Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hoạt động chỉ đạo điều hành >> Văn hóa - Xã hội

Tăng cường chỉ đạo, thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh

12/07/2017 09:29:37 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT – UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.  

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tham mưu điều chỉnh Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Yên Bái đến năm 2020” cho phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối nguồn lực, trình Ủy ban nhân dân tỉnh trong tháng 7/2017.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo viên dạy nghề; rà soát, bổ sung danh mục nghề đào tạo, điều chỉnh nội dung chương trình, thời gian đào tạo nghề cho phù hợp; chỉ đạo quản lý, sử dụng thiết bị dạy nghề có hiệu quả.

Phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn về học nghề và việc làm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dạy nghề, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn hàng năm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Căn cứ yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, xây dựng Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc lĩnh vực nông nghiệp hàng năm và cả giai đoạn 2017-2020 gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp.

Chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp tỉnh, huyện tích cực tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn.

Kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp. Định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả đào tạo gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp.

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư đảm bảo nguồn lực kinh phí để thực hiện các hoạt động của Đề án, trong đó ưu tiên phân bổ nguồn lực kinh phí để hỗ trợ lao động nông thôn học nghề, đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy nghề.

Ưu tiên phân bổ nguồn lực cho huyện Trấn Yên để phấn đấu đạt mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới đến năm 2020.

Sở Tài chính chỉ đạo việc cấp phát kinh phí kịp thời cho các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tổ chức các lớp đào tạo nghề.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, xã hội về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, tập trung tuyên truyền về chính sách dạy nghề, hiệu quả dạy nghề, những mô hình điển hình, cá nhân điển hình về dạy nghề.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương nhằm tạo sự chuyển biến thực sự trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn.

Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đúng quy định về đặt hàng đào tạo, ưu tiên đào tạo ở lĩnh vực phi nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động; đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; đảm bảo người khuyết tật chiếm ít nhất 10%, lao động nữ chiếm ít nhất 40% chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo.

Chú trọng đào tạo các ngành nghề theo định hướng phát triển của tỉnh gồm: nghề may công nghiệp (theo nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp may), các ngành nghề phục vụ phát triển của các vùng chuyên canh (như nuôi cá ở Hồ Thác Bà, trồng quế ở Văn Yên, trồng măng tre Bát độ ở Trấn Yên...); các ngành nghề phục vụ phát triển du lịch của tỉnh như hướng dẫn du lịch, nấu ăn, nhà hàng, khách sạn, du lịch cộng đồng..., các ngành nghề trọng điểm đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tăng cường đào tạo thực hành, gắn kết với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc đào tạo. Tăng cường đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng của các doanh nghiệp. Làm tốt công tác khảo sát nhu cầu và xây dựng kế hoạch, dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho phù hợp để lao động sau khi đào tạo ra có việc làm, tránh lãng phí nguồn lực. Chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề. Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan chủ đầu tư về dạy nghề cho lao động nông thôn chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả đào tạo nghề trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo chủ động gắn kết với các khu công nghiệp, doanh nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm để liên kết đào tạo, giới thiệu việc làm cho lao động sau khi học nghề; tăng cường bảo quản, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất cho dạy nghề đã được đầu tư. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được giao.

Các sở, ban, ngành của tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Đề án.

1626 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h