Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Quang (Yên Bái) được tôn vinh trí thức khoa học - công nghệ tiêu biểu toàn quốc năm 2024

29/08/2024 15:35:32 Xem cỡ chữ Google
Lễ tôn vinh 135 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024 được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 28/8 tại Hà Nội. Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội cùng đại diện lãnh đạo Bộ, ban, ngành Trung ương. Tỉnh Yên Bái có tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Yên Bái.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Yên Bái (người thứ 3 hàng đầu, từ phải sang) nhận bằng khen tại Lễ tôn vinh.

Trong số trí thức tiêu biểu lần này có 51 trí thức thuộc các Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) địa phương, 54 trí thức thuộc hội ngành toàn quốc; 112 người có học hàm, học vị từ phó giáo sư, tiến sĩ và tương đương trở lên và 3 Anh hùng Lao động. Tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Yên Bái là người được tôn vinh trong sự kiện này. 

Trải qua hơn 50 năm trải qua nhiều công việc, nhiệm vụ công tác, nghiên cứu khoa học, quản lý nhà nước và công tác hội, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang luôn nỗ lực phấn đấu khắc phục nhiều khó khăn, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; luôn tâm huyết, say mê với nghề, với nghiên cứu khoa học, cống hiến các kiến thức, chủ động hoạt động đạt nhiều kết quả; được các cơ quan quản lý đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông là người chủ trì tổ chức nhiều cuộc  khảo cứu, điều tra nhằm xây dựng hồ sơ khoa học cho các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh ở địa phương trình Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) và tỉnh đề nghị xếp hạng di tích. 

Từ 1988 đến 2008, tiến sĩ Quang đã góp phần giúp tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ), tỉnh Yên Bái ngày nay có 8 di tích được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia, 27 di tích được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, xóa điểm trắng về di tích ở địa phương. Trong đó có những di tích nổi tiếng như: Lễ đài Sân vận động thành phố Yên Bái (nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Yên Bái năm 1958), Khu mộ Nguyễn Thái Học và 16 chiến sĩ Việt Nam Quốc dân đảng trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 bị thực dân Pháp bắt và xử chém; Di tích Căng và đồn Nghĩa Lộ trong Chiến dịch Tây Bắc 1952; hồ Thác Bà (Yên Bình, Lục Yên), Quần thể ruộng bậc thang Mù Cang Chải… Những di tích này đã được bảo tồn và phát huy tốt giá trị trong giáo dục lịch sử, văn hóa dân tộc và phát triển du lịch.

Từ năm 2005 đến nay (2023), với cương vị là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Yên Bái, tiến sĩ Quang luôn hoàn thành chức trách của mình là trung tâm đoàn kết Ban chấp hành và hội viên Hội Khoa học lịch sử tỉnh Yên Bái. Ông luôn tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các hoạt động hội thảo khoa học, các cuộc tư vấn giám định và phản biện xã hội, phổ biến kiến thức về lịch sử, văn hóa do tỉnh, khu vực và trung ương tổ chức. Ông cũng tích cực tham gia trong công tác xây dựng Đảng, Nhà nước, tham gia ý kiến vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi (2013), Dự thảo các luật và luật sửa đổi, dự thảo báo cáo chính trị các kỳ đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái… với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao.

Thời gian từ năm 1991 đến nay, ông đã được tặng thưởng: 1 bằng khen Chính phủ (2016), 4 bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh (1991, 2005, 2008, 2020), 1 danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (2003), 1 bằng khen của Bộ Văn hóa - Thông tin (2006), 3 Bằng khen của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (2006, 2015, 2017), 1 bằng khen của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh (2016).

Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Yên Bái

Tại sự kiện, biểu dương đóng góp của 135 trí thức tiêu biểu được tôn vinh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đã ghi nhận Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã từng bước thể hiện vai trò là hạt nhân tập hợp đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, đóng góp phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh những thành tựu, Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra cơ chế, chính sách chưa khuyến khích, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, toàn cầu hóa giúp khoa học và công nghệ từng bước hội nhập, tạo thuận lợi cho việc học tập, trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu những thành tựu khoa học - công nghệ quốc tế song cũng đặt ra nhiều thách thức mới: sản phẩm khoa học - công nghệ nước ngoài xâm nhập vào thị trường trong nước, tạo sự cạnh tranh gay gắt, nảy sinh các vấn đề tranh chấp mới liên quan đến sở hữu trí tuệ, bản quyền, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp. Bên cạnh đó là yêu cầu cấp thiết về hành lang pháp lý, thể chế, chính sách, đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học và các trung tâm khoa học lớn.

"Bối cảnh đó đòi hỏi đội ngũ trí thức nước nhà phải có nhận thức mới, tư duy khoa học gắn với những giải pháp thiết thực, hiệu quả để đưa khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển đất nước", ông nói.

Chủ tịch Quốc hội cho biết Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và đặt niềm tin vào đội ngũ trí thức nước nhà; xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện. Ông mong các trí thức tiêu biểu được vinh danh sẽ trở thành những tấm gương sáng lan tỏa, truyền cảm hứng và đóng góp hơn nữa cho nước nhà.

Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho biết đến nay Liên hiệp Hội đã tập hợp được trên 2,2 triệu trí thức, chiếm 32,5% đội ngũ trí thức cả nước. Đội ngũ trí thức khoa học công nghệ có nhiều cống hiến, khát vọng vươn lên, đưa khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển đất nước.

Trong Lễ tôn vinh có hai trí thức cao tuổi được tôn vinh là Giáo sư, tiến sĩ (GS.TS) Trịnh Văn Tự (95 tuổi), nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam; GS.TS Đặng Hữu (94 tuổi), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nhiều gương mặt trí thức thuộc thế hệ 8X, như chủ nhân Fiải thưởng Tạ Quang Bửu 2024" - Phó giáo sư (PGS.TS) Trần Mạnh Trí (43 tuổi), Trưởng Bộ môn Hóa học hữu cơ, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; kỹ sư Nguyễn Xuân Thủy (40 tuổi), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết kế và phát triển công nghệ xây dựng SPAN, sở hữu 15 bằng độc quyền sáng chế.

Người trẻ tuổi nhất là TS Nguyễn Văn Huống (39 tuổi), Phó Trưởng phòng Công nghệ môi trường, Viện Công nghệ mới, Bộ Quốc phòng. Anh làm chủ nhiệm 8 đề tài cấp bộ, sở hữu 3 bằng độc quyền giải pháp hữu ích/sáng chế, tác giả 1 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Anh nhận Giải nhì Giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam năm 2018, 2023 và giải Ba năm 2020.

 

1289 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h