Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Kinh tế

Khôi phục phát triển chăn nuôi sau “cơn bão” rớt giá

23/03/2017 12:03:55 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Do thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi không ổn định, đặc biệt vào dịp cuối năm 2016, giá lợn hơi, gà thịt đều giảm mạnh nên nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng vì chăn nuôi thua lỗ lớn. Song xác định chăn nuôi là hướng đi bền vững, sau cơn bão rớt giá, nhiều hộ chăn nuôi tại thành phố lại tiếp tục tái đàn vật nuôi để tiếp tục duy trì quy mô, góp phần nâng cao thu nhập và làm giàu bền vững.

Nhân dân xã Âu Lâu tập trung phát triển chăn nuôi gà theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung

Những năm qua do nhu cầu đô thị hóa mạnh, nhiều diện tích đát nông nghiệp trên địa bàn xã Phúc Lộc thành phố Yên Bái thu hẹp. Để giúp người dân ổn định cuộc sống, bên cạnh khuyến khích người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xã Phúc Lộc chú trọng tuyên truyền, vận động người dân tham gia các dự án chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa có sự hỗ trợ của tỉnh và thành phố. Theo đó, tính đến nay, xã Phúc Lộc đang duy trì gần 40 dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm. Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong xã, thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương ngày càng phát triển.

Phát huy lợi thế đất vườn rộng, gia đình ông Phạm Văn Hường ở thôn 4, xã Phúc Lộc đã giành diện tích đất vườn gần 600m để xây dựng 4 chuồng trại phát triển nuôi gà theo dự án hỗ trợ của tỉnh với quy mô 1 nghìn con. Kết hợp với nuôi 5 lợn nái và trên 30 con lợn thịt, hàng năm từ phát triển chăn nuôi, trừ chi phí gia đình ông Hường thu lãi gần trăm triệu đồng. Phát triển chăn nuôi không chỉ tạo và giải quyết việc làm cho lao động của gia đình. Qua phát triển chăn nuôi đã giúp gia đình ông Hường có của ăn, của để nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên trong năm qua, do giá cả thị trường biến động, giá lợn hơi xuống thấp ở mức từ 28 đến 30 nghìn đồng/kg. Chăn nuôi gia đình ông gặp không ít khó khăn, tính riêng đàn lợn xuất bán trong năm 2016 ông thua lỗ trên 13 triệu đồng, đàn gà chỉ hòa vốn. Song xác định chăn nuôi bền vững, ngay sau tết giá bán gà và lợn trên thị trường bắt đầu nhích lên, gia đình ông lại tiếp tục vệ sinh chuồng trại, tái đàn duy trì chăn nuôi theo quy mô. Ông Hường cho biết: “Đối với nông dân chúng tôi, ngoài gieo cấy thì chỉ biết chăn nuôi. Nhìn chung ở nước ta nói chung và ở tỉnh Yên Bái chúng ta nói riêng, chăn nuôi vẫn mang tính tự phát, phát triển ồ ạt mà chưa có sự liên kết chặt chẽ, khi thấy lợi nhuận cao thì phát triển nhiều không có định hướng. Vì thế, đối với gia đình tôi đã đầu tư chuồng trại chăn nuôi rồi, thì cho dù thua lỗ lúc này, gia đình tôi vẫn tiếp tục duy trì. Thời gian tới, tôi sẽ tìm hiểu thị trường, liên kết phát triển mở rộng quy mô chăn nuôi, hạn chế thấp nhất rủi ro”.

