Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi

18/06/2024 07:22:37 Xem cỡ chữ Google
Chiều 17/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về một số dự án Luật, dự thảo nghị quyết. Thảo luận ở tổ cùng đại biểu các tỉnh Hòa Bình, Bình Thuận, Bình Phước về Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy và đại biểu Triệu Thị Huyền đã phát biểu tham gia ý kiến.

Đại biểu Đỗ Đức Duy cho rằng, trong trường hợp hạn chế độ tuổi công chứng viên thì nên có quy định phân biệt giữa nam và nữ để thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu.

Tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi, đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị là cho phép sử dụng song ngữ. Theo đại biểu, trong một số trường hợp cụ thể để phục vụ giao dịch, hồ sơ với tổ chức, cá nhân người nước ngoài, cũng để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Hiện tại, lời chứng trong các văn bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài trên thực tế cũng đang sử dụng song ngữ và cũng sử dụng khá phổ biến.

Về quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, đại biểu cho biết, trong dự thảo quy định áp dụng không quá 70 tuổi với cả nam và nữ, đại biểu cho rằng việc hạn chế độ tuổi này cũng chưa thống nhất với độ tuổi hành nghề của một số chức danh tư pháp khác như luật sư, thừa phát lại, quản tài viên, đấu giá viên và có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội, nhất là trong điều kiện hiện nay còn thiếu công chứng viên đủ điều kiện hành nghề. Mặt khác việc không phân biệt tuổi hành nghề đối với nam và nữ cũng chưa thống nhất với Bộ luật lao động quy định về tuổi nghỉ hưu (nữ thường nghỉ hưu sớm hơn nam là 2 tuổi).

Đại biểu đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định này cho phù hợp theo hướng hoặc là không hạn chế về độ tuổi mà quy định đối với một độ tuổi nhất định khi đã quá tuổi nghỉ hưu thì hàng năm người hành nghề công chứng phải có giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế có đủ thẩm quyền cấp để bảo đảm rằng công chứng viên đủ điều kiện sức khỏe để làm việc. Còn trong trường hợp hạn chế độ tuổi thì nên có quy định phân biệt giữa nam và nữ để thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu.

Về vấn đề tạm đình chỉ công chứng viên, quy định thời gian tạm đình chỉ công chứng viên từ 1 tháng đến 12 tháng. Nêu thực tế trong một số trường hợp người bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể thời gian điều tra kéo dài hơn 12 tháng, đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy định này cho thống nhất, trong trường hợp công chứng viên bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì thời gian tạm đình chỉ cho đến khi kết thúc điều tra.

Đối với quy định con dấu của phòng công chứng không có hình quốc huy, đại biểu cho rằng quy định này là không cần thiết. Bởi theo quy định của pháp luật về con dấu, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở thì con dấu không có hình quốc huy.

Liên quan đến địa điểm công chứng, đại biểu nêu ví dụ về hỗ trợ khách hàng bán tài sản đang tranh chấp tại ngân hàng để trả nợ cho ngân hàng thì trên thực tế nhiều trường hợp là khi thực hiện giao dịch này thì công chứng chỉ thực hiện công chứng khi mà phải xuất trình được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Trong nhiều trường hợp người công chứng đề nghị công chứng viên thực hiện công chứng tại ngân hàng có sự tham gia của bên mua, bên bán và tham gia của đại diện ngân hàng.

Đại biểu để nghị bổ sung thêm một điểm, áp dụng cho các trường hợp khác có lý do chính đáng theo yêu cầu của người đề nghị công chứng để bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên giao dịch có thể thực hiện công chứng ở ngoài trụ sở làm việc của tổ chức hành nghề công chứng, nhất là trong các giao dịch mà có sự tham gia của bên thứ ba.

Cùng tham gia thảo luận ở tổ về Luật này, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Triệu Thị Huyền (ảnh trên) kiến nghị ban soạn thảo bổ sung khoản 1 quy định nội dung: "Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng viên ký tên và tổ chức hành nghề công chứng đóng dấu vào văn bản, nếu công chứng điện tử thì văn bản công chứng có hiệu lực kể từ thời điểm ký bằng chữ ký số công chứng viên và chữ ký số của tổ chức hành nghề công chứng”. Theo đại biểu việc bổ sung thêm quy định này sẽ phù hợp với mục 3 về Công chứng điện tử.

Về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên theo Điều 8, đại biểu cho biết hệ thống các văn bản hiện nay, chưa có văn bản nào quy định, định nghĩa rõ khái niệm làm công tác pháp luật cụ thể bao gồm những công việc gì, tại ngành nghề, cơ quan, tổ chức nào; do vậy từ khái niệm này có thể dẫn đến nhiều cách hiểu và sự áp dụng khác nhau.

Nêu ý hiểu người làm công tác pháp luật là: Chuyên viên pháp lý, nghiên cứu viên, giảng viên ngành luật, thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, thư ký tòa án, thanh tra viên… Đồng thời cho biết ở khoản 2, dự thảo luật quy định: "Có bằng cử nhân luật, thạc sỹ luật hoặc tiến sỹ luật”, dự thảo luật quy định theo hình thức liệt kê chi tiết, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh gộp các loại bằng này thành nội dung "Có bằng cử nhân luật trở lên” để đảm bảo tính bao quát, ngắn gọn.

Nêu Khoản 3 Điều 10 quy định: "Tại cùng một thời điểm, một công chứng viên không được hướng dẫn tối đa là 02 người tập sự”, đại biểu Huyền đề nghị sửa lại quy định theo hướng: "Tại cùng một thời điểm, một công chứng viên chỉ được hướng dẫn tối đa 01 người tập sự” để dễ hiểu hơn.

Về Văn phòng Công chứng, đại biểu cho rằng Khoản 1 của dự thảo Luật có quy định: "Văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Các thành viên hợp danh có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề của Văn phòng công chứng” là không phù hợp với thực tế tồn tại và phát triển của xã hội chung, nghề công chứng nói riêng.

Nêu các lý do liên quan đến thi cử công chứng viên; hành nghề công chứng đối với vùng có quy mô dân số; nguồn nhân lực làm Công chứng viên rất thiếu… đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu theo hướng: Bỏ quy định điều kiện thành lập Văn phòng công chứng bắt buộc phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên.

Thay vào đó đại biểu cho rằng nên lựa chọn phương án 2 như Dự Thảo Luật Công chứng (sửa đổi) trước đây, cụ thể là: "Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh".

Cũng trong chiều nay, các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã thảo luận ở tổ tham gia vào Luật thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi).

992 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h