1952, nhưng với quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch lương thực, thực phẩm nuôi quân, đồng bào Tày ở Đại Lịch, Thượng Bằng La (Văn Chấn), đồng bào Thái ở Mường Lò, dù mới thu hoạch vụ mùa đầu tiên đã đóng góp hơn 500 tấn thóc. Ở vùng tự do cũ như Yên Bình, Lục Yên, xã Nguyễn Phúc... ngày giao lương trở thành ngày hội; từ các xã vùng cao đến vùng thấp, lương thực được chuyển về các kho cung cấp kịp thời cho tiền phương. Trong chiến dịch lớn của dân tộc, đồng bào các dân tộc Yên Bái được giao xay giã 1.578 tấn thóc; đã xuất hiện hàng nghìn cối giã nước ở các xã Hồng Ca, Thượng Bằng La, Tân Thịnh... giã gạo ngày đêm phục vụ bộ đội ăn no đánh thắng. Bằng cách động viên thích hợp, tỉnh Yên Bái đã cung cấp cho mặt trận 1.880 tấn gạo; 1.372 con trâu, bò; 489 con lợn thịt; hơn 2.700 kg đỗ, đậu, lạc.
Không chỉ mở đường, cung cấp lương thực, thực phẩm và vũ khí thô sơ, quân và dân Yên Bái còn trực tiếp tham gia chiến dịch. Hướng về tiền tuyến, trai tráng trong tỉnh nô nức lên đường tòng quân. Đầu năm 1954, không khí đưa tiễn người thân ra chiến trường nhộn nhịp khắp các bản làng, thanh niên, phụ nữ hăng hái tham gia đi dân công tải đạn, thồ lương thực tiếp ứng cho chiến trường. Lần đầu phụ nữ dân tộc Mông xuống núi, phụ nữ Thái rời khung cửi trong mùa dệt để nhập vào đoàn quân tiếp lương, tải đạn. Trong chiến dịch này, Yên Bái huy động 31.652 lượt dân công; trung bình cứ bốn người dân có một người đi phục vụ chiến dịch. Trong đội hình dân công đã xuất hiện nhiều tấm gương xuất sắc, tiêu biểu là Hà Văn Lô, dân tộc Tày ở xã Đồng Khê (Văn Chấn) đã dũng cảm vượt qua các trọng điểm ác liệt, chuyển hàng về đích an toàn, được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người. Trong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn tỉnh Yên Bái có 52 dân công hy sinh, 46 dân công bị thương; tổng kết chiến dịch, quân và dân tỉnh Yên Bái được Trung ương tặng thưởng Huân chương Chiến công cho hai tập thể và ba cá nhân; Hội đồng cung cấp Trung ương tặng cờ thưởng luân lưu và 15 bằng khen của Liên khu.
Có thể khẳng định, những đóng góp to lớn của quân và dân các dân tộc tỉnh Yên Bái với chiến dịch Điện Biên Phủ là rất quan trọng. Nhờ con đường huyết mạch nối từ Việt Bắc qua Yên Bái ra mặt trận nên sự cơ động của pháo binh, xe tải, xe thồ được linh hoạt; những cân gạo, thực phẩm được đồng bào các dân tộc trong vùng cung ứng tại chỗ kịp thời, vô điều kiện, giúp cho quân ta ăn no đánh thắng. Đó vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm và mồ hôi, xương máu của đồng bào các dân tộc Yên Bái đối với Đảng, với quân đội trong thời kỳ gian khó.
1258 lượt xem
Ban Biên tập
Cổng thông tin điện tử tỉnh - Xác định rõ nhiệm vụ chính trị là bảo đảm thông suốt mạch máu giao thông của chiến trường, Đảng bộ Yên Bái đã động viên quân và dân tập trung sức lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Từ tháng 4/1953, theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu, các đơn vị công binh cùng dân công Yên Bái đã khởi công mở đường cho xe ra tiền tuyến.Nằm ở cửa ngõ chiến trường Tây Bắc, Yên Bái có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về mặt quân sự, là khu đệm giữa hậu phương và mặt trận Điện Biên Phủ. Sau chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ (10/1952), Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Yên Bái được giao nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng vinh quang, là mở đường từ Hiên (Tuyên Quang) đi Ba Khe; mở đường 13A nối Ba Khe với đường 41 (ngã ba Cò Nòi - Sơn La), tổng chiều dài 188km.
