Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Trường học hạnh phúc - Môi trường giáo dục, nuôi dưỡng, bồi đắp nên thế hệ trẻ Yên Bái phát triển toàn diện

09/05/2024 09:53:54 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Xây dựng Trường học hạnh phúc trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã trở thành hành động thực tiễn thể hiện quyết tâm chính trị cao độ, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhận được sự đồng thuận, hướng ứng của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội.

Toàn tỉnh có 296 trường học được công nhận đạt tiêu chí Trường học hạnh phúc

Xuất phát từ điều kiện tự nhiên và tình hình thực tiễn của tỉnh, những năm qua, Yên Bái luôn giành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đồng thời xác định đây một trong 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Yên Bái đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh bằng việc ban hành đầy đủ, đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch, chính sách bảo đảm toàn diện, phủ kín trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, Tỉnh ủy ban hành 02 Nghị quyết chuyên đề về giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chính sách, kế hoạch, chương trình hành động để phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực.

Yên Bái cũng là tỉnh đầu tiên và duy nhất trong cả nước đưa Chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh với triết lý phát triển riêng. Trong đó phong trào xây dựng Trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc là một trong những là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu chủ yếu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh và Kế hoạch nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái hằng năm của Tỉnh ủy.

 

 

Trường học hạnh phúc: Thầy cô hạnh phúc - Học trò hạnh phúc - Phụ huynh hạnh phúc

Xin được mở đầu bằng câu chuyện “Xây dựng lộ trình cụ thể với các điểm nhấn theo chuyên đề nhỏ trong từng năm học” của Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái.

Tham luận tại Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai xây dựng Trường học hạnh phúc do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái tổ chức ngày 05/4/2024 vừa qua, cô Nguyễn Thị Thu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã chia sẻ về lộ trình xây dựng trường học hạnh phúc của Nhà trường.

Lộ trình ấy đã xác định bước đi đến năm 2030 bằng những nhiệm vụ rất cụ thể, rõ ràng, thể hiện quyết tâm, nỗ lực và tâm huyết của Ban Giám hiệu, của mỗi thầy cô, cán bộ, nhân viên, của học sinh và phụ huynh:

Năm học 2021-2022: Tập trung phát triển con người, xây dựng lớp học xanh, lớp học hạnh phúc, nếp sống văn minh, kí túc xá hạnh phúc. Mở rộng và phát huy hoạt động các câu lạc bộ. Thực hiện hoạt động kết nối cộng đồng.

Năm học 2022 - 2023: Phát triển phẩm chất, thái độ tích cực của người giáo viên. Xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp thông qua việc xây dựng tổ chuyên môn, tổ văn phòng hạnh phúc, kết nối yêu thương với các gia đình cán bộ nhà giáo. Chú trọng thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn nghề nghiệp hiệu trưởng. Khuyến khích học sinh đưa ra phản hồi cho giáo viên, cho nhà trường.

Năm học 2023 - 2024: Tập trung tôn trọng sự đa dạng và khác biệt. Khuyến khích học hỏi sự đa dạng văn hóa cả trong và ngoài bối cảnh nhà trường. Khuyến khích hoạt động đóng vai và thảo luận với mục đích tạo ra sự đồng cảm và thấu hiểu. Khuyến khích thấu hiểu người khác thông qua dạy và học về tín ngưỡng, ngôn ngữ, trải nghiệm nghề nghiệp. Học hỏi về cảm xúc và tương tác xã hội.

Năm học 2024 - 2025: Tập trung xây dựng trường học hạnh phúc thông qua quá trình dạy học (nội dung dạy học và đánh giá học sinh; đổi mới phương pháp dạy và học; tôn trọng sự tự do, sáng tạo và tham gia của người học; học sinh và giáo viên cùng học).

Từ 2025- 2030: Tiếp tục phát huy kết quả giai đoạn trước và tập trung xây dựng môi trường học tập. Đổi mới quản trị trường học.

Trên lộ trình của Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Tất Thành, có thể nhận thấy rất rõ, yếu tố con người luôn được coi trọng và đặt lên hàng đầu, mục tiêu xây dựng Trường học hạnh phúc chính là hướng tới môi trường giáo dục mà ở đó Thầy cô hạnh phúc - Học trò hạnh phúc - Phụ huynh hạnh phúc.

 

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng thầy và trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành

 

Xây dựng Trường học hạnh phúc - hành động thực tiễn, rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm

Triển khai các văn bản, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định quy định bộ tiêu chí tạm thời về “Trường học hạnh phúc”; Kế hoạch triển khai thực hiện mô hình “Trường học hạnh phúc” giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 100% trường học triển khai xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”.

Xây dựng Trường học hạnh phúc trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã trở thành hành động thực tiễn thể hiện quyết tâm chính trị cao độ, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhận được sự đồng thuận, hướng ứng của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội. Đặc biệt, đối với Ngành Giáo dục và Đào tạo, xây dựng Trường học hạnh phúc không phải là khẩu hiệu hô hào mà thực sự là một “sản phẩm” đặc trưng, hết sức cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả.