Không chỉ giá lợn hơi giảm mạnh, giá gà cũng giảm đáng kể. Nhiều hộ chăn nuôi gà không có lãi, nếu bình quân mỗi con gà trừ chi phí người dân thu lãi khoảng gần 20 nghìn đồng/con, thì nay do giá cả thị trường biến động, chỉ thu lãi được một nửa, thậm chí hòa vốn. Anh Hà Văn Lộc, thôn 4, xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất với người nuôi gà chúng tôi vẫn là đầu ra, thị trường tiêu thụ. Thành phố, tỉnh đã đầu tư cho vốn đầu tư chuồng trại và con giống, được tham gia tập huấn kỹ thuật rồi. Trong chăn nuoi mình đã chấp nhận có lúc lãi, thua lỗ, nhưng đã chấp nhận bấp bênh, đầu tư chuồng trại rồi thì vẫn phải duy trì, nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Nếu như trước kia 600 con gà nuôi bán trong một tháng, thì thời điểm này mình phải chấp nhận kéo dài thời gian chăm sóc và bán dần dần”.

Hướng đến phát triển nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế đô thị và xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 2012 - 2016, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân đầu tư phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi theo phương pháp bán công nghiệp, hàng hóa chất lượng cao, tạo động lực giúp người dân nâng cao thu nhập, làm giàu bền vững. Tính từ năm 2012 đến hết năm 2016, thành phố Yên Bái đã triển khai hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi được 411 dự án chăn nuôi với số vốn hỗ trợ 5,2 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, các chính sách hỗ trợ của tỉnh, quy định hỗ trợ của thành phố thực sự đáp ứng được nguyện vọng của người dân, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương nên số lượng hộ tham gia các mô hình rất đông. Qua kiểm tra, khảo sát cho thấy đối với mô hình chăn nuôi lợn, gà cơ bản đều duy trì sản xuất và phát triển tốt. Mô hình nuôi lợn kết hợp (31 con lợn thịt và 5 con lợn nái), mô hình nuôi thỏ, nhất là mô hình nuôi gà 300 con/lứa có mức đầu tư thấp phù hợp với mọi đối tượng nhân dân từ hộ có điều kiện về kinh tế đến hộ nghèo, cận nghèo, góp phần thay đổi dần tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, bước đầu hình thành vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa, tạo thêm việc làm thường xuyên cho mỗi hộ từ 1-2 lao động. Các hộ thực hiện các Dự án đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Như đối với Dự án chăn nuôi lợn thịt thu nhập bình quân 90 triệu đồng/năm; Dự án chăn nuôi lợn nái thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm; Dự án chăn nuôi lợn nái sinh sản kết hợp với lợn thịt thu nhập bình quân 80 triệu đồng/năm; Dự án gà 1.000 con/lứa thu nhập bình quân 50 triệu đồng/năm; Dự án gà 300 con/lứa thu nhập bình quân 15 triệu đồng/năm; Dự án thỏ thu nhập bình quân 15 triệu đồng/năm. Song thực tế cho thấy để duy trì chăn nuôi bền vững tạo sự liên kết, hạn chế rủi ro về thị trường tiêu thụ cho người chăn nuôi.  Hiện nay, thành phố đang tập trung xây dựng đề án về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao gắn với phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025 trong đó có các cơ chế hỗ trợ chăn nuôi. Bà Trần Thị Nguyệt, phó trưởng phòng Kinh tế thành phố Yên Bái cho biết: “Góp phần làm tăng tỷ trọng của ngành chăn nuôi, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp thành phố gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, tạo điều kiện tiền đề để nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất chăn nuôi. Từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung theo hướng trang trại tổng hợp, gia trại. Thành phố Yên Bái tiếp tục khuyến khích người dân duy trì bền vững, phát huy hiệu quả của trên 600 cơ sở chăn nuôi hàng hóa đã hình thành và phát triển ổn định trên địa bàn thành phố. Đồng thời hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi lớn thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn (VietGAP) và các quy trình tương đương. Định hướng khuyến khích người chăn nuôi tăng cường liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, không để tình trạng phát triển ồ ạt thiếu tính bền vững”.

Với những chính sách cụ thể và thiết thực cùng sự tâm huyết của người chăn nuôi thành phố, sẽ tạo ra những động lực mới, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi thành phố Yên Bái phát triển nâng cao thu nhập và làm giàu bền vững cho người dân.

1908 lượt xem
CTV: Lê Hương- Thanh Nghị

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h