Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Mái ấm cho đồng bào tôi

15/10/2024 07:04:43 Xem cỡ chữ Google
Quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Ngày 6/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện yêu cầu hoàn thành mục tiêu này vào cuối năm 2025. Hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng với mục tiêu mang lại những ngôi nhà kiên cố cho người dân nghèo. Những nỗ lực này không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, mà còn góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững, hướng tới một tương lai không ai bị bỏ lại phía sau.

.

Ngày 6/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 102/CĐ-TTg về việc đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Công điện nêu rõ, thời gian qua, các bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 13/4/2024 với những hành động cụ thể, có ý nghĩa thiết thực. Thủ tướng Chính phủ biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự chia sẻ và những nghĩa cử cao đẹp của các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng, tập thể, cá nhân đã ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng để xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các địa phương khó khăn.

 

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cùng nhau tập trung lãnh đạo và chỉ đạo triển khai phong trào này một cách quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả hơn nữa. Trong đó tập trung một số nội dung:

Huy động nguồn lực xã hội hóa kết hợp với nguồn lực của Nhà nước để chung tay hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước. Đổi mới phương pháp và cách làm theo hướng đa dạng hóa nguồn lực, bao gồm nguồn lực từ trung ương, địa phương, cộng đồng và từ chính sự cố gắng của các hộ nghèo được hỗ trợ.

Đề cao tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương, đồng thời có cơ chế để các địa phương có điều kiện tốt hơn hỗ trợ cho các địa phương khó khăn hơn. Vận động các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương khó khăn. Người dân, hộ gia đình được hỗ trợ phải tự đảm bảo một phần.

Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để đến ngày 31/12/2025 hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, bao gồm cả 3 chương trình: Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; Hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia và Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân; trong đó ưu tiên xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công từ nguồn ngân sách nhà nước…

Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành và tin tưởng rằng với “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, phong trào này sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

 

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ nhà ở đối với các hộ nghèo. Điển hình như: Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/08/2015 về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tại Dự án 5 của Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại Dự án thành phần 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ…

Tỉnh Quảng Nam huy động mọi nguồn lực xóa nhà ở tạm, dột nát cho người dân.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ về nhà ở, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong những năm qua, hơn 1,7 triệu căn nhà đã được xây mới và sửa chữa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy vậy, qua rà soát, cả nước vẫn còn hàng trăm nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/1/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 “xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu”.

 

Triển khai chủ trương của Đảng, ngày 13/4/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, phấn đấu hoàn thành mục tiêu trước 5 năm so với Nghị quyết của Đảng đề ra. Tại lễ phát động, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ 320 tỷ đồng vào Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến nay, các địa phương cũng vận động được hơn 44 tỷ đồng cho công tác này. Nhờ đó, nhiều ngôi nhà mới đáp ứng tiêu chuẩn “3 cứng”: nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng, tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên, đã hoàn thành.

Đặc biệt, vào tối 5/10/2024, trong Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi”, nhiều tổ chức và cá nhân đã thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho các địa phương khó khăn. Tổng số tiền huy động được lên tới 5.932 tỷ đồng, trong đó có 3.287 tỷ đồng từ chương trình và 61 địa phương huy động được 2.645 tỷ đồng.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại diện các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, hiện nay, qua rà soát, cả nước còn khoảng trên 400.000 căn nhà tạm, nhà dột nát, chưa đảm bảo “3 cứng” hoặc thiếu hụt về chất lượng. Thực hiện phong trào do Thủ tướng Chính phủ phát động, chúng ta đang trong chiến dịch 450 ngày đêm cao điểm để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, với mục tiêu hoàn thành cả 3 nhiệm vụ lớn: Hỗ trợ nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở, với khoảng 200.000 căn nhà, bằng nguồn ngân sách nhà nước; hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo các chương trình mục tiêu quốc gia, với khoảng 88.000 căn nhà; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (ngoài 2 nhóm hỗ trợ trên), với hơn 153.000 căn nhà, kinh phí tối thiểu để thực hiện là trên 6.500 tỷ đồng.

Để hoàn thành công việc này, tại Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (tối 5/10/2024), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị phương pháp, cách làm mới. Theo đó, đề cao tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương, phân chia các địa phương thành 4 nhóm, nhóm kinh tế phát triển sẽ tự đảm nhận; nhóm địa phương khó khăn, nhóm nghèo sẽ có cơ chế huy động nguồn lực, hỗ trợ phù hợp.