Năm học 2020 - 2021, lần đầu tiên tỉnh Yên Bái thực hiện thí điểm xây dựng trường học hạnh phúc tại các trường: Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Trường THCS Quang Trung, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Thành phố Yên Bái). Sau đó, Ngành GD&ĐT đã nhân rộng mô hình tới 100% trường học trên địa bàn. 

Ba năm qua, việc triển khai xây dựng “Trường học hạnh phúc” trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là sự nỗ lực, quyết tâm của Ngành Giáo dục đào tạo, mà đội ngũ cán bộ lãnh đạo, giáo viên, nhân viên các nhà trường và toàn thể các em học sinh là chủ thể quan trọng, quyết định sự thành công của mục tiêu xây dựng Trường học hạnh phúc.

Xây dựng "Trường học hạnh phúc" trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác dạy và học.

Thầy cô tích cực đổi mới, sáng tạo. Năm học 2022-2023, toàn ngành Giáo dục và đào tạo Yên Bái có 2.190 sáng kiến cấp cơ sở, 23 sáng kiến cấp tỉnh. Tinh thần yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ được coi trọng và nâng cao trong các mối quan hệ giữa thầy cô với thầy cô, thầy cô với học sinh và học sinh với học sinh.

Toàn tỉnh có 296 trường học được công nhận đạt tiêu chí "Trường học hạnh phúc" (đạt 67%) , 80,7% trường học đạt tiêu chuẩn mô hình "Trường xanh”; có nhiều mô hình trường học gắn với thực tiễn như "Trường học du lịch”, "Trường học nông trại”, "Trường học gắn liền với di sản Văn hoá”, Trường học gắn bản sắc văn hóa địa phương hay mô hình "Phòng chờ hạnh phúc”, " Nhà vệ sinh công viên”, mô hình "Trường học không bạo lực học đường”; "Trường học không xảy ra các hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo”; "Môi trường hàng đầu của dân chủ, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm”; "Trường học không khói thuốc”, "Cổng trường an toàn giao thông”... Số trường đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh theo từng năm học với 335 trường chiếm 75,8% số trường (so với đầu nhiệm kỳ tăng 50 trường). Năm học 2023-2024: phấn đấu 383/451 trường đạt tiêu chí “Trường học hạnh phúc” chiếm 85%.

 

 

Các hoạt động giáo dục chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học; giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo được chú trọng theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học liên tục tăng cao; nhiều học sinh đã đỗ thủ khoa trong các kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng; trong 3 năm học vừa qua, học sinh trong toàn tỉnh đã đạt 100 giải học sinh giỏi quốc gia.

Những kết quả đạt được thời gian qua đã góp phần quan trọng vào những thành tích của Ngành Giáo dục và Đào tạo sau hơn nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đảng các cấp, làm thay đổi diện mạo giáo dục Yên Bái và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội và các tầng lớp nhân dân đối với các hoạt động xây dựng trường học hạnh phúc, an toàn, yêu thương, tôn trọng.

Xây dựng Trường học hạnh phúc đã làm phong phú thêm các phong trào thi đua vì hạnh phúc của nhân dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái; chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của đội ngũ nhà giáo, cán bộ, nhân viên toàn Ngành Giáo dục và Đào tạo đối với việc tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp; khơi dậy lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm, tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Trường học hạnh phúc đã và đang giáo dục, nuôi dưỡng, bồi đắp nên thế hệ trẻ Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập", phát triển toàn diện về Đức - Trí - Thể - Mỹ.

Trường học hạnh phúc đã góp phần gắn kết chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục, chăm sóc học sinh; mang lại niềm tin tưởng, sự hài lòng của người dân về môi trường giáo dục, các mối quan hệ xã hội trong nhà trường cũng như chất lượng dạỵ và học.

Cùng với các tiêu chí cần có của trường học hạnh phúc, một ngôi trường chỉ thực sự hạnh phúc khi tất cả những người liên quan đến môi trường giáo dục đó thực sự hài lòng. Đó là, thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên, người lao động nhà trường hài lòng với công việc và cuộc sống hiện tại. Học sinh hài lòng với môi trường học tập, được thỏa ý nguyện và chắp cánh những ước mơ tuổi học trò. Phụ huynh học sinh hài lòng, yên tâm, tin tưởng gửi gắm con em mình. Người dân và chính quyền sở tại hài lòng, trân trọng hình ảnh và những đóng góp của nhà trường...

Để thực hiện thành công việc xây dựng Trường học hạnh phúc trên địa bàn toàn tỉnh, thiết nghĩ cần tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng Trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc và các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân của Ngành Giáo dục và Đào tạo.

Trong đó, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp công tác tuyên truyền, tiếp tục phản ánh sâu sắc, toàn diện ý nghĩa, giá trị nhân văn của việc triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm phấn đấu xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.

Quan tâm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa các dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên cho các em học sinh, gắn với xây dựng con người Yên Bái Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

Quan tâm, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.

Thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức nhà giáo; về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Giáo dục và Đào tạo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nhà giáo trong môi trường giáo dục.

Thực hiện các chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ giáo viên, cán bộ quản lý giỏi. Kịp thời động viên, chăm lo, đảm bảo thực hiện đúng - đủ - kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học và các em học sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

1365 lượt xem
CTV: Hồng Thanh Tâm

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h