Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội

23/05/2024 16:20:41 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 23/5, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Tham gia thảo luận tại Tổ, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy bày tỏ đồng tình thống nhất cao với hầu hết các nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội.

Đại biểu đã tham gia ý kiến vào 2 nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Chương trình tổng thể của Chính phủ.

* Về nội dung thứ nhất liên quan đến báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, đại biểu Đỗ Đức Duy đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, trong đó nổi bật ở một số điểm sau:

Thứ nhất, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, có nhiều nội dung vượt ra ngoài dự báo nhưng chúng ta vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, được các định chế tài chính và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Thứ hai, công tác quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, giải ngân vốn đầu tư công đạt nhiều kết quả nổi bật tạo ra các động lực tăng trưởng mới cho các địa phương, các vùng miền và cả nước. Công tác phát triển đô thị, nông thôn tiếp tục có những bước đột phá, nhất là ở các địa phương là các cực tăng trưởng của các vùng kinh tế - xã hội và khu vực vùng cao, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đây cho thấy hiệu quả tích cực, bước đầu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ ba, văn hóa xã hội được quan tâm có nhiều tiến bộ rõ rệt, giảm nghèo nhanh, bền vững, những hạn chế, vướng mắc bất cập trong giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe được khắc phục theo hướng căn cơ, bài bản, chất lượng được nâng lên. Lĩnh vực lao động việc làm chuyển biến tích cực, nhất là kể từ đầu năm 2024. Đặc biệt, Chính phủ đang nỗ lực cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo tinh thần Nghị quyết số 27 của Trung ương Đảng khóa XII. Đại biểu Đỗ Đức Duy cho biết, liên quan đến nội dung này, qua tiếp xúc cử tri, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và cử tri, nhân dân rất đồng thuận ủng hộ và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong bối cảnh chúng ta còn khó khăn về nguồn lực, tuy nhiên Chính phủ bằng những giải pháp cân đối nguồn để cải cách tiền lương.

Thứ tư, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính và chế độ công vụ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các địa phương, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, xử lý các dự án thua lỗ kéo dài được Chính phủ, Thủ ướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các bộ ngành rất quan tâm, chú trọng, chỉ đạo thực hiện có nhiều đổi mới, được các địa phương, doanh nghiệp đánh giá cao, nhất là trong cải cách công vụ. Chúng ta có bước tiến rõ rệt về cải cách chế độ công vụ, từ các quy định về chế độ chính sách, chức nghiệp, quản lý chức trách nghiệp vụ, nâng hạng, xét nâng hạng, xét tuyển dụng...

Thứ năm, quốc phòng an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu quan trọng, là điểm sáng trong năm 2023. Việt Nam đã và đang thu hút sự quan tâm của các tập đoàn lớn đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo đến nghiên cứu để đầu tư. Đây cũng là chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển các ngành công nghiệp mới nổi được dự báo có tác động lớn, có vai trò dẫn dắt các nền kinh tế trong tương lai gần.

Bày tỏ nhận thấy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ nhằm khơi thông các điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể như sau:

Một số yếu tố tác động lớn đến ổn định vĩ mô còn biến động phức tạp và thiếu ổn định, như thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, giá vàng, tỷ giá.  

Việc tổng cầu của nền kinh tế còn yếu, thị trường lao động việc làm, thị trường tiêu thụ một số hàng hóa chủ lực gặp nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Việc đấu thầu, mua sắm công như: thuốc, vắc xin, vật tư y tế, việc thực hiện cơ chế  tự chủ, tự chịu trách nhiệm, áp dụng phương thức đấu thầu, đặt hàng, cung cấp dịch vụ công có sử dụng ngân sách nhà nước, việc triển khai các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư như: cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, thu gom, xử lý nước thải, chất thải... tại các đơn vị sự nghiệp y tế, thông tin vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc mà nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc các quy định của pháp luật liên quan đến định mức kinh tế kỹ thuật, quản lý giá, pháp luật về đầu tư phương thức đối tác công tư, pháp luật đất đai và pháp luật chuyên ngành khác. Hiện nay một số văn bản pháp luật đã được điều chỉnh, bổ sung như Luật Đất đai, nhưng vẫn còn có văn bản còn vướng mắc, như lĩnh vực đầu tư phương thức đối tác công tư.

Việc thực hiện một số thủ tục hành chính liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mục đích sử dụng rừng, bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều khó khăn, tốn kếm nhiều thời gian chi phí tuân thủ, nhất là đối với các dự án của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tư nhân.  

Công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, xử lý doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, cho phá sản các công ty lâm nghiệp, lâm trường quốc doanh, công ty cấp nước còn nhiều vướng mắc, khó triển khai thực hiện, nguyên nhân chủ yếu là do pháp luật về doanh nghiệp, xử lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường, cơ chế giá dịch vụ công ích còn nhiều khó khăn.

Tình hình thiên tai, thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu xảy ra trên diện rộng với nhiều hình thái khác nhau ngày càng gay gắt tác động lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân cần có giải pháp kịp thời, căn cơ trước mắt và lâu dài.   

* Tham gia thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Đỗ Đức Duy thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên đồng chí cũng kiến nghị, bổ sung, nhấn mạnh thêm một số giải pháp:

Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành sớm ban hành theo thẩm quyền các định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành, các văn bản quy định hướng dẫn liên quan đến đấu thầu, mua sắm công chẳng hạn như định mức trang thiết bị tối thiểu đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo hạng.

Đề nghị sớm ban hành đầy đủ các cơ chế, văn bản hướng dẫn xử lý tài sản là nhà đất, trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp sau sáp nhập, nhất là đối với các huyện, thị xã khu vực miền núi, các trụ sở, cơ sở nhà đất quốc phòng an ninh sau khi đã đầu tư khai thác cơ sở mới, trong khi trụ sở cũ không còn nhu cầu sử dụng cho mục đích quốc phòng an ninh.

Đề nghị hoàn thiện cơ chế pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp công ích, đơn vị sự nghiệp kinh tế và xử lý tài chính tại các doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, giải thể, xử lý đất đai có nguồn gốc lâm, nông trường quốc doanh.

Đại biểu Đỗ Đức Duy khẳng định cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ giải pháp theo Nghị quyết 74 của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.         

1282 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h