Công an tỉnh Bắc Giang chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Cùng với đó, đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng tiết kiệm chi thường xuyên 5% năm 2024 của ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương cùng với nguồn lực xã hội hóa để thực hiện theo cách vừa phân công, vừa giao chỉ tiêu hỗ trợ theo địa chỉ để các địa phương có điều kiện hỗ trợ các địa phương khác; vận động và phân công các bộ, cơ quan, ngân hàng, doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương khó khăn, địa phương nghèo. Đặc biệt, huy động sự chung tay góp sức, đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, lan tỏa rộng khắp trong xã hội, cộng đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại Chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ nay đến hết năm 2025 chỉ còn khoảng 450 ngày đêm để hoàn thành mục tiêu xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát. Khối lượng công việc rất nhiều, đòi hỏi chúng ta đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn nữa, đã cố gắng rồi thì phải cố gắng hơn nữa, đã hiệu quả rồi thì phải hiệu quả hơn nữa.

Thủ tướng kêu gọi cả hệ thống chính trị, đồng bào, đồng chí, cộng đồng doanh nghiệp cả nước tiếp tục chung tay, chung sức, đồng lòng, tăng tốc, bứt phá hơn nữa với tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần “tương thân, tương ái”, “ai có gì giúp nấy, ai có của giúp của, ai có công giúp công, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít”, thực hiện chủ trương lớn của Đảng là không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu xóa hết nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo.

Đồng thời, Thủ tướng lưu ý trong quá trình thực hiện cần tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện phong trào này.

 

Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” đã và đang được các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân tích cực hưởng ứng và triển khai mạnh mẽ.

Tại tỉnh Cà Mau, phong trào thi đua ‘‘Xóa nhà tạm, nhà dột nát’’ cho hộ nghèo với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau" luôn được quan tâm, thực hiện có hiệu quả.

Vợ chồng ông Trần Ngọc Sơn (ngụ Phường 4, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau) rất vui mừng khi được nhận nhà ‘‘Đại đoàn kết’’ do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xổ số kiến thiết Cà Mau (Công ty Xổ số kiến thiết Cà Mau) hỗ trợ.

Đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau cùng đại diện Công ty Xổ số kiến thiết Cà Mau trao quà tặng hộ nghèo ở Phường 4, thành phố Cà Mau tại buổi lễ bàn giao nhà ''Đại đoàn kết''.

Thu nhập chính của gia đình từ việc bán vé số dạo của ông Sơn mỗi ngày vài chục nghìn đồng. Vợ ông bị tai biến nên không thể phụ giúp gì. Cái ăn còn lo chưa xong nên gia đình đành ở trong căn nhà xiêu vẹo mặc cho mưa dột, nước ngập... Ở tuổi ‘‘Thất thập cổ lai hy’’, căn nhà ‘‘Đại đoàn kết’’ do Công ty Xổ xổ kiến thiết tỉnh tài trợ đã giúp gia đình ông vơi đi những lo lắng thường nhật.

Anh Nguyễn Hồng Khanh (37 tuổi, ngụ Thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình) cũng xúc động khi được nhận nhà ‘‘Đại đoàn kết’’. Mẹ anh qua đời cách nay vài tuần, giờ được thờ cúng trong ngôi nhà mới giúp nỗi buồn mất mẹ của anh vơi đi phần nào. Đây sẽ là động lực để anh lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo ông Phan Mộng Thành, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau, các cấp trong tỉnh có giải pháp linh hoạt, phù hợp trong công tác phối hợp các tổ chức thành viên đăng ký giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống. Giai đoạn 2019 - 2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã vận động được trên 434 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở, cầu giao thông nông thôn, tặng quà, học bổng, hỗ trợ kịp thời người dân bị thiệt hại do thiên tai, sự cố. Toàn tỉnh có trên 13.720 hộ được hỗ trợ thoát nghèo, đạt 71,15% tổng số hộ đăng ký.

Đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau, Công ty xổ số kiến thiết Cà Mau trao tặng căn nhà ''Đại đoàn kết'' cho anh Nguyễn Hồng Khanh ở Khóm 2, thị trấn Thới Bình (Cà Mau). 

Tỷ lệ hộ nghèo ở Cà Mau giảm bình quân 0,8%/năm, đến nay hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,6%. Tuy vậy, tỉnh vẫn còn trên 36.000 căn nhà không đảm bảo tiêu chí "3 cứng", chiếm khoảng 12% tổng số nhà ở trong toàn tỉnh. Qua rà soát, tỉnh có hơn 1.800 căn nhà cần phải xây dựng, bàn giao cho hộ nghèo trong năm 2025. Do vậy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau, tiếp tục phối hợp các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Tại tỉnh Trà Vinh, sáng 9/10, tại thị xã Duyên Hải, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND thị xã Duyên Hải bàn giao gần 100 căn nhà trong tổng số trên 3.200 căn được xây dựng từ đầu năm đến nay cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở và gia đình chính sách.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh Phạm Văn Cường, những năm qua, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Trong 9 tháng qua, từ nguồn phí vận động của Bộ Công an và nguồn Quỹ An sinh xã hội, Trà Vinh đã hỗ trợ xây dựng, hoàn thành trên 3.200 căn nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí hơn 180 tỷ đồng; trong đó, nguồn Bộ Công an vận động hỗ trợ 65 tỷ đồng.