Xác định rõ nhiệm vụ chính trị là bảo đảm thông suốt mạch máu giao thông của chiến trường, Đảng bộ Yên Bái đã động viên quân và dân tập trung sức lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Từ tháng 4/1953, theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu, các đơn vị công binh cùng dân công Yên Bái đã khởi công mở đường cho xe ra tiền tuyến. Tỉnh ủy Yên Bái quyết định thành lập Công trường 13, dân công từ các huyện Văn Bàn, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn... được tập hợp về phiên chế thành các tiểu đội, trung đội trên cơ sở của thôn, bản, xã. Ngày đêm xẻ núi, phá đá, bắc cầu, chống lún sạt, chống biệt kích và máy bay địch đánh phá, lực lượng công binh và dân công trong thời gian ngắn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao: mở thông đường từ chiến khu Việt Bắc tới mặt trận Điện Biên Phủ. Để hoàn thành nhiệm vụ này, tỉnh Yên Bái đã huy động 124.458 lượt người làm đường; 173.197 công đào, đắp, san lấp hố bom, chống lún sạt; làm mới và sửa chữa 188km đường huyết mạch của chiến trường. Nhờ đó, hàng vạn lượt ô tô, đại bác, xe đạp thồ chở hàng, vũ khí tiếp ứng đầy đủ kịp thời cho mặt trận.
Tháng 2/1954, thực dân Pháp tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt các tuyến đường lên Tây Bắc, hòng cản sự tiếp viện của hậu phương ra chiến trường. Tại bến phà Âu Lâu và đèo Lũng Lô, địch đã ném xuống 2.070 quả bom, có những thời điểm, tại đèo Lũng Lô địch ném xuống 200 quả bom. Trong suốt chiến dịch, mỗi ngày có từ 16 đến 18 chiếc máy bay địch oanh tạc từ 5 đến 6 lần. Với tinh thần "Nhất định mở đường cho xe ta ra chiến trường tiếp viện", hàng vạn lượt dân công ngày đêm bám đường, bảo đảm thông suốt mạch máu giao thông. Địch phá ta sửa ta đi, địch ném bom phá đoạn này ta mở đoạn khác; địch phá ban ngày ta mở đường ban đêm... Với tinh thần "Quyết chiến, quyết thắng" của quân và dân trên từng công trường tốc độ vận tải cho chiến trường từ 3 km/giờ được nâng lên 13 km/giờ; từ 8 đến 9 xe qua bến phà Âu Lâu trên sông Hồng lên 90 xe qua sông; giảm thời gian vượt sông của phà từ 30 phút xuống còn 15 phút tại các toạ độ lửa như bến Âu Lâu, Ngòi Lâu, Ngòi Mười. Giặc Pháp đã dùng bom đạn để biến sông Hồng thành rào cản chặn đứng đoàn quân chi viện cho tiền tuyến. Mặc cho bom rơi, đạn nổ, pháo sáng, nhân dân các xã ven sông Hồng thuộc huyện Trấn Yên, Văn Bản và xã Nguyễn Phúc (ngày nay là Trấn Yên, Văn Yên và thành phố Yên Bái) đã đóng hàng trăm thuyền, bè, mảng vận chuyển huy động 2.700 ngày công và 650 xe đạp thồ cho chiến dịch.