Mới đây (ngày 8/10), Bộ Công an đã khánh thành và bàn giao 1.300 căn nhà cho người dân. Từ nay đến ngày 16/10, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành việc bàn giao gần 1.900 căn còn lại.

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Trà Vinh còn 3.416 hộ nghèo và 6.773 hộ cận nghèo, tương đương 1,19% và 2,35% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện còn trên 7.000 hộ khó khăn về nhà ở. Trong điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn, Trà Vinh mong muốn các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… tiếp tục đồng hành cùng tỉnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát" từ nay đến cuối năm 2025 .

Hỗ trợ cho các gia đình xây dựng nhà mới tại Tuyên Quang.

Tại Yên Bái, với quan điểm “không ai bị bỏ lại phía sau”, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, lồng ghép nhiều nguồn lực, tập trung mọi lực lượng hỗ trợ các địa phương xóa nhà tạm, nhà dột nát, giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao, an cư, lạc nghiệp trong những ngôi nhà mới kín trên, bền dưới.

Kế hoạch hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2024 đề ra là 1.424 căn nhà, bao gồm làm mới 1.046 nhà, sửa chữa 378 nhà, tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã khởi công xây dựng làm mới và sửa chữa trên 1.250 căn nhà, tập trung tại các huyện vùng cao với gần 900 căn; trong đó, huyện Mù Cang Chải 528 căn, huyện Văn Chấn 1.62 căn, huyện Trạm Tấu 204 căn...

Ông Vũ Lê Thành Anh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, hằng năm, tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện phù hợp thực tế, ưu tiên nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát cho những địa phương vùng cao với phương châm Nhà nước hỗ trợ phần nhiều, còn lại là sự đóng góp từ các nguồn xã hội hóa và hộ gia đình được thụ hưởng. Đối với các hộ nghèo ở vùng cao, địa phương nơi cư trú có trách nhiệm huy động nguồn lực tổ chức xây nhà.

  Đồng chí Đỗ Đức Duy kiểm tra công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Mù Cang Chải 

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên việc huy động nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát ngoài ngân sách hỗ trợ đạt hiệu quả rất cao, chiếm trên 85% tổng kinh phí thực hiện. Cụ thể, tỉnh Yên Bái hỗ trợ mức 50 triệu đồng/nhà làm mới, 25 triệu đồng/nhà sửa chữa; riêng tại 2 huyện đặc biệt khó khăn Trạm Tấu và Mù Cang Chải, mức hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà làm mới, 30 triệu đồng/nhà sửa chữa, cao hơn mức hỗ trợ theo quy định của Trung ương ít nhất từ 20 - 40% cho mỗi nhà. Ngoài ra, mỗi hộ còn được vay vốn ưu đãi 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bằng nhiều hình thức huy động khác nhau, cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể đã kết nối những tấm lòng nhân ái, cùng nhiều tổ chức, doanh nghiệp chung tay chia sẻ với người nghèo vùng cao để xây dựng hàng nghìn mái ấm hạnh phúc. Hằng năm, thông qua Quỹ “Vì người nghèo”, cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh Yên Bái ủng hộ ít nhất một ngày lương để hỗ trợ, quyên góp kinh phí làm nhà.

Bên cạnh nguồn vốn ngân sách kết hợp nguồn vốn xã hội hóa, các địa phương vùng cao huy động được hàng vạn ngày công, nòng cốt là lực lượng quân sự, Công an, dân quân tự vệ, đoàn viên, thanh niên, hội viên nông dân, phụ nữ… tham gia vào tất cả công đoạn, hỗ trợ bà con làm nhà. Nhờ vậy, mỗi căn nhà xây mới, sửa chữa đều giảm thấp nhất phần chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và nhân công.

Bà Nông Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái cho biết, chỉ tính 2 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ bằng hiện vật, với trị giá trên 50 tỷ đồng. Đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh hoàn thành trên 80% kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát do tỉnh giao. Tiêu biểu các huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu đã đạt 95% kế hoạch năm 2024, dự kiến đến hết năm nay, toàn tỉnh hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát của cả giai đoạn 2020 - 2025.

Có thể nói, việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự tham gia tích cực của tổ chức, cá nhân hảo tâm cùng sự đồng thuận của nhân dân là bài học sâu sắc quyết định sự thành công của chương trình xóa nhà tạm trên phạm vi cả nước. Công tác xóa nhà tạm còn mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, tạo động lực để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, khơi dậy trách nhiệm của người nghèo đối với xã hội.

398 lượt xem
Theo TTXVN

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h