Thi đua với dân công mở đường, các chiến sĩ quân giới công binh xưởng Vĩnh Kiên (Yên Bình), Kiên Thành (Trấn Yên) đẩy mạnh sản xuất vũ khí, cuốc, xẻng... phục vụ mặt trận. Những lò nấu gang, thép, xưởng thợ làm việc liên tục ba ca trong ngày, sản xuất lưỡi lê, lựu đạn góp phần tiêu diệt địch. Lưỡi xẻng, cái cuốc, con dao giúp dân công mở đường, phát cây, đào hào chia cắt trận địa địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có một phần từ các công binh xưởng đặt tại Yên Bái.
Là hậu phương lớn trực tiếp của mặt trận, mới được giải phóng cuối năm 1952, nhưng với quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch lương thực, thực phẩm nuôi quân, đồng bào Tày ở Đại Lịch, Thượng Bằng La (Văn Chấn), đồng bào Thái ở Mường Lò, dù mới thu hoạch vụ mùa đầu tiên đã đóng góp hơn 500 tấn thóc. Ở vùng tự do cũ như Yên Bình, Lục Yên, xã Nguyễn Phúc... ngày giao lương trở thành ngày hội; từ các xã vùng cao đến vùng thấp, lương thực được chuyển về các kho cung cấp kịp thời cho tiền phương. Trong chiến dịch lớn của dân tộc, đồng bào các dân tộc Yên Bái được giao xay giã 1.578 tấn thóc; đã xuất hiện hàng nghìn cối giã nước ở các xã Hồng Ca, Thượng Bằng La, Tân Thịnh... giã gạo ngày đêm phục vụ bộ đội ăn no đánh thắng. Bằng cách động viên thích hợp, tỉnh Yên Bái đã cung cấp cho mặt trận 1.880 tấn gạo; 1.372 con trâu, bò; 489 con lợn thịt; hơn 2.700 kg đỗ, đậu, lạc.
Không chỉ mở đường, cung cấp lương thực, thực phẩm và vũ khí thô sơ, quân và dân Yên Bái còn trực tiếp tham gia chiến dịch. Hướng về tiền tuyến, trai tráng trong tỉnh nô nức lên đường tòng quân. Đầu năm 1954, không khí đưa tiễn người thân ra chiến trường nhộn nhịp khắp các bản làng, thanh niên, phụ nữ hăng hái tham gia đi dân công tải đạn, thồ lương thực tiếp ứng cho chiến trường. Lần đầu phụ nữ dân tộc Mông xuống núi, phụ nữ Thái rời khung cửi trong mùa dệt để nhập vào đoàn quân tiếp lương, tải đạn. Trong chiến dịch này, Yên Bái huy động 31.652 lượt dân công; trung bình cứ bốn người dân có một người đi phục vụ chiến dịch. Trong đội hình dân công đã xuất hiện nhiều tấm gương xuất sắc, tiêu biểu là Hà Văn Lô, dân tộc Tày ở xã Đồng Khê (Văn Chấn) đã dũng cảm vượt qua các trọng điểm ác liệt, chuyển hàng về đích an toàn, được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người. Trong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn tỉnh Yên Bái có 52 dân công hy sinh, 46 dân công bị thương; tổng kết chiến dịch, quân và dân tỉnh Yên Bái được Trung ương tặng thưởng Huân chương Chiến công cho hai tập thể và ba cá nhân; Hội đồng cung cấp Trung ương tặng cờ thưởng luân lưu và 15 bằng khen của Liên khu.
Có thể khẳng định, những đóng góp to lớn của quân và dân các dân tộc tỉnh Yên Bái với chiến dịch Điện Biên Phủ là rất quan trọng. Nhờ con đường huyết mạch nối từ Việt Bắc qua Yên Bái ra mặt trận nên sự cơ động của pháo binh, xe tải, xe thồ được linh hoạt; những cân gạo, thực phẩm được đồng bào các dân tộc trong vùng cung ứng tại chỗ kịp thời, vô điều kiện, giúp cho quân ta ăn no đánh thắng. Đó vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm và mồ hôi, xương máu của đồng bào các dân tộc Yên Bái đối với Đảng, với quân đội trong thời kỳ gian khó.